Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“KHÚC HÁT NÀNG SOLVEIG”, CUỘC “HÔN PHỐI” TINH DIỆU CỦA HAI THIÊN TÀI NA UY

(NCTG) Những âm điệu và lời ca du dương, chìm đắm của “Khúc hát nàng Solveig” (Solveig’s song), lời Việt của Phạm Duy, một trong những bản nhạc cổ điển được ưa thích nhất trên toàn thế giới, da diết vang lên như đưa chúng ta trở về hơn một trăm năm trước, tại một xứ sở xa xôi miền Bắc Âu.
Nàng Solveig - Minh họa: epilogue.net
Hồn xuân vừa tàn hơi
Hay nắng ấm lung linh qua đời
Nghe lá biếc mưa xa bay ngang trời.
Người yêu dù xa xôi
Xin nhớ tới quê hương u hoài
Trong gió tuyết đêm đông đang trông vời.
Một lần người đưa tiễn nhau
Như vẫn cầu lời hứa năm nào
Đằm thắm cho vui lòng nhau.
Một lần người xa cách nhau
Trái tim u sầu còn vẫn tươi màu
Vì đó... không ai... quên đâu.

Người đi về mai sau
Nghe khóc lóc xe tang đưa sầu
Nghe bóng xế khăn sô bay ngang đầu.
Người đi vào không gian,
Nghe oán trách đau thương vô vàn
Nghe tiếng hát êm êm du linh hồn.
Người về dần trong cõi mơ
Như lúc nào vừa mới ra đời
Chào đón xuân tươi ngày mới
Cuộc đời từ trong chiếc nôi
Đã quay về cùng với gió bụi
Về chốn không tên xa xôi.

Tác giả bản nhạc, nhạc sĩ Na Uy Edward Grieg, qua đời cách đây tròn 100 năm và được đánh giá là nhà soạn nhạc Na Uy có ảnh hưởng nhất của hậu bán thế kỷ 19, thời kỳ của sự phát triển huy hoàng vào bậc nhất của thể loại nhạc giao hưởng hoàng gia. Cả cuộc đời gắn liền với thành phố Bergen dù có thời gian bôn ba nhiều nơi để đắm chìm trong đời sống âm nhạc, ngay trong đời, trên cương vị một nhà soạn nhạc, một nhạc trưởng, Grieg đã trở thành bậc thày âm nhạc Na Uy và thế giới. Ông được coi là người đã hòa quyện tài tình những truyền thống của nhạc dân tộc Na Uy với trường phái lãng mạn châu Âu đương thời.
 
Nhạc sư Edward Grieg (1843-1907)
Nhạc sư Edward Grieg (1843-1907)

Âm nhạc của Grieg, theo các đánh giá, là hình ảnh của cuộc sống, là tâm hồn con người quê hương ông, đến từ sâu thẳm của đồng quê Na Uy, đến từ những làn điệu nhanh và vang vọng. Thưởng thức nhạc của Grieg trong thính phòng, có thể cảm thấy những tia nắng, những hơi thở của biển xanh, những ánh hào quang lấp lánh trên những mỏm băng, những dẫy núi đuổi nhau từ sâu miền Tây Na Uy, nơi Grieg sinh ra và yêu thương cất lên lời ca.

Những giai điệu lãng mạn bậc nhất ấy của Grieg đã được ông tập trung trong vở đại nhạc kịch “Peer Gynt” của thi hào Na Uy Henrik Ibsen mà ông viết nhạc đệm. Thật là một sự kết hợp vô cùng tinh diệu giữa thơ và nhạc: Grieg đã bỏ ra 2 năm trong đời (1874-1876) để gọt giũa từng âm điệu sao cho xứng đáng với tác phẩm kịch thơ xuất chúng nhất của Henrik Ibsen, được coi là kịch tác gia vĩ đại nhất của thế kỷ XIX, đồng thời, cũng là một trong vài tên tuổi nổi bật nhất của 2.500 năm lịch sử kịch nghệ thế giới.

Nội dung vở “Peer Gynt” như sau. Chàng trai Peer Gynt phản bội mọi người, kể cả mẹ và người yêu, nàng Solveig. Peer gặp Solveig ba lần, chàng phải lòng cô gái ngay trong lần đầu và phải thốt lên: “Quỷ ma trong ký ức, quỷ ma trong đàn bà, trừ một người”. Tuy nhiên, chàng vẫn rời bỏ thực tại và tình yêu để đi tìm thứ huyễn mộng.

