LUSIA
- Thứ sáu - 01/02/2008 03:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tôi nhớ mãi hình dáng đẹp lồng lộng của Lusia khi lao từ xa, trên đồng cỏ vàng xanh điểm đầy hoa cúc kim trắng và oải hương tím xanh, dưới ánh nắng chiều hắt rực ửng hồng một góc trời… chạy đến với tôi. Chân trước chồm lên vai tôi, hất tôi ngã xuống cỏ. Hai chúng tôi đùa giỡn một hồi. Mắt Lusia lấp lánh, hình như vui, hình như hạnh phúc lắm. Nó rít lên nho nhỏ, dúi cái mõm ướt rượt vào mặt tôi. Cô nàng Lusia của tôi. Âu yếm và ấm áp làm sao!
Lusia là món quà cha dượng hờ tặng tôi hồi sinh nhật 15 tuổi. Gọi là cha dượng hờ… vì cha là chồng mới không chính thức của mẹ tôi. Cha đẻ của tôi ở Việt Nam, thấy mẹ bảo rằng cha sa vào nghiện ngập, mẹ gửi đơn ly dị về cho cha ký rồi. Tôi không biết mẹ có nói dối để “hợp thức hóa” việc mẹ ở với cha dượng hờ không. Hồi còn bé, tôi cũng chẳng nghĩ làm gì. Dù cho cha nghiện hay không nghiện thì cũng chưa bao giờ cha quan tâm đến tôi. Khi hai mẹ con rời khỏi Việt Nam sang đây, tôi mới 5 tuổi. Đến giờ, tôi chỉ còn nhớ dáng cha ngồi im lìm bên bàn nước có miếng vải giải bàn bị cháy mép do tàn điếu cày của cha sém vào. Gương mặt thì nhòa đi, tôi không hình dung rõ nổi nữa. Mẹ bảo tôi cứ nhìn gương thì nhận ra cha, vì con gái giống cha như đúc. Mắt xếch, lông mi dày, lông mày rậm, gương mặt vuông vừa tử tế, vừa khắc khổ! “Con gái giống cha giàu ba họ” – mẹ tôi nói xong câu đấy thì mỉa mai cười. Tôi ghét kiểu cười ấy của mẹ, nhưng không dám nói gì. Từ khi tôi tròn 15 tuổi, tôi thấy tim nhói đau mỗi khi mẹ cười như thế.
Tôi học trường Nga. Nói tiếng Nga. Chơi với bọn bạn người Nga. Chúng nó cũng yêu quý tôi, nhưng tôi vẫn thấy lạc lõng vì tôi biết rõ mình là người của thế giới khác. Ở lớp tôi, những đứa lớn lên không có cha thì nhiều lắm, quá nửa lớp. Tôi còn khá hơn chúng nó, vì tôi có cha dượng hờ! Thi thoảng cha cũng thay mẹ đến họp phụ huynh cho tôi. Nhưng cha có hiểu cô giáo nói gì đâu! Tiếng Nga của cha “ngắn” lắm. Tôi luôn có cảm giác đau quặn bụng mỗi khi cha hứng chí tán chuyện với cô bán bánh mỳ đầu phố bằng thứ tiếng Nga có dấu của mình (nghĩa là có huyền, sắc, hỏi y như tiếng Việt ấy!) Có lần tôi phải xin cô giáo: “Có gì cô cứ nói với em. Cả cha và mẹ em đều không hiểu tiếng Nga nhiều đâu”! Cô giáo chủ nhiệm tôi cũng có một đứa con không cha. Hôm đầu tiên tới thăm nom nhà cô, đúng kiểu Việt Nam, mặc kệ cho tôi phản đối, mẹ tôi đã bập bẹ hỏi thăm chồng cô… Từ sau đó, cả mẹ và cả tôi đều rút ra một kinh nghiệm, không bao giờ, không bao giờ hỏi thăm chồng của một người đàn bà Nga. Mà kỳ lạ, tôi để ý thấy, những cô giáo trường tôi nuôi con một mình thường là giáo viên dạy Văn. Có lẽ họ dạy Văn nên họ nhân hậu, cả tin và cũng biết chấp nhận hơn chăng, khi một người đàn ông đến với họ rồi lại ra đi, bước chân nhẹ bỗng không vướng bận gì!
