MÁRAI SÁNDOR, VỚI “BỐN MÙA - TRỜI VÀ ĐẤT”
- Thứ ba - 31/08/2010 12:09
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà văn Márai Sándor (1900-1989)
Lời giới thiệu:Văn hào Hungary Márai Sándor được độc giả Việt Nam biết đến lần đầu tiên qua tiểu thuyết nổi tiếng "Những ngọn nến cháy tàn" (Tủ sách Nhịp cầu Thế giới, tháng 11-2008). Từ đó, nhiều tác phẩm của ông đã và đang được chuyển ngữ, nhằm giới thiệu một cách có hệ thống với người yêu văn học Việt Nam.
Đặc biệt, trong năm 2010 - được giới văn học Hungary coi là Năm Márai Sándor với những hoạt động phong phú kỷ niệm 110 năm ngày sinh của nhà văn - dịch giả Giáp Văn Chung đã hoàn tất bản dịch Việt ngữ các tác phẩm lớn của Márai Sándor: "Bốn mùa - Trời và Đất", "Casanova ở Bolzano" và "Lời bộc bạch của một thị dân". Trong số đó, "Bốn mùa - Trời và Đất" đã được ấn hành và hai tác phẩm sau cũng đang chuẩn bị được ra mắt bởi Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam và NXB Văn học.
Nhân dịp này, NCTG xin giới thiệu tới độc giả bài viết của dịch giả Giáp Văn Chung về "Bốn mùa" (1938) và "Trời và Đất" (1942), hai tập tản văn quan trọng trong sự nghiệp của Márai Sándor, một bậc thày trong thể loại đoản văn.
*
Bìa sách “Bốn Mùa” (bản tiếng Hungary)
“Bốn Mùa” in lần đầu tiên năm 1938, cho thấy sự ẩn dật và khép kín của nhà văn, sự chạy trốn của ông vào một “cách ứng xử”, một tâm thế tĩnh tại, vào chủ nghĩa khắc kỷ.
Đúng như lời giới thiệu “Bốn Mùa” của Nhà xuất bản Helikon (Hungary): Márai là bậc thầy của thể đoản văn, những suy niệm của ông bao giờ cũng mang âm hưởng triết lý, cô đọng. Ta có thể bắt gặp ba tác phẩm độc lập, trong đó nổi tiếng nhất là “Sách cỏ”. Theo cách nói thịnh hành ngày nay, chúng ta có thể gọi những đoạn văn ngắn này là meditation, “hay những suy tư dưỡng bệnh” (gyógyítógondolatok).
Márai ý thức rõ cần phải làm trong sạch tinh thần con người, ông biết rằng con người cần đến những ý tưởng thông thái của Đạo giáo, đến những câu chuyện của Phật giáo, đến một phút tư duy trừu tượng như cần đến một lát bánh mì. Ông còn biết rằng sứ mạng của nhà văn là sáng tạo ra ý tưởng – thay cho những người không có khả năng làm việc đó, và ông trở thành nhà điêu khắc của ngôn từ.
“Bốn Mùa” là sự chuẩn bị và bổ sung cho “Sách cỏ”. Cả hai đều được viết với một phong cách nghệ thuật hoàn hảo, với đòi hỏi cao về đạo đức, với sự thông tuệ sâu sắc về những hiện tượng nhỏ nhặt nhưng có thể mang ý nghĩa quyết định số phận của cuộc đời. “Bốn Mùa” mang chất trữ tình hơn “Sách cỏ” hoặc tác phẩm thứ ba trong thể loại này là “Trời và Đất”. Đúng như nhà thơ, nhà phê bình văn học Hungary Illyés Gyula đã viết: “nhiều đoạn ... là những bài thơ bằng văn xuôi hoàn hảo. Có thể sánh ngang với các tác phẩm cùng loại của Baudelaire và Rimbaud”.
“Bốn Mùa” gồm mười hai phần tương ứng với mười hai tháng trong một năm. Phong cách viết cực kỳ dồn nén, ngắn gọn, cách ngôn phản ánh trạng thái tinh thần thời gian đó của Márai: chỉ viết những gì cần viết và làm những gì cần làm. Có thể nhận rõ qua những đoạn văn ngắn của ông sự chiêm nghiệm được tinh lọc đến thuần khiết, sự mổ xẻ nội tâm chân thực đến đau đớn; bên cạnh khả năng kìm nén và đặt vấn đề ở mức độ những khái quát tinh tế là óc khôi hài, châm biếm của nhà văn.
Hãy đọc thử một đoạn văn của ông về một nhà thơ đã mất:
“Đêm đêm tôi đọc những bài thơ của một thi sĩ đã chết. Ông để lại vài bài thơ tuyệt hảo, và nhiều câu tuyệt hay.
Thi sĩ chết trong nghèo đói, và người thân của ông dõi theo ông trên cõi cao xanh, họ đói, khổ và bất lực. Một ông chủ nhà máy giấy cho không giấy, một nhà in nhận in, đóng quyển những bài thơ ông để lại không lấy tiền, bạn bè viết lời giới thiệu, tuyển lựa thơ. Người vợ góa của nhà thơ được tặng bốn nghìn cuốn. Bây giờ mỗi ngày bà bán một quyển lấy tiền nuôi gia đình.
Nhà thơ đã chết vẫn lo cho gia đình như thế, suốt bốn ngàn ngày. Lo ăn cho vợ con bằng những bài thơ. Tôi nhìn tập thơ và nghĩ: một con bồ nông. Bồ nông thiên thần.”
