Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Hòa nhạc Vienna chào năm mới: BỮA TIỆC ÂM THANH ĐỈNH CAO

Bản “Danube xanh” của “ông hoàng valse” người Áo Johann Strauss II với những giai điệu hết sức du dương có lẽ là bản luân vũ thành Vienna nổi tiếng nhất của mọi thời đại, đồng thời, cũng là bản nhạc cổ điển được biết đến nhiều nhất trong lịch sử văn hóa đại chúng. Ở Việt Nam, bản nhạc này cũng rất gần gũi từ 70 năm nay, với lời Việt của Phạm Duy.
Hòa nhạc mừng năm mới tại Hội trường Vàng của Musikverein (Vienna)
Nghe bản Audio tại đây.

Hiếm ai từng ngao du qua các quốc gia vùng Đông - Trung Âu, nơi có con “sông mẹ” của Châu Âu chảy qua, mà không được nghe giai điệu quen thuộc của “Danube xanh” ít nhất là một vài lần. Tuy nhiên, thưởng thức bản nhạc này trong một chương trình đỉnh cao của sự say đắm và mê cuồng âm nhạc, như buổi hòa nhạc đón chào năm mới ở Vienna, thì không nhiều người có dịp.

Như một thông lệ, vào hồi 11h15 phút ngày đầu năm mới, giới thưởng ngoạn âm nhạc cổ điển trên toàn thế giới lại hướng về thành Vienna với màn trình diễn có một không hai này, khi các nhạc công Dàn nhạc Giao hưởng Vienna xuất hiện tại Hội trường Vàng của cung hòa nhạc Musikverein - tất cả đều là những khái niệm, chỉ dấu rực rỡ trong nền nhạc bác học quốc tế.

Có lẽ là buổi hòa nhạc nổi tiếng nhất hoàn cầu, gần đây nhất, vào ngày đầu năm 2017, hàng tỷ khán giả đã có dịp thưởng thức sự kiện này, cùng bản “Danube xanh” ở phần “bis, bên màn hình vô tuyến do 93 quốc gia truyền trực tiếp. Còn muốn xem ngay tại chỗ, không chỉ cần tiền, mà còn phải có vận may để có được tấm vé trước đó hàng năm theo hình thức bắt thăm.

Bữa tiệc âm thanh tột đỉnh

Hòa nhạc đón mừng năm mới là sự kiện âm nhạc diễn ra ở nhiều quốc gia, và thường quy tụ được sự tham dự của những nhạc công nổi tiếng nhất của dàn nhạc giao hưởng quốc gia mỗi nước. Được trình diễn trong các phòng hòa nhạc đẹp như mơ, đồng thời thường cũng là những kiệt tác kiến trúc, đây là đỉnh cao của nền nhạc cổ điển và văn hóa thưởng thức nghệ thuật.

Tuy nhiên, đến với buổi hòa nhạc mừng năm mới ở thành Vienna, tức là bạn đã đặt chân vào một thế giới âm nhạc tuyệt đỉnh ở ngay một trong những “thánh địa” của nhạc cổ điển, nơi khai sinh Trường phái cổ điển Vienna thế kỷ 18-19. Nơi mà âm nhạc hòa quyện với tính vương giả của Gia tộc Habsburg, khởi đầu từ thế kỷ 20 và có thế lực bao trùm ở Châu Âu tới Thế chiến thứ nhất.
 
Musicverein, “thánh địa” của nhạc cổ điển ở Vienna
Musicverein, “thánh địa” của nhạc cổ điển ở Vienna

Lần giở lại những trang sử, thành Vienna vốn có truyền thống với những buổi hòa nhạc chào mừng năm mới từ năm 1838, tức là cách đây 180 năm, nhưng chưa với dòng nhạc của “triều đại” Strauss. Lần đầu tiên sự kiện này được diễn ra như hiện tại, tức là với những tác phẩm tươi vui, chứa chan sức sống và yêu đời ở thể loại polka và valse của dòng họ Strauss, là vào ngày cuối năm 1939.

Khi đó, Đệ nhị Thế chiến đã bùng nổ được vài tháng và mây đen của nó bao trùm Châu Âu, còn nước Áo thì đã bị “sáp nhập” vào Đệ tam Đế chế được một năm rưỡi. Điều đó, và cả những năm tháng tiếp tới của cuộc chiến khốc liệt không khiến Vienna phải từ bỏ những làn điệu đón chào năm mới. Ngoại trừ lần đầu tiên, hòa nhạc mừng năm mới ở Vienna sau đó luôn diễn ra vào mùng 1/1.

