Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“METAMORPHOSIS” HAY LÀ ẨN DỤ VỀ NỖI BUỒN

(NCTG) “Tại sao con người đã tiến rất xa về khoa học và tư duy, mà vẫn cứ bối rối không biết cách xử trí ra sao với nỗi buồn?”.
Vở ballet “The Metamorphosis” của Arthur Pita, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Franz Kafka
1. Năm 1915, Kafka ra mắt tiểu thuyết “The Metamorphosis” (Hóa thân) kể về một anh chàng tên Samsa bỗng nhiên biến thành một con bọ. Từ đó bắt đầu một trong những bí ẩn lớn nhất trong giới văn chương: rốt cuộc đó là con gì?

Vì muốn hướng người đọc đến cảm giác kinh tởm của Samsa trước hình hài mới chứ không phải bản thân hình hài đó, nên Kafka cố tình giữ hình ảnh con vật đó trong bí ẩn. Kafka dùng chữ “Ungeziefer” mơ hồ thay vì chữ “Insekt”, làm cho không ít dịch giả bối rối. Kafka còn dặn người minh họa sách tuyệt đối không được vẽ con bọ, vì vậy bìa sách đầu tiên hoàn toàn không có tính “hóa thân” gì cả. Văn hóa đại chúng hay hình dung đó là con gián. Nhưng tác giả “Lolita” kiêm chuyên gia bướm học và tiểu tiết vụn vặt Nabokov khẳng định đó phải là bọ cánh cứng.

2. Trong một giai đoạn tăm tối của đời mình, tôi chợt nhận ra mấu chốt không phải nằm ở bề ngoài mà ở “chất dịch màu nâu” tiết ra từ miệng con bọ. Trong tiếng Hy Lạp cổ, “melas” nghĩa là “đen” và “kholé” nghĩa là “dịch mật”, hợp lại để tạo ra từ “melancholy” (thông thường nghĩa là “u buồn”, trong tâm lý học còn chỉ một dạng trầm cảm, tức là sự buồn bã nặng nề). Tôi nghĩ, biết đâu chất dịch chảy ra từ miệng Samsa chính là nỗi buồn, và “Hóa thân” thật ra là câu chuyện về một người buồn bã đến mức biến dạng hình hài.

Hiểu theo lối ẩn dụ, Samsa có đầy đủ biểu hiện của một người trầm cảm: anh không còn muốn ăn uống, nói chuyện như người bình thường. Anh không còn kết nối được với bất kỳ ai, không còn thấy sự an ủi ở những thứ như tình ái, tri thức hay nghệ thuật. Anh cảm thấy mình như bị bao bọc trong một lớp màng, cách ly mình với cuộc đời và sự sống. Bên trong lớp màng là một trái tim băng giá, tê liệt. Bên ngoài lớp màng, thế giới trôi đi trong hờ hững, không ai ngoái nhìn hay ghi nhận nỗi buồn của anh. Khi anh cố chia sẻ cảm giác của mình, người khác lại xem anh như kẻ yếu đuối và là gánh nặng đáng xấu hổ cho gia đình và xã hội.

Bao nhiêu người trầm cảm từng trải qua cảm giác tự cô lập và bị cô lập như vậy? Những lúc đó, chúng ta khác gì một con bọ dị hợm ở giữa thế giới loài người? Tôi nghĩ, biết đâu con bọ của Kafka thật ra chỉ là một con người bị nỗi buồn làm cho méo mó, đến mức nhân loại không còn (muốn) nhận ra đó là một con người.
 
Bìa ấn bản “The Metamorphosis” đầu tiên
Bìa ấn bản “The Metamorphosis” đầu tiên

3. Trong văn chương và ngôn ngữ, dường như người ta cảm nhận được khả năng “hóa thân” của nỗi buồn từ rất sớm. Chúng ta nói “nỗi đau khiến trái tim tôi se sắt” hoặc “trái tim tôi tan nát”. Trong từ nguyên gốc Hán, chữ “bi” () trong “bi thương” gồm trái tim (chữ tâm) bên dưới, bên trên là hai cánh chim đối diện chỉ sự chia tách. “Bi thương” là cảm giác đau buồn đến mức trái tim như bị xé đôi.

Vào khoảng năm 700, người Nhật dùng chữ “bi” này kết hợp với chữ “” trong cô độc để tạo thành chữ “luyến” trong lưu luyến. Thương nhớ một người là ôm vào lòng sự cô độc và đau khổ. Sau này người ta dùng chữ “luyến” khác, nhưng tôi luôn tự hỏi có phải người Nhật là những người đầu tiên hiểu rõ bản chất đau thương của tình yêu?

