LẶNG IM TRONG BÓNG ĐÊM
- Thứ sáu - 19/05/2017 01:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Khi mớ hỗn độn của cuộc sống hàng ngày cứ gào thét đòi ta phải chú ý đến chúng, trong đêm bạn sẽ biết điều gì đáng để ưu tiên, để có thể cân bằng mình một cách nhanh nhất. Thấy người gần hơn (trong tương quan với tất cả các khoảng cách địa lý) giữa cách ngăn dằng dặc, cách ngăn đã thấy trước, đã buồn rầu chấp nhận, đã day dứt đúng sai”.
Hoàn toàn tình cờ, bởi một cơn đau kéo dài, một việc cứ ân hận mãi hay tại nỗi nhớ dai dẳng đến hao mòn... mà đã im lìm thức suốt đêm cho đến khi ánh ngày non nớt, tinh khôi rồi ngạo nghễ lấn lướt, vỡ òa...
Chìm vào bóng đêm nhưng nhiều thứ đã đột ngột sáng lên trong tầm mắt buộc phải tinh tường, nhiều điều có thể bật ra rõ nhất từ trong điềm tĩnh suy xét, và cả hình khối, sắc màu tưởng vô ngôn đã kịp hiện hình.
Giữa mênh mang tĩnh mịch, đâu đó tiếng mưa thong thả gõ vào mặt kính, từng giọt kéo dài nổi lên như những dòng nước mắt cứ chầm chậm chảy. Chuông nhỏ ý tứ lanh canh reo khẽ mỗi khi cơn gió tinh quái lách vèo qua khe cửa quyệt vào. Tượng gỗ vũ nữ Chăm thường ngày đứng bất động trên giá sắt dưới ánh đèn đường hắt vào chợt rõ từng vết hằn của khuôn ngực, của cái hông phồn thực, và những ngón vuốt dài uốn cong điệu nghệ đặc trưng Apsara, gương mặt gợi cảm mà siêu thoát, nét ẩn nét hiện qua thớ gỗ mun giờ chỉ độc trắng với đen. Vũ nữ như sống động hơn bên giá sách trĩu nặng, chất chứa tất cả những bí ẩn của bao miền đất mới lạ, của ngổn ngang cõi người, của sâu thẳm tâm linh. Một thế giới mà chỉ trong im lặng tư duy và cảm xúc mới chịu cất lời. Có lần để có một cuốn trong số đó, giữa ngột ngạt một quán sách quen trong ngõ Đinh Lễ chật chội đã cố rút đến bật móng tay, lúc trở về vừa buột lời kêu ca đã chợt xúc động đến buốt ngực trước câu hỏi giản đơn gần như trung tính “tay nào đau”. Lâu lâu chạm vào giá sách hay bập bềnh trên những chuyến đi, len vào giữa chập chờn thức tỉnh ba ký tự ấy lại trở về như một sự an ủi.
Ngày bé, ai cũng hơn một lần nếu có lỗi hay bị sao đó sẽ chạỵ vào sau cánh cửa, góc tường, tệ nữa là dưới gầm bàn úp mặt vào bàn tay nấc lên thoải mái vì tin rằng không ai có thể phát hiện mà quát nạt hay trêu chọc. Khi lớn ngộc, già đi thì buộc phải ngộ ra một điều nếu có gì khiến ta bức bối, vật vã biết chạy vào đâu cho được giữa bốn bề giao đãi vây bủa. Chỉ còn chạy vào bóng đêm là an toàn. Ở đấy ta thấy mình rõ hơn. Bởi không còn lúc nào được là mình tốt hơn lúc này, và nếu không phải là bây giờ thì biết đến khi nào. Khi mớ hỗn độn của cuộc sống hàng ngày cứ gào thét đòi ta phải chú ý đến chúng, trong đêm bạn sẽ biết điều gì đáng để ưu tiên, để có thể cân bằng mình một cách nhanh nhất. Thấy người gần hơn (trong tương quan với tất cả các khoảng cách địa lý) giữa cách ngăn dằng dặc, cách ngăn đã thấy trước, đã buồn rầu chấp nhận, đã day dứt đúng sai.
