Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LÃO THI SĨ HỮU LOAN TỪ TRẦN

(NCTG) Theo tin từ Việt Nam, vào hồi 19 giờ ngày 18-3-2010, thi sĩ Hữu Loan, tác giả bài thơ nổi tiếng “Màu tím hoa sim”, thành viên phong trào Nhân văn - Giai phẩm, đã từ trần tại nhà riêng ở thôn Vân Hoàn (xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), thọ 95 tuổi.

Thi sĩ Hữu Loan trên sân gạch trước nhà ông (2006) - Ảnh: Văn Khoa

Ngay sau khi được tin về sự ra đi của lão thi sĩ, NCTG đã có một cuộc trao đổi nhanh với nhạc sĩ Phạm Duy từ TP HCM - đã phổ nhạc rất thành công thi phẩm “Màu tím hoa sim” - về mối giao tình giữa hai người bạn văn nghệ.

Nói về cảm xúc trước tin thi sĩ Hữu Loan qua đời, nhạc sĩ Phạm Duy cho biết: “Lẽ tất nhiên, sự buồn rầu của tôi là phải có, khi được tin anh Hữu Loan từ trần. Nhưng anh mất đi khi đã gần một trăm tuổi thì tôi không phải tiếc thương quá đỗi vì sự thương tiếc của tôi cũng như của mọi người đã dành cho người vợ trẻ của anh qua đời trong kháng chiến rồi...”.

- Nhạc sĩ có thể cho biết những kỷ niệm cũ với nhà thơ Hữu Loan?

Nhạc sĩ Phạm Duy (PD): Tôi quen anh Hữu Loan từ ngày tôi vào Khu 4 năm 1948 và làm công tác văn nghệ trong Trung đoàn 9. Khi đó anh Hữu Loan là cán bộ trong Ủy ban Kháng chiến tỉnh Thanh Hóa, ngày ngày cưỡi ngựa đi công tác khắp nơi trong tỉnh, trông rất oai nghiêm khiến tôi bái phục...

Biết anh cũng làm thơ, cùng anh đàm đạo về thơ, được nghe anh đọc bài “Màu tím hoa sim”, “Đèo cả”, “Tò he”, “Chiếc chiếu”, “Những làng đi qua”, “Hoa lúa”, v.v... Tôi đã có ý định phổ nhạc bài “Màu tím hoa sim” ngay từ lúc đó...

- Sau khi hồi hương, nhạc sĩ có dịp gặp lại thi sĩ Hữu Loan?

PD: Tôi có cơ hội về Thanh Hóa thăm Hữu Loan vào năm 2006 trong một ngày mưa lạnh và ngồi xe ôm để vào con đường nhỏ hẹp dẫn tới nhà ông...

Thấy nhà của thi sĩ rất khang trang, sạch sẽ. Vợ chồng Hữu Loan và người con cả tiếp đón tôi rất ân cần.

Tôi tặng thi sĩ một cuốn video trong đó tôi được phỏng vấn về bài “Áo anh sứt chỉ đường tà”.

Thế rồi chúng tôi chia tay nhau trong khi trời đã tạnh mưa...

- “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, như “Những đồi hoa sim” (Dzũng Chinh), “Chuyện hoa sim” (Anh Bằng) và nhất là “Áo anh sứt chỉ đường tà” (Phạm Duy). Mỗi ca khúc một vẻ, đều tôn vinh vẻ đẹp của thi phẩm, nhưng ca khúc của nhạc sĩ đã phản ánh một cách bi hùng nhất những đau thương, mất mát của con người trong chiến trận. Tại sao nhạc sĩ lại chọn hình thức phổ nhạc như thế?

PD: Hai nhạc sĩ Dzũng Chinh và Anh Bằng phổ nhạc bài thơ “Màu tím hoa sim” một cách rất tốt, nhưng dùng hình thức “tiểu khúc” bình dân, ngắn ngủi chỉ có một đoản khúc Pop Boléro, Slow Rock giản dị, dễ nghe, dễ hiểu...

Và cũng vì lý do các ông không có kinh nghiệm đi kháng chiến nên không đem được nhiều cảm xúc buồn thương hay hùng vĩ vào âm nhạc.

Còn tôi, tôi muốn soạn một “đại khúc” (grand music) bi hùng dài tới 5-7 đoạn, một “chant patriotic”. Có thế thôi!

Tác giả bài viết: Trần Lê thực hiện - Ảnh do nhạc sĩ Phạm Duy cung cấp