Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


JACQUES DUBOCHET, GIẢI NOBEL HÓA HỌC 2017

(NCTG) “Một đất nước phát triển, dứt khoát phải có một nền giáo dục nhân bản, khoa học và tiến bộ bên cạnh môi trường chính trị trong sạch và dân chủ. Nền giáo dục nhân bản ấy phải bắt đầu từ cấp bậc thấp nhất, tiểu học, để đào tạo những học sinh có tư cách đạo đức và có khả năng hấp thụ những kiến thức căn bản”.
GS. Jacques Dubochet - Ảnh: www.letemps.ch
Ngày 4-10-2017, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố giải Nobel Hóa học 2017 được trao cho ba nhà khoa học là Jacques Dubochet, 75 tuổi (Thụy Sĩ), Joachim Frank, 77 tuổi (Mỹ) và Richard Henserson, 72 tuổi (Anh).

Ba vị giáo sư trên được vinh danh về công trình nghiên cứu liên quan đến kỹ thuật kính hiển vi điện tử nghiệm lạnh (cryo-electron microscopy) trong việc “xác định cấu trúc có độ phân giải cao của các phân tử sinh học trong dung dịch” và chính phương pháp này đã “đồng thời giúp đơn giản hóa và cải thiện sự quan sát các phân tử sinh học”.

Hội đồng Giám khảo Giải Nobel cho biết giải thưởng năm nay “được trao cho một kỹ thuật làm lạnh các mẫu phân tử sinh học” và “kể từ nay, các nhà nghiên cứu có thể tạo ra những mẫu sinh học qua những cấu trúc ba chiều”. Một trong những đóng góp quan trọng của phương pháp này chính là việc hiểu rõ một cách tường tận virus Zika và từ đó chế tạo ra loại thuốc kháng sinh nhằm ngăn chặn sự phá hủy não bộ của trẻ sơ sinh. 

GS. Jacques Dubochet của trường Đại học Lausanne (Thụy Sĩ) là người đầu tiên trong những năm 80 đã cùng với nhóm nghiên cứu của mình phát minh ra loại kính hiển vi nghiệm lạnh. Một cách sơ lược, đó là kỹ thuật làm đông lạnh (-170°C) các mẫu thử nhằm gìn giữ nguyên trạng thái ban đầu với các đặc tính nguyên vẹn, không bị phá hỏng bởi những tia X hay các hóa chất tạo màu.

Bằng các phương pháp kỹ thuật hiện đại, các nhà nghiên cứu có thể táo tạo lại các mẫu thử sinh học (virus, vi khuẩn,...) qua các hình ảnh ba chiều (3D) để sử dụng trong việc tìm hiểu các căn bản hóa học và qua đó phát triển các loại thuốc.

Nếu như hai giáo sư Joachim Frank và Richard Henserson đều là những nhà khoa học “chuẩn mực” thì chính GS. Jacques Dubochet lại là người có một quá trình học tập lạ thường và thú vị.

Từ một cậu bé bị bệnh loạn đọc đến giáo sư trường Đại học Lausanne

Jacques Dubochet sinh năm 1942 tại Aigle, thuộc bang Vaud. Quá trình học tập từ tiểu học đến trung học của ông diễn ra tại hai bang Vaud và Valais. Ngay từ nhỏ, ông không phải là một học sinh giỏi, ông học kém nhiều môn. Đến năm 1955, ông là học sinh đầu tiên của bang Vaud được chuẩn đoán bị bệnh loạn đọc (dyslexia) và đã được vị hiệu trưởng tốt bụng, tâm lý, động viên ông. 

Chính vì mắc chứng bệnh loạn đọc nên ông “học càng ngày càng kém trong tất cả các môn” đến độ ba mẹ ông phải chuyển trường khác cho ông tại bang Appenzell (nói tiếng Đức).

Để hoàn tất chương trình học phổ thông, ông đã phải kiên trì và nỗ lực rất nhiều để vượt lên trên mọi khó khăn và sự chế giễu hay xót thương của bạn bè. Ông tâm sự rằng con đường học vấn của ông tựa như những chiếc răng cưa để chúng ta thấy hết mọi gian khổ ông gặp phải.

Sau khi có bằng Maturité Fédérale (tương đương với bằng Tú tài), ông học tại trường EPUL (Ecole polytechnique de l’Université de Lausanne - Trường Bách khoa thuộc Đại học Lausanne), tiền thân của trường EPFL (Ecole polytechnique fédérale de Lausanne - Trường Bách khoa Liên bang Lausanne).

Năm 1968, ông tốt nghiệp với bằng kỹ sư Vật lý. Do đam mê sinh học nên Jacques Dubochet theo học và nhận chứng chỉ về Sinh học phân tử tại Đại học Genève vào năm 1969. Sau đó, ông hoàn tất luận án Tiến sĩ về Lý - Sinh vào năm 1973, tại trường Đại học Genève và Đại học Bâle.

