MAXIM GORKY VÀ “NHỮNG SUY TƯỞNG KHÔNG HỢP THỜI”
- Thứ sáu - 09/11/2007 22:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cùng hồi ký “Những ngày đáng nguyền rủa” của Ivan Bunin (1870-1953) và “Tận thế của thời đại chúng ta” của Vasily Rozanov (1879-1919), “Những suy tưởng không hợp thời” được coi là những trang viết kinh điển về Cách mạng Tháng Mười, cũng như về nước Nga, tâm thức Nga sau biến cố 1917. Cả ba tác phẩm lớn này đều chỉ được ra mắt độc giả Nga sau thời “cải tổ” ở Liên bang Xô-viết, tức là sau khi chúng ra đời chừng bảy thập kỷ! Tại Hungary, cả ba được dịch và do Nhà xuất bản Châu Âu Budapest ấn hành năm 1997, dưới tựa đề “Tận thế - 1917: Các tác phẩm về cuộc cách mạng Nga” (Apokalipszis - 1917: Írások az orosz forradalomról).
Cách mạng Tháng Mười Nga và những gì diễn ra sau đó, cho dù đã trôi qua gần một thế kỷ, vẫn để lại dấu ấn rất mạnh mẽ trong đời sống xã hội và tư tưởng nước Nga, cũng như, vẫn là đề tài của vô số sách vở, hội thảo, nghiên cứu…. Đọc lại Gorky dưới một ánh sáng khác, một góc nhìn khác với những gì chúng ta thường quen thuộc ở ông xưa nay tại Việt Nam, cũng là một cách để nhìn nhận đa chiều về bài học lịch sử và những hệ lụy của biến cố lớn này của thế kỷ XX.
Bài viết sau đây về “Những suy tưởng không hợp thời” của nhà nghiên cứu văn học Hungary Szőke Katalin về “Những suy tưởng không hợp thời” là một phần “Lời bạt” cuốn sách trên. Tựa đề do NCTG tạm đặt.
*
Quan hệ của Gorky với Cách mạng tháng Mười hoàn toàn không một chiều. Thực chất, một số yếu tố nhất định của tiểu sử Gorky cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ (trong đó, có thể kể đến hoàn cảnh văn hào qua đời); sau năm 1917, chế độ Xô-viết chơi trò mèo vờn chuột phức tạp với Gorky: có lúc họ làm theo ý ông, có lúc bắt ông im lặng, có lúc tạo cho ông những đặc quyền ưu đãi, có lúc còn hạn chế tự do cá nhân của ông.
Vào năm 1917, có lẽ Gorky là nhà văn Nga nổi tiếng nhất trong nước cũng như ở nước ngoài. Ai cũng biết chẳng những Gorky có cảm tình, mà ông còn duy trì quan hệ với các lực lượng cách mạng. Năm 1901, Gorky viết “Bài ca chim báo bão”, tác phẩm cơ bản của dòng văn học lãng mạn cách mạng đầu thế kỷ. Năm 1905, ông tham gia tờ báo hợp pháp đầu tiên của đảng bôn-sê-vích - tờ “Novaya Zhizni” (Đời mới) -, lúc đó ông gặp gỡ lần đầu và làm quen với Lenin. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai người hoàn toàn không suôn sẻ. Từ 1906 trở đi, Gorky chịu ảnh hưởng tư tưởng của triết gia A. Bogdanov, ông cũng tin tưởng một cách nghiêm chỉnh rằng có thể dung hòa nền tôn giáo Nga với những ý tưởng cách mạng (thử nghiệm tìm đường mang tính tôn giáo của Gorky được phản ảnh trong tiểu thuyết “Người mẹ”). Vì lý do đó, Lenin đã có những lời lẽ phê phán đối với văn hào vì sự "ngây thơ" của ông.
Về thực chất, mối quan hệ giữa hai người trở nên đặc biệt căng thẳng trong thời gian trước Cách mạng tháng Mười. Gorky hồ hởi đón mừng Cách mạng tháng Hai và, cùng những người Xã hội Cách mạng cánh tả và những người có tư tưởng "quốc tế" (N. Sukhanov, A. Tikhov, V. Desnitsky), ngày 1-5-1917, nhà văn phát hành một tờ báo ở Petrograd, cũng lấy tên “Novaya Zhizni”. Tờ báo đặt mục tiêu bảo vệ nền dân chủ trong tinh thần cuộc Cách mạng tháng Hai. “Novaya Zhizni” chủ trương đa nguyên chính trị, đối lập với sự chuyên chế của các Xô-viết, phê phán chủ nghĩa bôn-sê-vích, thường xuyên tranh luận với tờ “Pravda” và vì thế, hậu quả là tờ báo bị cấm vĩnh viễn ngày 6-7-1918, theo chỉ thị của Lenin.
Với tựa đề “Những suy tưởng không hợp thời”, Gorky phụ trách mục chính trị và xã hội, xuất hiện hàng ngày trên tờ báo. Năm 1918, sau khi tờ báo bị cấm, ông phát hành loạt bài viết đó dưới dạng một tập sách ở Petrograd và Berlin. Nhiều bài viết được dịch ra các thứ tiếng ở châu Âu. Dễ hiểu là loạt bài “Những suy tưởng không hợp thời” chỉ được ấn hành ở Liên Xô vào cuối thời kỳ "cải tổ" và "công khai" của Gorbachev, mặc dù thiếu “Những suy tưởng không hợp thời”, không thể có một tiểu sử chân thực về Gorky và chúng ta sẽ khó lòng hiểu nổi sự hình thành thế giới quan của Gorky.
Từng bài viết trong loạt “Những suy tưởng không hợp thời” cho ta thấy hình ảnh xác thực về cuộc cách mạng Nga. Xét về phương diện văn học, chất lượng của chúng không đồng đều: có thể nhận ra đó là các bài viết vội vã bởi Gorky muốn đánh giá những sự kiện thường nhật và ông coi đó là điều quan trọng hàng đầu. Phong cách trong các bài viết cũng không đồng nhất, lúc quá nhiệt thành, ham mê, lúc quá giản lược, mang tính lên lớp, thậm chí đôi khi ông dùng giọng điệu quá thô tục, đại chúng.
Trong các bài viết của loạt “Những suy tưởng không hợp thời”, thái độ phê phán - thậm chí công phẫn - được tách rời rõ ràng với ước vọng không tưởng kiểu Gorky, hòn đá tảng trong thế giới quan của văn hào mặc dù ông có cái nhìn tỉnh táo trước hiện thực cuộc sống. Tư tưởng chủ đạo trong sự phê phán của Gorky trùng hợp với khẩu hiệu của những phong trào nhân quyền ở Nga và Đông Âu trong thời gian sau này. Nhà văn lên tiếng bảo vệ tự do ngôn luận và tự do báo chí, vốn được ông coi là những thành quả cơ bản của cuộc Cách mạng tháng Hai. Đồng thời, nhân danh đạo đức và thẩm mĩ, ông lên án giọng điệu sai sự thật trong báo chí mà ông gọi là "những bài viết nhỏ nhặt, bẩn thỉu", ở đó gia đình [Hoàng gia] Romanov bị mang ra chế nhạo. Gorky cũng lên tiếng phản đối những cuộc bắt bớ và bảo vệ sự đa nguyên chính trị khi ông được biết tin hai lãnh tụ đối lập thuộc Đảng Kadet (Shingaryov và Kokoshkin) bị thảm sát tàn bạo. Ông khắc họa nên một bức tranh khủng khiếp về sự bùng nổ của bản năng "vỉa hè" của đám đông hung bạo, về sự "tự xử" và những cuộc đàn áp, truy lùng. Gorky vạch trần đường lối lừa dối, mị dân của nền báo chí bôn-sê-vích, chỉ ra vực thẳm sâu sắc giữa phe bôn-sê-vích và nhân dân, và khẳng định: xét về thực chất, những người bôn-sê-vích thi hành một cuộc chiến chống nền dân chủ và giai cấp công nhân (trí thức). Rất đáng để ý đến những lời ông phê phán Lenin trong “Những suy tưởng không hợp thời”: Gorky là người đầu tiên cho rằng Lenin và Trotsky có nguồn gốc từ những nhà cách mạng cuồng tín vô chính phủ kiểu Bakunin - Nechayev (sau này, ý kiến đó được [triết gia] N. Berdayev phác họa vô cùng chính xác trong tác phẩm “Ý nghĩa và nguồn gốc của chủ nghĩa cộng sản Nga” của ông).
