Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


INGMAR BERGMAN VÀ MICHELANGELO ANTONIONI

(NCTG) Mốc 30-7-2007 sẽ đi vào lịch sử điện ảnh như ngày ra đi của hai người khổng lồ của Nghệ thuật thứ Bảy: Ingmar Bergman (1918-2007), gương mặt để lại ảnh hưởng lớn nhất của nền điện ảnh hiện đại Thụy Điển, và sau ông chỉ vài giờ, Michelangelo Antonioni (1912-2007), người đổi mới ngôn ngữ điện ảnh, một trong những thiên tài rạng rỡ nhất của nghệ thuật điện ảnh Ý và thế giới.

Hai bậc thày của nhiều thế hệ đạo diễn điện ảnh quốc tế không còn nữa!

Ingmar Bergman - Ảnh tư liệu của Scanpix - Jonas Ekstromer (Reuters)

Năm 1988, Woody Allen, nhân sinh nhật lần thứ 70 của Ingmar Bergman, đã nhận định: "Ông là nghệ sĩ lớn nhất kể từ khi máy quay phim được phát minh!" Nhà phê bình điện ảnh Hungary Agyagási Edit thì cho rằng, Ingmar Bergman chẳng những là đạo diễn Thụy Điển vĩ đại nhất của mọi thời đại, mà còn là cây bút lớn nhất còn sống đến ngày nay của xứ sở này.

Michelangelo Antonioni năm 90 tuổi, tại Liên hoan phim Venice - Ảnh tư liệu của Gabriel Bouys (AFP)

Đồng nghiệp lớn của Ingmar Bergman, Michelangelo Antonioni, nhà phù thủy điện ảnh của trường phái tân hiện thực, được Roland Barthes đánh giá là người nghệ sĩ hiện đại đáng kể nhất với những tác phẩm điện ảnh thấm đượm sự "anh minh", "tỉnh táo" và "nhạy cảm".

Điện ảnh thế giới đương đại, tràn ngập những sản phẩm "mỳ ăn liền" của xã hội tiêu thụ, sẽ phải hổ thẹn nghiêng mình hồi lâu trước hai tên tuổi vừa ra đi...

Thế hệ du học sinh Việt Nam tại Hung cách đây vài thập niên, những người còn được làm quen với hàng loạt tác phẩm kinh điển của điện ảnh thế giới tại rạp "Filmmúzeum" (Budapest), sẽ không bao giờ quên tên hai ông, với "A napfogyatkozás" (1962), "Vörös sivatag" (1964), "Nagyítás" (1966), "Zabriskie Point" (1970), "Egy nő azonosítása" (1982)..., hay "A hetedik pecsét" (1957), "Szűzforrás" (1960), "A csend" (1963), "Érintés" (1970), "Suttogások és sikolyok" (1972), "Fanny és Alexander" (1982)...

Bởi lẽ, đó đã là những-kiệt-tác-của-muôn-đời!

Tác giả bài viết: Trần Lê