Tiếp theo là quá trình làm nghiên cứu tại Đức (Heidelberg) cho đến năm 1987, Jacques Dubochet quay về trường Đại học Lausanne (UNIL) và được bổ nhiệm làm Giáo sư tại đây cho đến khi về hưu vào năm 2007.

Những ai từng là sinh viên của ông đều nhận xét rằng ông là một vị giáo sư hết sức bình dị, thân thiện, thẳng thắn và gần gũi sinh viên. Ông luôn cươi tười, tạo nên một không khí nhẹ nhàng trong học tập và tranh luận. Những kinh nghiệm, khó khăn của chính bản thân ông trên con đường học vấn đã giúp ông hiểu sinh viên và từ đó giúp họ một cách hiệu quả nhất.

Chứng bệnh loạn đọc luôn là một cản trở lớn trong quá trình học tập của học sinh. Nó gây ra nhiều phiền toái và từ đó khiến học sinh không còn đủ tự tin để học tốt. Cho đến tận ngày nay, người ta chỉ có thể giúp các học sinh bị chứng bệnh này bằng các phương thức giáo dục hợp lý để dìu dắt họ hoàn tất chương trình phổ thông cơ sở và tìm được một chỗ học nghề. Hiếm có học sinh nào học cao hơn, như tốt nghiệp Tú tài hay học Đại học.

Một đức tính dễ thấy ở Jacques Dubochet chính là sự khiêm nhường. Khi nghe tin mình cùng hai đồng nghiệp khác giành giải Nobel, ông đã cười và bộc lộ: Các vị ở Stockholm dễ thương quá! Nhưng những giải thưởng về khoa học là một điều không minh bạch vì chúng chỉ đưa ra ánh sáng một cá nhân trong khi lẽ ra nó phải khen thưởng cả một tập thể.

Ngày 10-12-2017 vừa qua, Jacques Dubochet đã được vinh dự nhận Giải Nobel Hóa học từ chính tay Quốc vương Thụy Điển, Carl Gustav. Một giải thưởng cao quí nhất trong cuộc đời của một nhà khoa học. Trong bài diễn văn ông đọc tại buổi lễ, Jacques Dubochet đã mang lại sự nhí nhỏm trong bầu không khí tôn nghiêm: “Thế giới này lớn, rất lớn. Cái đầu của tôi thì lại nhỏ bé, quá nhỏ bé. Không có cách nào để tôi có thể bỏ tất cả thế giới vào nó. Không sao, tôi đã thử thiết lập một dạng biểu tượng của thế giới và nhét vào nó”. 

Ông cũng thẳng thắng tâm sự ông là người rất quan tâm đến môi trường, đến xã hội, đến đời sống chính trị và ông rất thích tranh luận mọi vấn đề liên quan. Ông hiểu rằng, một khi ông thốt nên lời về một đề tài nào đó, nhiều người sẽ lắng nghe vì đơn giản ông là chủ nhân của giải Nobel danh giá.

Theo Jacques Dubochet, đó mới chính là mối nguy hiểm của cái gọi là “căn bệnh Nobel” mà nhiều người khác đã gặp phải khi tự cho mình là người duy nhất nắm giữ sự thật một cách tuyệt đối dẫu họ không hề hiểu rõ đề tài tranh luận. Phải biết mình là ai và đâu là giới hạn của của sự hiểu biết, đó chính là lời nhắn nhủ của vị giáo sư khả kính.

Tuy đã về hưu từ năm 2007 nhưng Jacques Dubochet vẫn còn mang chức danh Giáo sư émérite (tạm dịch: Giáo sư Ưu tú) và ông rất năng động trong các sinh hoạt của thành phố Morges, nơi ông đang ở. Ông thuộc Đảng Xã hội và là Ủy viên Hội đồng Thành phố. Đối với Jacques Dubochet, đứng vào cánh tả, tức sống không chỉ cho riêng mình mà còn cho người khác.

Ông là người “luôn lo lắng đến cuộc sống của những người xung quanh” như nhận định của đồng nghiệp và tuy là một nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới nhưng trong sinh hoạt cộng đồng hàng ngày, ông lại là người hết sức kín đáo, sẵn sàng làm mọi công việc do Hội đồng thành phố giao phó. Một công dân dấn thân hết mình vì cộng động!

Từ nền giáo dục trọng chất lượng của Thụy Sĩ

Giải thưởng Nobel Hóa học dành cho GS. Jacques Dubochet chính là một tấm gương tốt cho các học sinh tại Thụy Sĩ, đặc biệt các em đang mắc phải những chứng bệnh như ông. Các thầy cô giáo đã không quên nhắn nhủ các học sinh của mình về ý chí và nghị lực cũng như niềm đam mê khoa học đã đưa Jacques Dubochet vượt qua muôn vàn rào cản để thành công.
 