“Trời và Đất” qua các ấn bản tiếng Hungary
Năm 1942, Márai cho xuất bản tập tản văn thứ hai: “Trời và Đất”. Phần đầu có tựa đề là “Trời và Đất”, gồm những đoạn nói về quan hệ giữa con người với thiên nhiên, về bản ngã nhà văn, “vừa có một điều gì đó bất tử và thần thánh”, vừa rất trần tục rất con người, đúng như nhà văn đã viết: “... tôi đứng ven rừng mắt long lanh sáng, ngắm sắc màu của những tán lá mùa thu, nhưng tôi không thể cảm thụ thiên nhiên một cách khác hơn là sự quan ngại và ngờ vực, tôi tin ở sức mạnh siêu việt của trí tuệ, và tiêu phí phần lớn những buổi tối trong đời mình bằng những câu chuyện tầm phào với mấy đám người ngốc nghếch, tôi tin ở tình yêu, nhưng nhiều lần chỉ chung đụng với đám phụ nữ làm tiền, tôi tin ở trời và đất, vì tôi là con người, giữa trời và đất”
Phần hai của cuốn sách có tựa đề là “Ars Poetica” chủ yếu nói về quan điểm của Márai về nghề văn, những ghi chép, nhận xét, đánh giá riêng của ông về các nhà văn lớn đương thời cũng như các tên tuổi vĩ đại của châu Âu: Shakespeare, Goethe, Rilke... Qua phần này chúng ta có thể thấy cách nhìn độc đáo và nghiêm túc nhiều khi đến khắc kỷ của nhà văn về nghiệp viết, về trách nhiệm nặng nề và cao cả của nhà văn đối với con người. Năm 1936, trong một bài viết về Gorki và Tolstoy, ông đã viết: “Thành công của Gorki chính là sự trung thành: trung thành với bản thân, với tính cách của ông và với con người, đó là bí mật của thành công. Về cuối đời cả hai đều có thể suy ngẫm một cách bi kịch rằng liệu các tác phẩm của họ có làm con người trở nên cao thượng hơn, khôn ngoan hơn và hạnh phúc hơn?”. Nhận định này cũng hoàn toàn đúng đối với chính Márai.
Phần ba có tựa đề “Muối và Tiêu”, là những đoạn văn ngắn, nhiều khi chỉ như một ý tưởng, một châm ngôn thấm đẫm những suy tư về kiếp phù sinh, về sự hữu hạn của cuộc đời, về thân phận, về định mệnh và cái chết. Nghe theo lời khuyên của Marcus Aurelius, ông đã “khóa trái tim mình”, và chỉ sống để viết. Có lẽ phần sinh động nhất của cuốn sách viết về quá trình già, về tuổi già. Người giữa bốn và năm mươi “không còn cay nghiệt và nóng vội, muốn gìn giữ và cứu vớt”. Sống cho thực tại, “vì không có hạnh phúc nào khác, chỉ có sự tìm tòi, chấp nhận và hiểu biết thực tại”. Những dòng ông viết về nhà văn Krúdy Gyula cũng đặc trưng cho chính ông: “Krúdy không cho một ai vào “trong cuộc”, vào những bí mật trong thế giới của ông. Ông phớt lờ độc giả, phớt lờ thế giới. Với chủ ý trong sáng ấy, kết cục chỉ có thể là căn nhà một tầng ở Óbuda này. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể đạt được. Đó là sự thật”. Và đó cũng là Márai.
Văn Márai sang trọng, cô đọng và độc đáo, ông đem đến cho bạn đọc nhiều bất ngờ hết sức thú vị. Đọc ông, ta như được tắm mình trong một thế giới văn chương riêng, một không gian văn chương không thể trộn lẫn với những nhà văn khác. Nhà thơ Khánh Phương ở Hà Nội, người đã nhanh chóng chia sẻ với người viết những dòng này lòng ham thích các tác phẩm của Márai cũng nhận xét: “Bằng ngôn từ tinh tế nhưng sắc bén, khả năng theo đuổi những liên tưởng vừa trữ tình vừa đáng kinh ngạc, Márai đồng thời tạo ra một thế giới ứ đầy chất thơ, với vẻ đẹp tráng lệ và não nùng của cuộc sống đang vận động đến sự lụi tàn sầu thảm tất yếu, nhưng kiêu hãnh với những giá trị tinh thần bền vững”.
Chỉ được tái xuất bản trên đất nước mình từ năm 1989, nhưng đến nay khối lượng đồ sộ các tác phẩm của Márai Sándor đã khẳng định vị trí hàng đầu của ông trong nền văn học cận-hiện đại Hungary. Nhà báo Hoàng Linh (tạp chí “Nhịp cầu Thế giới”, nơi lần đầu tiên đăng tải một số đoạn trích bằng tiếng Việt trong các tiểu thuyết của Márai Sándor), nhận xét: “Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Márai Sándor trải dài trong 9 thập niên của thế kỷ XX với tất cả những thăng trầm của thời cuộc, những trăn trở và hoài vọng của kiếp người. Trong ông có sự tổng hòa của những giá trị văn hóa Hungary và thế giới; sẽ không quá lời nếu khẳng định rằng, qua ông, có thể thấy hình ảnh và diện mạo của một mái nhà chung châu Âu đa văn hóa, đa sắc tộc, với những giá trị văn hóa phổ quát và đa dạng, những điểm tương đồng. Mặc dầu là người Hungary, Márai thực sự là công dân thế giới theo đúng nghĩa của từ này”.
Chính điều đó đã đặt Márai vào hàng những tên tuổi lớn như Joseph Roth, Stefan Zweig, Robert Musil, Thomas Mann, Franz Kafka...