Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Họa sĩ Vương Linh: HÃY LÀM NGAY NHỮNG GÌ MÌNH MUỐN!

(NCTG) “Mỗi người chỉ được sống một lần thôi mà. Chưa kể bây giờ Linh còn trẻ, không thể để sau này, 40, 50 tuổi mới nhận ra và tiếc nuối được. Vậy nên Linh quyết tâm phải thực hiện mơ ước, dù thành công hay thất bại”.

Họa sĩ Vương Linh

Lời tòa soạn: Một cô gái rất trẻ, được đào tạo bài bản về truyền thông, có làm thơ và viết truyện, nhưng lại theo nghề vẽ, đã có triển lãm cá nhân và dùng hết thu nhập có được từ những bức tranh để làm từ thiện cho các em nhỏ. Cạnh đó, cô còn hát, sáng tác nhạc, có ca khúc được chọn vào liveshow Bài Hát Việt, nhưng với tâm thế rất thoải mái như lời chia sẻ trên FB cá nhân: “Không mong đạt được gì cả, chỉ cần như vậy đã là hạnh phúc đối với mình”.

Đó là Vương Linh, trẻ trung, năng động và tài năng. Dù mới đi những bước ban đầu trên con đường nghệ thuật, nhưng họa sĩ trẻ này đã cho thấy có thể làm nghệ thuật một cách trong trẻo và vô tư, không bon chen, đồng thời đem lại nhiều ý nghĩa cho cuộc đời. Cuộc trò chuyện sau đây giữa PV NCTG với Vương Linh được thực hiện trong lúc cô đang chuẩn bị cho cuộc triển lãm cá nhân thứ hai vào ngày 26-10 (NCTG).



“Bay qua giấc mơ”, họa phẩm được tác giả tâm đắc nhất


PV: Chào Vương Linh. Vương Linh có thể tự giới thiệu sơ qua vài nét về bản thân cho độc giả NCTG được không? Và nếu có thể dùng vài từ để miêu tả về bản thân mình, đó sẽ là những từ gì?
 
- Linh sinh năm 90, là cử nhân Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Một vài từ tự miêu tả về Linh: tự trọng, vô tư, hay xấu hổ, hiền, liều lĩnh.

Công việc hiện tại: Linh đang theo đuổi nghệ thuật và làm việc cho chính mình.
 
Vì sao Linh từ bỏ báo chí để theo con đường nghệ thuật này?
 
- Sau khi tốt nghiệp, Linh đi làm luôn tại một công ty truyền thông. Sau gần một năm, Linh nhận ra rằng công việc hành chính, ngày làm 8 tiếng không phải là đam mê của mình. Tuy cũng bận rộn và đồng nghiệp tốt với mình, nhưng cảm giác giống như là lấy một người chồng mà mình không yêu.

Có lần Linh đã rơi nước mắt khi lái xe trên đường và nghĩ: tại sao mình không dành thời gian để làm công việc mình đam mê? Biến nó thành công việc có thể theo đuổi suốt đời? Cho đến tháng 4 đầu năm nay thì Linh quyết định phải làm những gì mình thật sự mong muốn, mong muốn điên cuồng.

Mỗi người chỉ được sống một lần thôi mà. Chưa kể bây giờ Linh còn trẻ, không thể để sau này, 40, 50 tuổi mới nhận ra và tiếc nuối được. Vậy nên Linh quyết tâm phải thực hiện mơ ước, dù thành công hay thất bại.
 
Linh theo đuổi con đường vẽ tranh từ khi nào?
 
- Hồi cấp 1, Linh đã từng vẽ tranh để bán. Linh vẽ vào những tập giấy vuông bé tí, bán 1.000 đồng 1 tấm, cũng có nhiều bạn mua. Hồi cấp 2, điểm mỹ thuật của Linh khá cao, Linh nhớ đã có học kỳ gần được 10/10. Hồi ấy mẹ hay nhắc nhở Linh hạn chế vẽ, tập trung học vì nghĩ đơn giản đó là một sở thích của Linh thôi. Lên cấp 3, Linh cũng có vẽ một vài lần, nhưng hồi đó bận học, mắt cận nặng nên vẽ ít.