Người Việt nói chung thì tôi không rõ. Nhưng như mẹ tôi này, làm ăn buôn bán ở Nga đã chục năm, mẹ không nghèo, đủ tiền nuôi tôi, mà năm nào cũng viết cái thư dài dằng dặc đòi tiền cha đẻ tôi bên nhà… Đòi cha thực hiện “nghĩa vụ làm cha” đối với tôi. Tôi thì nghĩ, may mà có cha thì mới có tôi. Nói về nghĩa vụ, chắc tôi mới là người nợ cha, cho dù tôi chẳng còn nhớ được nổi một ngày từng sống bên cha! Và tôi thương cha, thế mới kỳ lạ! Nhất là từ hôm phải mượn thư viện cuốn “Chó hoang Đin-gô” của Phraerman để đọc thêm ở nhà. Tôi còn nhớ, ngồi bên cửa sổ, cầm cuốn sách đọc đến đoạn Tania gặp lại cha, người cha mà Tania không còn nhớ mặt vì cha mẹ cô chia tay nhau từ lâu, tôi thấy ngực nghẹn thắt lại và mắt thì mờ đi… Cửa sổ nhà tôi nhìn ra một công viên lớn toàn cây là cây. Hôm ấy, cây đồng loạt ngả vàng. Tôi chỉ muốn khóc nức lên… Nhớ cha, người cha tôi cũng đã quên nét mặt. Thương cha. Vì tôi biết cha mẹ tôi không yêu nhau. Nếu từng yêu thì mẹ tôi đã chẳng sòng phẳng với cha như vậy. Tình yêu… tôi biết chứ. Tôi cũng yêu một lần rồi, cách đây hai năm. Thằng Kolia lớp 8, cao nhất lớp, mắt buồn như mắt mấy con bò ở nông trại mà lớp tôi có lần về thu hoạch khoai tây giúp ấy. Hồi đó tôi thích nó vì mắt nó buồn. Tôi hay nhường hết món kotlet (1) trong khẩu phần bữa trưa cho nó. Tôi nhớ mãi vẻ biết ơn và yêu mến trong ánh mắt thắm biếc lên của nó khi tôi đẩy đĩa kotlet sang phía nó. Mặc kệ xung quanh ồn ào tiếng đĩa bát va lanh canh, tiếng nồi xoong trong bếp vọng ra xủng xoảng, tiếng bọn trẻ con buôn chuyện ầm ầm, tôi thấy lúc ấy thế giới thật yên lặng và trìu mến. Tình yêu – đó là sự yên tĩnh của thế giới giữa muôn vàn âm thanh xô bồ của cuộc sống! Thế nhưng, khi tôi lên lớp trên… mà đôi mắt của Kolia vẫn mãi buồn như thế, thì tôi bắt đầu chán. Thế giới trong tôi trở lại ồn ào: tiếng ném cặp sách bình bịch của bọn lớp bé, tiếng cười the thé của mấy chị lớp lớn kể chuyện yêu đương, thậm chí, cả tiếng chổi rễ cây loẹt quẹt ngoài sân xa tít tôi cũng nghe rõ mồn một. Thế là tôi hiểu, mình đã hết yêu! Mắt Kolia vì thế lại càng buồn hơn. Và tôi nghĩ, cha tôi chắc cũng có đôi mắt buồn như thế vì mẹ không yêu cha!
Cha dương hờ cũng tốt với mẹ con tôi lắm. Nhưng tôi chịu, không biết cha dượng và mẹ tôi có yêu nhau không. Mà tôi cũng chẳng tìm hiểu, vì mẹ tôi không có vẻ gì là thiếu thốn tình cảm cả. Mắt mẹ chỉ thoáng có vẻ thất thần khi... “xanh giật” (3) và lấp lánh vẻ đắc thắc khi ngồi đếm tiền hàng. Còn cha dượng không phải ruột rà máu mủ của tôi. Tôi kính nể ông như nể một người lớn. Còn mắt ông có buồn thì tôi cũng không cảm thấy xót xa chút nào!
