Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“Les Feuilles Mortes” – TUYỆT PHẨM CỦA SỰ TRỚ TRÊU CUỘC ĐỜI

(NCTG) Tối hôm qua, Szíj Melinda - bà mẹ của hai đứa con, với tình yêu âm nhạc và ca hát từ 25 năm nay - đã trình bày khá thuyết phục bản “Hulló levelek” (Lá rụng) trong cuộc thi Megasztár (một dạng Hungarian Idol), và đã lọt vào vòng sau.


Điểm thú vị là khi giới thiệu, MC Till Attila đã nói rằng đây là bản tiếng Hungary của ca khúc “Autumn Leaves” của Nat King Cole, thì sau đó, ca - nhạc sĩ Presser Gábor của ban nhạc huyền thoại LGT, trên cương vị thành viên Ban giám khảo, đã “chỉnh lại” một cách cương quyết:

Không, đây không phải ca khúc của Nat King Cole gì hết... Cần biết rằng đây là bài hát của một nhạc sĩ Hungary, Kozma Jószef, và tất cả các ca sĩ có hạng đã phải hát nó.... Cũng giống như trường hợp bản “Szomorú vasárnap” (Chủ nhật buồn) của Seress Rezső...”.

Quả vậy, trong khi nhạc phẩm nổi tiếng “Les Feuilles Mortes” được coi là tình khúc Pháp được biết đến nhiều nhất trên thế giới, thì điều thú vị mà không phải ai cũng biết là tác giả phần nhạc ca khúc ấy lại là một nhạc sĩ người Hungary, ông Kozma József  (Joseph Kozma, 1905-1969).

Kozma József chào đời tại Budapest năm 1905, theo học khoa sáng tác và chỉ huy tại Học viện Âm nhạc mang tên Franz Liszt (Liszt Ferenc) ở Budapest. Sau nhiều năm tham gia các nhà hát nhạc vũ kịch ở Hungary và Ðức, có dịp sinh hoạt âm nhạc với nhiều bậc thày âm nhạc Châu Âu, Kozma József quyết định theo nghiệp sáng tác ca khúc và ông tâm niệm rằng những sáng tác của mình, dù ở bất cứ thể loại nào, cũng phải mang tính nghệ thuật sâu sắc.

Năm 1933, ông định cư tại Paris và nhận quốc tịch Pháp năm 1949. Là đồng nghiệp của các văn nghệ sĩ lớn của Pháp như Jacques Prévert, Yves Montand và nhiều tên tuổi khác, các ca khúc của Kozma József đã trở thành một phần đáng kể của di sản văn hóa Pháp thế kỷ XX.

*

Ngày nay, không nhiều người Hungary biết Seress Rezső và “Chủ nhật buồn”, vốn được coi là bản nhạc tình buồn nhất của thế kỷ XX”, “bài ca chết chóc”, “quốc ca của những kẻ tự sát... Nhưng số người biết tới Kozma József thì còn ít hơn thế nhiều, nói đúng hơn, là tên tuổi của nhạc sĩ lớn này hầu như không được biết tới ở Hungary.

Vào năm 2008, vào lúc di sản của Kozma được “hồi hương” trong một cuộc triển lãm và giới thiệu sự nghiệp của ông - trong khuôn khổ Tuần lễ Do Thái, diễn ra tại Budapest -, thì nhiều người có sự quan tâm mới được biết rằng, bậc thày của nhạc phim, người đổi mới thể loại chanson Pháp, một trong những nhạc sĩ viết ca khúc và phổ thơ hàng đầu thế kỷ XX, lại là người Hungary.

Sinh thời, Kozma Jószef được nhắc đến như người đã chắp cánh cho những vần thơ của Jacques Prévert một cách huyền ảo và ma thuật: hơn 80 tác phẩm của thi sĩ siêu thực này - qua bàn tay Kozma -, đã trở nên những khúc ca chanson nổi tiếng trên thế giới. Trong số đó, phải kể đến “Les Feuilles Mortes” rất quen biết tại Việt Nam.

