Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KHÂM THIÊN – ĐÃ XONG MÓN NỢ MÁU?

(NCTG) “Có cái gì đó đã và đang tiếp tục sai ở đây, ở thượng tầng xã hội, mà cái giá phải trả là máu của thường dân vô tội. Ai sẽ trả món nợ máu này cho họ?”.

Phố Khâm Thiên tan hoang sau trận bom Mỹ - Ảnh tư liệu (Mai Kỳ chụp lại)

1.
Nợ máu phải trả bằng máu” là khẩu hiệu thời chiến đầu tiên và duy nhất in hằn trong óc đứa bé 6 tuổi là mình thời B52 ném bom Hà Nội.

Nhà mình trong ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên. Đầu ngõ có rạp Dân Chủ, nơi trưng bày những tấm ảnh tố cáo tội ác của Mỹ. Những tấm ảnh chụp nhà đổ nát, người chết, chân tay lủng lẳng cành cây, nóc nhà... Bức tranh cổ động ròng ròng máu đỏ trước cửa rạp, một người đàn ông giơ nắm đấm lên cao đòi nợ máu. Cạnh đấy, bức tranh phố Khâm Thiên sau chiến tranh, nhà cao tầng đẹp đẽ, con người nhàn tản...

2.
Nửa đêm, trẻ con bị dựng dậy, quẳng lên cái xe tải như lũ chó con. Chiếc xe lao ra khỏi thành phố. Sơ tán. Chẳng đứa nào kịp đi... tè. Trên xe tải tối mò, lũ trẻ con xuýt xoa nhịn không được bèn quyết định... tè bậy vào một góc xe trong tiếng i ỉ khóc lóc sợ hãi gọi cha gọi mẹ. Không phải đứa trẻ nào cũng phân biệt được cái mà chúng đang trải qua là thực chứ không phải ác mộng?

Xóm có 5 nhà, mỗi nhà có ít nhất 4 đứa trẻ con, tất cả được mang về quê cách Hà Nội 35 cây số. Sáng hôm sau, tự nhiên thấy nhà ông bà nội đông vui tấp nập. Người lớn hốt hoảng căng thẳng. Trẻ con vui như được đi cắm trại. Ăn chung, ngủ chung, chơi chung... chẳng phân biệt nhà mày nhà tao. Chưa bao giờ cái không khí lo lắng cho nhau, thương yêu đùm bọc nhau, lại được thể hiện rõ thế, đầm ấm thế giữa hàng xóm láng giềng.

Bỗng nhiên thấy người lớn thì thầm mặt mày căng thẳng. Bom trúng phố nhà mình rồi! Ai sống ai chết chưa biết. Trẻ con hóng hớt người lớn kháo nhau, bọn Mỹ ác lắm, ném bom đúng khu phố đông dân cư nhất để giết được nhiều người. Nó định phá nhà ga Hà Nội và bệnh viện Bạch Mai, nhưng trúng phố nhà mình. Một quả bom rơi đúng nhà người bà con họ hàng xa bên mẹ, chết luôn cả bảy người trong gia đình.

Những người chết không chỉ được thương tiếc xót xa mà còn bị trách tại sao không chịu đi sơ tán. Bố mình cũng không đi sơ tán. Không biết do bố chọn ở lại trông nhà hay do qui định mỗi nhà phải có một người lớn ở lại thành phố chiến đấu. Khi bom nổ, bố mình nấp trong hầm cá nhân, chỉ bị sức ép và biêu đầu sứt trán vì hầm rung lắc.

Bọn Mỹ định ném bom phá tan Hà Nội, đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá, rồi ăn mừng Giáng sinh tại Hà nội. Nhưng chúng ta đã biến đau thương thành hành động. Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi. Bọn chúng đã phải tháo chạy khỏi bầu trời Thủ đô... Những thông tin đó làm lũ trẻ con, dẫu chẳng hiểu “đồ đá” là thời nào, vô cùng sung sướng vì không phải trở lại sống thời kỳ đó. Toàn đá lấy gì mà ăn! Nỗi sợ thiếu thức ăn thiết thực hơn so với nỗi sợ chết mơ hồ.

3.
Bốn chục năm trước, tuổi lên sáu không có khái niệm về sự chết, chỉ sợ đau. Rất thắc mắc “chết là gì mà sao người lớn lại sợ chết” mà không biết hỏi ai.

Bốn chục năm sau ngày Mỹ ném bom Hà Nội, ở nước Mỹ, mới đây, các bé lên sáu, bé như mình ngày xưa, đã phải chứng kiến sự chết, đối mặt với cái chết không phải trong phim ảnh hay trò chơi điện tử. Các bé còn biết nói với cô giáo: “Con không muốn chết, con muốn được ăn tiệc Giáng sinh”. Sống trong thời bình, ở một vùng đất thanh bình, mà phải chết, phải nếm trải nỗi kinh hoàng tột cùng trước cái chết, chẳng phải là điều phi lý đến mức quái gở sao?

Loài người đã tiến được một bước dài với định hướng trẻ con nuôi dưỡng tình yêu thương và sự tha thứ thay vì thúc đẩy chúng khắc sâu lòng căm thù “nợ máu phải trả bằng máu”. Nhưng máu của trẻ con vô tội vẫn tiếp tục đổ ra - liệu chúng ta có thể tiếp tục yêu thương, tha thứ cho những kẻ trực tiếp và gián tiếp gây nên tội ác?

Có cái gì đó đã và đang tiếp tục sai ở đây, ở thượng tầng xã hội, mà cái giá phải trả là máu của thường dân vô tội. Ai sẽ trả món nợ máu này cho họ?

4.
Ngày thống nhất, nhánh con bà Hai, vợ hai của ông nội từ miền Nam ra thăm nhánh con bà Cả ở miền Bắc. Hai chú ruột cùng cha cùng mẹ ôm nhau khóc. Năm 1954, khi ông trở ra miền Bắc ôm theo chú lớn lên ba, chú nhỏ một tuổi để lại cho bà Hai. May phúc hai chú không phải uýnh nhau, giết nhau trong chiến tranh vì chú trong Nam là hải quân, chú ngoài Bắc là y tá Khe Sanh. Bố tôi yêu thương đau xót ôm ấp cả hai chú mà khóc. Đấy là lần đầu tiên tôi thấy bố xúc động không kìm nén được.

Ngày đoàn tụ, tôi ấn tượng nhất một người cô to béo, to gấp đôi gấp ba người cô miền Bắc. Không nhớ tôi hỏi gì mà cô giảng giải: “Mỹ xâm lược miền Nam thì cũng như Liên Xô, Trung Quốc xâm lược miền Bắc con à”. Nghe tức phát khóc. Nhưng ngày đó bé quá, cãi người lớn là hư, vả lại cũng chẳng biết cãi thế nào. Ấm ức và “ghét” bà cô này lắm. Giờ nghĩ lại, cho mình cãi bây giờ cũng chắc gì đã cãi được! Có khi còn khó cãi hơn ngày xưa...

5.
Thời gian trôi, rạp Dân Chủ phố Khâm Thiên không còn trưng bày... máu người Việt. Giờ đến lượt máu... người Mỹ. Đi đầu trong việc Mỹ hóa màn ảnh Hà Nội, rạp này chỉ chiếu phim hành động theo trường phái “nợ máu phải trả bằng máu”.

Nhớ thời “Xác ướp Ai Cập” làm cả phố phát rồ mất ăn mất ngủ vì đám đông hiếu... xác chết, vì tắc đường, loạn còi xe và tiếng mắng chửi nhau. Loại phim dính tí “tầm tư tưởng” nhân văn thương yêu tha thứ đừng mơ chen chân vào đó, “ma nó xem à”. Một dạo, tuần nào mình cũng phải đến đó xem giới thiệu phim mới, đi qua con phố cũ mấy chục năm trời đào lên lấp xuống mãi chẳng xong.

Phố Khâm Thiên thanh bình như trong tấm pa-nô ngày xưa ngày càng xa vời. Xa vời cây xanh, tường vôi vàng, thấp thoáng người đạp xe và đi bộ nhàn tản... Về lại phố xưa, những cái tên ngõ Thổ Quan, ngõ Trung Tả, ngõ Lệnh Cư, ngõ Cống Trắng, ngõ Văn Chương, ngõ chợ Khâm Thiên... vang lên, hiện ra trên phố Khâm Thiên vừa như cũ kỹ, thân thuộc lại vừa như tráo trở, xa lạ. Phố chật hơn, nhà cao hơn, vỉa hè thành chợ, mật độ tắc đường có lẽ là nhiều nhất lâu nhất và dài nhất... hành tinh.

Bức tượng người mẹ trẻ ôm con chết ngạt nơi đài tưởng niệm nạn nhân B52 ở chính căn nhà bảy người chết bom vẫn “đau thương kiêu hãnh ngẩng đầu”... Người làm tượng đã muốn truyền đạt ý chí “Nợ máu phải trả bằng máu” vào thế đứng đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng của người mẹ trẻ. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao, chính người Khâm Thiên lại xì xầm về bức tượng ngay khi nó vừa được dựng lên. “Con chết mà không nhìn con, mắt nhìn đi đâu?”.

Còn nhìn đi đâu nữa, người mẹ bất hạnh ấy đang nhìn thẳng vào chúng ta hôm nay và hỏi: “Đã xong món nợ máu chưa? Có đáng không? Có cần tiếp tục nữa không?”.

Tác giả bài viết: Bùi Mai Hạnh, từ Úc