Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“KRAMER VS. KRAMER” VÀ NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT

(NCTG) “Thế này, khi mẹ và bố chia tay, đôi khi họ hai người thường tranh luận xem con họ sẽ ở cùng ai, mẹ hay bố. Vậy, có một người rất rất thông minh, là ông thẩm phán. Ông thẩm phán ấy biết rất rành về chuyện ly dị, về các bà mẹ, ông bố và con cái họ. Ông ấy quyết định xem đứa trẻ sẽ ở với ai để tốt hơn cho nó.”

Dustin Hoffman và Justin Henry trong vai người cha và cậu bé trong bộ phim

Lời giới thiệu: Tiểu thuyết “Kramer vs. Kramer” (1979) của nhà văn Avery Corman là một trong những tác phẩm văn học đẹp nhất về đề tài gia đình, nghĩa vợ chồng, tình phụ tử... Tuy nhiên, cuốn sách hẳn đã không thể có tác động lớn đến thế đối với đại chúng, nếu nó không được dựng thành phim, với sự thủ vai “thần sầu” của cặp Dustin Hoffman & Meryl Streep.

Bộ phim cùng tên đã gặt hái 5 giải Tượng vàng Oscar trong năm 1980 (Phim hay nhất; Ðạo diễn xuất sắc nhất - Robert Benton; Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất: Robert Benton; Nam diễn viên chính xuất sắc nhất: Dustin Hoffman; Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất: Meryl Streep) và 4 đề cử khác. Tổng cộng, “Kramer vs. Kramer” đã thu được hơn 30 giải và đề cử, cùng sự thừa nhận của giới phê bình.

“Kramer vs. Kramer” là câu chuyện được khắc họa ở mức kinh điển về những đụng độ, xung đột, có lúc đấy lên đến mức bi kịch trong cuộc sống gia đình và đời thường. Với lời văn giản dị, chân phương, nhưng sự phân tích tính cách và tâm lý đã đạt mức tuyệt hảo, đặc biệt những đoạn đối thoại đầy ấn tượng và chất chứa cảm xúc tràn đầy, cuốn sách (và bộ phim) đã khiến bao người phải rơi nước mắt từ ấy đến giờ.

Chứa chở rất nhiều thông điệp nhân văn, “Kramer vs. Kramer” cũng chứng tỏ một điều rất cũ: không phải ngẫu nhiên mà nhiều người cho rằng, nếu có Ðệ tam Thế chiến, thì đó chỉ có thể là cuộc chiến trong quan hệ vợ chồng, trong tình yêu, sự dằn vặt đau khổ và những tấn thảm kịch đi kèm. Trích đoạn sau đây của cuốn sách được chuyển ngữ từ bản tiếng Hungary của dịch giả Gy. Horváth László (NXB Châu Âu, Budapest 1981).
 
*

- Billy, con biết chứ, mẹ cũng đang sống ở New York.

- Vâng.

- Thế này, khi mẹ và bố chia tay, đôi khi họ hai người thường tranh luận xem con họ sẽ ở cùng ai, mẹ hay bố. Vậy, có một người rất rất thông minh, là ông thẩm phán. Ông thẩm phán ấy biết rất rành về chuyện ly dị, về các bà mẹ, ông bố và con cái họ. Ông ấy quyết định xem đứa trẻ sẽ ở với ai để tốt hơn cho nó.

- Thế tại sao ông ấy lại quyết định?

- Vì đó là nhiệm vụ của ông ấy. Con biết không, ông ấy là người đầy quyền uy.

- Như là thầy hiệu trưởng à?

- Hơn thế chứ. Ông ấy mặc áo choàng, ngồi trên một chiếc ghế to. Ông thẩm phán này đã chăm lo cho chúng ta - cho con, cho bố và cho mẹ con rất nhiều - và ông ấy quyết định rằng, tốt hơn cả nếu từ nay trở đi con ở với mẹ. Còn bố thì rất may mắn vì dù con ở với mẹ đi nữa, Chủ nhật nào bố cũng được đến thăm con.

(Bố sẽ đến thăm con, bố hứa với con...)

- Con không hiểu bố ạ.

(Bố cũng thế).