Ca khúc được phổ trên nền thi phẩm cùng tên dài 32 câu của Jacques Prévert, và là bài ca trong bộ phim “Les portes de la nuit” (Những cánh cửa đêm, 1947) của đạo diễn Marcel Carné, Prévert viết kịch bản. Điều thú vị là người thiết kế, dàn dựng trang phục, trang trí trong phim, Alexandre Trauner, cũng là một người Hungary (Trauner Sándor), đồng thời cũng là bạn thân của Prévert.

Phim do nam tài tử, danh ca Pháp Yves Montand thủ vai chính, và ông cũng là người hát ca khúc “Les Feuilles Mortes” trong phim. Nội dung kể về nước Pháp hoang tàn những ngày đầu sau Đệ nhị Thế chiến, lòng người ly tán, nghi kỵ lẫn nhau - làn sóng truy tìm những kẻ phản bội, cộng tác với phát-xít Đức lên cao.

Chàng công nhân trẻ Jean Diego (Yves Montand) trở về nhà, nhưng không còn gặp được người thân - hơn thế nữa, anh còn bị những kẻ phản bội tìm cách hãm hại vì anh được chứng kiến trò chơi hai mặt của chúng.

Gặp lại Raymond Lecuyer, người bạn cũ khi đó đang lang bạt không nhà cửa, Diego được bạn tiên đoán rằng anh sẽ gặp một cô gái xinh như mộng. Ngay trong ngày, điều kỳ diệu đã thành sự thật, cặp trai gái phải lòng nhau ngay từ phút ban đầu, nhưng mối tình của họ không kéo dài vì anh trai của Malou (tên cô gái) chính là chỉ điểm cho cơ quan mật vụ chính trị Đức Gestapo bắt hại Raymond...

Nếu “Szomorú vasárnap” là bản nhạc tình buồn nhất của thế kỷ vì sự trớ trêu của MỘT mối tình thì rộng hơn, lồng vào khung cảnh trong phim, “Les Feuilles Mortes” lại nói nên cái trớ trêu của CUỘC ĐỜI, trong đó tình yêu mang tính định mệnh chỉ là một trò chơi của định mệnh. Với ca từ tuyệt đẹp, nhạc điệu buồn thảm và ảm đạm, bản tình ca xứng đáng là bài hát được biết đến nhiều nhất của nước Pháp.

“Les Feuilles Mortes” đã được nhiều ca sĩ vang bóng một thời của Pháp trình bày, từ Edith Piaf, Dalida đến Juliette Gréco, “nàng thơ của Saint Germain-des-Prés” - đặc biệt, những dịp bài ca được vang lên tại Café de Flore (Paris) trước các thủ lĩnh hiện sinh (Simone de Beauvoir, Jean-Paul Sartre...), đến nay đã trở thành huyền thoại.

Bản tiếng Anh của ca khúc (ca - nhạc sĩ Mỹ Johnny Mercer viết năm 1947) cũng là khúc hát “nằm lòng” của không ít thế hệ ca sĩ quen biết nhất, như Miles Davis, Frank Sinatra, Nat King Cole, Bill Evans, Tom Jones, Doris Day, Barbra Streisand, Eva Cassidy, Andrea Bocelli...

Nhưng có lẽ, cho đến nay, vẫn không ai qua mặt được người đầu tiên đã hát nó, Yves Montand, tượng đài của phong trào kháng chiến Pháp, người nghệ sĩ có ảnh hưởng nổi bật trong đời sống tinh thần Pháp thế kỷ XX.

Được coi là ca sĩ chanson tài ba nhất và có chất giọng đẹp nhất, “Les Feuilles Mortes” của Yves Montand chứa chan hoài niệm và đau đớn, đồng thời, đầy chất nam tính và quyến rũ mà không ai bắt chước nổi.

Có lẽ vì trong bài thơ/nhạc này, tâm cảm của (các) tác giả rất gần gũi với người Việt nên đã có nhiều nhạc sĩ Việt Nam như Phạm Duy, Nguyễn Đình Toàn, Thanh Trang, Nguyễn Tuấn Kiệt... đã đặt lời Việt cho ca khúc, và cũng không biết bao người đã có cảm hứng dịch/ phỏng dịch “Les Feuilles Mortes”.

