Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KHI HƠI THỞ HÓA THINH KHÔNG

(NCTG) Dòng chữ nhẹ bẫng ấy dễ làm người đọc nghĩ đến lời của một thiền sư với học trò về lẽ hóa sinh ở đời.
Ấn bản Anh ngữ của cuốn sách - Ảnh: Internet
Nhưng không, đó là nhan đề cuốn tự truyện của Paul Kalanithi, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh tài ba người Mỹ gốc Ấn. Anh đã viết nó khi đang chống chọi với căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Và khi cuốn sách được xuất bản thì Paul đã rời bỏ thế giới này được hai năm.

Ở tuổi 38 anh tự thấy đã làm hết sức mình cho một tương lại tốt đẹp, đã lựa chọn ngành học khó khăn nhất của y khoa để dấn thân bằng niềm đam mê, học hỏi không mệt mỏi. Hiếm hoi để anh có một kỳ nghỉ ngắn, một cuộc gặp gỡ vui vẻ với bạn thân và đồng nghiệp, dừng cả chuyện hệ trọng với một đời người là có một đứa con. Toàn bộ quỹ thời gian hạn hẹp của những tháng ngày tuổi trẻ mà Paul có là dành cho các chương trình chuyên ngành, làm việc ở phòng thí nghiệm Stanford, trong vai trò bác sĩ thực tập nội trú.

Để đi tới đỉnh cao của kỳ nội trú, thành thạo những ca phẫu thuật cốt lõi, giành được các giải thưởng cao quý và công việc chảy về từ khắp mọi nơi trên cả nước, anh thường xuyên thức thâu đêm để nghiên cứu lý thuyết, phải đứng rã rời trên đôi chân tê dại trong phòng mổ hàng tiếng liền. Thần kinh căng thẳng đến mức không còn ý niệm về thời gian suốt một ca đại phẫu, chung sống với cơn đau từ cột sống và những bữa ăn vội vã trong tiếng gào đau đớn của bệnh nhân hậu phẫu...

Thế mà vào cái ngày có thể khoác áo nhận bằng, Paul đã buộc phải bước thẳng từ vị trí của một bác sĩ đến cái giường của bệnh nhân, nếm trải tất cả những cảm giác đớn đau và tuyệt vọng mà trước đó dù có nhớ rất kỹ trong giáo trình, ghi lại trên bệnh án anh cũng chưa từng trải qua. Trước kia vào giây phút phải công bố sự thật nghiệt ngã về tình trạng của bệnh nhân, anh thường đứng ở vai trò như một đại sứ của cái chết để họ và người thân thấu hiểu và bình tĩnh đón nhận. Còn bây giờ nó thực sự là đối thủ của Paul.

Cái chết vốn rất quen thuộc với Paul trong công việc nay lại ghé thăm riêng anh, quyết liệt bám lấy anh, trườn ra khỏi tầm kiểm soát của những lần xạ trị, những phác đồ của một trong những bác sĩ u bướu nổi tiếng thế giới và sau cùng vào một ngày mùa xuân đã chộp được Paul, giằng anh ra khỏi những khoảnh khắc cuối cùng của sự sống. Song trước khi phải xuôi theo số phận, Paul đã kịp làm những việc mà anh muốn: trở lại phòng mổ, hoàn thành công việc của người hướng dẫn thực tập, có một đứa con bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm...

Việc một ai đó kiên cường chiến đấu với căn bệnh mà cái kết ảm đạm đã được báo trước không phải là hiếm. Nhưng ở “Hơi thở hóa thinh không”, hơn cả nỗ lực sống đúng nghĩa cho đến lúc thực sự ra đi là cách Paul suy niệm về đời sống, về nghề nghiệp, về cái chết. Làm thế nào để cân bằng giữa thành công, danh vọng chính đáng trong công việc và một cách ứng xử không quá tàn nhẫn với chính bản thân mình khi đạt tới mục tiêu đó là một câu hỏi day dứt nhất, không chỉ với Paul. Điềm tĩnh và kiên cường song Paul cũng như một người bạn, một bác sĩ mẫu mực đã không giấu nổi sự hoang mang, cay đắng khi biết mình bị ung thư tuyến tụy.

Paul, cậu có nghĩ cuộc đời tôi có ý nghĩa gì không? Liệu tôi có lựa chọn đúng”. Bởi một tương lai được lên kế hoạch tỉ mỉ và khó khăn lắm mới đạt được đã không còn tồn tại nữa, đã như một sa mạc trắng lập lòe, trống rỗng khắc nghiệt. Từ một chàng trai say mê các cuộc đi bộ đường dài, chạy bộ, thể hiện tình yêu bằng những cái ôm thật chặt, thường tung đứa cháu gái lên cao, đỡ lấy nó nhẹ nhàng, Paul giờ đây gắn với chiếc giường chằng chịt thiết bị, dây dợ trợ giúp... Tác giả đã diễn đạt tất cả những vấn đề lớn lao và đặc biệt ý nghĩa ấy bằng một cái nhìn, giọng điệu bình thản, không ủy mị, không hề cường điệu mà vẫn rất ám ảnh với người đọc.

Mình thích cách nghĩ của Paul “bạn không bao giờ có thể đạt được sự hoàn hảo, nhưng bạn có thể tin vào đường tiệm cận những gì mình không ngừng hướng tới...”. Và có cái gì thật mê hoặc khi Paul nói về đặc trưng nghề nghiệp, tính chất bệnh lý, về các thủ thuật của bác sĩ phẫu thuật. Chúng không hề quá đáng sợ như người ngoại đạo giống mình vẫn nghĩ: những mũi khoan, đường mở hộp sọ, màng cứng óng ánh bạc, bộ não đập nhẹ nhàng và tỏa sáng lấp lánh, những xoắn cuộn hồng đào quen thuộc của não bộ, động mạch Sylvian chạy ngang đỉnh thùy thái dương, đầy tươi mới, vùng ngôn ngữ Wernicke, Broca...

Cái chất đằm đằm của câu chữ, sự sâu sắc mà dễ cảm trong triết lý và lối kết cấu linh hoạt của cuốn sách lôi cuốn người đọc rưng rưng trong xúc động và suy tưởng ngay từ những dòng đầu đến khi kết thúc ấy không ngẫu nhiên mà có. Bạn sẽ còn bất ngờ hơn nữa khi biết hiệu ứng thẩm mỹ đặc biệt này được tạo bởi chính khả năng thiên bẩm và kết quả học tập, nghiên cứu đáng kinh ngạc của Paul (trước khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh về khoa học thần kinh, anh đã kịp lấy bằng thạc sĩ văn học Anh ở Stanford, thạc sĩ lịch sử và triết học khoa học tại Cambridge....).

Tóm lại có nhiều lý do để bạn đọc cuốn sách đáng đọc này.

(*) “Khi hơi thở hóa thinh không” (When breath becomes air), dịch giả Trần Thanh Hương, NXB Lao Động tháng 8-2017.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Phương, từ Ninh Bình