- Con không hiểu chỗ nào, con yêu?

- Thế giường con sẽ để đâu? Con sẽ ngủ ở đâu?

- Ở nhà mẹ mà. Mẹ sẽ mua giường mới cho con, và con sẽ có cả buồng riêng nữa.

- Thế còn đồ chơi của con?

- Bố cũng sẽ gửi tới đó cho con, và bố chắc chắn rằng mẹ sẽ mua đồ chơi mới cho con nữa.

- Thế ai sẽ kể chuyện cổ tích cho con?

- Mẹ.

- Tối tối bố vẫn qua chúc con ngủ ngon chứ?

- Không, Billy ạ, bố phải ở đây. Nhưng chủ nhật nào bố cũng sẽ qua thăm con.

- Con sẽ sống với mẹ à?

- Ừ, từ thứ Hai tới. Sáng thứ Hai mẹ sẽ qua đây và đón con về nhà mẹ.

- Nhưng mình đã thỏa thuận là cuối tuần bố con mình đi chơi mà. Bố đã hứa rồi!

- Thì vẫn là như thế! Mình sẽ đi chơi xa, có điều mình phải về nhà sớm hơn một chút, vậy thôi.

- Hoan hô bố!

- Nào, thấy chưa...

Ðứa bé tìm cách hấp thụ lượng thông tin, rồi đặt một câu hỏi tiếp:

- Bố ơi, vậy nghĩa là bố con mình sẽ không chơi trò khỉ được nữa?

(Trời ơi, bố không chịu nổi nữa rồi!).

- Sao không, vì sao của bố. Có điều, từ giờ trở đi, mình chỉ làm khỉ được vào Chủ nhật mà thôi!
 
*

(...) Ted dựa vào tường, anh yếu đến mức tưởng như không thể trụ nổi trên đôi chân mình. Ngôi xuống bên chiếc bàn ăn, chân tê cứng, anh lắc đầu để cố gắng tin được rằng, Billy vẫn thuộc về anh. Sau tất cả những gì đã xảy ra, con anh vẫn là của anh. Những giọt nước mắt cứ rơi lã chã trên mặt Ted.

Có bận Etta nói rằng Ted là kẻ may mắn. Giờ đây, quả thực anh cảm thấy mình như thế, anh thấy mừng vui và ân huệ bởi may mắn lớn lao này. Anh đứng dậy, ra tiền sảnh, cầm hai chiếc va-li đã được sắp xếp, và không cầm được nước mắt, anh mang lại vào phòng con trai.

Billy đang xem vô tuyến. Cần phải nói điều này cho con trai. Ted lấy hết sức lực, tiến đến gần con, tắt TV và quỳ xuống trước mặt con.

- Billy, khi nãy mẹ vừa gọi điện cho bố. Và... Billy à... con vẫn được ở lại với bố!

- Mẹ không đến nữa à?

- Hôm nay thì không. Mẹ yêu con. Rất yêu. Nhưng rồi mọi thứ cũng sẽ vẫn tiếp tục như cũ.

- Thật à bố?

- Vì bố cũng yêu con, Billy ạ. - Mặt Ted lại tràn lệ. - Và... rất... bố rất cô đơn nếu phải xa con.

- Nghĩa là từ nay trở đi con vẫn được ngủ ở giường con à?

- Ừ. Ở giường con, trong phòng con.

- Và đồ chơi của con cũng vẫn để đây?

- Ừ.

- Cả Người dơi nữa?

- Ừ.

- Cả sách của con nữa?

- Tất cả, con yêu ạ.

Ðứa bé tìm cách hiểu mọi chuyện.

- Vậy là hôm nay con không cần qua đó nữa?

- Không, Billy.

- Bố có đi làm hôm nay không?

- Không.

- Thế mình có thể xuống sân chơi phải không bố?

- Ừ, Billy. Mình có thể xuống sân chơi.

Hai bố con lại làm như mọi bận: họ xuống sân chơi, mua bánh pizza về nhà, xem “Puppet Show”, rồi Billy đi ngủ và rốt cục, Ted Kramer mới nắm bắt được rằng, anh đã được giữ con anh.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh giới thiệu và chuyển ngữ