Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Liên hoan phim Quốc tế Titanic (Budapest) lần thứ 15: PHIM ISLAND ĐĂNG QUANG, “CHUYỆN CỦA PAO” THU HÚT SỰ CHÚ Ý

(NCTG) Bộ phim hợp tác Island - Đức – Đan Mạch “Jar City” (Mýrin, 2007) về đề tài trinh thám của đạo diễn Island Baltasar Kormákur đã đoạt Giải thưởng lớn “Hullámtörők” (Đập chắn sóng, đi kèm khoản tiền 10.000 EURO) của Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Titanic (Budapest) lần thứ 15.

CHUYỆN HÌNH SỰ PHẢN ÁNH THỰC TẾ THỜI ĐẠI

Được bình chọn bởi một Ban giám khảo quốc tế gồm Grainne Humphreys, giám đốc LHP Dublin, nhà viết kịch bản Czech Marek Dobes và đạo diễn Hungary Mundruczó Kornél, “Jar City” được đánh giá là “bộ phim khắc họa nhiều tính cách, để lại thông điệp sâu sắc, mang phong vị dân tộc, với cách tiếp cận nguyên gốc và cảnh tượng đơn chiếc”, “đây là một câu chuyện hình sự, phản ánh một cách hiếm thấy hình ảnh thực tế và đồng thời, châm biếm, về cuộc sống tại Island hiện tại”.

Một cảnh trong phim “Jar City”

Tham gia LHP Titanic trong “hạng mục” “Bề sâu của tội lỗi” - gồm loạt phim hình sự mà bao trùm là sự bí ẩn chìm trong nội hàm xã hội tiềm ẩn -, đề tài của “Jar City” khá hấp dẫn và cấp thời: vấn đề lạm dụng theo hướng xấu những thông tin di truyền học. Một nhân viên Viện Di truyền cay đắng lao vào cuộc chiến tìm hiểu lời giải đáp cho nguồn gốc căn bệnh não của con gái ông. Song song với động thái này, điều tra viên Erlendur mở cuộc điều tra tìm thủ phạm vụ giết một người đàn ông đứng tuổi, có lối sống rất kỳ quặc dưới tầng ngầm tối tăm một tòa nhà. Câu chuyện thoạt tưởng không có gì mới này liên quan đến một bí ẩn xảy ra trước đó 30 năm, xung quanh cái chết bí hiểm của một bé gái 4 tuổi. Cuối cùng, thám tử đơn độc Erlendur, giữa chừng phải lao tâm khổ tứ để dàn hòa với người con gái nghiện ma túy, đã dốc hết sức lực và tài trí để truy tìm tên giết người bằng mọi giá.

Bộ phim của nhà đạo diễn Island được coi là có sức công phá nghệ thuật rất thuyết phục, tiềm ẩn trong bầu không khí đen tối và bí hiểm, bao trùm hai nhánh khác biệt, nhưng ngày càng hòa quyện với nhau của cốt chuyện. Được biết, kịch bản phim dựa theo tiểu thuyết của Arnaldur Indridason, diễn viên chính là nam tài tử xuất sắc Ingvar E. Sigurdsson.

“CHUYỆN CỦA PAO”: TRUYỀN TẢI TÌNH CẢM VÀ ẤN TƯỢNG

Tôi muốn truyền tải những tình cảm và những ấn tượng thông qua ngôn ngữ điện ảnh” - đạo diễn Ngô Quang Hải đã phát biểu như vậy trong cuộc giao lưu sau buổi chiếu “Chuyện của Pao” tại Budapest. Tham dự LHP Titanic trong số các phim trình chiếu của Liên hoan, trong ba buổi giới thiệu tại các rạp lớn ở thủ đô Budapest (và một buổi chiếu cho cộng đồng Việt Nam tại Hungary), “Chuyện của Pao” đã hoàn toàn chinh phục trái tim cử tọa, với nội dung cảm động và nhân bản, cảnh quay tuyệt đẹp và âm nhạc hài hòa.

Poster “Chuyện của Pao” tạo Budapest

Ngô Quang Hải không phải là gương mặt chưa hề được biết đến tại Hungary: trong vòng gần hai chục năm qua, trong số rất ít ỏi phim Việt Nam được nhập chính thức vào Hungary thì Hải đã hiện diện trong “Mùa hè chiều thẳng đứng” của đạo diễn Trần Anh Hùng (mà Hungary đặt tựa mới là “Những diệu kỳ của cuộc sống”), và “Ba mùa” của đạo diễn Tony Bùi. Tuy nhiên, trên cương vị một đạo diễn thì Ngô Quang Hải là một cái tên hoàn toàn mới, ngay cả với giới phê bình điện ảnh Hungary.