*
Ngày tôi tròn 15, cha dượng mang Lusia về nhà. Khỏi phải nói mẹ tôi đã hốt hoảng như thế nào. Căn phòng 12m2, có chiếc ri-đô ngăn đôi, bên trong là giường cha mẹ, bên ngoài là phần tôi. Giờ lại lù lù một con chó rõ to xuất hiện. Gian phòng càng trở nên bé tợn. Ba người chúng tôi đi lại đều khép nép. Cha dượng tặc lưỡi: “Cả ngày ngoài chợ, về nhà mấy đâu!” Mẹ cằn nhằn hết cả một ngày nhưng rồi không hiểu sao cũng đồng ý cho Lusia ở cùng chúng tôi. Tôi thì khoái cô nàng ngay vì nhìn nó ấm áp quá. Bộ lông trắng muốt sau khi tắm, lắc khô nước đi rồi, vẫn ánh lên màu bạc long lanh, nhìn thật thích mắt. Người nó to lắm, nặng có dễ đến bảy chục cân! Cha dương tôi đùa: “Cái Yến có thích thì nhảy lên cưỡi, phi như phi ngựa được đấy!” Mà Lusia phi như ngựa thật nếu thả nó ra một đồng cỏ rộng. Đó là về sau, khi chúng tôi được cha dượng chở xuống trang trại trồng rau của cha. Ở đó có những bãi cỏ mênh mông được viền bằng cánh rừng bạch dương hay một vài cụm nhà gỗ sơn xanh, sơn vàng, trên nóc tỏa khói mờ dìu dịu. Tôi và Lusia tha hồ chạy nhảy, tưởng như không bao giờ phải trở về với căn phòng chật hẹp ở trung tâm Moscow nữa.
Một lần, chúng tôi cùng ngẩn ngơ trước một cánh đồng hoa hướng dương bất ngờ xuất hiện trong tầm mắt. Khi ấy là độ tháng 8. Nắng không còn gay gắt nữa và bắt đầu chớm có gió lạnh làm gai người. Những mặt trời nhỏ rực rỡ bừng lên trên đồng khiến cả hai chúng tôi đều mê đi vì vui sướng. Lusia phi một vòng quanh cánh đồng hoa sủa váng lên. Bọn chim chóc trong bụi hốt hoảng bay vèo ra đằng xa. Những con chim xanh đuôi dài đỏm dáng luôn là “đối tượng” của Lusia. Nó đuổi chim nhưng mặt tươi hơn hớn (hay là do tôi tưởng tượng ra nhỉ?) nên trông nó không giống chó săn, mà giống một con gấu ngờ nghệch đáng yêu như kiểu gấu Pooh ấy. Chỉ khác là “con gấu” này trắng muốt, đẹp lộng lẫy… Thế giới của Lusia phải là những cánh đồng cỏ bạt ngàn hoặc là miền vùng núi Kavkaz chứ không thể là nơi tù túng như nhà tôi được. Mỗi lần trở về nhà, tôi lại thầm thở dài thương nó. Lusia nằm ở cửa, cố thu mình nhỏ lại, đầu dúi dụi xuống sàn, mắt nhìn lơ láo, mông lung.. Dường như nó đang tưởng lại tiếng gió đồng, tiếng chim ríu ran và tiếng cỏ gai xào xạc…
Chẳng bao lâu, cha dượng đã không còn bắt nó ở lại căn phòng chật hẹp này nữa. Thì ra, cha mua Lusia về để luyện cho nó trông bãi rau của cha, chứ đâu phải cho tôi! Nhưng niềm vui thấy Lusia được tung hoành nơi có không gian phóng khoáng đã làm mờ đi nỗi ấm ức vì “bị lừa gạt” của tôi. Tôi bằng lòng để nó đi cùng cha dượng, đôi khi bặt tăm hơi cả tuần mới trở về. Bộ lông ngả màu vì đất cát, nhưng mặt mũi hả hê. Thậm chí, mùi từ người nó tỏa ra cũng không nồng nồng, hôi hôi như trước mà tưởng như có lẫn mùi cỏ mùi bùn, nó dễ chịu hơn thì phải. Tôi hì hụi tắm cho nó trong bồn. Bồn tắm chật quá khiến công việc này rất vất vả. Cuối cùng, sau một hồi kiên nhẫn chịu đựng bọt xà phòng thì nó cũng trở lại một cô chó xinh đẹp to lớn của tôi, con Gấu bông khổng lồ nhất thế giới! Tôi dẫn Lusia đi dạo dưới đường, bọn trẻ bu lại hỏi:
- Gấu à chị?
