Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MÃI MÃI "THIÊN THẦN XANH" MARLENE DIETRICH

(NCTG) Cách đây 100 năm, vào ngày 27-12-1901, đã ra đời một cô gái, sau này được coi như "người đàn bà của định mệnh" trên màn ảnh bạc và tại các vũ trường, sân khấu. Đó là Marlene Dietrich.

Nhân kỷ niệm 100 ngày sinh của người nữ tài tử, quê hương bà - nước Đức - đã tổ chức những buổi lễ tưởng niệm rất trọng thể. Đặc biệt, Tổng thống Đức Johannes Rau đã chính thức bác bỏ quan điểm "truyền thống" của xứ này, theo đó, nữ minh tinh là kẻ phản quốc (Marlene Dietrich đã khiến nước Đức phát-xít thù ghét khi bà đã ủng hộ bộ máy tuyên truyền của phe Đồng minh, chống lại Hitler). Trong buổi lễ tưởng niệm, sau khi đặt hoa, ông Johannes Rau đã phát biểu: "Dietrich là một nghệ sĩ có một không hai, con người ngay dưới thể chế độc tài phát-xít cũng đấu tranh cho dân chủ và tự do".

Những lễ kỷ niệm chính thức trên toàn nước Đức đã được tổ chức đồng thời với các triển lãm và những cuộc trình chiếu phim ảnh. Rạp Bảo tàng phim ở Berlin đã giới thiệu các bộ phim tài tử về cuộc đời của Marlene Dietrich. Trên những thước phim từ kho di khảo của nữ tài tử, chúng ta được thấy lại hình ảnh Marlene Dietrich cùng chồng bà, ông Rudolf Sieber, và con gái bà, cô Maria, cũng như rất nhiều người hâm mộ bà thuộc đủ mọi giới. Phim được quay trong khoảng 1931-1940 và trong đó, Marlene Dietrich đã hiện diện, lúc thì như một phụ nữ quý phái, lúc thì như một bà mẹ gương mẫu.

*

Dietrich khởi đầu sự nghiệp vào đầu thập niên 20 của thế kỷ trước, trên cương vị một nữ ca sĩ nhạc tạp kỹ. Tuy theo học dương cầm, vĩ cầm tại Nhạc viện Berlin, nhưng Dietrich cũng tỏ ra có tài về kịch nghệ và diễn xuất. Lần đầu tiên, bà tham gia đóng phim vào năm 1922. Tám năm sau, Dietrich trình diễn bản "Ich bin von Kopf bis Fuss auf Liebe" trong vở kịch tạp kỹ của Friedrich Hollander, và đã khiến khán giả sững sờ với tư thế ngồi đặc thù - hai chân vắt lên nhau - mà đến giờ, thế giới khi nghĩ đến bà, đều nhớ đến nó.

Khi đó, đạo diễn Joseph von Steinberg đã để ý đến Dietrich và mời bà thủ vai chính trong bộ phim "Thiên thần xanh". Dietrich đã diển xuất tuyệt vời, khiến phim thành công rực rỡ và bà trở thành biểu tượng của sự khêu gợi, quyến rũ, của "sex appeal".

Năm 1930, Dietrich sang Mỹ và trong suốt 3 thập niên, người phụ nữ Đức này đã là một nữ minh tinh lừng danh của màn ảnh bạc Hollywood. Năm 1937, bà nhận quốc tịch Hoa Kỳ, mặc dù những thủ lĩnh của nước Đức quốc xã thường xuyên tìm cách mồi chài bà hồi hương.

Không chỉ là một tài tử xuất sắc, Dietrich còn là một ca sĩ có phong cách trình diễn tuyệt vời. Cũng chính trên vai trò ca sĩ, Dietrich đã khiến nước Đức Hitler căm ghét. Thế chiến thứ Hai, trong nhiều buổi trình diễn, nhất là trước các quân nhân chiến đấu ngoài mặt trận, Dietrich đã xuất hiện trong bộ quân phục Mỹ và hát những ca khúc ủng hộ phe Đồng minh. Thậm chí, trong một bài phỏng vấn được thực hiện ở Anh, bà còn nhắn gửi các đồng hương: "Các bạn chớ tự hủy thoại thân thể! Chiến tranh là trò ngu xuẩn, còn Hitler là một tên ngốc!"

Về sau, năm 1960, trong một dịp trở lại Berlin biểu diễn, Dietrich đã bị đón tiếp một cách rất ghẻ lạnh. Nhiều kẻ cực đoan đã nhổ nước bọt, hò hét và dương biểu ngữ với dòng chữ "Cút về nhà đi!" trước mặt người nghệ sĩ. Dù vậy, buổi công diễn của bà vẫn thành công lớn, nhưng Dietrich quyết định không bao giờ trở lại nước Đức nữa. Vì thế, trong lễ kỷ niệm vừa qua, ông Andre Schmitz, đại diện Văn phòng Thị trưởng Berlin, đã lên tiếng xin lỗi vì hành động nhục nhã cách đây hơn bốn thập niên.

Trong 15 năm cuối đời, Marlene Dietrich đã sống hoàn toàn cô đơn tại căn hộ ở Paris. Cái chết bí ẩn của bà vào năm 1992 vẫn để lại nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Norma Bosquet, một người bạn gần gũi của Dietrich, cho rằng người đàn bà nổi tiếng đó đã tự tay kết liễu đời mình: sau một cơn đau tim và lâm trọng bệnh, Dietrich cảm thấy "đã hết thời", và uống thuốc ngủ để đừng phải chết trong viện. Thi thể bà được yên nghỉ ở Berlin, theo đề nghị của bà.

*

Mấy năm trước, hình ảnh Dietrich vẫn còn làm xáo động tâm tư một số người Đức. Năm 1996, lãnh đạo thành phố Berlin muốn đặt tên bà cho con đường nơi có ngôi nhà bà đã ra đời, nhưng dự định này đã bị phản đối dữ dội và không thành. Sự kiện đó đã gây nên hồi âm lớn trong giới truyền thông quốc tế. Có lẽ vì thế mà sau đó ít lâu, một quảng trường đã được mang tên Marlene Dietrich.

Và, nhân kỷ niệm năm nay, nhiều sách vở và phim ảnh về "Thần Vệ nữ tóc vàng" cũng đã được dàn dựng và ra mắt khán giả Đức. Hẳn quê hương người nghệ sĩ tài năng cũng đã trút bỏ định kiến của quá khứ để nhớ về bà như một nhân vật kiệt xuất của nền điện ảnh và âm nhạc thế giới thế kỷ XX.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh