Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MIẾNG CƠM TINH THẦN

(NCTG) “Trên đường về, ông anh vẫn cảm giác tuôn trào, bày tỏ sự khán phục bộ sưu tầm của Hung, có rất nhiều tuyệt tác hiếm của Châu Âu được trưng bày tại đây, thằng em thì thú thật, ba mươi năm ở đây, giờ em vào bảo tàng này lần thứ ba”.
“... thấy buồn cho bố nó, gần như ngày nào cũng đi qua cái nhà đẹp đẹp, vậy mà chưa một lần bước vào trong...” - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Công nghiệp
Trong một bữa “tụ tập” bạn bè, một chị quen, người đã từng làm cố vấn cao cấp trong Sở thuế Hung, phát biểu: “Có thể trong chuyên môn hẹp, mình giỏi hơn tụi Tây, nhưng khi nói về kiến thức tổng quát đời thường, từ lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, nó vẫn hơn mình”. Phát biểu của chị đã gây tranh cãi hôm đó và vẫn làm tôi nhớ mãi tới hôm nay.

Thế hệ chúng tôi/ta, những người mang cái danh Việt kiều, đã đi học hay đi làm, xông pha cứu nước cứu nhà, lặn lội ở Tây bao nhiêu năm nay, nghĩ cho cùng cũng khổ. Miếng ăn thật thì chả thiếu, nhưng miếng ăn tinh thần thì cũng hiếm hoi nhiều. Quanh năm suốt tháng làm quần quật, nhất là mấy nước Đông Âu làm bảy ngày một tuần, may có vài ngày nghỉ thì anh em tập trung, đánh chén một trận căng bụng, uống dăm hớp rượu ngon, tán phét tứ tung là thấy sung sướng rồi. Tất nhiên nhu cầu gặp mặt, nhu cầu giao tiếp rất quan trọng, nhưng vẫn thấy thiếu đâu đó miếng ăn tinh thần, miếng cơm văn hóa.

Vài năm gần đây, nhờ sự nhiệt tình của các bạn có tâm huyết với ca nhạc, bên Hung ta cũng có tổ chức được một số buổi diễn, với các “sao” từ trong nước sang, bà con cũng vui vẻ tham gia, được thỏa mãn phần nào nhu cầu văn hóa. Nhưng có lẽ một năm ăn hai-ba lần thì vẫn còn hơi đói. Nếu ai có vào xem lịch của các cung văn hóa, cung thể thao có điều kiện tổ chức các sự kiện lớn tại Hung, mới thấy họ hoạt động phải nói “kinh nhờ”, kín lịch hết trước cả năm, tháng 12 rồi tôi đã thấy có quảng cáo buổi ca nhạc của một ca sĩ Mỹ tên tuổi sẽ tới Hung tháng 11 năm 2016, hãi thật.

Hôm trước nhờ có nghệ sĩ Nguyễn Thanh Hiền nhận vai chính trong vở “Miss Saigon”, anh em ta đi xem nhiều, gặp nhau đông vui trong Nhà hát Nhạc vũ kịch Budapest (Budapesti Operett Színház). Chị bạn tôi cứ vuốt ve cái ghế đang ngồi, khen lấy khen để: “Ôi cái ghế mịn thế, ngồi sướng cả mông. Mà hóa ra trong này từ cái trần đến cái ban-công nó sơn vẽ nhiều kiểu đẹp thật anh nhỉ, em ở đây 15 năm, giờ mới vào chỗ này lần đầu đấy, chụp được khối ảnh đưa lên phây”.

Trong những buổi xem biểu diễn, mình hay lẩn thẩn để ý mấy khán giả Tây. Có rất nhiều cô bác anh chị, nhìn tướng ăn mặc biết ngay ở làng quê nào đó, họ chắc là khách hàng thân thiện của các cửa hàng bán quần áo rẻ Tàu, bán nhu yếu phẩm giá bèo của ta, vậy mà cứ đến hẹn lại lên họ vẫn có khoản chi phí đi xem ca nhạc, ăn miếng bánh mỳ văn hóa đầy đủ.

