Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“MISS SAIGON” GIỮA LÒNG BUDAPEST

(NCTG) “Đối với tôi, “Miss Saigon” là một tác phẩm nghệ thuật nước ngoài mang tính “phản chiến” mạnh mẽ nhất và nhân đạo nhất. Đơn giản vì nó đề cập đến tình cảm của con người: tình yêu nam nữ vô biên giới, sự hiến dâng, tình cảm vợ chồng, nỗi băn khuăn của các chiến binh sau chiến tranh, tình yêu con đã trở thành đạo lý trong cuộc sống của các bà mẹ Việt Nam…”.

Tác giả Đặng Phương Lan trước buổi diễn “Miss Saigon” tại Nhà hát ca - nhạc - vũ - kịch Budapest (Budapesti Operettszínház)


Khoảng giữa thập niên 80, gần mười năm sau cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, trong giờ nghỉ một buổi tập, nhà soạn nhạc kịch nổi tiếng Claude- Michel Schönberg tình cờ đọc một tạp chí ai đó để quên trên đàn piano của ông và lập tức có ấn tượng mạnh với bức ảnh chụp một bà mẹ bịn rịn chia tay đứa con gái ở sân bay Tân Sân Nhất.

Cô bé là con lai mang hai dòng máu mẹ Việt và bố chiến binh Mỹ, đã sống như những em bé “bụi đời”, một “tàn dư” của chiến tranh bị chế độ xã hội mới ruồng bỏ. Chia tay với con, người mẹ biết có khi chẳng bao giờ được gặp lại con nữa, nhưng hy vọng đứa con mình sang Mỹ sẽ tìm lại được bố và được nuôi dưỡng, có môi trường phát triển tự do.

Cái nắm tay cuối cùng và cái nhìn đắm đuối của chị với đứa con đã là hạt giống đầu tiên của vở musical “Miss Saigon” ra mắt vào năm 1989, một trong những đại nhạc kịch nổi tiếng nhất của lịch sử sân khấu thế giới.

Nghe tiếng vở musical này từ rất lâu, nhưng có khi bị định kiến của những bộ phim Mỹ về chiến tranh Việt Nam, tôi cũng chần chừ không đi xem vì nghĩ người nước ngoài sẽ không “hiểu được mình”. Cho đến khi nghe tin một ca sĩ trẻ gốc Việt Nam được chọn vào diễn vai nữ chính, tôi mới vội mua vé vào phút chót và thực sự giật mình bởi những hiểu biết, suy nghĩ của thế giới về Việt Nam.

Sau khi đã công diễn ở nhiều thành phố lớn trên thế giới như New York, London, Toronto, Tokyo…, Miss Sài Gòn đến Hungary năm 1994. Ông bầu của vợ nhạc kịch Cameron Mackintosh đã nhớ lại kỷ niệm khi sang “duyệt” Miss Saigon như sau: “Tôi cảm thấy hơi lo lắng và hồi hộp. Bởi sau những thành công vang dội tại các sàn diễn tiếng tăm, không biết nước Hung bé nhỏ này có mang lại cho tôi được cảm hứng gì mới?

Nhưng ngay sau những phút giây đầu tiên tôi đã bị cuốn hút bởi trình độ dàn dựng quá am hiểu, sân khấu đẹp cả về mặt nghệ thuật lẫn kỹ thuật và trình độ hát cũng như diễn xuất của các diễn viên! Tôi nói rất thực lòng rằng buổi ra mắt ở Hung là buổi diễn thành công nhất trên toàn thế giới!
”.

Không biết ông bầu có quá lời, nhưng vở “Miss Saigon” phiên bản tiếng Hung đã tập trung hầu hết tất cả những nghệ sĩ tinh túy nhất: từ đạo diễn KERO® được giải thưởng nghệ thuật danh giá nhất nước Hung mang tên Kosssuth, đến trang phục diễn viên, chỉ đạo múa, dàn dựng sân khấu bởi Erkel László, thuộc dòng họ của nhà soạn nhạc nổi tiếng Erkel Ferenc, người viết nhạc cho bản Quốc ca Hungary.

Cảnh lính Mỹ trèo lên những chiếc phi cơ rực thăng cuối cùng rời Sài Gòn và hàng nghìn sinh mạng chà đạp, bấm víu lên nhau để muốn đi theo “thực” đến nỗi tưởng như đang chứng kiến ngoài đời. Có lẽ nhà dàn dựng đã phản xem hàng ngàn thước phim tư liệu về Việt Nam để nghiên cứu mà tạo dựng một “chú chuồn chuồn” khổng lồ biết bay trên sân khấu như vậy.