- Ừ, gấu. Gấu Bắc cực đấy!
Lũ nhóc nửa tin nửa ngờ. Có đứa thấy tôi cho Lusia ăn miếng xúc xích, kêu lên:
- Bọn mày ơi, không phải Gấu đâu. Gấu chỉ mút chân mút tay, không ăn xúc xích!
Chuyện này làm tôi buồn cười, vui suốt cả một buổi chiều.
Cha dượng thì kể, từ khi có Lusia đi cùng, cứ “thằng cha” công an nào tuýt xe cha lại là y như rằng phải vội vã “thả” đi ngay. Lusia ngồi chồm hỗm ở băng ghế sau, mũi khịt khịt, nhổm ngay dậy nôn nóng. Tôi thì tôi biết cô nàng muốn ra, chứ còn gã công an chắc hẳn hãi lắm. Vóc dáng của Lusia khiến nó trở nên dữ tợn trong mắt người lạ. Kỳ thực, nó rất hiền. Nó hiền nhất lúc nằm dưới chân tôi, mắt tròn bé như hạt nhãn ngước lên nhìn hiền lành, thân mến.
*
Năm ấy công việc làm ăn thuận lợi. Mẹ tôi giao hàng ở chợ Vòm, hết “công” này đến “công” khác. Tuy có vất vả đôi chút nhưng vui. Mẹ cũng ít ngồi ngán ngẩm chép miệng, kể lể chuyện cha đẻ tôi như năm ngoái. Tôi chỉ thầm tự hỏi, không hiểu sao đã có tiền rồi mà mẹ không thuê được căn hộ tử tế, ít ra cũng có hai phòng riêng rẽ! Chiếc ri-đô giữa phòng luôn đập ánh màu lòe loẹt của nó vào mắt tôi, rung rinh trêu ngươi tôi, khiến tôi cảm thấy bực bội muốn điên lên được. Nhất là, những khi cha dượng hứng chí bật nhạc vàng, những bài có Ý Lan hát thì tôi chỉ muốn chết đi cho rảnh! Tôi lao ra ngoài trời. Lusia theo sát tôi. Trời mùa Hè ở nước Nga, gần 11 giờ đêm rồi mà vẫn sáng. Nhưng dù gì thì cũng là ban đêm, và không khí thoảng mùi tử đinh hương vẫn vương vất thêm một thứ mùi khác nữa. Đó là mùi của sự bất trắc. Song không ai dám trêu chọc tôi khi Lusia lúc nào cũng trung thành bên cạnh, kể cả mấy thằng Tây đầu trọc hếu gần ốp chúng tôi ở, mặc đồ da, chân đi giày mõm dài có đính đinh sáng loáng. Bọn ấy hay có dây xích sắt thủ trong người, đã từng vào chỗ chúng tôi, đánh chảy máu một vài thanh niên người Việt. Nhưng tôi cóc sợ, vì tôi đã có Lusia. Lusia, cô bạn hiền hậu và dữ tợn của tôi, giúp tôi tránh được bọn xấu, và giúp tôi tách xa cả người thân của mình nữa! Để tôi có được một khoảng trời riêng, khoảng trời không có bất kỳ cái riđô nào cả, mênh mông và thơ thới. Ở đó, chỉ có tôi và Lusia. Có thể có cả Kolia nữa, nếu cậu ấy muốn. Chỉ mong sao cậu ấy thôi cái kiểu nhìn buồn bã ấy đi. À, mà ở đó có cả cha tôi nữa. Nếu cha nghiện, tôi sẽ giúp cha cai nghiện Mặc dù tôi cũng chưa rõ là bằng cách nào, nhưng có tình yêu là làm được tất, tôi tin thế. Chỉ cần cha ngồi cạnh để cho tôi áp đầu vào vai cha một thoáng, giống như Tania trong “Chó hoang Đin-gô” ấy.
