“MÀU ĐỎ CỦA NƯỚC NGA XÔ-VIẾT…”
- Thứ sáu - 28/03/2014 09:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Bố mẹ tôi chỉ cần hai chữ tương lai. Tương lai những năm tám mươi của bố mẹ tôi trọn vẹn một màu đỏ của nước Nga Xô-viết…” – trích tiểu thuyết “Chinatown” của Thuận.
Tác giả Thuận – Ảnh: blog của nhân vật
“Buổi sáng Chủ nhật, mắc kẹt trong tàu điện ngầm Paris, nhân vật chính của tiểu thuyết, một phụ nữ Việt Nam tha hương, hồi nhớ mối tình dang dở của cô với Thụy, một trong hàng nghìn người Việt gốc Hoa từng bị chính quyền Hà Nội xua đuổi khỏi lãnh thổ Việt Nam vào thời điểm chiến tranh biên giới Việt-Trung.
Hà Nội - Mạc Tư Khoa - Paris, “Chinatown” (*) là hành trình của những con người bé nhỏ, nạn nhân của một lịch sử 4.000 năm chưa bao giờ thôi bất an” (Thuận).
Bìa tác phẩm “Chinatown” - Ảnh: Internet
… Vấn đề không phải là chính trị. Bố mẹ tôi ngày hôm qua vừa gọi nước Nga là thiên đường hôm nay lại sẵn sàng đến Paris rồi chết. Thậm chí nếu ngày mai Putin đưa ra một quả bom nguyên tử đòi được làm ông chủ của điện Elysée và Chirac, chán ngấy dân Pháp cứng đầu cứng cổ, cũng hồ hởi bước lên ngai vàng ở cung Kremlin, thì bố mẹ tôi vẫn vỗ tay ủng hộ cả Putin lẫn Chirac. Vấn đề không phải là chính trị. Bố mẹ tôi cóc cần chính trị, cóc cần biết tư bản là gì xã hội chủ nghĩa là gì, cóc cần biết Chirac Putin là một ông hay hai ông. Bố mẹ tôi chỉ cần hai chữ tương lai. Tương lai những năm tám mươi của bố mẹ tôi trọn vẹn một màu đỏ của nước Nga Xô-viết. Con gái học ở Nga, con rể cũng học ở Nga, về nước cả hai làm việc ở các bộ hoặc các trường đại học. Được vài ba năm, cả hai lại cùng thi nghiên cứu sinh, bố tôi sẵn sàng xếp hàng cả ngày mua bộ óc lợn thứ hai, mẹ tôi cũng không ngại gì cho thêm đỗ, bóc thêm kẹo mậu dịch để nấu bát chè nữa cho con rể. Tại Nga, trong khi chờ đợi bảo vệ luận án phó tiến sĩ, hai vợ chồng trẻ tranh thủ vào đảng, phó tiến sĩ kèm theo từ đảng viên mà cho lên các-vi-dít thì thật là lý tưởng, rồi cũng nên tranh thủ sắm cái tủ lạnh cái vô tuyến để cho vào thùng hàng biển, đừng quên chèn vào xung quanh mấy chục cái nồi hầm và vài trăm vòng bi ô tô để vô tuyến với tủ lạnh đỡ bị công kênh ba tháng liền trên mặt nước. Nếu còn thời gian thì tại sao không cho ra đời một thằng cu cho nó biết mùi bơ mùi sữa, cho nó bập bẹ tiếng Nga, mười tám năm nữa có quay lại cũng không bị ngơ ngơ ngáo ngáo. Về nước, hai vợ chồng trẻ nên bán đống nồi hầm và vòng bi ô tô cho đỡ cồng kềnh mà mua lấy căn hộ lắp ghép trong khu Kim Liên do kiến trúc sư Liên Xô thiết kế để tủ lạnh và vô tuyến Liên Xô có chỗ mà bày. Được vài ba năm, hai vợ chồng lại cùng thi nghiên cứu sinh cao cấp, nếu cần bố tôi vẫn còn sức để xếp hàng mua óc lợn, mẹ tôi vẫn còn sức để nấu chè đỗ đen. Tại Nga, trong khi chờ đợi bảo vệ luận án tiến sĩ, hai vợ chồng nên mở rộng quan hệ với các anh em sứ quán và thương vụ cho đỡ cảnh đất khách