MIẾNG ĂN
- Chủ nhật - 28/09/2014 15:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Có một quy luật tưởng như nghịch lý đó là khi con người ta đói khổ lâu quá, đến khi có của ăn của để người ta thường phí phạm vung vãi như một sự bù trả cho quãng thời gian đã qua”.
Thường xuyên bị đói nên quan trọng miếng ăn - Minh họa: Internet
Miếng ăn quan trọng với người Việt lắm, hầu như tất cả các việc quan trọng trong đời đều gắn với chữ “ăn”: Ăn hỏi, Ăn cưới, Ăn giỗ, Ăn học, Ăn chơi... Rồi đến tính cách, ứng xử cũng dùng chữ ăn để diễn tả: Ăn xổi ở thì, Ăn lông ở lỗ, Ăn mặc, Ăn nằm... Khi dọa nhau người việt cũng dùng chữ ăn: Ăn tát, Ăn đòn.
Miếng ăn quan trọng thế cũng bởi trong lịch sử, người Việt thường xuyên bị đói. Với nền nông nghiệp lúa nước, phụ thuộc vào tự nhiên - năm nào trời cho mưa thuận gió hòa thì thóc lúa mới đầy bồ, còn năm nào thiên tai lũ lụt hạn hán thì đói cả năm. Đấy là chưa nói đến yếu tố xã hội.
Cả một quá trình lịch sử hàng nghìn năm thiếu đói, đã phần nào làm nên tính cách, văn hóa Việt.
Người ta lấy miếng ăn ra để dạy con dạy cháu lòng tự tôn, tự trọng: rằng “miếng ăn - miếng nhục”, “cấm ăn chực”, “cấm nhìn mồm”.... Dạy thế để con cháu biết giữ thể diện bản thân, và quan trọng hơn để ra vẻ với người ngoài rằng “nhà tao không phải phường chết đói”.
Trong gia đình, trên cùng một mâm cơm mà có nhà còn phân ra “món này của ông”, “món kia của em bé”. Mỗi khi có đám thì người ta sẽ phân ra mâm trên, mâm dưới - như một sự phân định vị trí xã hội. Đủ để thấy người Việt hiếm khi được thoải mái trong ăn uống.
Ngay cả phạt vạ cô gái chót dại chửa hoang, quan làng cũng quy ra bao nhiêu mâm. Rồi có khi chỉ một bữa phạt vạ đó mà làm nạn nhân sạt nghiệp.
Trải qua nạn đói năm 1945, rồi qua thời bao cấp “không ai chết đói, nhưng đói đến chết” càng làm cho miếng ăn được coi trọng, người Việt đánh giá nhau qua ăn uống, nhiều tập quán cũng được xác lập và bảo tồn vì miếng ăn.
Dấu vết nghèo đói bộc lộ rất rõ thông qua cung cách nuôi con của các bà, các mẹ thời nay. Chắt trên thế giới này chỉ có các bà, các mẹ Việt mới ép con nhỏ ăn một cách khủng khiếp và cực đoan. Đứa nhỏ ăn mà như một sự hành hạ. Nhiều lần chứng kiến đứa bé no đến ọe cả đồ ăn ra, nhìn mặt người mẹ mà cảm thương “phí hết cả công mẹ, con chả thương mẹ gì cả!”, rồi mẹ bé đứng dậy, lấy tiếp một bát khác...
Để ra vẻ ta không phải đứa chết đói, người Việt có thói quen để lại một tí chứ không ăn sạch lộ đáy bát. Từ cung cách cụ thể ấy, dân gian có câu đánh giá lối ứng xử “uống nước uống cả cặn” để chỉ những kẻ tham lam “ăn bẩn”. Cho đến thời nay, khi mà miếng ăn không còn là miếng thiếu miếng thốn, rất nhiều người Việt trẻ vẫn cảm thấy “mất mặt” khi bạn bè hay người thân hỏi xin chủ quán cái hộp để gom đồ ăn thừa mang về.
Ăn uống thừa mứa nhiều khi vẫn được coi là biểu hiện của sự sang trọng - Minh họa: Internet
Có một quy luật tưởng như nghịch lý đó là khi con người ta đói khổ lâu quá, đến khi có của ăn của để người ta thường phí phạm vung vãi như một sự bù trả cho quãng thời gian đã qua. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều đại gia trọc phú gọi đồ ăn nhiều đến mức lúc tàn tiệc, gọi thanh toán rồi mà đồ ăn vẫn được mang ra, cả một bàn ê hề đồ ăn, toàn cao lương mỹ vị, và đặc biệt rất ít rau xanh. Đại gia nói: “Đi ăn với đội anh là phải thoải con nhà bà mái!”.
Nghe các anh mới phất ngồi với nhau bàn về rượu, bàn về các loại đặc sản mà thấy sởn gai ốc: các loại thú hoang, con đi trên cạn, con bay trên trời, con bơi dưới nươc, con rúc dưới bùn... cái gì các anh cũng đã từng thưởng thức.
Rồi đến rượu ngâm, tưởng như trên thế giới này các loại động thực vật, các loại bộ phận cái gì cũng ngâm rượu để uống cho “tráng dương cường lực” vậy. Chả thế mà chỉ sau ít năm có tiền, đa số các anh ấy tích mỡ béo phì, mang theo nhiều loại bệnh chuyển hóa - là đặc sản của lối ăn uống thừa mứa, vô độ.
Cái lối “trả thù đời” ấy của những người nông cạn, có khi có học nhưng ít văn hóa đã làm cho người Việt khi ra nước ngoài bị coi thường, bị phân biệt đối xử bằng các tấm biển nhắc nhở “Lấy đồ ăn vừa đủ”.