Nước mắt vốn luôn giấu kỹ giữa ồn ào ban ngày được dịp tự tiện bò ra vì biết chắc đã có bóng đêm đồng lõa, đã có đơn độc ủng hộ, vỗ về, kéo trôi xuôi mệt mỏi, buồn bã. Lặng nhìn sự trùng hợp kỳ lạ của ý nghĩ qua đối thoại không lời bằng ngôn ngữ điện tín, để thấy giải phân cách của hai thế giới dần biến mất. Lúc ấy ta thực sự được là mình, không còn phải dồn sức để lo lắng vì dị nghị của người khác, vì những điều được cho là chệch chuẩn so với số đông.
Đêm có thể đường hoàng ra khỏi vỏ ốc của gượng ép, của che chắn, an toàn, không phải cố sức làm mọi thứ, phải giấu đi sự mệt mỏi hay sự thất vọng thấu xương. Có thể tỉnh táo mà biết đã sai lầm hay may mắn đã hạnh phúc hay tội lỗi. Đêm như một tấm gương soi trực diện các vai mà muốn hay không ta vẫn buộc phải lên sàn. Ý nghĩ cứ việc hồn nhiên rong ruổi bằng nhịp điệu marathon. Khi ấy ta được hưởng những giây phút tuyệt vời, không phải sự tán tỉnh phù phiếm, không phải một món lợi từ công việc hay sự tán dương ồn ào. Giây phút ấy quan trọng hơn nhiều, là mùi hương của đóa quỳnh bay vào vấn vít, là quầng sáng thân mật từ chiếc điện thoại, là lời nói ngắn gọn nhất có thể vẫn khiến lòng không ngớt xao động giữa dịu êm, đồng cảm... đấy chính là sự nhắc nhở về ý nghĩa của cuộc sống về sự nghỉ ngơi hay cả những rong chơi điên rồ, bất chợt. Những giây phút tuyệt vời miễn phí đang hiện diện từ im lặng của đêm.
Nhớ là trong cuốn “Ca tụng bóng tối” (In Praise of Shadows), Tanizaki Jun'ichirō, một trong những tên tuổi lớn nhất của nền văn học hiện đại Nhật Bản bằng chiêm nghiệm thâm trầm và thanh tao đã bình luận vô cùng thuyết phục về ý nghĩa của bóng tối, về cách bóng tối ngự trị trên cái đẹp của kịch Nô, bóng trăng, sơn mài, kiến trúc Nhật, cả trên vẻ đẹp mê hoặc của người đàn bà Nhật trong đêm. Những vẻ đẹp chỉ có thế do bóng đêm mang lại. Tanizaki đã đón nhận bóng tối như phần không thể thiếu giữa ánh sáng dương tính tràn ngập, chói gắt.
Ta trong hạn hẹp của trực cảm chỉ thấu một phần gần nhất, thân thuộc nhất, im lặng trong bóng đêm chính là khoảnh khắc trầm lặng để phục hồi.
Chìm vào bóng đêm nhưng nhiều thứ đã đột ngột sáng lên trong tầm mắt buộc phải tinh tường, nhiều điều có thể bật ra rõ nhất từ trong điềm tĩnh suy xét, và cả hình khối, sắc màu tưởng vô ngôn đã kịp hiện hình.
Giữa mênh mang tĩnh mịch, đâu đó tiếng mưa thong thả gõ vào mặt kính, từng giọt kéo dài nổi lên như những dòng nước mắt cứ chầm chậm chảy. Chuông nhỏ ý tứ lanh canh reo khẽ mỗi khi cơn gió tinh quái lách vèo qua khe cửa quyệt vào. Tượng gỗ vũ nữ Chăm thường ngày đứng bất động trên giá sắt dưới ánh đèn đường hắt vào chợt rõ từng vết hằn của khuôn ngực, của cái hông phồn thực, và những ngón vuốt dài uốn cong điệu nghệ đặc trưng Apsara, gương mặt gợi cảm mà siêu thoát, nét ẩn nét hiện qua thớ gỗ mun giờ chỉ độc trắng với đen. Vũ nữ như sống động hơn bên giá sách trĩu nặng, chất chứa tất cả những bí ẩn của bao miền đất mới lạ, của ngổn ngang cõi người, của sâu thẳm tâm linh. Một thế giới mà chỉ trong im lặng tư duy và cảm xúc mới chịu cất lời. Có lần để có một cuốn trong số đó, giữa ngột ngạt một quán sách quen trong ngõ Đinh Lễ chật chội đã cố rút đến bật móng tay, lúc trở về vừa buột lời kêu ca đã chợt xúc động đến buốt ngực trước câu hỏi giản đơn gần như trung tính “tay nào đau”. Lâu lâu chạm vào giá sách hay bập bềnh trên những chuyến đi, len vào giữa chập chờn thức tỉnh ba ký tự ấy lại trở về như một sự an ủi.
Ngày bé, ai cũng hơn một lần nếu có lỗi hay bị sao đó sẽ chạỵ vào sau cánh cửa, góc tường, tệ nữa là dưới gầm bàn úp mặt vào bàn tay nấc lên thoải mái vì tin rằng không ai có thể phát hiện mà quát nạt hay trêu chọc. Khi lớn ngộc, già đi thì buộc phải ngộ ra một điều nếu có gì khiến ta bức bối, vật vã biết chạy vào đâu cho được giữa bốn bề giao đãi vây bủa. Chỉ còn chạy vào bóng đêm là an toàn. Ở đấy ta thấy mình rõ hơn. Bởi không còn lúc nào được là mình tốt hơn lúc này, và nếu không phải là bây giờ thì biết đến khi nào. Khi mớ hỗn độn của cuộc sống hàng ngày cứ gào thét đòi ta phải chú ý đến chúng, trong đêm bạn sẽ biết điều gì đáng để ưu tiên, để có thể cân bằng mình một cách nhanh nhất. Thấy người gần hơn (trong tương quan với tất cả các khoảng cách địa lý) giữa cách ngăn dằng dặc, cách ngăn đã thấy trước, đã buồn rầu chấp nhận, đã day dứt đúng sai.
Nước mắt vốn luôn giấu kỹ giữa ồn ào ban ngày được dịp tự tiện bò ra vì biết chắc đã có bóng đêm đồng lõa, đã có đơn độc ủng hộ, vỗ về, kéo trôi xuôi mệt mỏi, buồn bã. Lặng nhìn sự trùng hợp kỳ lạ của ý nghĩ qua đối thoại không lời bằng ngôn ngữ điện tín, để thấy giải phân cách của hai thế giới dần biến mất. Lúc ấy ta thực sự được là mình, không còn phải dồn sức để lo lắng vì dị nghị của người khác, vì những điều được cho là chệch chuẩn so với số đông.
Đêm có thể đường hoàng ra khỏi vỏ ốc của gượng ép, của che chắn, an toàn, không phải cố sức làm mọi thứ, phải giấu đi sự mệt mỏi hay sự thất vọng thấu xương. Có thể tỉnh táo mà biết đã sai lầm hay may mắn đã hạnh phúc hay tội lỗi. Đêm như một tấm gương soi trực diện các vai mà muốn hay không ta vẫn buộc phải lên sàn. Ý nghĩ cứ việc hồn nhiên rong ruổi bằng nhịp điệu marathon. Khi ấy ta được hưởng những giây phút tuyệt vời, không phải sự tán tỉnh phù phiếm, không phải một món lợi từ công việc hay sự tán dương ồn ào. Giây phút ấy quan trọng hơn nhiều, là mùi hương của đóa quỳnh bay vào vấn vít, là quầng sáng thân mật từ chiếc điện thoại, là lời nói ngắn gọn nhất có thể vẫn khiến lòng không ngớt xao động giữa dịu êm, đồng cảm... đấy chính là sự nhắc nhở về ý nghĩa của cuộc sống về sự nghỉ ngơi hay cả những rong chơi điên rồ, bất chợt. Những giây phút tuyệt vời miễn phí đang hiện diện từ im lặng của đêm.
Nhớ là trong cuốn “Ca tụng bóng tối” (In Praise of Shadows), Tanizaki Jun'ichirō, một trong những tên tuổi lớn nhất của nền văn học hiện đại Nhật Bản bằng chiêm nghiệm thâm trầm và thanh tao đã bình luận vô cùng thuyết phục về ý nghĩa của bóng tối, về cách bóng tối ngự trị trên cái đẹp của kịch Nô, bóng trăng, sơn mài, kiến trúc Nhật, cả trên vẻ đẹp mê hoặc của người đàn bà Nhật trong đêm. Những vẻ đẹp chỉ có thế do bóng đêm mang lại. Tanizaki đã đón nhận bóng tối như phần không thể thiếu giữa ánh sáng dương tính tràn ngập, chói gắt.
Ta trong hạn hẹp của trực cảm chỉ thấu một phần gần nhất, thân thuộc nhất, im lặng trong bóng đêm chính là khoảnh khắc trầm lặng để phục hồi.