Bẵng đi một thời gian, tầm 5 năm, cho đến khi Linh mổ mắt cận, nhìn lại mọi thứ rõ ràng thì Linh vẽ lại. Mặc dù đã lâu không động đến màu vẽ, nhưng Linh vẫn cảm giác về nó rất rõ ràng, như một dòng chảy tự nhiên.


“Trút bỏ muộn phiền” (2012)
 
Linh học vẽ thế nào, từ bao giờ?
 
- Linh chưa từng học vẽ.
 
Linh hay vẽ về những chủ đề gì?
 
- Linh vẽ những gì Linh thích và ngay lúc đó muốn vẽ. Linh vẽ những thứ Linh nghĩ, không vẽ những thứ Linh thấy. Linh thường vẽ tranh trừu tượng hoặc tranh theo lối đơn giản, miêu tả nội tâm của Linh, của các cô gái, những tâm sự, nỗi niềm, quan điểm sống...
 
Tại sao những bức tranh của Linh luôn có màu sắc tươi sáng và rực rỡ?
 
- Màu sắc tươi sáng phản ánh thái độ lạc quan của Linh về cuộc sống. Dù buồn đến thế nào thì tranh của Linh vẫn tươi tắn. Linh có thể nghe những bài hát buồn và cảm nhận được niềm vui và sự tươi tắn ở trong đó. Phần nữa là do Linh hay di mạnh màu, bởi cảm xúc của mình rất mạnh, nên màu của tranh cũng được lên màu mạnh hơn, rực rỡ hơn.
 
Vì sao cô gái trong tranh của Linh luôn nhắm mắt?
 
- Linh vẽ cô gái nhắm mắt từ hồi 15 tuổi. Nhưng cô gái nhắm mắt vẽ vào tuổi 22 cũng đã có “ý đồ” khác đi rồi, “ý đồ” là gì thì Linh cũng chưa nói ra được (cười). Linh quan niệm, trong cuộc sống, có những điều không nhìn được bằng mắt thường, và chỉ có nhắm mắt lại, cảm nhận bằng tất cả tâm hồn, mình mới thấy được mọi thứ sâu hơn.

Đến triển lãm lần này, các cô gái đã mở mắt. Như một sự bừng sáng trong tâm hồn.
 
Linh vẽ một bức tranh trong bao lâu? Không gian, hoàn cảnh, thời gian vẽ hiệu quả nhất?
 

- Linh vẽ đến khi nào hoàn thành thì mới đi ngủ. Thường thì một ngày là xong, nhưng đến khi vẽ sơn dầu, nhất là bức khổ to, Linh mất nhiều thời gian hơn. Không thể cố vẽ xong mới ngủ nên Linh phải ngậm ngùi để đấy hôm sau vẽ tiếp. Bức lâu nhất Linh từng vẽ là 5 ngày, khổ to và vẽ mất sức nhiều, không chỉ tốn chất xám mà còn tốn cả sinh lực nữa (cười).

Nhưng công việc nào mà chẳng có cái vất vả của nó. Chỉ là với cái mình đam mê, mình thấy nó ít mệt hơn thôi. Mệt tới mấy mà ngắm nhìn lại kết quả mình đã làm được, cảm giác vô cùng hạnh phúc.


“Đi qua cuộc đời” (2012)

Sau khi vẽ xong một bức tranh, Linh thường có cảm giác gì?

 
- Linh có nhiều cảm giác khác nhau, phần nhiều là hạnh phúc và như được giải tỏa điều gì đó rất lớn. Những tình cảm của mình được truyền vào bức tranh, rồi nó lại phản ánh vào đôi mắt mình, làm mình càng hiểu mình hơn, thấy tâm hồn thêm trong trẻo hơn. Có bức Linh vẽ xong thì thấy mình như đã trút hơi thở vào trong đó, cảm giác mệt mệt. Còn bức tranh thì mang trong mình năng lượng của Linh.
 
Linh đã có những triển lãm tranh nào?
 
- Linh đã thực hiện triển lãm tranh cá nhân “Mùa trong mắt” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vào đầu tháng 6 năm nay. Lần này sẽ là lần thứ hai.
 
