Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KERTÉSZ IMRE: “DÂN HUNGARY KHÔNG BIẾT CHÂM BIẾM, NGOẠI TRỪ NHỮNG NGƯỜI CÓ TRÌNH ĐỘ!”

(NCTG) Sau những phát biểu gây sốc về mối quan hệ với quê hương Hungary, nhà văn Kertész Imre lại tiếp tục gây chú ý với những gì ông tuyên bố trong một bài báo mang tựa đề “Hungary tranh luận về bài phỏng vấn Kertész đăng trên “Die Welt”.

Kertész Imre tại Nhà hát Quốc gia Hungary năm 2007 - Ảnh: MTI


Trong dịp này, Kertész cũng trò chuyện với ký giả Tilman Krause của nhật báo “Die Welt”, là người đã phỏng vấn ông trong bài viết “có vấn đề” đăng ngày 7-11.

Đặt tiểu tựa “Nhà văn đoạt giải Nobel phê phán gay gắt đất nước ông”, Krause nhắc lại rằng trong bài báo mừng sinh nhật Kertész Imre 80 tuổi trên “Die Welt”, Kertész nói về mối tương giao của ông với Berlin, về sự xử lý trong văn học của ông với đề tài holocaust, về những nhà văn mà ông coi là tấm gương, cũng như về “mối quan hệ căng thẳng” của ông với nước Hungary hiện tại. Những khẳng định của Kertész Imre liên quan đến đề tài sau cùng đang được tranh luận dữ dội tại Hungary – Krause nhận định trong phần mở đầu.

Trả lời câu hỏi phải chăng người Hungary không chịu nổi bất cứ thứ phê phán nào, nhà văn tuyên bố: “Các cơ quan truyền thống hàng đầu của Hungary – như nhật báo “Tự do Nhân dân” và “Dân tộc Hung” , hoặc tuần báo “168 giờ” – trong ấn bản trực tuyến của họ, đã đăng lại cuộc trò chuyện của chúng ta một cách xuyên tạc. Từ cách tôi diễn đạt, rằng Những kẻ cực hữu và bài Do Thái trở thành thế lực lãnh đạo (Rechtsextreme und Antisemiten haben das Sagen), họ chuyển thành tại Hungary, phe cực hữu và những kẻ bài Do Thái thống trị.

Hoặc nhận định của tôi: những dục vọng cũ và tệ hại của dân Hung, sự dối trá, khuynh hướng bóp nghẹt mọi việc vẫn hiện diện như trước đây (Die alten Laster der Ungarn, ihre Verlogenheit und ihr Hang zum Verdrängen, gedeihen wie eh und je) bị rút ngắn thành Hungary là đất nước của những điều dối trá (*). Cố nhiên, đây là những điểm mang tính chỉ trích mà người Hungary phản ứng một cách nhạy cảm, có điều các bản dịch nghe có vẻ thẳng thừng hơn so với cách tôi diễn đạt”.

Ký giả tờ “Die Welt” đặt câu hỏi: phải chăng sự nhạo báng mà nhà văn dùng đến khi nhắc đi nhắc lại vấn đề bản sắc tập thể, là nhằm để phá đổ một điều cấm kỵ đối với các đồng hương, Kertész đồng ý. Ông nói thêm: “Dân Hungary không biết châm biếm, ngoại trừ những người có trình độ”.

Tiếp đó, ký giả Đức khẳng định rằng với cuộc bút chiến này, Kertész Imre đã tiếp nối một truyền thống văn học từng rất thịnh hành ở Đức và Áo, có thể gọi bằng cái tên “cảm hứng tự sỉ vả dân tộc” như Thomas Mann hay Karl Kraus và Thomas Bernhard đã đề cập tới. “Truyền thống này hoàn toàn không tồn tại ở Hungary?”, Krause đặt câu hỏi.

Theo Kertész, “không những không tồn tại, mà Hungary còn không biết rằng những nước khác có truyền thống này. Thomas Mann và Karl Kraus từng là các tác giả được đọc nhiều trong giới thị dân Hungary. Tuy nhiên, giai tầng thị dân Hungary không còn nữa. Còn lại những kẻ bảo vệ di sản dân tộc không chút hài hước, những kẻ muốn cấm mọi thứ phê bình, coi đó là sự bôi nhọ cái tổ chim riêng của họ”.

Trả lời câu hỏi phải chăng phản ứng giận dữ trước những lời phê phán của nhà văn có liên quan đến chuyện ông đã đụng chạm tới điểm nhạy cảm, Kertész đáp: “Đúng vậy, cố nhiên”, và nói thêm: “Tuy nhiên, không được quên rằng tại Hungary, tôi cũng có những độc giả trung thành, hiểu sự châm biếm này. Có điều, những độc giả ấy không có được tiếng nói lón trên mạng Intrenet”.

Cuối bài, Krause hỏi: trong tương lai, nhà văn có để ý hơn đến những điểm nhạy cảm của dân Hungary hay không. Kertész khẳng định: “Tôi đã 80 tuổi. Tôi có phong cách của mình và sẽ duy trì phong cách ấy. Và hy vọng rằng những người có chủ tâm tốt đẹp trong tương lai sẽ vẫn hiểu tôi. Tuy nhiên, tôi cũng vẫn sẽ phải sống cùng với một thực tế là vẫn tiếp tục có những người Hungary có thế lực muốn hiểu nhầm tôi, và xuyên tạc tôi”.

(*) Không rõ Kertész muốn nói đến tờ báo nào? Trên các báo lớn của Hungary, đều không thấy sự “rút ngắn” mà Kertész nhắc đến.

Tác giả bài viết: Trần Lê