quê người. Nếu các anh em sứ quán có yêu cầu giúp họ chức bí thư chi bộ nơi mình đang nghiên cứu thì cũng nên giúp họ một tay. Nếu các anh em thương vụ có đề nghị xếp vài chục cái tủ lạnh vài chục cái vô tuyến vào công-tơ-nơ máy dệt áo len thì cũng đừng ngại vì đằng nào nhà máy dệt Nam Định cũng đã trả hết phí vận chuyển từ cảng Odessa đến cảng Hải Phòng. Về nước lần thứ ba, hai vợ chồng lúc đấy vừa trạc bốn mươi, các-vi-dít tiến sĩ đảng viên vừa in tiếng Việt vừa in tiếng Nga đỏ chói. Vợ trưởng bộ môn, chồng trưởng phòng nghiên cứu, hoặc ngược lại, điểm này cũng không nên câu nệ lắm. Một năm vài lần vào dự tiệc sứ quán Liên Xô, bắt tay vỗ vai chuyên gia Liên Xô, quay lại Liên Xô tham gia hội nghị khoa học, gặp lại các anh em thương vụ và sứ quán ta ở Matxcơva, nhân tiện mang giúp cho họ một ít áo phông cành mai, bút chì kẻ mắt và kính đổi màu, chẳng nhẽ mấy cái thùng các tông lại dùng để đựng có hai tờ giấy đánh máy đề tài nghiên cứu khoa học. Tiền rúp không nên mang về Việt Nam đề phòng Liên Xô đổi tiền lúc nào không biết. Tiền rúp nhờ các anh em thực tập sinh có nhiều thời gian rảnh rỗi xếp hàng mua hộ mấy nghìn vỉ kháng sinh giúp người bệnh trong nước vì mười triệu người bệnh trong nước bệnh gì cũng chữa bằng kháng sinh Liên Xô. Đi lại gặp gỡ như thế sáu cách tiếng Nga cũng đỡ bị quên. Hai vợ chồng nói với nhau, thỉnh thoảng đệm vài từ khờ-ra-sô, con cái vẫn hiểu vì bảy tuổi đã được gửi hết vào các lớp chuyên Nga của Hà Nội, bạn bè đến chơi cũng toàn dân khờ-ra-sô bằng đỏ Liên Xô đang nhăm nhe chức viện phó viện này, hiệu trưởng trường kia, roạt một cái trong túi rơi ra một xấp các-vi-dít đỏ chói tiến sĩ đảng viên. Đỏ chói như màu đỏ bố mẹ tôi vẫn tô hai chữ tương lai. Hai chữ ấy đổ kềnh đổ càng ngày Liên Xô tan rã, sinh viên thực tập sinh Việt Nam ở Nga không còn cả bắp cải mà nấu với thịt cừu. Bố mẹ tôi cho phe chủ nghĩa xã hội một giọt nước mắt còn cho hai chữ tương lai hai cái khăn mùi soa ướt. Cả tuần liền mẹ tôi ốm, bố tôi bỏ cơm, nhà như có đám. Đến ngày thứ tám, bố mẹ tôi gượng dậy. Bố mẹ tôi không khoanh tay bao giờ. Bố mẹ tôi vắt kiệt hai cái khăn mùi soa, quyết tâm tìm địa bàn mới cho hai chữ tương lai. Trong cái rủi có cái may, bố mẹ tôi nghiệm có mấy tháng mà đã đúng. Từ khi bỏ bớt lớp son đỏ chói do Liên Xô viện trợ, khoác lên vai chiếc áo Đổi Mới, đất nước tôi bỗng nhiên trở nên hấp dẫn lạ thường. Các nước Tây Âu mon men lại gần. Các nước Tây Âu hít mùi ếch-dô-tích. Pháp ngay lập tức tỏ ra ga lăng, lại thuận tiện nhờ mối dây quá khứ giằng co bao lần cũng chưa đến nỗi đứt hoàn toàn, mùi Đông Dương bao năm vẫn cứ Đông Dương. Trong làn sóng người Việt hướng về Ba-lê những năm đầu chín mươi của thế kỷ vừa qua, đi đầu là dân phờ-răng-cồ-phôn chính hiệu gồm hai trăm cụ ông và cụ bà một phần tư đầu tiên của cuộc đời được biết thế nào là phó mát, rượu vang, toi et moi. Đi sau là hai trăm giáo viên và sinh viên các khoa tiếng Pháp cũng đang tập hưởng phó mát, rượu vang, toi et moi trên sách dạy Pháp ngữ. Đi hàng dưới cùng là những cá nhân không biết cả phó mát, rượu vang lẫn toi et moi nhưng chỉ vài năm sau lại là những thành phần đáng gờm nhất nhờ khả năng linh hoạt được tích trữ và rèn luyện trong những tháng ngày gian khó không gì sánh nổi của lịch sử đương đại Việt Nam. Bố mẹ tôi thấp thoáng trong cái hàng cuối cùng đó. Tôi còn nhớ như in một buổi tối cuối năm, bố tôi lao vào căn hộ mười tám mét vuông khu tập thể đê La Thành. Mẹ tôi lao theo. Bố tôi rút từ trong cặp ra một bản phô-tô-cô-pi. Mẹ tôi cầm lấy đưa cho tôi. Bố tôi hạ giọng bố mẹ có cái này cho con. Mẹ tôi cũng hạ giọng bố mẹ có cái này cho con. Tôi luôn ngạc nhiên trước khả năng hạ giọng của bố mẹ tôi. Tôi bảo tôi không muốn bàn chuyện thi cử. Bố tôi đứng phắt dậy. Mẹ tôi đứng phắt dậy. Tôi bảo Thụy mới đi được nửa năm. Bố tôi làm như không nghe thấy. Mẹ tôi cũng làm như không nghe thấy. Tôi bảo thằng Vĩnh còn bé quá. Bố tôi bật khóc hu hu. Mẹ tôi cũng bật khóc hu hu. Một tuần liền bố tôi bỏ cơm. Một tuần liền mẹ tôi ốm. Nhà như có đám. Tôi và thằng Vĩnh ôm nhau trên giường. Tôi cũng bỏ cơm. Nó cũng ốm. Một tuần rồi cũng hết. Bố mẹ tôi vắt kiệt hai cái khăn mùi soa. Bố mẹ tôi mở tủ. Bố tôi cho quần áo của tôi vào một cái túi. Mẹ tôi cho quần áo thằng Vĩnh vào một cái túi. Quần áo của Thụy bố mẹ tôi không động tới. Tôi quàng khăn vào cổ, đội lên đầu thằng Vĩnh cái mũ len. Bố tôi ra trước. Mẹ tôi ra sau. Hai mẹ con tôi ra cuối cùng. Tôi không quay lại nhìn căn hộ khu tập thể đê La Thành. Tôi cũng không chia tay hàng xóm. Chúng tôi im lặng đi về hai chữ tương lai. Hai chữ tương lai thời Đổi Mới cũng linh hoạt hơn. Hai chữ tương lai đề nghị bố mẹ tôi chuyển từ nấu chè đỗ đen và xếp hàng mua óc lợn sang trông thằng Vĩnh. Hai chữ tương lai trao cho tôi nhiệm vụ đoạt giải nhất kỳ thi cao học sứ quán Pháp tổ chức, lần đầu tiên từ ngày bình thường hóa quan hệ hai bên. Thay ba cặp kính, ba trung tâm luyện tiếng, ba thầy giáo, ba bộ sách giáo khoa, tôi chẳng giải nhất, chẳng giải nhì cũng chẳng giải ba. Bố mẹ tôi chầu chực cả ngày xem kết quả, suýt gọi cấp cứu vào khoa tim mạch bệnh viện Việt-Đức thì thấy tên tôi đứng cuối cùng danh sách. Bố mẹ tôi thời Đổi Mới cũng linh hoạt hơn. Bố mẹ tôi không còn lấy thủ khoa làm thước đo danh dự. Bố mẹ tôi mãn nguyện dùng cả ba màu đỏ trắng xanh tô lên hai chữ tương lai. Hai chữ tương lai mới hơn một năm đã phai hết màu Xô Viết. Bố mẹ tôi không cần sang Pháp. Bố tôi chỉ cần chín giờ tối lên giường ôn lại cảnh máy bay Air France xé không khí vút về phía Tây. Mẹ tôi bảo ăn uống là chuyện phù phiếm, mẹ tôi nhờ tôi thưởng thức hộ phó-mát, rượu vang, toi et moi… (**)
Ghi chú (của NCTG):
(*) “Chinatown” (NXB Đà Nẵng, 2005). Sách đã được dịch ra tiếng Pháp (dịch giả Đoàn Cầm Thi, NXB Seuil, Paris, 2009).
