LỜI XIN LỖI MUỘN MẰN
- Thứ năm - 13/02/2014 21:56
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Tôi xin lỗi anh bao nhiêu lần, sẽ còn tự nói với mình bao nhiêu lần lời ấy, dẫu biết mọi lời xin lỗi đều là quá muộn”.
Nếu hôm đó ông Huệ Lợn hàng xóm tắt phụp cái ti vi cứ chốc chốc hình lại nhảy chồm chồm vào lúc chúng tôi đang lom khom cúi tìm guốc dép thì đời tôi sẽ ra sao?
Một giọng nói đầy nghiêm trọng vang từ màn hình ti vi. Như thể chính nó cũng hiểu ra sự nghiêm trọng, hình đứng. Chính giọng nói đập thẳng vào tôi. Chứ không phải là bản tin phát bất thường. Không thể nào hiểu ngay. Tại sao? Tại sao? Trung Quốc tấn công Việt Nam. Đồng Đăng. Phố Kỳ Lừa. Động Tam Thanh. Cao Bằng. Đỉnh Pò Hèn. Móng Cái. Xe tăng Trung Quốc bị bắn cháy ngay trên lãnh thổ của chúng ta. Không biết vì sao, nhưng con số 60, sáu mươi xe tăng bị quân và dân ta hạ in lập tức vào trí nhớ.
Khi đó tôi mười sáu. Chiến tranh Mỹ - Việt chấm dứt được bốn năm. Mẹ tôi mất, trước lúc nhắm mắt vẫn mừng rằng hết bom đạn rồi, con mình hết khổ. Những đứa bạn tôi người Việt gốc Hoa đi, chưa khi nào tôi gặp lại. Rỗng cả Hàng Chiếu, Hàng Buồm.
Ngày hôm sau tôi thi học sinh giỏi thành phố vòng hai để lập đội tuyển thi toàn quốc. Không biết đề thi năm đó có được gấp rút đổi lại trong đêm để theo sát chiến sự hay không. Khi đọc đề, tôi đã run lên vì cảm giác về một sự phấn hứng mà mình sẽ có khi viết. Giọng nói chuẩn xác, nghiêm trang, đầy lửa của phát thanh viên trong bản tin bất thường lúc chương trình vô tuyến kết thúc lại vang lên trong trí.
Và, con số 60. Sáu mươi xe tăng Tàu bị ta bắn gục trong đường biên lãnh thổ của chúng ta. Kiêu hãnh. Tự hào. Chúng tôi, dẫu có cả một tuổi nhỏ chẳng sung sướng gì vì chiến tranh, nhưng chẳng đứa nào hiểu quái gì về chiến tranh ngoài chuyện góp tre làm hầm, mũ rơm, túi cứu thương, ngô rang, bỏng lúa, cào cào châu chấu và những xao xuyến nhớ thương một thành phố phải để lại, một làng quê đêm nằm năm ở. Không biết rằng tuổi trẻ của mình sẽ kẹt cứng bởi một cuộc chiến vừa kết thúc, bởi hai cuộc chiến tranh ép lại từ hai đầu Tổ Quốc và đất nước sẽ lại vẹo mình trong những cơ cực mới.
Cũng vì cái danh học sinh giỏi văn hão đó mà suýt nữa tôi bị kỷ luật trước toàn trường. Ghét mọi hoạt động phong trào từ báo tường tới múa hát mừng lung tung, tận dụng tối đa biệt danh “Ve sầu ngủ đông” được phép nghỉ ốm không cần xin phép, tôi nhất định không cố đi học vào cái hôm thu thư gửi những người đang chiến đấu bảo vệ biên giới. Tôi biết viết gì, cho một người không quen dưới một cái danh chung là LÍNH, một người có thể chỉ rời trường phổ thông trước tôi đôi ba năm. Ngợi ca ư? Tán tụng ư? Hay là thương xót?
Chẳng lẽ người ta có thể viết một lá thư như thế chỉ nhờ vào những gì đọc được mà chưa ngấu hết? Ông thầy bí thư Đoàn trường mà cả lũ toàn gọi lén là thầy Trâu Điên ra lệnh cho bí thư lớp trưởng lớp tôi tới nhà, dựng con bệnh dậy, bắt viết một lá thư lên biên giới để thu tại chỗ. Chỉ vì nó mà vừa lò dò đi học lại, tôi bị gọi lên trình diện trước con mắt của cả trường. Tôi - như thầy bí thư đanh thép dằn giọng trong micro - có tội giễu cợt những người đi chiến đấu. Con bé run run dịu dàng hỏi lại cho rõ tội mình. Thì đây: viết thư cho chiến sĩ mà lại gọi họ là “chú”!
Thầy rõ chẳng biết lòng trò. Con bé lên cơn khùng, quên bẵng trước mình là thầy bí thư đoàn trường, mà một lời một chữ của thầy có thể chặn đứng đường tới tương lai thật ra chẳng biết nó ra sao nhưng phải cố. Tôi không thích hoạt động phong trào, nhưng khi nhận lệnh Đoàn trường từ hai đứa bí thư lớp trưởng, tôi đã viết một lá thư không thể gọi là thư theo yêu cầu. Tôi viết về mình, về tuổi nhỏ sơ tán của mình, về nỗi sợ hãi khi ngóng về Hà Nội bị bom Mỹ oanh tạc, về thành phố ngày hậu chiến, hòa bình tràn trề nhưng đói, nhưng thiếu, nhưng sao mà đẹp.