Để chuẩn bị một triển lãm hoàn chỉnh cần có những điều kiện nào? Có ai giúp đỡ Linh không?
 
- Với triển lãm đầu tiên, Linh không biết mình phải làm gì, cứ thế mò mẫm tự nghĩ ra các việc cần phải làm. Đầu tiên là tìm địa điểm, xin giấy phép... Có ti tỉ việc mà mình phải lo, mà lo cùng một lúc nữa chứ. Linh không nhờ ai làm giúp gì vì nghệ thuật nó mang tính cá nhân mà, mình hiểu nó nhất và chỉ có mình làm là mình yên tâm và dốc sức đến cùng.

Ba mẹ Linh cũng có hỗ trợ về tiền bạc, công sức, tinh thần. Ngoài ra cũng phải kể đến sự hỗ trợ về tài chính cho một phần chi phí tổ chức của những người lớn tuổi đã quan tâm tới chương trình của Linh. Còn triển lãm lần này thì Linh tự lo toàn bộ mọi chi phí.
 
Được biết Linh đã dành gần hết số tiền thu được trong cuộc triển lãm và bán tranh lần trước để làm từ thiện?
 
Lần trước, Linh không phải là người chi trả toàn bộ chi phí nên Linh quyết tâm dùng gần hết tiền để làm từ thiện. Lần này chưa biết mức độ thành công như thế nào, chưa kể phải bù lại chi phí mình bỏ ra, nên số tiền từ thiện có lẽ sẽ không được nhiều như đợt trước, nhưng “của một đồng, công một nén”, quan trọng là tấm lòng. Linh luôn tâm niệm sẽ tập trung giúp đỡ, mua quà cho các bạn kém may mắn một cách hiệu quả và thực chất.

Vì sao Linh giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em học sinh khiếm thị?
 

Linh là một người trẻ đang chập chững bước đầu, thu nhập đủ vừa bản thân, gia đình bình thường, nhưng lại có mong muốn giúp người khác. Linh không đủ lớn mạnh để giúp đỡ tất cả người nghèo nên Linh thu hẹp lại phạm vi của mình, giúp đỡ những người dưới cả mức nghèo, tức là người khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo nhưng có tài năng. Họ kém may mắn hơn cả người nghèo, không có sức lao động bình thường.


Tặng nhạc cụ cho các em học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội
 
Vì sao Linh tặng nhạc cụ cho những người khiếm thị mà không phải là tiền hay thứ gì khác?
 
- Thứ nhất, Linh thích tặng quà tạo ra được công việc cho người khác hơn là quà bình thường. Như vậy, Linh yên tâm là họ phần nào sẽ có cuộc sống ổn định hơn, giống như Linh mua tặng cần câu cá thay vì mua những con cá. Thứ hai, Linh rất thích âm nhạc và cũng muốn theo đuổi nó.

Ngày trước, mong muốn này của Linh không được một số người ủng hộ nên bây giờ Linh nghĩ tại sao mình lại không giúp đỡ những người yêu âm nhạc (kém may mắn hơn mình), thay vì chờ đợi có ai đó ủng hộ mình theo đuổi âm nhạc? Ngay cả trong suy nghĩ của Linh, mong muốn được mua nhạc cụ để tặng những bạn khuyết tật cứ ngân vang lên như thể một bản năng vậy.
 
Màu sắc yêu thích của Linh là màu gì?
 
- Linh thích vị cam nên cũng thích luôn màu cam. Linh thích màu xanh lá cây vì đó là màu thân thuộc trên các đồ dùng của Linh từ bé. Cụ thể là nhà Linh phân biệt bàn chải qua màu sắc, từ bé Linh đã dùng bàn chải có màu xanh lá cây.
 
Khi nói đến niềm hy vọng, Linh sẽ liên tưởng đến màu gì?
 
- Màu vàng.
 
Nỗi buồn?
 
- Màu nâu.
 
Sự cô đơn?
 
- Màu đen.
 
Khi không ai hiểu mình?
 
- Màu đen
 
Niềm vui?
 
- Màu xanh dương.
 