Và có lẽ một điều ít người biết đến: chính tác giả Claude Michel Schönberg là một người gốc Hung, sinh ra tại Pháp trong một gia đình Hung nhập cư đến từ vùng Erdély. Phần âm nhạc mang nhiều hơi hướng của opera hoành tráng xem lẫn với những giai điệu đẹp tuyệt vời của dân ca Hung.

Có lẽ diễn viên của nhạc kịch phải luyện tập công phu nhất vì họ không những phải nhập vai, diễn xuất tốt mà còn cần có giọng hát chuyên nghiệp, kỹ thuật vũ đạo khá phức tạp. Điều làm rung động người xem nhất có lẽ vẫn là sự say mê của họ vớí vai diễn, tình cảm của họ với nội dung của vở kịch và qua đó như cả với con người Việt Nam…

Hiền, cô gái Việt Nam được cả nước Hung biết đến trong kỳ thi tài năng tiếng hát ở Hungary năm 2008 có giọng hát thật mượt mà, êm ái, trong sáng. Tuổi còn trẻ và chưa có bề dầy kinh nghiệm của diễn xuất, nhưng Hiền lại có ngoại hình rất hợp vai: dáng người nhỏ nhắn bó gọn trong chiếc áo dài trắng, lọt thỏm trong vòng tay người yêu luôn gây cảm tình cho người xem mỗi khi xuất hiện.


Nguyễn Thanh Hiền rất thuyết phục ngay trong lần đầu thủ vai nữ nhân vật chính (Kim) trong vở diễn

Đối với tôi, “Miss Saigon” là một tác phẩm nghệ thuật nước ngoài mang tính “phản chiến” mạnh mẽ nhất và nhân đạo nhất (ở đây khỏi phải kể đến những hình ảnh phản diện kiểu Rambo đầy rẫy trong các bộ phim Mỹ về chiến tranh Việt Nam). Đơn giản vì nó đề cập đến tình cảm của con người: tình yêu nam nữ vô biên giới, sự hiến dâng, tình cảm vợ chồng, nỗi băn khuăn của các chiến binh sau chiến tranh, tình yêu con đã trở thành đạo lý trong cuộc sống của các bà mẹ Việt Nam…

Con người ta cho dù có sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nói bất cứ ngôn ngữ nào cũng đều dễ cảm nhận và đồng cảm được những tình cảm đó. Theo thống kê chính thức của nhà bản quyền “Miss Saigon”, từ buổi ra mắt đầu tiên tại West End (Anh) năm 1989 đến nay, những thông điệp về tình cảm này đã được chuyển tới 25 quốc gia, 246 thành phố trên toàn thế giới, chạm vào trái tim của hàng triệu khán thính giả.

Cảnh cuối của vở nhạc kịch, khi người mẹ chia tay cậu con trai nhỏ bé, tự kết liễu đời mình để con được sang với người bố là cựu binh Mỹ, nghe những câu hát cuối cùng cất lên, nước mắt tôi cũng chảy ròng trên má như hàng ngàn khán giả Hung - Việt trong buổi xem đó. Nhưng trong thâm tâm tôi lại thấy vui và tràn trề hy vọng bởi những tác phẩm nghệ thuật “sống mãi trong mọi thời đại” như thế này sẽ luôn góp phần đẩy lùi bạo lực, chiến tranh, khiến mọi người trên thế giới xích lại gần nhau hơn.

Riêng đối với Việt Nam, bốn thập niên sau chiến tranh, đã có rất nhiều thay đổi trong mối quan hệ với Hoa Kỳ. Người Mỹ cho dù có mắc phải sai lầm gì đi chăng nữa thì cũng là một dân tộc cởi mở, thân thiện, sẵn sàng đối thoại, trực diện với quá khứ để rút ra bài học và cùng nhau hướng đến tương lai.

Những tác phẩm điện ảnh của Việt Nam về đề tài chiến tranh như “Bao giờ cho đến tháng Mười” đã được chiếu tại Mỹ từ thập niên tám mươi thế kỷ trước. Gần đây, “Đừng đốt” cũng được giới thiệu tại nhiều thành phố của Mỹ và nhận được những đánh giá cao. Thầm hy vọng có ngày “Miss Saigon” cũng được đến với khán giả Việt Nam và có lẽ lúc đó mối quan hệ Việt - Mỹ cũng bước sang trang sử mới.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: BS. Đặng Phương Lan, từ Budapest - Ngày 21-1-2015