Trong công trình nghiên cứu về “Những suy tưởng không hợp thời” viết năm 1988, không phải ngẫu nhiên mà thi sĩ lưu vong nổi tiếng người Lithuania Tomas Ventslova đã nhấn mạnh: cần tìm kiếm những căn nguyên của tinh thần đối kháng với thể chế bôn-sê-vích (lập trường cơ bản của Gorky), cũng như sự gần gũi sau này của ông với chính thể Xô-viết, trong huyền thoại cá nhân và mô hình thế giới của văn hào. Huyền thoại cá nhân của Gorky đã được phác họa rõ rệt trong các truyện ngắn, các vở kịch viết đầu thế kỷ và các tiểu thuyết trước năm 1917 (“Foma Gorgeyev” và “Cuộc đời của Matvey Kozhemyakin”). Cơ sở của huyền thoại này là một mô hình thế giới khép kín, giản lược hóa và đa phần mang tính chiết trung, là hỗn hợp của chủ nghĩa Prometheus kinh điển thế kỷ XIX và các học thuyết của Nietzsche và Marx. Gorky chủ trương một mô hình thế giới trong đó nhân loại là trung tâm, nhưng ông đẩy quan niệm đó đến tận cùng: ở ông, con người là thước đo, là điểm đầu và điểm cuối của mọi sự việc. Gorky tin tưởng vô điều kiện và có phần ngây thơ vào quyền lực của trí tuệ, trong các tác phẩm của ông, trí tuệ và nghị lực trở thành những phạm trù huyền thoại. Nhà văn hy vọng vào khả năng vô giới hạn của sự tự thực hiện con người, vào sự tiến bộ, vào "quá trình lịch sử theo hệ thống" và ông dự cảm hình ảnh một tương lai, khi sự hòa hợp xã hội vĩnh viễn được thực hiện. Chính vì thế, văn hào có thiện cảm với những tư tưởng xã hội. Ở ông, chủ nghĩa xã hội (NCXH) được nâng lên tầm chân lý khoa học, nghĩa là ông coi CNXH như sự thực hiện một thiên đường hạ giới. Xét về kết quả cuối cùng, mô hình thế giới của Gorky được xây dựng dựa trên mô hình thế mạt học (eschatology) được thế tục hóa, cũng chính là đặc điểm của những lý tưởng dân chủ cách mạng không tưởng ở nước Nga thế kỷ XIX.
Thế giới quan nói trên quyết định một cách cơ bản cương lĩnh tích cực của “Những suy tưởng không hợp thời”. Theo Gorky, nguồn gốc của mọi vấn đề, của trạng thái mọi rợ và vô chính phủ tại "nước Nga được giải phóng" là sự vô học, dốt nát và thụ động, nghĩa là sự lười nhác của thể xác và tinh thần. Như thế, con đường tự giải thoát là sự tích cực, là công việc, cũng như sự "xây dựng văn hóa". Sau khi buồn phiền vì "ở Nga, ít người yêu lao động" - luận cứ chính của nhà văn chống lại chủ nghĩa bài Do Thái, là "hầu như công nhân Do Thái bao giờ cũng lao động cừ hơn người Nga" -, Gorky nhận định rằng không còn liều thuốc nào khác ngoài việc lao động có kế hoạch trong mọi lĩnh vực của đời sống: "chúng ta sẽ tạo nên xứ sở của những điều kỳ diệu nếu chúng ta làm việc một cách năng động" - ông viết. Cương lĩnh "xây dựng văn hóa"của Gorky dựa trên các nguyên tắc lý thuyết nhận thức, bởi lẽ theo suy nghĩ của ông, một nền văn hóa đích thực chỉ có thể đặt trên nền tảng khoa học, và nó phải vận hành theo tinh thần tiến bộ và tích cực. Mặt khác, Gorky đồng nhất sự phát triển văn hóa với hoạt động giảng dạy, giáo dục, với vẻ nhiệt tâm pha chút thống thiết, ông diễn đạt quan niệm trên trong “Những suy tưởng không hợp thời”, theo tinh thần của các nhà cách mạng thế kỷ XIX: "Nếu một cuộc cách mạng không có khả năng gây tạo một sự chấn hưng văn hóa cấp thời và có hiệu quả, thì, theo ý tôi, cuộc cách mạng đó bất thành và vô nghĩa, và chúng ta thì không có khả năng sống." Mặc dù văn hào có những nghi ngại rõ rệt về đạo đức, cách nhìn nhận không tưởng của Gorky khiến việc ông trở nên hòa giải với phe bôn-sê-vích về sau này là hợp lô-gích. Những bài viết cuối cùng trong loạt “Những suy tưởng không hợp thời” đã hướng theo chiều này.