Trong phòng thí nghiệm - Ảnh: Willy Blanchard
Trong phòng thí nghiệm - Ảnh: Willy Blanchard

Cốt lõi của những lời khuyên bảo ấy không nhằm mục đích đào tạo ra những Dubochet khác trong tương lai (tuy nếu thì càng tốt) mà tạo nên những động lực để khuyến khích các học sinh hoàn tất việc học một cách hiệu quả nhất để có được một nghề nghiệp ổn định và vững chắc trong xã hội.

Xã hội Thụy Sĩ là một xã hội thực dụng (thì đã sao?), trọng dụng những ai có năng lực và chịu lao động. Nền giáo dục của xứ sở này cũng rất đặc biệt khi nó không chủ động thúc đẩy mọi học sinh tốt nghiệp Tú tài và học đại học. Người Thụy Sĩ nhìn vấn đề một cách rõ ràng, không mơ hồ: họ không muốn một xã hội dư thừa những kẻ có bằng cấp cao nhưng lại không được việc hay bị thất nghiệp.

Cái hay của người Thụy Sĩ chính là tạo điều kiện cho những học sinh, vốn không ưa thích việc học hành hoặc khả năng bị giới hạn, hoàn tất chương trình giáo dục bắt buộc (tương đương với lớp 9 tại Việt Nam) và sau đó chuyển qua giai đoạn học nghề để từ 16-17 tuổi đã có thể có công ăn việc làm ổn định trong xã hội.

Chính vì vậy, các học sinh lớp 5 và lớp 6 còn được học chung, bất chấp giỏi, dở. Nhưng đây là hai năm học cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai của chúng về sau. Cuối năm lớp 6, chỉ có khoảng 30-40% học sinh có điểm tốt được chuyển vào học các lớp giỏi và có thể học tiếp trung học, sau đó vào đại học. Số còn lại, phải vào học các lớp thấp hơn, chương trình nhẹ hơn với mục đích tốt nghiệp lớp 9 và vào các trường học nghề. 

Thoạt đầu người ta có cảm tưởng quá đỗi tàn nhẫn khi chọn lọc học sinh một cách quá sớm nhưng khi hiểu tâm lý của học trò trên các phương diện xã hội, gia đình và nhất là khả năng trí tuệ của học sinh thì mới thấy mô hình của người Thụy Sĩ rất hiệu quả.

Dạy nghề là một thế mạnh của Thụy Sĩ và hiếm có quốc gia nào vượt qua họ tại châu Âu. Đóng góp quan trọng của một công dân hữu ích cho xã hội chính là năng lực thực thụ mà họ cống hiến trong mọi ngành nghề chứ không phải là chỉ những mảnh bằng đại học.

Và ngay chính trong xã hội cũng không có sự khác biệt quá đáng giữa một người phải đi học nghề sớm, trở thành công nhân, nhân viên, thợ nghề... với một anh kỹ sư, bác sĩ hay thầy giáo. Mỗi người đều tìm được vị trí thích hợp của mình trong xã hội và hài lòng với những thành quả mình đạt được.

Những học sinh, có thể được gọi là “tinh hoa”, thì sẽ tiếp tục con đường học tập chính qui lên đến đại học nếu họ muốn. Các điều kiện về cơ sở, vật chất tại các trường đại học lại thuộc loại rất tốt tại Châu Âu nên sinh viên có thể hấp thụ nhiều kiến thức hữu ích và được đào tạo một cách rất khoa học để có thể làm việc ngay sau khi ra trường.

Số lượng nhân lực lao động có bằng cấp đại học thực ra chỉ chiếm khoảng 40% và hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động tại Thụy Sĩ.

Đến nền giáo dục mang tính đối phó và trọng bằng cấp của Việt Nam

Người viết nhắc đến khía cạnh giáo dục tại Thụy Sĩ thông qua bài viết về GS. Jacques Dubochet để cho thấy một nền giáo dục tiến bộ, vì học sinh không phải bắt nguồn từ số lượng những cử nhân đại học, những thạc sĩ hay tiến sĩ mà phải là giá trị thực thụ của nguồn nhân lực lao động. Người có khả năng đóng góp vào sự vận hành tốt đẹp của xã hội là người có một nghề nghiệp ổn định và được đào tạo một cách khoa học, bất chấp bằng cấp khoa bảng.

Trong nước đang có tranh luận xung quanh phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về việc phải nâng tỷ lệ tiến sĩ, chúng ta mới thấy hình như chưa có xứ sở nào lại quan trọng hóa bằng cấp tiến sĩ như Việt Nam ngày nay. Tại Thụy Sĩ nói riêng, ít ai học xong đại học lại đi làm tiến sĩ tiếp. Đơn giản vì thực tế lao động chuyên nghành mới quan trọng. Cho nên người ta hay đùa: chỉ có những ai lười đi làm nên mới nhảy vào làm nghiên cứu tiến sĩ thêm 4-5 năm.