Lá thư đó, cô bạn lớp trưởng cẩn thận xếp lên trên cùng bó thư của cả lớp, chằng buộc kỷ càng và tôi nhớ đã tự hỏi ai trong số những người lính đang ở biên giới, đang đi về biên giới sẽ đọc nó, sẽ nghĩ gì? Khi đó, họ hiện diện trong tôi đơn giản là người lính, không có tuổi, hiền như lúa như nước, và họ đang phải chiến đấu, vì tôi. Họ giống như bao nhiêu chú bộ đội một ngày nào chưa xa đã sà xuống mẹt chuối con bé Hà Nội là tôi xin bà đem bán để mua gà chống Mỹ, những người tuổi chúng tôi gọi là chú. Tôi không biết ông thầy giáo viên văn kiêm bí thư đoàn trường có cái quái gì trong đầu để tự sản xuất ra ý nghĩ rằng một lá thư như thế, “gửi” chú là nỗi hổ nhục của trường tôi, là tôi đang tự mạt sát chính tôi.
Nếu mà thầy ấy đọc được lá thư gửi từ biên giới cho tôi! Nét chữ xấu, ê hề lỗi chính tả, kiểu chữ của người đi học mà thời gian phải làm việc nhiều hơn thời gian ngồi học. Anh kể cho tôi về quê anh, cũng nằm ở vùng biên, nhưng anh không nói một lời nào tới cuộc chiến đang diễn ra ở đó. Anh nói với tôi mong ước có một ngày gặp mặt, rằng anh chẳng có quà gì, nhưng quê anh có rất nhiều măng… Lá thư đó mấy chị bạn học cùng chị tôi, đang là giáo sinh đi thực tập ở một trường gần nhà tôi đọc được. Họ lấy bút đỏ, sửa tất cả những lỗi chính tả, rồi cho vào phong bì.
Những ngày đó tôi đang khổ sở vì các cuộc họp chi đoàn tổ chức theo sự chỉ đạo của thầy bí thư Đoàn trường và lần nào thầy ấy cũng có mặt. Sau cơn khùng cướp micro cãi giả thầy trước toàn trường, tôi bắt đầu cơn sợ! Kỳ thi đại học ngay trước mặt. Giờ lôi thôi thì kể cả đã được vào thẳng tôi cũng tiêu đời. Tôi đã chỉ nghĩ đến mình. Lá thư nhận được làm tôi càng phải nghĩ đến mình, lại còn ngại ngần trước cơn cười của các bà chị. Và vì thế tôi im lặng để họ gửi cái phong bì đi.
Ba lăm năm qua, bao lần tôi ân hận vì sự vô tâm ngu ngốc của mình. Bao nhiêu năm qua tôi tự hỏi người ấy nhận lại lá thư mình sẽ nghĩ gì? Hẳn anh chua xót và phẫn nộ. Có thể tủi hận và căm giận nữa vì một nhân dân như tôi. Ba lăm năm qua, bao lần tôi tự hỏi không biết giờ anh ra sao? Anh còn sống? Anh theo đường quân ngũ làm nên hay đã phục viên, giải ngũ, trở lại làm nhân dân? Có bao giờ anh nhớ lại lá thư xưa gửi cho một kẻ không đáng nhận? Hay đời sống đã làm anh cạn kiệt, cả niềm vui, nỗi buồn, sự phẫn nộ, niềm chua xót…?
Có những điều đã trót làm rồi và mọi lời xin lỗi đều quá muộn. Nhưng ba lăm năm qua tôi đã bao nhiêu lần nói với tôi lời xin lỗi anh. Tôi xin lỗi anh khi nhìn thấy vẻ háo hức ngơ ngác của những người lính trẻ giữa phố phường Hà Nội, bên cửa kính của cửa hàng Bách hóa Tổng hợp một thời. Tôi xin lỗi anh khi thấy nơi sân ga những dáng người gồ lên, gù đi vì ba lô con cóc, có buộc cái khăn mặt dấp sẵn nước, chiều mùa hạ, giữa một Hà Nội gió, kem que, xe đạp nhong nhong của chúng tôi.
Tôi xin lỗi anh khi thấy một lưng áo quân phục đẫm mồ hôi giữa chợ người, bên chiếc xe thồ rau thồ chuối đầu ngõ chợ. Tôi xin lỗi anh khi anh rể tôi, một sĩ quan trẻ, đi biên giới về và chết, không phải vì đạn, mà vì căn bệnh máu trắng như rất nhiều người lính trẻ được đưa từ biên giới về bệnh viện 108 đã bị, chẳng biết vì sao, nhưng anh tôi là liệt sĩ, con anh vừa tròn bảy tháng khi đó năm nay ba mươi tuổi rồi. Tôi xin lỗi anh bao nhiêu lần, sẽ còn tự nói với mình bao nhiêu lần lời ấy, dẫu biết mọi lời xin lỗi đều là quá muộn.
Tôi khi ấy mười sáu và anh hơn tôi tám tuổi.
Anh tên là Bế Văn Èn, năm 1979 là trợ lý của tỉnh đội trưởng tỉnh đội Lạng Sơn.