Trong thời kỳ 1918-1919, Gorky đã làm nhiều việc giúp đỡ các đồng nghiệp, trong đời sống văn học, hầu như ông được coi như cả một "cơ quan". Nhà văn ủng hộ vật chất cho những nhà văn đói khát, ốm yếu, ông sáng lập Nhà xuất bản Văn học Thế giới, tại đó các đồng nghiệp có cơ hội làm việc. Tận dụng những mối quan hệ và uy tín của mình, Gorky đã cứu vãn và bảo vệ nhiều người vô tội khỏi "nanh vuốt" của [cơ quan mật vụ chính trị] Cheka. Lenin không hài lòng về điều này và viện dẫn lý do sức khỏe, ông đã thuyết phục văn hào định cư ở nước ngoài [đa phần ông ở Ý]. Chỉ đến năm 1931, Gorky mới trở về Liên Xô, lần này là vĩnh viễn.
Thực tế, đường lối văn học Stalinist đã sử dụng quan niệm không tưởng của Gorky để sáng tạo ra cái gọi là "chủ nghĩa hiện thực XHCN". Tuy nhiên, không phải lúc nào văn hào cũng tỏ ra là kẻ "thuận lợi" đối với chế độ. Chẳng hạn, Gorky khước từ viết sách về Stalin, tuy nhiên ông lại cất lời ca ngợi công trình xây dựng hệ thống kênh đào Bạch Hải mà ai cũng biết là do những người tù khổ sai thực hiện. Trong thập niên 30, bằng những phương tiện của mình, Gorky trên tư cách "nhà đối lập của Đức vua" đã tìm cách chống lại sự diệt trừ có phương pháp phe đối lập trong đảng và một số văn sĩ, nhưng không mấy kết quả. Trong những năm cuối đời, ông còn bị cấm rời thủ đô Moscow.
Năm 1930, khi chuẩn bị bản thảo cuối cùng bài viết “V.I. Lenin” trong đó văn hào so sánh Lenin với Nga hoàng Peter Đại đế và Leon Tolstoy, ông thú nhận: mười ba năm về trước, sở dĩ ông không đồng tình với những người cộng sản vì ông đã sai lầm khi đánh giá quá cao vai trò của giới trí thức, như lực lượng duy nhất có thể lãnh đạo nước Nga.
Câu chuyện sau đây, do một nhân vật ly khai Xô-viết thuật lại trong hồi ký và được Tomas Ventslova nhắc lại trong công trình nghiên cứu thế giới quan của văn hào, có thể bổ sung vào quan niệm "khải huyền" kiểu Gorky. Năm 1949, một sinh viên Leningrad bị bắt giam vì hoạt động đối lập và tòa án xin ý kiến giám định về tâm thần học. Bác sĩ tâm thần được cử đến, sau khi tìm thấy trong người anh sinh viên một bản thảo do anh viết trong thời gian nằm viện, dựa trên cơ sở đó, đã liệt anh sinh viên vào chứng đình trệ cuồng dại và hoang tưởng tự đại. Tập bản thảo là truyện thơ trữ tình của Gorky mang tựa đề “Con người” mà anh sinh viên đã thuộc lòng và viết lại không sai một chữ.
(*) Nguyên tác Nga ngữ: М. ҐОРЬКИЙ: Несвоеврменные мысли, đăng lần đầu trên tạp chí Литературное обозрение, số 9, 10, 12 năm 1988.