(**) Có thể đọc toàn bộ tiểu thuyết “Chinatown” ở đây. Tựa đề do NCTG tạm đặt. NCTG chân thành cám ơn tác giả đã cho phép đăng tải và viết lời phi lộ. Xem thêm: “Đi vào “cuộc chơi” của Thuận” (Đoàn Minh Hằng) và “Đọc “Chinatown” của Thuận: Trò chơi văn bản và những tương tác” (Nhã Thuyên).
Hà Nội - Mạc Tư Khoa - Paris, “Chinatown” (*) là hành trình của những con người bé nhỏ, nạn nhân của một lịch sử 4.000 năm chưa bao giờ thôi bất an” (Thuận).
Bìa tác phẩm “Chinatown” - Ảnh: Internet
… Vấn đề không phải là chính trị. Bố mẹ tôi ngày hôm qua vừa gọi nước Nga là thiên đường hôm nay lại sẵn sàng đến Paris rồi chết. Thậm chí nếu ngày mai Putin đưa ra một quả bom nguyên tử đòi được làm ông chủ của điện Elysée và Chirac, chán ngấy dân Pháp cứng đầu cứng cổ, cũng hồ hởi bước lên ngai vàng ở cung Kremlin, thì bố mẹ tôi vẫn vỗ tay ủng hộ cả Putin lẫn Chirac. Vấn đề không phải là chính trị. Bố mẹ tôi cóc cần chính trị, cóc cần biết tư bản là gì xã hội chủ nghĩa là gì, cóc cần biết Chirac Putin là một ông hay hai ông. Bố mẹ tôi chỉ cần hai chữ tương lai. Tương lai những năm tám mươi của bố mẹ tôi trọn vẹn một màu đỏ của nước Nga Xô-viết. Con gái học ở Nga, con rể cũng học ở Nga, về nước cả hai làm việc ở các bộ hoặc các trường đại học. Được vài ba năm, cả hai lại cùng thi nghiên cứu sinh, bố tôi sẵn sàng xếp hàng cả ngày mua bộ óc lợn thứ hai, mẹ tôi cũng không ngại gì cho thêm đỗ, bóc thêm kẹo mậu dịch để nấu bát chè nữa cho con rể. Tại Nga, trong khi chờ đợi bảo vệ luận án phó tiến sĩ, hai vợ chồng trẻ tranh thủ vào đảng, phó tiến sĩ kèm theo từ đảng viên mà cho lên các-vi-dít thì thật là lý tưởng, rồi cũng nên tranh thủ sắm cái tủ lạnh cái vô tuyến để cho vào thùng hàng biển, đừng quên chèn vào xung quanh mấy chục cái nồi hầm và vài trăm vòng bi ô tô để vô tuyến với tủ lạnh đỡ bị công kênh ba tháng liền trên mặt nước. Nếu còn thời gian thì tại sao không cho ra đời một thằng cu cho nó biết mùi bơ mùi sữa, cho nó bập bẹ tiếng Nga, mười tám năm nữa có quay lại cũng không bị ngơ ngơ ngáo ngáo. Về nước, hai vợ chồng trẻ nên bán đống nồi hầm và vòng bi ô tô cho đỡ cồng kềnh mà mua lấy căn hộ lắp ghép trong khu Kim Liên do kiến trúc sư Liên Xô thiết kế để tủ lạnh và vô tuyến Liên Xô có chỗ mà bày. Được vài ba năm, hai vợ chồng lại cùng thi nghiên cứu sinh cao cấp, nếu cần bố tôi vẫn còn sức để xếp hàng mua óc lợn, mẹ tôi vẫn còn sức để nấu chè đỗ đen. Tại Nga, trong khi chờ đợi bảo vệ luận án tiến sĩ, hai vợ chồng nên mở rộng quan hệ với các anh em sứ quán và thương vụ cho đỡ cảnh đất khách quê người. Nếu các anh em sứ quán có yêu cầu giúp họ chức bí thư chi bộ nơi mình đang nghiên cứu thì cũng nên giúp họ một tay. Nếu các anh em thương vụ có đề nghị xếp vài chục cái tủ lạnh vài chục cái vô tuyến vào công-tơ-nơ máy dệt áo len thì cũng đừng ngại vì đằng nào nhà máy dệt Nam Định cũng đã trả hết phí vận