4. Năm 1991, y học Nhật Bản bắt đầu ghi nhận hội chứng Takotsubo (bình bắt mực), tiếng Anh thường gọi là “hội chứng trái tim tan vỡ”, trong đó một trái tim tan vỡ theo nghĩa bóng (do những sang chấn tình cảm quá mạnh như mất người thân hoặc xa rời người yêu) khiến trái tim đó thực sự tan vỡ theo nghĩa đen (tim bị vỡ cấu trúc, tâm thất trái phình dãn ra thành hình chiếc bình bắt mực). Nghĩa là trạng thái buồn bã bên trong thực sự có đủ sức mạnh để tác động và làm biến dạng cấu trúc cơ thể bên ngoài.

Vấn đề là, hội chứng này chỉ thực sự được biết đến rộng rãi trong y học thế giới kể từ năm 2005, nghĩa là rất gần đây. Còn trước đó, người ta làm gì với những người buồn?
 
Trái → Phải: Tim takotsubo vs. Tim thường. Hình chụp tim bị bệnh + Bình bắt mực
Trái → Phải: Tim takotsubo vs. Tim thường. Hình chụp tim bị bệnh + Bình bắt mực

5. Lịch sử khoa học dường như song hành với lịch sử chối bỏ nỗi buồn. Thế kỷ 4-5 trước CN, người Hy Lạp cổ gọi “melancholy” là “mật đen” vì họ cho rằng trầm cảm là do lá lách của bệnh nhân tiết ra quá nhiều mật đen. Hippocrates chữa trầm cảm như bệnh lý thể chất - cho bệnh nhân tắm rửa, tập thể dục và điều chỉnh việc ăn uống (cho dùng hỗn hợp chiết xuất hoa anh túc pha sữa lừa). Trong khi đó, người Lưỡng Hà, Trung Quốc và Ai Cập cổ đại xem trầm cảm là do quỷ ám và phải chữa bằng cách trừ tà (đánh đập, bỏ đói các thứ).

Thời Trung Cổ và Phục Hưng, người ta cho rằng trầm cảm là một dạng quỷ ám và chữa trị bằng cách khoan một cái lỗ trên đầu để xả tà khí. Thế kỷ 17, Robert Burton viết cuốn sách y khoa chuyên sâu về trầm cảm đầu tiên - “The Anatomy of Melancholy”, đề cập đến những cách chữa trầm cảm như dùng thảo dược, thuốc xổ, xem đàn ca múa hát và cưới vợ/chồng. Thời Khai Minh (thế kỷ 18-19), nhiều người cho rằng trầm cảm là bệnh di truyền và phải nhốt người bệnh vào nhà thương điên.

Đầu thế kỷ 20, Sigmund Freud có lẽ là người đầu tiên thực sự chạm đến đúng cốt lõi của vấn đề. Freud cho rằng trầm cảm là phản ứng với sự mất mát (có thể là mất mát thực tế như người thân qua đời, hoặc mất mát tượng trưng như thất bại nặng nề trong cuộc sống), và đề xuất cách chữa trị bằng phân tâm học (lắng nghe bệnh nhân nói). Tuy nhiên, Freud chỉ là thiểu số, còn cách chữa trầm cảm phổ biến thời đó là sốc điện (electroconvulsive therapy) hoặc phẫu thuật phá hủy một phần ở phía trước não (lobotomy), cả hai cách này đều xuất hiện trong phim “Bay trên tổ chim cúc cu” (One Flew Over the Cuckoo's Nest, 1975) như những biện pháp rất méo mó và để lại nhiều di chứng nặng nề.
 
Cảnh sốc điện trong phim “Bay trên tổ chim cúc cu” (1975)
Cảnh sốc điện trong phim “Bay trên tổ chim cúc cu” (1975)

Giai đoạn này, một nhà văn bị trầm cảm nổi tiếng là Sylvia Plath kể lại quá trình cô bị sốc điện trong cuốn “The Bell Jar” (1961) cùng những hệ quả sau đó như thay đổi tính cách, khả năng ngôn ngữ, tư duy và phán đoán - tức những thứ làm nên căn tính của một người. Sau đó hai năm, cô tự tử bằng cách cho đầu vào lò khí gas. Cùng thời gian này, Ernest Hemingway tự bắn mình sau khi sốc điện. Virginia Woolf trầm mình tự vẫn sau khi thử qua vô số liệu pháp chữa trị trầm cảm đương thời.

Tại sao con người đã tiến rất xa về khoa học và tư duy, mà vẫn cứ bối rối không biết cách xử trí ra sao với nỗi buồn? Phải chăng thế giới của lý trí không sẵn sàng đón nhận nỗi buồn như một trạng thái tình cảm đáng được quan tâm và ai cũng dễ gặp phải? Phải chăng người ta đã và vẫn muốn phớt lờ những người trầm cảm như những kẻ yếu ớt, hay than vãn và gây phiền hà?

6. Nhân loại đã tiến đến những đỉnh cao tận ngoài vũ trụ, nhưng có lẽ còn rất lâu nữa mới hiểu hết những tầng sâu thẳm của sự u buồn, nơi có những cá nhân chới với lạc loài như những chiếc bình bắt mực trống rỗng nằm lọt thỏm giữa đáy biển tối đen.

Tác giả bài viết: Phan Lặng Yên