Bản nhạc tình về câu chuyện hai ta
Em yêu anh, và anh cũng yêu em
Dưới mái nhà xưa đôi ta chung sống
Anh yêu em và em cũng yêu anh
Nhưng đời âm thầm chia rẽ lứa đôi
Biển xóa mất dấu chân người tình trên cát

Lời thơ tuyệt diệu của thủ lĩnh siêu thực Jacques Prévert, thông qua phần nhạc “để đời” của Kozma József, đã được chắp cánh để trở thành một trong những tình khúc xuất chúng của thể kỷ XX!

LES FEUILLES MORTES
(Kozma József/ Jacques Prévert)

Oh, je voudrais tant que tu te souviennes,
Des jours heureux quand nous étions amis,
Dans ce temps là, la vie était plus belle,
Et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui.
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,
Tu vois je n’ai pas oublié.

Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,
Les souvenirs et les regrets aussi,
Et le vent du nord les emporte,
Dans la nuit froide de l’oubli.
Tu vois, je n’ai pas oublié,
La chanson que tu me chantais...

C’est une chanson, qui nous ressemble,
Toi qui m’aimais, moi qui t’aimais.
Nous vivions, tous les deux ensemble,
Toi qui m’aimais, moi qui t’aimais.
Et la vie sépare ceux qui s’aiment,
Tout doucement, sans faire de bruit.
Et la mer efface sur le sable,
Les pas des amants désunis.

Nous vivions, tous les deux ensemble,
Toi qui m’aimais, moi qui t’aimais.
Et la vie sépare ceux qui s’aiment,
Tout doucement, sans faire de bruit.
Et la mer efface sur le sable,
Les pas des amants désunis...

Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,
Les souvenirs et les regrets aussi
Mais mon amour silencieux et fidèle
Sourit toujours et remercie la vie
Je t’aimais tant, tu étais si jolie,
Comment veux-tu que je t’oublie?

En ce temps-là, la vie était plus belle
Et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hu
iTu étais ma plus douce amie
Mais je n’ai que faire des regrets
Et la chanson que tu chantais
Toujours, toujours je l’entendrai

*

AUTUMN LEAVES
(Lời ca khúc tiếng Anh của Johnny Mercer)

The falling leaves drift by the window
The autumn leaves of red and gold
I see your lips, the summer kisses
The sun-burned hands I used to hold

Since you went away the days grow long
And soon I'll hear old winter's song
But I miss you most of all my darling
When autumn leaves start to fall

*

LÁ RỤNG
(Lời ca khúc tiếng Việt của Phạm Duy)

Ngày vui lúc còn thơ ấu giờ biết tìm đâu?
Bạn ơi! Nhớ gì khi chúng mình thôi gần nhau.
Đẹp sao những chiều nắng lung linh chiếu muôn mầu,
Nhìn lá thu vàng ước mơ nhiều đến ngày sau.
Mình tôi bẽ bàng khi vắng hình bóng người xưa.
Tình yêu vẫn còn chưa phai úa.
Nhặt lá khô vàng dưới chân mà nhớ nhung nhiều
Mùa ấy qua rồi với khung trời gió nhẹ đưa.
Êm đềm như câu hát bên cung đàn mơ,
Dù cho xa vắng vẫn mong chờ.
Năm tháng trôi âm thầm tôi vẫn nhớ
Đến khúc ca năm xưa khi còn thơ.

ĐK: Bài ca năm ấy,
Dìu nhau trong mê say,
Tìm trong bàn tay,
Dệt mộng ngày mai.
Tình yêu đôi lứa
Đừng như ngàn lá úa
Rụng ngoài rèm thưa
Khi gió sang mùa.
Chiều nay có mình tôi
Từ ngày chia phôi
Đôi mình xa xôi
Lặng lẽ đơn côi.

Và, trên cát vết chân hai mình sóng êm trôi.
Thời gian xóa đi rồi những ngày vui.