Tất nhiên, những ngành khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa hay Sinh thì việc học tiếp đôi khi lại cần thiết. Hoặc đơn giản, những ai muốn theo đuổi con đường khoa học, giảng dạy đại học thì việc nghiên cứu tiến sĩ là điều không tránh khỏi.

Một đất nước phát triển, dứt khoát phải có một nền giáo dục nhân bản, khoa học và tiến bộ bên cạnh môi trường chính trị trong sạch và dân chủ. Nền giáo dục nhân bản ấy phải bắt đầu từ cấp bậc thấp nhất, tiểu học, để đào tạo những học sinh có tư cách đạo đức và có khả năng hấp thụ những kiến thức căn bản. Chấn chỉnh mọi cấp bậc từ tiểu học đến trung học với một hệ thống giáo dục khoa học thì chắc chắn sẽ đào tạo được nguồn nhân lực có tay nghề cao và chất lượng. Sự chênh lệch giữa cung và cầu sẽ không còn là vấn đề nan giải và qua đó không còn cảnh tốt nghiệp đại học nhưng không việc làm, phải làm những việc ngoài chuyên môn.

Một con số thú vị, tại Thụy Sĩ, mỗi năm có khoảng 3.000 tiến sĩ được đào tạo, trong đó có một số lớn là công dân các nước khác. Sau khi hoàn tất luận án, có khoảng 10% tiến sĩ bị thất nghiệp!

Cần phải có một đội ngũ chuyên gia cao cấp để xây dựng một nền khoa học hiện đại nhưng không vì thế mà phải chạy đua trong đào tạo một cách vô bổ và phi khoa học để rồi có những chủ tịch phường mà cũng có bằng tiến sĩ! Đó là điều đáng buồn và đáng trách!

Kết luận

Người Thụy Sĩ không ngừng tranh luận và cải tổ nền giáo dục của họ vốn đang hiện hành một cách tốt đẹp. Nhưng họ vẫn luôn tự nhủ đó chưa hẳn là một mô hình hoàn hảo nhất. 

Jacques Dubochet là người thứ 5 của vùng nói tiếng Pháp và là người Thụy Sĩ thứ 28 được vinh dự trao giải Nobel. Trong số đó có những gương mặt nổi tiếng như Alfred Werner, Paul Karrer, Charles Édouard Guillaume, Albert Einstein, Heinrich Rohrer, Hermann Hesse, Emil Theodor Kocher...

Và trong những năm tới có thể lại là Jérôme Faist (phát minh Quantum cascade laser) hay Denis Duboule (Hox genes) sẽ mang vể cho Thụy Sĩ những giải Nobel Vật lý và Sinh học.

Cho nên một quốc gia nhỏ bé với chỉ hơn 41 ngàn cây số vuông và dân số chưa đến 8,5 triệu trong đó có hơn 20% là người nước ngoài nhưng lại góp nhiều thành tựu khoa học và văn học quan trọng cho nhân loại. Đó là điều thật đáng nể và đáng phục!

Jacques Dubochet tâm tình thưở nhỏ, khoảng năm tuổi, ông đã không còn sợ bóng tối khi hiểu ra rằng mặt trời sẽ lại xuất hiện bởi vì nó quay xung quanh trái đất. Ngay từ bé, ở ông đã bộc lộ cá tính của một nhà khoa học nghiêm túc khi hiểu rằng đối với ông “việc đối chiếu những nỗi lo sợ bằng những sự giải thích là điều rất quan trọng” và ông “đã luôn tìm hiểu để có thể tiến lên về phía trước trong cuộc đời, như con người cần nuôi dưỡng để tiếp tục sống”.

Nghiên cứu khoa học phải bằng sự đam mê và thích thú dẫu phải trải qua những năm tháng làm việc cật lực, phải đối phó với nhiều khó khăn và thách thức. Nó không thể nào chỉ là cái danh, cái học vị mà người ta đổ xô vào tìm kiếm, mua bán, đổi chác và đặt trước tên một cách nhạt nhẽo như một sự phô trương cho khối lượng kiến thức, trí tuệ siêu việt hay sự thông minh hơn người của mình.

Đó chính là căn bệnh tự mãn của người Việt ngày nay khi cứ phải quan trọng hóa bằng cấp khoa bảng nhưng lại bỏ mặc một nền giáo dục đang xuống cấp trầm trọng.

Đối với Thụy Sĩ nói riêng và các nước tiến bộ nói chung thì chính chất lượng mới được đánh giá cao hơn số lượng.

Tác giả bài viết: Lâm Bình Duy Nhiên, từ Lausanne - Ngày 12-12-2017