Được BTC LHP Titanic ưu ái dành cho những thời điểm chiếu “lý tưởng”, “Chuyện của Pao” đã thu hút rất đông khán giả Hungary. Ngay cả trong kỳ chiếu dành cho báo giới, cũng có tới 70-80 ký giả đến từ nhiều báo lớn của Hungary và đây là con số rất đáng kể đối với một bộ phim đến từ Việt Nam, nước có nền điện ảnh ít được biết tới tại xứ sở Đông Âu này. Đặc biệt, phần giao lưu với đạo diễn Ngô Quang Hải trong hai buổi chiếu dành cho báo giới và buổi chiếu chính đã giúp cử tọa Hungary biết thêm nhiều thông tin bổ ích về cái đẹp truyền thống của dân tộc H’Mông nói riêng, cũng như, chút nét về văn hóa và điện ảnh Việt Nam nói chung.

Đạo diễn Ngô Quang Hải trao đổi với ông Vízer Balázs, tổng điều hợp LHP, trước buổi chiếu riêng dành cho báo giới

“Chuyện của Pao” được đông đảo khán giả Hungary đánh giá cao. Một phụ nữ đứng tuổi, trong cuộc giao lưu với đạo diễn Ngô Quang Hải sau buổi công chiếu, đã phát biểu: "Xin chúc mừng đạo diễn Ngô Quang Hải, cám ơn anh đã cho chúng tôi được xem một bộ phim tuyệt vời về tình cảm con người, về sức mạnh của nghị lực… một bộ phim chẳng những ở Hungary, mà ngay cả ở Châu Âu hay trên thế giới chúng tôi cũng ít thấy. Đạo diễn không cần phải áy náy vì anh chỉ có một kinh phí ít ỏi khi làm phim: đây quả là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc!” Không chỉ các khán giả bình thường, mà giới phê bình điện ảnh và báo chí Hungary cũng có ý kiến khen ngợi nồng nhiệt về bộ phim. Ông Vízer Balázs, tổng điều hợp LHP, đồng thời cũng là người dẫn chương trình trong những cuộc giao lưu giữa các đạo diễn, các nhà làm phim với khán giả và báo giới tại LHP, cho rằng bộ phim “đã được quay rất tuyệt với, và phản ánh một nội dung đẹp”. Ký giả Katona Linda, trong chuyên mục “Nhật ký Titanic” ngày 7-4, nhận xét: “Chúng ta [khán giả] được đi trên miền thượng du Bắc Việt, tại vùng đất mịt mùng sương tỏa đẹp tuyệt vời, những những con người huyền diệu. Mỗi thước phim đều đẹp một cách hấp dẫn, cho dù bộ phim đơn giản một cách cảm động, vì nó rất tự nhiên”. Götz Eszter, một nhà báo khác của mạng kultura.hu thì đánh giá “Chuyện của Pao” hoàn toàn có thể là một tác phẩm xuất sắc ở đoạn giữa sự nghiệp của một đạo diễn chín muồi” (ám chỉ đây là phim nhựa đầu tay của đạo diễn Ngô Quang Hải).

Giới thiệu “Chuyện của Pao” và giao lưu với cộng đồng Việt Nam tại Budapest

Chỉ vài giờ sau khi đặt chân lên mảnh đất Hungary đã có dịp tản bộ phố phường Budapest và ngồi xem những thước phim về Pao tại đúng rạp phim mà 10 năm trước đây, đã chiếu “Mùa hè chiều thẳng đứng” do Ngô Quang Hải thủ một vai chính, đạo diễn “Chuyện của Pao” xúc động thổ lộ: “Năm 2007 trôi qua, tôi nghĩ rằng đã có thể xếp “Chuyện của Pao” vào ngăn tủ để tập trung cho những dự án điện ảnh mới. Vậy mà trong năm nay, “Chuyện của Pao” vẫn tiếp tục được 3-4 LHP mời dự và, cho dù vô cùng bận rộn với xê-ri truyền hình “Chít và Pi” tại Việt Nam, tôi vẫn cố gắng thu xếp qua Hungary vì tôi chưa từng qua nơi đây”. Có dịp giới thiệu “Chuyện của Pao” trong khuôn khổ một sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại Trung tâm Thương mại và Văn hóa Thăng Long của người Việt vào tối 5-4-2008, Ngô Quang Hải tâm sự với báo chí Việt ngữ tại Hungary rằng trong một tương lai gần, có thể cộng đồng Việt Nam sẽ gặp gỡ lại anh tại xứ sở này, nơi anh mới chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” vỏn vẹn ba ngày, nhưng đã để lại rất nhiều ấn tượng sâu đậm. “Budapest đối với tôi thật là một thiên đường với phong cảnh tuyệt vời, với bầu không khí rất văn hóa và đặc biệt, với những tình cảm nồng hậu của bà con Việt Nam mà tôi cảm nhận được ở đây!” - có lẽ một phần vì vậy mà người đạo diễn trẻ, năng động và nhiều đam mê này đang thai nghén một đề án điện ảnh táo bạo, “hấp dẫn” gắn bó với mảnh đất và con người ở đây…

(*) Một phần bài viết đã được trích đăng trên báo "Tuổi Trẻ".

Tác giả bài viết: Trần Lê, từ Budapest