Trong mùa Hè, có đợt tôi được cha dượng cho về thăm trại rau. Tôi thích lắm. Những dãy nhà kính, nhà bạt ni-lông trắng nằm song song, tươm tất, ánh lóa lên dưới nắng. Cha dượng chỉ tay, cười ha hả: “Đây, trong này là Việt Nam đấy. Gi gỉ gì gi cái gì cũng có nhé!” Từ 5 tuổi tôi đã ở Nga, nhưng tôi vẫn được nuôi dạy theo kiểu Việt Nam. Tôi vẫn lớn lên bằng rau muống, rau cải… vì thế, những dãy nhà rau xanh này đối với tôi thật là thân thương. Ngoài những gian trồng rau muống, cải cúc, cải xanh, cải ngọt, mồng tơi, còn có giàn mướp đắng lúc lỉu những quả xanh sần sùi, một gian nhỏ trồng rau thơm: mùi tàu, húng chó, tía tô, rau răm… Nhưng chỉ được một tháng là cha dượng cho dỡ hết cả khiến tôi tiếc đứt ruột. Rau lên xanh thì xanh mướt, tím thí tím ngát, bản lá to rộng, nhìn thật thích mắt. Nhưng cha bảo, rau thơm mà lá to mượt là vứt. Phải cằn cằn một tí mới đúng. Cha than rau răm thì cay như ớt mà tía tô thì chẳng có tí mùi vị gì. Thì ra, ở đây cha vẫn không thể có “Việt Nam” một cách hoàn toàn được! Bầu bí thì cha dượng không cho trồng trong nhà ni-lông mà thả cho chúng bò khắp đồng. Tôi và Lusia ra chỗ người ta đang thu hoạch rau bí, nhặt những bông hoa bầu, hoa bí màu vàng ươm mang về cho mẹ. Mẹ tôi thích món hoa bí xào tỏi. Mâm cơm có món này, mẹ có vẻ trầm hẳn, dường như lặng đi trong một hồi tưởng cũ xưa nào đó. Rồi xuýt xoa: “Thơm quá…” Tôi thích mẹ tôi những lúc ấy, như thể mẹ là người khác, không phải người đàn bà đảm đang quán xuyến việc hàng họ ở chợ, nói năng chao chát như suốt chục năm trời mẹ đã từng…
Những người đàn bà nông dân Nga, đầu đội khăn cho đỡ nắng, đang cắm cúi dỡ dây bí, bó vào từng bó. Những gương mặt hồn hậu hồ hởi chào đón tôi. Tôi đã thân với họ từ lâu, thấy gần gũi với những con người ham làm hay nói này thế. Lần nào về, họ cũng dúi cho tôi bó hoa hồng trồng trong nông trang. Hoa hồng chúm chúm tròn xoe, đủ các màu và đặc biệt là rất thơm, có tên là… Mercedes (hừm, tôi chẳng thấy có gì liên quan giữa hoa hồng và ôtô cả!).
- Mishka! (3)
Họ gọi Lusia rồi phá lên cười khi thấy Lusia đứng ngẩn ngơ vì bị tia nước từ dãy vòi nước nằm ngang trên xe công nông phun bắn vào mắt. Rồi nó lao theo sau xe, sủa nhắng lên vui vẻ. Đôi lúc, nó chạy dấn lên song song với chiếc xe, khéo léo há miệng đón những tia mát lành. Trên đồng, những chiếc xe như thế đi đi lại lại ngày hai bận. Những người nông dân không phải vất vả tưới tắm cho đồng ruộng như ở Việt Nam. Cha dượng bảo tôi vậy. Cha xuất thân từ nông dân nên thạo việc trồng trọt lắm. Tôi cũng thích nhìn cha chỉ đạo những người đàn bà Nga trồng tỉa. Ngẩng cao mái đầu đã điểm bạc, cha chỉ cho họ giống nào cần gieo dày, giống nào phải trồng thưa, vẻ tự tin, phấn chấn, giọng sang sảng, tiếng Nga dường như mất hẳn dấu huyền, dấu nặng mà cha vẫn hay dùng để tán cô bánh mỳ! Cha mất hẳn cả vẻ lo lắng, khúm núm thường trực khi ở trong thành phố, nhất là những lúc chạm mặt với công an. Không bó mình trong chiếc áo vét nhàu nhĩ như khi đi ra chợ, quần xắn móng lợn thoải mái, lưng áo phông đẫm mồ hôi, ông đi đi lại lại giữa các luống rau, vẻ tươi tỉnh. Không gian phóng khoáng khiến ai cũng đẹp hơn, ít nhất là trong mắt tôi. Một điều buồn cười là tôi cứ hay tẩn mẩn để ý xem trong những người đàn bà ở đây, có ai là không có chồng, là mẹ-cô-đơn như trong thành phố. Thì thật là bất ngờ, cả tổ nông trang trồng rau nhà kính lẫn những bà làm ngoài đồng, ai ai cũng có một ông chồng đợi họ ở nhà. Họ nói đến chồng vừa âu yếm, vừa ra vẻ không hài lòng vì “các lão ấy chậm chạp lắm, kiếm không ra tiền nên vợ mới vất vả”. Có phải ở những nơi này, thiên nhiên phóng khoáng cũng lại dễ giữ chân những người đàn ông hơn không?
Làng quê yên bình, những con người hồn hậu, những cánh đồng khoai tây hoa trắng dịu dàng, những buổi trưa nắng tràn trề khắp nẻo, tiếng người nô đùa trên con sông gần đó vọng về… tất cả chẳng gợi điều gì đáng lo ngại hết. Tôi không hiểu cha cần Lusia để canh giữ cái gì! Rau cỏ của người Việt thì dân Nga không biết ăn. Họ chỉ hay vặt cà chua dưa chuột của nông trang đem về nhà thôi. Mà ê hề ra đó, tôi chẳng thấy ai cấm đoán ai điều gì cả! Khi mọi thứ quá nhiều thì việc lấy của công làm của riêng tự nhiên không còn là ăn cắp nữa!
Thảng hoặc lắm, tôi thấy những người từ Ucraina và Belarus đến đây làm thuê ngồi lơ vơ hóng gió ở ghế đá gần căn nhà gỗ của Trại rau, mỗi người cầm chai bia trên tay, đôi khi có thêm dăm con cá khô vobla (4) mùi tanh nồng lên. Những người này sống trong nhà khách của Nông trường. Trông họ cũng chẳng có gì là đáng để cho cha tôi đề phòng cả. Đàn ông, đàn bà đều ít nói hơn dân địa phương. Dân tha hương mà, ai cũng như ai. Về xứ mình chắc họ lại ăn to nói lớn, lại ồn ào như lễ hội. Và hình như họ chăm làm hơn dân địa phương nữa. Những ngày nghỉ, cha tôi đi thuê thêm người dọn cỏ, đều phải vào Nhà khách mới kiếm được người làm.
*
Cho đến một hôm, trên đường đưa rau về thành phố, tôi mới hiểu vì sao cha cần đến Lusia.
Xe cha con tôi đi đến khúc quanh rẽ vào ốp Togi (5) thì có một chiếc số 4 (6) đít dài và một chiếc Uaz (7) xanh lá cây thẫm ép lại. Cha dượng lẩm bẩm: “Bắt đầu rồi đây”. Và dừng xe. Cha vừa mở cửa vừa huýt sáo gọi Lusia. Cô nàng đang lim dim ngủ, nhổm ngay dậy, như đã quen quá với mệnh lệnh có dấu hiệu đặc biệt này của chủ. Mọi khi, tôi không thấy cha huýt sáo bao giờ, cả nhà thường chỉ gọi tên Lusia thôi. Lusia thò đầu ra cửa sổ, sủa liên hồi kỳ trận. Chân dậm dậm nôn nóng, tưởng như lông của nó cũng dựng đứng lên vậy. Người đi đường bắt đầu chú ý đến chúng tôi, ngoái cả lại nhìn. Hai chiếc xe bí ẩn vừa ép chúng tôi vào lề đường vẫn im phắc, chưa có động tĩnh gì. Chừng dăm phút trôi qua trong căng thẳng. Chỉ có hàng rèm nâu chăng chung quanh các ô cửa xe Uaz hình như lay động.