Lần thứ hai, Peer đi hoang trở về, nghe nàng hát khúc chờ mong - mang tên “Khúc hát nàng Solveig” - nhưng rồi chàng vẫn lại bỏ đi, lần này không phải vì mộng phiêu lưu mà vì sợ trách nhiệm, sợ đối diện với chính bản thân mình. Lần thứ ba, sau khi hoàn toàn kiệt quệ, Peer trở về quỳ dưới chân người yêu xin tha thứ và được tha, được yêu, được nghe bài ca thứ nhì do nàng ca, cũng vẫn mang tên “Khúc hát nàng Solveig”.
 
Văn hào Henrik Ibsen (1828-1906)
Văn hào Henrik Ibsen (1828-1906)

Nếu như trong hai bài ca của nàng Solveig, nhạc điệu của Edward Grieg đã thành công vang dội thì phải nói rằng lời thơ của Hendrik Ibsen cũng đã trữ tình và đằm thắm ở mức tột đỉnh, khi khắc họa cảnh người phụ nữ bên một căn lều trong rừng, chăn dê và xe chỉ chờ đợi chàng trai bất trị, với tấm lòng khắc khoải và bao dung:
 
Mùa đông tàn mùa xuân cũng qua
Rồi mùa hè, tháng năm dần xa
Em biết có ngày anh quay lại
Lời hứa chờ anh em vẫn chờ.

Cầu Chúa đỡ nâng bước đường dài
Cho anh an vui dưới bóng Ngài
Chờ đến một ngày ta gặp lại
Kiếp này hay đến kiếp nào. (*)

Quả là thơ trong nhạc, nhạc trong thơ! Ban đầu, thế giới biết đến “đứa con chung” của Grieg và Ibsen đa phần qua bản tiếng Pháp rất thịnh hành đầu thế kỷ XX, trong đó, “Khúc ca của nàng Solveig” (Chanson de Solveig) bao giờ cũng nằm ở tâm điểm. Tại Việt Nam, đầu thập niên 50 thế kỷ trước, nhạc sĩ Phạm Duy đã đặt lời Việt rất trau truốt và hoa mỹ cho khúc ca này, kết hợp thêm ý tưởng siêu hình của riêng ông, và lấy tựa đề là “Khúc ca ly biệt”.

Tác phẩm để đời của Grieg và Ibsen còn chói sáng với một lời Việt khác, mang tựa đề “Khúc hát đợi chờ”, có lẽ gần với nguyên bản hơn, mà nhiều thế hệ các ca sĩ xuất sắc của miền Bắc đã trình bày (trong số đó, phải kể đến giọng ca lớn Trung Kiên), nhưng có lẽ thành công và để lại ấn tượng nhất, vẫn là của “chim họa mi” Lê Dung. Nữ nghệ sĩ opera xuất sắc nhất của Việt Nam một thời, phải chăng, đã hình dung được sự ra đi bất ngờ của mình, nên để lại giọng ca khắc khoải để mãi mãi ghi dấu một tình yêu:
 
Mùa đông dù trôi qua
Mang bóng dáng đông qua xuân về
Và nỗi nhớ anh đi chưa về.
Dù cho ở nơi ấy
Mang chiếc bóng cô đơn bên mình
Và nỗi nhớ anh đi chưa về.
Ngày trùng dù có cách xa
Anh sẽ về rồi anh sẽ về
Lòng em luôn luôn hằng nhớ.
Tình này em xin hiến dâng,
Có bao giờ nhạt phai trong lòng
Tình em yêu anh không phai.

Dù cho ở nơi ấy
Anh vẫn sống yên vui thanh bình
Và những giấc mơ em bên mình.
Dù cho ở nơi đây
Mang chiếc bóng cô đơn bên mình
Và nỗi nhớ anh đi chưa về.
Ngàn trùng dù có cách xa,
Em vẫn chờ dù đến bao giờ,
Lòng em luôn luôn hằng nhớ.
Trọn đời em xin hiến dâng,
Có bao giờ nhạt phai trong lòng
Tình em bên anh không phai.

Mùa đông dù trôi qua
Mơ bóng dáng anh đi chưa về
Và lá úa khô rơi trên cành.
Cầu mong ở nơi xa
Anh vẫn sống yên vui thanh bình.
Và có giấc mơ em bên mình...

(*) Khánh Hà & Tâm Thanh dịch từ nguyên bản tiếng Na Uy.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh