Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Ký của Thymianka Thảo Nguyên: BERLIN, ĂN MÀY VU VƠ KÝ

(NCTG) “Tôi nhớ đã không dưới một lần giảng giải cho ba đứa nhỏ lý do tại sao không nên cho ăn mày tiền. Nhưng cũng không ít lần móc hết tiền xu để các con thả vào mũ của những đoàn ca kỹ đường phố. Nhìn những nụ cười rạng người của họ khi nhận tiền, nhìn ánh mắt sung sướng của con trẻ, tôi biết mình đang đi ngược lại nguyên tắc của chính mình. Trái tim có những lý lẽ riêng của nó”.

“Làm ơn giúp đỡ tôi!”- Ảnh: Internet

Tặng những nhà ga trầm mặc tiễn đưa
Tặng những đường phố rưng rưng ánh buồn
Tặng những đại lộ mộng mơ dấu ấn
Tặng tôi, kẻ lãng du không biết lãng quên.
 
Đồng nghiệp và đoàn làm Film ZDF vừa hoàn thành một phóng sự ngắn về những Bettler đường phố. Những thước phim sửng sốt người xem. Bốn diễn viên tự nguyện, nguyên là những triệu phú đến từ những nước khác nhau, đã tự biến mình thành những kẻ vô gia cư, không kinh nghiệm sống, để tự mình trải qua cảm giác không chốn nương thân.

Một trải nghiệm thú vị dù không dễ dàng gì. Các bạn có tin không? Chỉ qua một đêm, một người đã xin được 40 Euro. Phụ nữ dễ dàng hơn, cô ta đã xin được 60 Euro và qua đêm ở một nhà ga trước khi bị cảnh sát đến hót đi.

Họ chẳng làm gì, chỉ ngửa tay xin tiền, thậm chí cũng chẳng mất công lạy ông đi qua lạy bà đi lại. Lòng thương của đồng loại thật bao la! Chúng ta tự hào về điều đó. Nhưng bộ Film, ngược lại, như một tiếng chuông cảnh báo những tấm lòng trắc ẩn. Không ai khuyên chúng ta vô cảm với cảnh ngộ, nhưng đã bao giờ chúng ta tự hỏi: Ăn mày - thực sự họ là ai?

Tôi nhớ lại hình ảnh người đàn ông râu tóc bạc phơ, vẻ mặt phúc hậu đến nao lòng ngày ấy cách đây đã hơn hai mươi năm, trên đường phố Hà Nội. Đó là một buổi chiều đông. Chúng tôi, vừa ùa ra từ một con phố đẹp như mơ của một lớp luyện thi đại học, bỗng khựng lại khi vấp phải một cụ ông nông dân lỡ độ đường.

Ông đi bán nông sản và bị người ta lấy hết cả tiền. Ông xin người ta một ít đủ tiền để đi tầu trở về quê. Nhà ông ở Chùa Hương, tôi nhớ rõ ông nói thế. Ông ăn mặc sạch sẽ, rõ ra người lao động lương thiện. Và thế là chúng tôi xúm lại. Người đi đường xúm lại.

Những bàn tay thò vào túi. Những đồng bạc lẻ bắt đầu rơi vào nón ông. Những tấm lòng thương cảm, những hỏi han xuýt xoa. Một vài đứa mau nước mắt bắt đầu thút thít. Ông cũng khóc to dần lên. Râu ông bết nước mắt. Vai ông rung lên. Cả góc phố đua nhau khóc. Tinh thần tương thân tương ái ào ạt và lây lan đến cao trào.

Tôi thề là đám đông hôm đó có nhiều người móc đến đồng bạc cuối cùng. Có đứa còn dúi vào tay ông tất cả tiền học phí. Chưa hết, đêm đó nó về còn chong đèn ghi nhật ký. Một cảm động được đẩy lên thành thơ ca đẫm tình người...

Nhưng còn có cả một bí mật mà cho đến giờ, hôm nay, lần đầu tiên tôi mới nói ra sau bao lâu che giấu. Tôi không dám đối diện với thất vọng trong lòng mình, càng không nỡ nói sự thật với những đứa bạn học hôm đó đã cùng tôi nghẹn ngào cảm xúc. Bởi hôm sau, con bé tôi kinh ngạc thấy kịch sĩ nông dân tài ba kia diễn lại vở lỡ độ đường một cách nhuần nhuyễn trên phố khác.

Tôi gần như chết lặng. Một cảm giác phẫn uất đến ê chề. Không gì tả được lòng tôi lúc đó. Lần đầu tiên lòng thương người đã bị lạm dụng một cách ngoạn mục. Bài học đầu tiên về sự lừa dối mãi ám ảnh. Tôi ghét ăn mày. Tôi sợ ăn mày! Tôi ác cảm với họ thực sự. Dù biết, vẫn có những mảnh đời thật sự cơ nhỡ đến mức họ cần được bố thí để sống qua ngày. Nhưng đó lại là chuyện khác.

Ở đâu có người ở, ở đó có ăn mày. Đừng tưởng chỉ có những thành phố ổ chuột mới có những tấm thân lê la dặt dẹo van lơn. Công nghệ ăn mày không nhất thiết phải thượng thặng. Chỉ là một chỗ để đặt tấm thân và một cái gì ngửa ra: bàn tay, cái bát, cái mũ, hay đơn giản chỉ là một mảnh bìa carton bẩn thỉu, hoặc một cái cốc giấy móc trong thùng rác ai đó vừa liệng đi.

Góc phố, nhà ga, tàu điện... bất cứ chỗ nào cũng có thể hành nghề. Chẳng ở đâu và ngành nghề nào dễ tác nghiệp như cái nghề ăn mày.

Ở Berlin, ăn mày càng ngày càng đông đúc đến vui vẻ. Ở những quận trung tâm, cứ đi độ trăm mét là lại gặp ăn mày. Không phải người ta nghèo hơn, mà là vì, chẳng nghề nào lợi nhuận cao như cái nghề này. Đến nỗi, thị trưởng thành phố phải trưng cầu ý dân để ra một đạo luật ăn mày.

Người ta không cấm biểu tình, nhưng đã có những nơi treo biển cấm ăn mày. Không nghi ngờ gì, ngành nghề này làm ô bẩn mỹ quan đường phố. Nhưng cái chính, ăn mày bị coi là một nghề bất hợp pháp vì không có cơ quan nào điều tra cụ thể thu nhập của những công dân khả kính này. Họ không bị đánh thuế.

Ở Đức, không phải tất cả người dân đều là người Đức. Nhưng tất cả mọi công dân sống trên nước Đức đều được hưởng quyền sống: quyền có nhà ở, có sưởi, có truyền hình cáp, có tủ lạnh, có thảm. Và quan trọng hơn, họ được chăm sóc y tế, được tiền mua quần áo, được cấp tiền ăn (345 Euro /người/trên 18 tuổi/tháng). Vậy thì cớ gì họ vứt bỏ tất cả để đi ăn mày?

Có rất nhiều con đường và nguyên nhân dẫn đến trở thành một kẻ vô gia cư ở Berlin. Nhưng xin thưa, không pháp luật nào tước bỏ quyền sống của họ, trừ phi chính họ tự mình muốn thế, dù vô tình hay cố ý. Cũng như thế, không ai buộc họ đi ăn mày, ngoài chính họ.

Họ nghĩ ra đủ thứ để làm người khác chú ý. Cầm ống bơ xin quyên góp, cứu trợ dưới những chương trình rất nhân văn, và có đến 80% số tiền vào túi họ! Hát dạo trên toa xe, nhà ga, xin vài chục Cent gọi điện thoại. Lau kính xe, múa lửa ở ngã tư chờ đèn xanh đèn đỏ. Trong 90 giây, họ vừa biểu diễn, vừa xin tiền... thế mà thu nhập của những diễn viên này cao hơn cả những người chạy bàn ngày 8 tiếng!

Mang con lừa ra góc phố để thiên hạ xem lừa ỉa, ngày không dưới trăm Euro! Kéo đàn ở ga xe điện, cũng tương tự! Vừa bán báo “Vô gia cư” vừa ngửa tay, cũng có vài chục! Nếu có thêm con chó mắt to và ướt nằm bên cạnh, bạn có thể có thu nhập hơn cao hơn cả... y tá. Mà chẳng mất đồng thuế nào! Xem ra làm người vô sản ở đất nước tư bản cũng... không tệ.

Vậy họ sống thế nào?

Tôi xin ghi lại mẩu đối thoại của một ăn xin đường phố với một phụ nữ đi siêu thị mua thực phẩm:

- Bà cho tôi 20 Cent!

- Tôi không có! Tôi cũng là người nghèo!

- 20 Cent không có thì cho tôi củ khoai tây. Chúng tôi đói quá.

- À khoai tây thì có đây - bà nội trợ dừng lại, định bốc củ khoai tây trong túi ra cho gã.

- Bà nghĩ sao? Bà nghĩ con chó của tôi ăn được khoai tây sao?

- À con chó lại là chuyện khác. Có thể nó muốn ăn bánh mỳ chăng? Tôi về nhà lấy bánh mỳ nhé. Bánh mỳ cũ nhưng vẫn ăn được.

- Chó tôi không ăn bánh mỳ cũ. Nếu bà không có nổi 20 Cent thì tốt nhất bà không nên tự cho phép mình thương hại người khác!

Vâng, đó phải chăng là nguyên tắc ăn mày? Nếu quá nghèo, tốt nhất đừng có tình thương! Hãy thương lấy chính mình...

Tôi nhớ đã không dưới một lần giảng giải cho ba đứa nhỏ lý do tại sao không nên cho ăn mày tiền. Nhưng cũng không ít lần móc hết tiền xu để các con thả vào mũ của những đoàn ca kỹ đường phố. Họ cũng ăn mày, nhưng là ăn mày lao động, mà lại là lao động nghệ thuật.

Nhìn những nụ cười rạng người của họ khi nhận tiền, nhìn ánh mắt sung sướng của con trẻ, tôi biết mình đang đi ngược lại nguyên tắc của chính mình. Nhưng mà than ôi, có những khi nguyên tắc chỉ là nguyên tắc. Trái tim có những lý lẽ riêng của nó.

Một đồng nghiệp người Rumani, biết bói bài tây và Tarot, cho tôi một lời khuyên:

- Khi buồn, hãy tìm một người ăn mày nào đó và cho họ một đồng lẻ, nhớ đừng quên khấn thầm trong đầu, đây, ta cho ngươi hết những bất hạnh và buồn phiền. Thượng đế rất công bằng Ka ạ. Mày cho đi một cắc và bán được cả nỗi buồn. Còn kẻ ăn mày, họ cần tiền. Với họ, tiền chính là niềm vui. Có ai mất không cho ai cái gì đâu?

Kia rồi. Tiếng đàn violon réo rắt bản “Sonate ánh trăng”. Tay se sẽ lần trong túi. Một đồng xu sẽ buông rơi... Nhưng còn nỗi buồn...

Làm sao tôi nỡ bán đi nỗi buồn bởi nếu không có nó, tâm hồn còn biết giá trị của niềm vui?

Tác giả bài viết: Thymianka Thảo Nguyên, từ Berlin