*

LÁ RỤNG
(Lời ca khúc tiếng Việt của Nguyễn Đình Toàn)

Ngàn muôn lá vàng xao xác rụng xuống vườn xưa
Kỷ niệm u buồn thôi cũng tàn theo làn gió
Tình ta âm thầm sao vẫn còn mãi trung thành
Cười cám ơn đời dẫu cho tình đã mờ phai

Lòng em yêu hoài ôi dáng người dễ nào quên
Anh nỡ muốn vùi chôn đi hết
Thời gian ấy đời như giấc mộng quá êm đềm
Và nắng tưng bừng cũng nghe chừng cháy bỏng hơn
Dịu dàng yêu dấu trăm năm của em
Nhưng vụng về em đã đánh mất anh
Anh thấy em không hề quên khúc hát thắm thiết
năm xưa anh hay thường ca

ĐK: Một bài tình ca
Tựa như tình đôi ta
Và em yêu anh
Và anh yêu em
Mình cùng chung sống
Nồng nàn trong nắng ấm
Tình đời mong manh
Rồi vỡ tan tành.

Đời chia ta lìa nhau
Vực sầu thêm sâu
Anh về nơi đâu
Lặng lẽ đêm thâu

Và biển sót xóa trên cát mềm dấu chân yêu
Tình xưa đã thương đau đã chìm sâu.

*

MÙA THU LÁ ÚA
(Lời ca khúc tiếng Việt của Phạm Ngọc Lân)

Thầm mơ ước người xưa có còn nhớ thời thơ ngây
Đời tươi thắm mình say đắm cùng xây mộng ước
Ngày xưa ấy mình vui sống hạnh phúc sum vầy
Và nắng chan hoà ấm ngôi nhà với ngàn hoa

Mùa thu lá vàng bay úa tàn khắp trời thênh thang
Kỷ niệm xưa vẫn còn anh vẫn nhớ
Mùa lá thu vàng úa bay tàn mãi chân trời nào
Và tiếc thương rồi cũng bay theo lá mà thôi

Rồi cơn gió cuốn mang theo tình ta
Vào đêm quên lãng... đêm giá băng
Em thấy đó, anh vẫn còn ghi nhớ mãi
Tiếng hát em, câu ca riêng tặng anh...

*

NHỮNG CHIẾC LÁ CHẾT
(Bản dịch thơ của Nguyễn Thủy Minh)

Ôi anh mong ước rằng em vẫn nhớ
Những ngày xưa êm ái của hai ta
Thuở ấy cuộc đời tươi đẹp quá
Và vầng dương rực rỡ chói lòa
Những chiếc lá chết gom đầy trên xẻng
Em thấy không, anh chưa quên bao giờ

Những chiếc lá chết gom đầy trên xẻng
Kỷ niệm u hoài, tiếc nuối khôn nguôi
Rồi ngọn gió phương Bắc lạnh lùng cuốn mất
Vào đêm dài tăm tối của lãng quên
Em thấy đấy, anh chưa khi nào quên cả
Bản nhạc tình em từng hát anh nghe

Bản nhạc tình về câu chuyện hai ta
Em yêu anh, và anh cũng yêu em
Dưới mái nhà xưa đôi ta chung sống
Anh yêu em và em cũng yêu anh
Nhưng đời âm thầm chia rẽ lứa đôi
Biển xóa mất dấu chân người tình trên cát

Dưới mái nhà xưa đôi ta chung sống
Anh yêu em và em cũng yêu anh
Nhưng đời âm thầm chia rẽ lứa đôi
Biển xóa mất dấu chân người tình trên cát

Những chiếc lá chết gom đầy trên xẻng
Kỷ niệm u sầu, tiếc nhớ khôn nguôi
Tình anh vẫn lặng thầm, chung thủy
Vẫn mỉm cười biết ơn cuộc đời
Anh quá yêu em, em yêu kiều xinh đẹp
Lẽ nào em muốn anh lãng quên người?

Thuở đó cuộc đời tươi đẹp quá
Và vầng dương rực rỡ biết bao nhiêu
Em vẫn là người em thương mến nhất
Nhưng anh còn lại gì ngoài tiếc nhớ khôn nguôi

Và khúc tình xưa anh vẫn nghe em hát
Vẫn ngân vang, từ thuở ấy vọng về.

Tác giả bài viết: Trần Lê