Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“LÀM DÂU NƯỚC MỸ”, HAY LÀ CON ĐƯỜNG DẪN TỚI HỘI NHẬP VĂN HÓA

(NCTG) “Có 101 con đường đến Mỹ nhưng qua những câu chuyện tôi được biết, tôi dám chắc rằng, không phải con đường nào cũng dẫn đến thiên đường” - đó là chia sẻ của tác giả Nguyễn Thị Thanh Lưu trong cuốn sách đầu tay của chị “Làm dâu nước Mỹ”.

Bìa cuốn sách “Làm dâu nước Mỹ”

Đây là cuốn tự truyện trong xê-ri “Làm dâu xứ lạ” do NXB Phụ nữ ấn hành vào tháng 8-2014. Tác giả cuốn sách, Nguyễn Thị Thanh Lưu sinh năm 1983 tại Vinh, là Tiến sĩ Văn học, đã có thời gian công tác tại Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Hiện chị đang sống tại TP. Berkeley, bang California (Hoa Kỳ) cùng chồng và hai cháu bé.

Nguyễn Thị Thanh Lưu khởi đầu với những dòng nhật ký về chuỗi ngày tháng ngọt ngào và gian khổ khi chị phải lựa chọn giữa hai khả năng - chịu đựng ở lại trong khuôn phép, “lễ giáo” gia đình với những định kiến xưa cũ, hay là đi theo cảm xúc và tiếng gọi của trái tim cùng một chàng trai Mỹ am hiểu ngôn ngữ và văn hóa Việt.

Bị buộc phải nhận lấy khả năng thứ hai - rời nhà trong cơn dông bão -, thoạt đầu Nguyễn Thị Thanh Lưu cảm thấy rằng chị đã “nhận được món hàng tự do hằng mơ ước” nhưng “không chút hạnh phúc vì vẫn ngỡ ngàng trước cái giá cắt cổ” mà chị phải chịu. Tuy nhiên, đó vẫn là cú hích quyết định đưa chị đến quê hương mới, nước Mỹ.

Một nước Mỹ mà trong mắt tác giả, là thiên đường, nhưng không hề và không đơn thuần theo cách suy nghĩ của nhiều người. Có khả năng và bản lĩnh hội nhập, nhưng Nguyễn Thị Thanh Lưu vẫn phải học hỏi không ngừng nơi xứ lạ, để từ những trải nghiệm tưởng chừng nhỏ nhặt nhất, trau dồi cho mình một số kiến thức, hiểu biết về văn hóa, xã hội nước sở tại.

Để đến khi có thể nói được “nước Mỹ là nhà” với những hạnh phúc bên gia đình nhỏ và một số mối quan hệ xã hội, Nguyễn Thị Thanh Lưu đã nỗ lực rất nhiều để cân bằng và điều tiết những khoảng cách Đông và Tây, xa và gần của hai nền văn hóa Việt - Mỹ. Khiến dần dần, chị có được cảm giác nước Mỹ là “nơi tôi đi xa bắt đầu thấy nhớ và mong được trở về”.

“Làm dâu nước Mỹ” không chỉ hàm chứa những trải nghiệm làm dâu, làm mẹ và làm vợ. Qua cuốn sách, bằng những kiến giải dung dị nhưng khúc chiết, sâu sắc, tác giả còn chia sẻ rất nhiều nét văn hóa của miền đất mới, thông qua những câu chuyện của bạn hữu và xứ sở chị đang cư ngụ. Với những nét văn hóa ấy, “xứ lạ rồi sẽ là đất quen” với Nguyễn Thị Thanh Lưu!
 
*

Tựa đề loạt sách “Làm dâu xứ lạ” dễ khiến độc giả hình dung tới những cuốn sách đặc tả về những mối tình “dị chủng” không biên giới, chắc chắn là có nhiều bất ngờ, éo le, nghịch cảnh, và cũng không thiếu những “pha” lãng mạng” kiểu “Tây hóa”, những câu chuyện bỡ ngỡ nơi xứ người, thậm chí có thể cười ra nước mắt, nhưng rốt cục mọi thứ cũng sẽ êm thấm, “có hậu”.

Đối với người đọc sống ở nước ngoài - nhất là nếu đã có chút trải nghiệm về hội nhập -, thường mọi thứ như vậy không lạ, không có được nhiều thông tin hay trải nghiệm bất ngờ lắm.

Cuốn sách của Nguyễn Thị Thanh Lưu có đầy đủ những yếu tố nhắc tới ở trên, với cách diễn đạt giản dị, chân thành mà vẫn đạt hiệu quả hấp dẫn và kỳ thú.

Tuy nhiên, có lẽ đối với không ít độc giả, phần quý báu và giá trị nhất của sách là những trang tác giả viết về nước Mỹ, con người Mỹ, những phong tục tập quán hay cách ứng xử của họ, từ con mắt và cách suy xét của một người Việt nhập cư chưa được bao lâu.

Người Việt giờ đã sống ở mọi nơi trên thế giới, và nếp sống Âu Tây cùng những hay, dở của nó dường như không còn quá xa lạ với Việt Nam, nhất là với sự lan truyền của mạng Internet cùng các diễn đàn, các mạng xã hội. Tuy nhiên, tất cả những gì chúng ta thấy, có lẽ đều mới chỉ là những góc nhỏ, những lát cắt rời rạc của thực tế Âu - Mỹ.

Và đặc biệt, nhất là Mỹ, một xứ sở quá rộng lớn, có quá nhiều sắc dân nhập cư đem theo quá nhiều điểm khác biệt - thậm chí tương phản và mâu thuẫn - giữa các vùng, miền. Đối với một người nhập cư, ước mơ khám phá nước Mỹ trong tổng thể của nó trong một đời người, có thể là bất khả.

Nhưng tác giả, chỉ vỏn vẹn có mấy năm ngắn ngủi, đã quan sát và chiêm nghiệm được rất nhiều nét văn hóa của quê hương thứ hai, thông qua những mẩu chuyện từ trong nhà ra ngoài phố, nhiều khi mang tính riêng tư của chính người nhà mình, hay khu vực mình sinh sống.

Đặt nó trong tương quan khác biệt - mà nhiều khi có thể chỉ là khác biệt ở bề ngoài thôi, chứ vẫn là “đại đồng tiểu dị” - giữa Đông và Tây, để từ đó rút ra được từ đó những bài học trong văn hóa ứng xử, suy nghĩ - đấy là những điểm mà độc giả có thể tham khảo và thậm chí, học hỏi được nhiều từ cuốn sách, và từ tác giả nó, Nguyễn Thị Thanh Lưu.

Hy vọng là những trải nghiệm ấy, tác giả sẽ tiếp tục được bồi bổ, và chỉnh lý những gì mình đã cảm nhận, để cho người đọc từ những nơi xa có thể hiểu thêm về nước Mỹ, văn hóa Mỹ, ngày một đa dạng và tiệm cận hơn, chứ cũng không có tham vọng có thể nắm bắt đầy đủ và chính xác về nó.

Vì, cũng như Nguyễn Thị Thanh Lưu có nói trong sách, đại loại, khi chị đến một vùng đất mới và sinh sống ở đó cũng đồng thời là lúc chị được đắm mình trong những bài học mới, tìm tòi và chiêm nghiệm mới...

Xin chúc mừng Nguyễn Thị Thanh Lưu với cuốn sách đầu tay của chị! (*)

(*) Bạn đọc có thể theo dõi nhiều trích đoạn của cuốn sách trên NCTG.

Tác giả bài viết: Trần Lê