Hạnh phúc?
 
- Màu xanh lá.
 
Sự chia sẻ?
 
- Màu trắng.
 
Mơ mộng?
 
- Màu hồng.
 
Tình yêu?
 
- Màu tím.


“Lòng kiêu hãnh” (The pride, 2013), một trong những bức tranh đã bán trong kỳ triển lãm “Mùa trong mắt” (tháng 6-2013)


Nếu được nghỉ ngơi, Linh thích một nơi thế nào?
 
- Linh thích một nơi yên tĩnh nhưng vẫn có bóng dáng con người.
 
Một hành động ngẫu hứng muốn làm mà ko phải lo nghĩ đến hậu quả?
 

- Bên cạnh những việc làm, mục tiêu được xây dựng thành kế hoạch cụ thể thì Linh cũng hay hành động ngẫu hứng lắm, nhưng theo hướng tích cực. Như là xông vào cắn mẹ. Mẹ Linh biết là cắn yêu nên nếu có đau một tí, mẹ cũng không bao giờ mắng, giận Linh (cười).

Một câu nói muốn nghe từ ai đó?

 
- “Cố lên!”, chắc là từ chồng tương lai của Linh. Có điều Linh chưa gặp được người này.
 
Một kỷ niệm với tranh của mình?
 
- Hôm nay Linh đã cho tranh của mình tới nơi đóng khung. Chúng đang ở xa Linh nên Linh cứ lo lo. Tưởng tượng đến việc chúng biến mất làm Linh thấy phát điên.
 
Nếu có một ngày hoàn toàn cho riêng mình, Linh sẽ làm gì?
 
- Sáng tác một tác phẩm nào đó: một bài thơ, một ca khúc, một bức tranh... Linh nghĩ không có điều gì thú vị hơn. Ngay cả mua sắm quần áo cũng không thể nào vui bằng việc này. Cái váy mới có thể làm Linh vui vài ba ngày, còn một tác phẩm lại có thể làm Linh hạnh phúc suốt đời, mỗi khi nhìn lại chúng.
 
Dự định của Linh trong tương lai?
 
- Linh vẫn sẽ tiếp tục hoạt động nghệ thuật. Linh cũng không muốn nói trước vì như vậy có thể tạo áp lực cho mình, chưa kể Linh vốn thích những điều bất ngờ. Linh sẽ vẫn tiếp tục âm thầm lao động để rồi đến lúc chín muồi, sẽ công bố “tưng bừng”.
 
Là một người trẻ tuổi, Linh muốn nói hoặc chia sẻ gì với các bạn đồng trang lứa, với thế hệ của mình?
 

- Linh thích hành động hơn là lời nói nên Linh muốn chia sẻ rằng, các bạn muốn làm gì thì hãy làm ngay, hãy biến thành hiện thực. Tất nhiên đó phải là những điều đúng đắn và không phương hại đến ai.
 
Cảm ơn Linh và chúc Linh thành công, chạm được vào các giấc mơ của mình và biến chúng thành hiện thực!


Trần Nữ Vương Linh
- Ngày sinh: 28-11-1990 tại TP.HCM.
- Hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.
- Tốt nghiệp lớp Truyền hình, Học viện Báo chí Tuyên truyền.
- Cựu học sinh chuyên Văn THPT Chu Văn An.
- Cựu học sinh chuyên Văn THCS Trưng Vương.
- Top 5 Người đẹp trình diễn áo dài đẹp nhất Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam 2011.
- Giải Nhất nhóm cuộc thi Ngôi sao tài năng Báo chí (AJC’star 2011)
- Top 10 Chung kết Nữ Hoàng Trang Sức 2013
- Giải Người đẹp Ảnh NHTS 2013.
- Giải Khuyến khích Quốc gia Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 34
- Hiện đang xây dựng và phát triển Tổ chức từ thiện cá nhân Tâm Thanh, với chức năng tổ chức các dự án nghệ thuật, để từ đó triển khai các hoạt động từ thiện thực chất dành cho trẻ em khuyết tật và mắc bệnh hiểm nghèo.

Tác giả bài viết: FR thực hiện - Ảnh: Bích Ngọc