Cửa xe số 4 mở ra. Một thanh niên Việt Nam nhỏ thó, đầu húi cua gần như trọc lốc, bước ra. Anh ta mặc áo da màu đen, giống loại áo mà mẹ tôi hay “đánh” từ Thổ về. Cố tỏ ra khuềnh khoàng, hắn chậm rãi bước đến gần cha tôi, lúc ấy đã xuống xe, cười khẩy: “Lại diễn vở cũ hả ông anh?” “Chú muốn gì?” – cha dượng hỏi, giọng bình tĩnh. Gã thanh niên cũng bình thản kéo dài giọng: “Muốn cái điều mà lần trước em đã nói. Mỗi người một thị trường anh ạ. Nếu anh còn ngoan cố, bọn em không để yên đâu. Em trước là hội nhà Bình thổ đây”.
Người tôi lạnh toát đi. “Nhà Bình thổ” – cái tên này tôi vẫn thường nghe người lớn nhắc đến trong những câu chuyện kể như phim kinh dị về nhóm người Việt Nam chuyên đòi nợ thuê, trấn cướp cộng đồng. Tôi vẫn nghĩ mọi người thêu dệt thêm cho thêm phần huyền hoặc thôi, chứ làm gì đến nỗi thế. Nào cứa cổ, nào là mặt, xẻo tai. Tôi không bao giờ tin vào những tin đồn nhảm ấy. Thế mà không hiểu sao, lúc này, nghe gã nhắc đến cái tên nổi tiếng giang hồ nọ, tôi lại thấy bủn rủn chân tay. Bất giác, tôi ngồi sát vào Lusia hơn, nghe cái nóng ấm sôi nổi từ người con vật đang truyền qua cho mình, thấy yên tâm phần nào. Trong lúc ấy, Lusia vẫn không ngừng sủa. Khác với những lần đuổi chim trên đồng, bấy giờ, Lusia căng thẳng và phẫn nộ, mắt nó như có lửa, đỏ vằn lên. Nó không còn hiền khô như một con gấu bông nữa. Mõm nó dài và nhọn ra, như loài lai-ca. Đôi khi nó ngừng sủa để gầm gừ những tiếng dọa dẫm trong cổ họng.
Không biết cha tôi nói gì với gã thanh niên vì tiếng Lusia đã át cả tiếng người, tôi không nghe rõ. Chỉ thấy vài ba gã thanh niên cao lớn từ chiếc Uaz nhảy ra, đứng quanh cha dượng tôi. Một tên túm vào cổ áo cha, hẩy dúi ông vào góc xe. Tức thì, tôi chưa kịp định thần, đã thấy cái bóng trắng khổng lồ của Lusia lao xuống, không một tiếng động. Nó thôi không sủa nữa, lẳng lặng đớp ngập răng vào khuỷu tay tên ấy. Tiếng gầm gừ của nó khiến tôi hình dung nó đang nghiến hai hàm răng nhọn hoắt vào nhau, và tay gã kia hẳn đã nát nhừ.
Sau đó tôi chẳng còn nhớ gì rõ ràng nữa. Tôi thoáng thấy một tên chạy ra trước mũi xe to, rút chiếc gậy sắt gài ở đầu xe. Tiếng người rú lên, tiếng chó tru ăng ẳng, đau đớn.
*
Nỗi đau đớn này còn theo tôi rất lâu. Mỗi năm nó một dịu đi, nhưng vẫn như cái dằm nằm sâu đâu đó trong tim tôi vậy. Mùa Hè, khi gió nam tràn về trên cỏ, bãi cỏ gần trường Đại học của tôi cũng ngập tràn những bông hoa cúc kim bé bỏng, thì cái dằm ấy lại ngọ ngậy, khiến tôi đi, đứng, ngồi đều thấy đau.