chuyển từ cảng Odessa đến cảng Hải Phòng. Về nước lần thứ ba, hai vợ chồng lúc đấy vừa trạc bốn mươi, các-vi-dít tiến sĩ đảng viên vừa in tiếng Việt vừa in tiếng Nga đỏ chói. Vợ trưởng bộ môn, chồng trưởng phòng nghiên cứu, hoặc ngược lại, điểm này cũng không nên câu nệ lắm. Một năm vài lần vào dự tiệc sứ quán Liên Xô, bắt tay vỗ vai chuyên gia Liên Xô, quay lại Liên Xô tham gia hội nghị khoa học, gặp lại các anh em thương vụ và sứ quán ta ở Matxcơva, nhân tiện mang giúp cho họ một ít áo phông cành mai, bút chì kẻ mắt và kính đổi màu, chẳng nhẽ mấy cái thùng các tông lại dùng để đựng có hai tờ giấy đánh máy đề tài nghiên cứu khoa học. Tiền rúp không nên mang về Việt Nam đề phòng Liên Xô đổi tiền lúc nào không biết. Tiền rúp nhờ các anh em thực tập sinh có nhiều thời gian rảnh rỗi xếp hàng mua hộ mấy nghìn vỉ kháng sinh giúp người bệnh trong nước vì mười triệu người bệnh trong nước bệnh gì cũng chữa bằng kháng sinh Liên Xô. Đi lại gặp gỡ như thế sáu cách tiếng Nga cũng đỡ bị quên. Hai vợ chồng nói với nhau, thỉnh thoảng đệm vài từ khờ-ra-sô, con cái vẫn hiểu vì bảy tuổi đã được gửi hết vào các lớp chuyên Nga của Hà Nội, bạn bè đến chơi cũng toàn dân khờ-ra-sô bằng đỏ Liên Xô đang nhăm nhe chức viện phó viện này, hiệu trưởng trường kia, roạt một cái trong túi rơi ra một xấp các-vi-dít đỏ chói tiến sĩ đảng viên. Đỏ chói như màu đỏ bố mẹ tôi vẫn tô hai chữ tương lai. Hai chữ ấy đổ kềnh đổ càng ngày Liên Xô tan rã, sinh viên thực tập sinh Việt Nam ở Nga không còn cả bắp cải mà nấu với thịt cừu. Bố mẹ tôi cho phe chủ nghĩa xã hội một giọt nước mắt còn cho hai chữ tương lai hai cái khăn mùi soa ướt. Cả tuần liền mẹ tôi ốm, bố tôi bỏ cơm, nhà như có đám. Đến ngày thứ tám, bố mẹ tôi gượng dậy. Bố mẹ tôi không khoanh tay bao giờ. Bố mẹ tôi vắt kiệt hai cái khăn mùi soa, quyết tâm tìm địa bàn mới cho hai chữ tương lai. Trong cái rủi có cái may, bố mẹ tôi nghiệm có mấy tháng mà đã đúng. Từ khi bỏ bớt lớp son đỏ chói do Liên Xô viện trợ, khoác lên vai chiếc áo Đổi Mới, đất nước tôi bỗng nhiên trở nên hấp dẫn lạ thường. Các nước Tây Âu mon men lại gần. Các nước Tây Âu hít mùi ếch-dô-tích. Pháp ngay lập tức tỏ ra ga lăng, lại thuận tiện nhờ mối dây quá khứ giằng co bao lần cũng chưa đến nỗi đứt hoàn toàn, mùi Đông Dương bao năm vẫn cứ Đông Dương. Trong làn sóng người Việt hướng về Ba-lê những năm đầu chín mươi của thế kỷ vừa qua, đi đầu là dân phờ-răng-cồ-phôn chính hiệu gồm hai trăm cụ ông và cụ bà một phần tư đầu tiên của cuộc đời được biết thế nào là phó mát, rượu vang, toi et moi. Đi sau là hai trăm giáo viên và sinh viên các khoa tiếng Pháp cũng đang tập hưởng phó mát, rượu vang, toi et moi trên sách dạy Pháp ngữ. Đi hàng dưới cùng là những cá nhân không biết cả phó mát, rượu vang lẫn toi et moi nhưng chỉ vài năm sau lại là những thành phần đáng gờm nhất nhờ khả năng linh hoạt được tích trữ và rèn