Năm kia có ông anh họ ở Mỹ sang chơi, vì rất thích hội họa, anh nói mình chở đi thăm Bảo tàng Mỹ thuật Hung. Gần ba tiếng đồng hồ trong bảo tàng, ông anh lúc đứng từ xa ngắm, lúc đeo kính lên đến gần đọc chú thích, rồi lại lùi ra xa, suýt xoa, sung sướng. Thằng em thì cứ ngáp ngắn ngáp dài theo sau, nhìn tường, liếc cửa sổ, quan sát mấy ông bà Tây đang tần ngần ngắm tranh, chả hiểu họ ngắm cái gì kỹ thế, không nhẽ nhìn lâu tranh nó hóa đẹp à? Trên đường về, ông anh vẫn cảm giác tuôn trào, bày tỏ sự thán phục bộ sưu tầm của Hung, có rất nhiều tuyệt tác hiếm của Châu Âu được trưng bày tại đây, thằng em thì thú thật, ba mươi năm ở đây, giờ em vào bảo tàng này lần thứ ba.
 
Trẻ em Tây được tiếp xúc với nghệ thuật từ rất sớm, và thường xuyên - Minh họa: hangszervarazs.hu
Trẻ em Tây được tiếp xúc với nghệ thuật từ rất sớm, và thường xuyên - Minh họa: hangszervarazs.hu

Con gái của tôi năm nay lớp 6, nhưng để ý từ lúc lớp 4, 5, nó đã học về đạo Phật, đạo Hồi, đạo Do Thái, ngoài đạo Thiên Chúa giáo, những điểm nổi bật về văn hóa các tôn giáo nó đều nắm được. Từ năm lớp 1, năm nào trường cũng tổ chức ít nhất hai, ba lần đi xem các vở kịch, nhạc kịch ở các nhà hát, chuyện ăn mặc lịch sự để đi xem hát, thưởng thức nghệ thuật trở thành tất nhiên trong đầu nó. Mùa xuân, khi trời đẹp, lâu lâu các cô giáo dẫn học sinh đi thăm các viện bảo tàng thay cho những giờ học gò bó trong lớp. Cũng thấy buồn cho bố nó, gần như ngày nào cũng đi qua cái nhà đẹp đẹp, vậy mà chưa một lần bước vào trong, hôm rồi cháu nó kể chuyện mới đi thăm quan ở đó về, có những hiện vật, chương trình gì rất hay trong đó, mới vỡ lẽ, hóa ra đấy là Bảo tàng Mỹ thuật Công nghiệp (Iparművészeti Múzeum).

Việc lên thư viện mượn sách, đọc sách hay đi xếp hàng mua sách và xin chữ ký của các nhà văn là những chuyện thường ngày ở huyện đối với các cháu. Thỉnh thoảng các nhà văn, nhà thơ tới lớp kể chuyện này kia cho trẻ em, chả ai bắt buộc nghe, chả ai chi tiền nói. Mình nhớ từ bé đến lớn, chưa lần nào được gặp ông nhà văn bằng thịt bằng da nào, sau này mới biết có khối ông nhà văn nổi tiếng cũng trong khu tập thể nhà mình, có khi cũng đã chen nhau lúc sắp hàng mua cá biển rồi cũng nên.

Bố mẹ nào có con tham gia các môn thể thao ở Tây cũng đều biết, các chương trình tập luyện, thi đấu của trẻ em đều được sắp xếp kín mít trước cả năm, những buổi thi đấu của các cháu dù ở mức độ khởi đầu đều được tổ chức rất nghiêm túc, đàng hoàng, đôi khi rất hoành tráng, và tất nhiên thiếu những cuộc phát biểu rườm rà của các bác lãnh đạo. Thêm nữa, các bé được rèn luyện một tinh thần, rằng bất cứ cuộc thi nào dù lớn, dù nhỏ, cũng phải chuẩn bị, rèn luyện một cách hết sức nghiêm túc, ví dụ như chương trình thi nhảy tưng tưng của con gái có 4 phút rưỡi, mà nó tập phờ người gần cả tháng trời. Nói thì có vẻ cao xa, nhưng cái nền và cái hướng giáo dục thấy hình như cũng quan trọng nhỉ.

Lang bang mãi đủ thứ chuyện, xin kết bằng lời của bạn tôi: để đời F1 sửa thôi, văn hóa đã ngấm sâu rồi, gột rửa lâu lắm đấy, và mong ước của bác tôi làm sao để sánh vai với các cường quốc năm châu.
 
Ngô Quý Dũng, từ Budapest - Ngày 9-1-2016

* Lần gần nhất bạn đi xem một buổi hòa nhạc, hoặc bảo tàng... là bao giờ? Hãy chia sẻ với NCTG.