Lusia lần đó không chết. Nó chỉ bị thương nặng. Là con chó trẻ độ tuổi sung sức, nó hồi lại rất nhanh, chỉ bị tật ở chân, đi cà nhắc. Nhưng hình ảnh mớ lông trắng nhuốm đầy máu nằm thượt trên đường ăn sâu vào trí nhớ luôn làm tôi rùng mình. Từ đó, tôi đâm ra thấy yêu mến cái xã hội Nga ở trường học của tôi hơn, cố gắng hòa mình vào đó, như tìm cho mình một góc thân quen ở nhà người lạ! Tôi sợ những người đồng hương của tôi.
Mùa rau năm đó, cha dượng tôi vẫn trúng lớn. Hội “Bình thổ” không dám động đến cha, nhưng chính cha lại quyết định thôi trồng rau. “Mệt người, rầy rà…” – cha bảo vậy. Cha bán nhượng lại hết những bịch hạt giống còn lại và cả cái cơ ngơi hàng chục mái nhà kính cho bọn người ác ấy.
Tôi không hiểu nổi cha. Về đến thành phố, cha lại trở thành con người khúm núm khó hiểu. Điều làm tôi bất ngờ và đau đớn nhất là cha… bán Lusia. Cha làm điều đó khi vắng tôi. Và ông tránh mặt tôi, bỏ đi thành phố xa một tuần. Mẹ cố gắng giảng giải cho tôi hơn thiệt, rằng không trồng rau, không đi đường trường nữa thì không cần chó to. Mà để nó mãi ở căn phòng bé tẹo này, cũng tội cho nó lắm. Hình như cha bán nó cho một chủ trại ở vùng quê nào đó, ở đó, họ thích giống Kavkaz khổng lồ như Lusia. Mẹ bảo cha đợi tôi nguôi ngoai rồi sẽ cho tôi về đó thăm lại nó. Nhà chủ ấy họ yêu Lusia lắm và tôi có thể yên tâm, không phải băn khoăn gì về nó cả.
Nhưng thời gian cứ trôi đi. Những mùa Hè sau đó của tôi không còn bóng dáng của đồng cỏ bạt ngàn và bầu trời phóng khoáng nữa. Tôi bận học. Cha mẹ bận buôn bán. Không một lần nào cha dượng nhắc nhở về Lusia với tôi. Và tôi cũng không hỏi. Tôi không tin câu chuyện về chủ trại kia, nhưng không muốn nghe một câu chuyện khác, thật hơn và buồn hơn.
Năm đó, dưới đường, bên khu nhà đối diện, không hiểu sao lũ thanh niên cứ chập tối lại hay túm tụm xập xình đàn hát… Nếu tôi không nghe thấy bài “Lusi” được đệm tha thiết bằng tiếng ghi-ta gỗ thì chắc hẳn tôi sẽ chìm đắm mãi vào những giấc mơ đau buồn.
“Con chó bị mất rồi
Con chó sống trong sân nhà chúng tôi
Lũ trẻ âu yếm gọi
Lusi o o Lusi…
…
Chúng tôi không bỏ bạn
Chúng tôi cần Lusi
Một tháng qua đi
Trẻ con vẫn tìm Lusi
Bỗng có điều gì
Xôn xao dưới đường
Mọi người nhìn qua cửa sổ
Lusi đang ở đó
Cùng tám chú chó con
…
Lusi... Ô ô ô Lusi.” (8)
“Lusia, Ô ô ô... Lusia…” Tôi lẩm bẩm hát theo, mỉm cười nhìn thấy dáng to lớn lồng lộng của Lusia qua hàng nước mắt.
Chú thích:
(1): Món thịt rán băm viên nhồi bột hoặc khoai tây
(2): Tiếng lóng, được bà con người Việt ở Nga dùng để chỉ hiện tượng giá đô-la Mỹ tăng hoặc giảm mạnh đột ngột.
(3): Tiếng Nga, nghĩa là “Gấu con”.
(4): Loại cá nổi tiếng vùng Astrakhan, sấy khô làm "mồi" nhắm bia.
(5): Một trung tâm thương mại của người Việt, nằm ở phía Nam của Moscow.
(6): Loại xe Zhiguli hay dùng để chở hàng
(7): Loại xe 12 chỗ ngồi, “đi mọi địa hình” của Nga, rất thông dụng trong thời chiến.
(8): Lời bài hát “Lusi” của Gazmanov.