luyện trong những tháng ngày gian khó không gì sánh nổi của lịch sử đương đại Việt Nam. Bố mẹ tôi thấp thoáng trong cái hàng cuối cùng đó. Tôi còn nhớ như in một buổi tối cuối năm, bố tôi lao vào căn hộ mười tám mét vuông khu tập thể đê La Thành. Mẹ tôi lao theo. Bố tôi rút từ trong cặp ra một bản phô-tô-cô-pi. Mẹ tôi cầm lấy đưa cho tôi. Bố tôi hạ giọng bố mẹ có cái này cho con. Mẹ tôi cũng hạ giọng bố mẹ có cái này cho con. Tôi luôn ngạc nhiên trước khả năng hạ giọng của bố mẹ tôi. Tôi bảo tôi không muốn bàn chuyện thi cử. Bố tôi đứng phắt dậy. Mẹ tôi đứng phắt dậy. Tôi bảo Thụy mới đi được nửa năm. Bố tôi làm như không nghe thấy. Mẹ tôi cũng làm như không nghe thấy. Tôi bảo thằng Vĩnh còn bé quá. Bố tôi bật khóc hu hu. Mẹ tôi cũng bật khóc hu hu. Một tuần liền bố tôi bỏ cơm. Một tuần liền mẹ tôi ốm. Nhà như có đám. Tôi và thằng Vĩnh ôm nhau trên giường. Tôi cũng bỏ cơm. Nó cũng ốm. Một tuần rồi cũng hết. Bố mẹ tôi vắt kiệt hai cái khăn mùi soa. Bố mẹ tôi mở tủ. Bố tôi cho quần áo của tôi vào một cái túi. Mẹ tôi cho quần áo thằng Vĩnh vào một cái túi. Quần áo của Thụy bố mẹ tôi không động tới. Tôi quàng khăn vào cổ, đội lên đầu thằng Vĩnh cái mũ len. Bố tôi ra trước. Mẹ tôi ra sau. Hai mẹ con tôi ra cuối cùng. Tôi không quay lại nhìn căn hộ khu tập thể đê La Thành. Tôi cũng không chia tay hàng xóm. Chúng tôi im lặng đi về hai chữ tương lai. Hai chữ tương lai thời Đổi Mới cũng linh hoạt hơn. Hai chữ tương lai đề nghị bố mẹ tôi chuyển từ nấu chè đỗ đen và xếp hàng mua óc lợn sang trông thằng Vĩnh. Hai chữ tương lai trao cho tôi nhiệm vụ đoạt giải nhất kỳ thi cao học sứ quán Pháp tổ chức, lần đầu tiên từ ngày bình thường hóa quan hệ hai bên. Thay ba cặp kính, ba trung tâm luyện tiếng, ba thầy giáo, ba bộ sách giáo khoa, tôi chẳng giải nhất, chẳng giải nhì cũng chẳng giải ba. Bố mẹ tôi chầu chực cả ngày xem kết quả, suýt gọi cấp cứu vào khoa tim mạch bệnh viện Việt-Đức thì thấy tên tôi đứng cuối cùng danh sách. Bố mẹ tôi thời Đổi Mới cũng linh hoạt hơn. Bố mẹ tôi không còn lấy thủ khoa làm thước đo danh dự. Bố mẹ tôi mãn nguyện dùng cả ba màu đỏ trắng xanh tô lên hai chữ tương lai. Hai chữ tương lai mới hơn một năm đã phai hết màu Xô Viết. Bố mẹ tôi không cần sang Pháp. Bố tôi chỉ cần chín giờ tối lên giường ôn lại cảnh máy bay Air France xé không khí vút về phía Tây. Mẹ tôi bảo ăn uống là chuyện phù phiếm, mẹ tôi nhờ tôi thưởng thức hộ phó-mát, rượu vang, toi et moi… (**)
Ghi chú (của NCTG):
(*) “Chinatown” (NXB Đà Nẵng, 2005). Sách đã được dịch ra tiếng Pháp (dịch giả Đoàn Cầm Thi, NXB Seuil, Paris, 2009).
(**) Có thể đọc toàn bộ tiểu thuyết “Chinatown” ở đây. Tựa đề do NCTG tạm đặt. NCTG chân thành cám ơn tác giả đã cho phép đăng tải và viết lời phi lộ. Xem thêm: “Đi vào “cuộc chơi” của Thuận” (Đoàn Minh Hằng) và “Đọc “Chinatown” của Thuận: Trò chơi văn bản và những tương tác” (Nhã Thuyên).