Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“MƠ GIẤC MỘNG DÀI” VÀ MỘNG ƯỚC “BIẾT YÊU NHAU NHƯ LÒNG ĐẠI DƯƠNG”

(NCTG) “Kỳ tập dượt kết thúc. Tôi mệt vô cùng, nhưng hạnh phúc. Ngày mai sẽ là một đêm lớn. Hy vọng buổi diễn sẽ xuất sắc” - một ngày trước chương trình “Mơ giấc mộng dài” sẽ diễn ra trong hai tối 17-7 và 18-7-2010 tại TP HCM, nhạc sĩ Phạm Duy nhắn gửi các bạn hữu cũ và mới, đã cùng ông song hành trong những giai đoạn nhất định của đời người nghệ sĩ.

Nhạc sĩ Phạm Duy và dàn nhạc trong một buổi tập - Ảnh do nhân vật cung cấp

chương trình thứ năm trong loạt Đại Hội Ca Diễn (từ dùng của Phạm Duy - big show) mà người nhạc sĩ năm nay vào tuổi 90 đã có trong 5 năm hồi hương, “Mơ giấc mộng dài” hứa hẹn nhiều điểm đặc biệt, và cả bất ngờ đối với giới thưởng ngoạn âm nhạc.

Có lẽ đây là lần đầu tiên sau 1975, chùm ca khúc thuộc loạt Bé ca (“Ông trăng xuống chơi”) và Nữ ca (“Tuổi thần tiên”, “Tuổi ngọc”, “Tuổi mộng mơ”) của Phạm Duy mới được hát trở lại trong một “Liên khúc teen”, phần nào cho thấy sự đa dạng trong ca khúc Phạm Duy.

Ngay từ hồi đó, những giai điệu vui tươi, nhí nhảnh, trong sáng..., theo phong cách nhạc trẻ quốc tế, nhưng không lai căng mà gần gũi với hồn Việt - được sáng tác cho tuổi nhi đồng, rồi qua những năm thơ bé cho đến khi mới vào đời - đã được Phạm Duy gọi bằng cái tên “xì-tin”.

Cũng là lần đầu tiên mà những tình ca “bom tấn” trong dòng Nhạc tình cảm tính của Phạm Duy - “Thương tình ca”, “Đừng xa nhau”, “Tôi đang mơ giấc mộng dài” (phỏng thơ Lệ Lan), “Nếu một mai em sẽ qua đời”, “Hoa rụng ven sông” (phỏng thơ Lưu Trọng Lư), “Đừng bỏ em một mình” và “Kiếp nào có yêu nhau” (thơ Minh Đức Hoài Trinh), “Tóc mai sợi vắn sợi dài”... - sẽ đồng loạt được ra mắt khán thính giả trong nước.

Lấy cảm hứng từ một mối tình kéo dài 10 năm và cũng để vinh danh cuộc tình đó, các nhạc phẩm trên còn là sự minh họa cho điều mà Phạm Duy tâm sự ngay ở thời điểm ấy (cuối thập niên 50 thế kỷ trước): đối với ông, lúc đó, chỉ có ba điều quan trọng nhất là Tình yêu, Sự đau khổ và Cái chết.

Đặc biệt, sau “Tình ca”, một nhạc phẩm lớn khác của Phạm Duy trong dòng nhạc Tình ca quê hương & Tình tự dân tộc - ca khúc “Tình hoài hương” - cũng sẽ được vang lên lần đầu trong dịp này.

Gần 60 năm sau ngày ra đời, “Tình hoài hương” vẫn là một trong số những bài ca đẹp nhất của Tân nhạc Việt Nam về “Quê hương tôi, có con sông dài xinh xắn - Nước tuôn trên đồng vuông vắn - Lúa thơm cho đủ hai mùa - Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê...”, và có đoạn kết như nói hộ tấm lòng hoài nhớ muôn thuở của người viễn xứ: “Người phiêu lãng! - Nước mắt có về miền quê lai láng - Xa quê hương! Yêu quê hương!”.

Và cuối cùng, sự hiện diện chính thức lần đầu tiên sau khi ra đi của nữ ca sĩ Ý Lan trên một sân khấu lớn của âm nhạc Việt Nam với nhiều tình khúc từng vang bóng có thể sẽ nhắc nhớ đến giọng ca lớn Thái Thanh, người đã trình diễn và biến thành bất tử đa số các nhạc phẩm tiêu biểu Phạm Duy.

Có tham vọng ghi nhận những giai đoạn của đời người cùng nhiều sắc thái tình cảm khác nhau, với nhiều loại “ca” khác nhau, nhưng phải chăng thông điệp chính toát ra từ chương trình “Mơ giấc mộng dài” lần này, chính là mong ước con người, vào một ngày nào đó, có thể “biết yêu nhau như lòng đại dương”, như Phạm Duy đã diễn tả trong “Tình hoài hương”?

Xin giới thiệu tới độc giả chùm ảnh do nhạc sĩ Phạm Duy cung cấp về những khoảnh khắc chuẩn bị cho buổi diễn đáng ghi nhớ sắp tới:

Ca sĩ trẻ Khánh Linh

Minh họa cho “Gánh lúa”, một ca khúc được sáng tác từ thời Kháng chiến

Cùng Ý Lan và Mỹ Linh, hai Diva thuộc hai thế hệ hát nhạc Phạm Duy

Cùng trưởng nam Duy Quang và các ca sĩ trong buổi diễn tập

Cùng các ca sĩ nhí của Bé ca

Cùng nhà nghiên cứu sử nhạc Nguyễn Thụy Kha

Tác giả bài viết: Trần Lê