Đương nhiên, luôn luôn có quá nhiều người bạn của âm nhạc muốn tới xem trực tiếp chương trình văn hóa lớn nhất hoàn cầu này, bởi vậy giới tổ chức đã nghĩ ra một cách khá công bằng: bán vé thông qua đăng ký trên website của dàn nhạc để rồi sau đó rút thăm xem vận may đến với ai. Quá trình đăng ký diễn ra từ 2-2 đến 29-2, mỗi người chỉ được đăng ký tối đa hai suất cho buổi hòa nhạc.

Song song với buổi đầu năm, còn hai buổi “tất niên” vào 11h sáng ngày 30-12 và 7h30 tối 31-12 với chương trình hệt như nhau, nhưng mức giá có phần “mềm” hơn. Những ai không gặp may, hoặc không thể bỏ ra 20-940 Euro để sở hữu tấm vé, có thể thưởng thức miễn phí ngoài trời qua màn hình lớn, tại quảng trường trước Tòa Đô chính thủ đô, hay trước Nhà hát Opera Quốc gia Vienna.

Những cái “nhất”

Không thể Vienna hơn”, đó là lời giới thiệu về chương trình của buổi hòa nhạc, khi bên cạnh những bản nhạc của bốn thành viên dòng họ Strauss, những tên tuổi kiệt xuất khác, trong đó có cả Mozart, Franz Schubert hay Joseph Haydn cũng có cơ hội được xuất hiện. Và những nghệ sĩ mang chúng tới công chúng, không ai khác ngoài Dàn nhạc Giao hưởng Vienna thuộc hàng đứng đầu thế giới.
 
Hội trường Vàng, nơi “nhạc cụ cũng ánh lên sắc vàng”
Hội trường Vàng, nơi “nhạc cụ cũng ánh lên sắc vàng”

Những sứ giả âm nhạc của thành Vienna” là lời ngợi ca dành cho họ, và cũng có thể nói như vậy đối với những vị nhạc trưởng, mà từ năm 1980 đã có thể là người ngoại quốc. Đặc biệt, theo một thông lệ mới, từ 30 năm nay, cứ mỗi năm thủ đô nước Áo lại chào đón một nghệ sĩ bậc thầy khác nhau để lĩnh xướng trong buổi hòa nhạc, tạo nên nét đa dạng, làm tăng thêm lượng người theo dõi.

Đặc biệt, nơi diễn ra buổi hòa nhạc cũng không thể tuyệt vời hơn: Musikverein, trung tâm của dòng nhạc cổ điển Vienna, trụ sở của Dàn nhạc Giao hưởng Vienna. Được khởi xây và điều hành bởi Hội Khuyến nhạc Thành Vienna năm 1867, Musikverein cùng tuổi với nền “song quốc quan chủ” Áo - Hung để lại cho cả hai quốc gia này nửa thế kỷ phát triển rực rỡ trong hòa bình và thịnh vượng.

Là một khái niệm trong làng nhạc cổ điển, Musikverein được thiết kế theo trường phái cổ điển mang dáng dấp một thánh đường Hy Lạp cổ đại, nhắn nhủ rằng đây là một thánh địa của âm nhạc. Cứ mỗi khi diễn ra buổi hòa nhạc đầu năm, khán phòng nơi đây lại chìm đắm trong vô vàn sắc hoa, mà trong gần 35 năm ròng luôn do các nghệ nhân thành phố San Remo trang trí và gửi tặng từ Ý.

Musikverein có nhiều phòng, nhưng buổi hòa nhạc mừng năm mới được mặc định tổ chức trong Hội trường Lớn, còn có tên khác là Hội trường Vàng vì tất cả khán phòng và sân khấu đều rực rỡ trong ánh vàng vương giả. Không chỉ nổi tiếng là một trong những phòng hòa nhạc lộng lẫy nhất thế giới, mà Hội trường Vàng còn có độ âm học hàng đầu, các nghệ sĩ không cần có micro hỗ trợ khi trình diễn.

Cũng cần phải nhắc đến sự hiện diện của các vũ công đến từ Nhà hát Ballet Quốc gia Áo trong phần thứ hai của chương trình, làm tăng thêm vẻ ngoạn mục của những làn điệu uyển chuyển. Tất cả những yếu tố đó tập trung ở nơi mà “nhạc cụ cũng ánh lên sắc vàng” như lời xưng tụng của người đời, khiến buổi hòa nhạc đầu năm ở Vienna trở thành sự kiện âm nhạc vàng son bậc nhất.

Dặt dìu với nhịp sóng của “dòng sông xanh”

Tất nhiên buổi hòa nhạc đầu năm sẽ không có được sự thu hút và ma lực của nó, nếu vắng bóng “Danube xanh”, hình mẫu của những bản luân vũ thành Vienna, kiệt tác của Johann Strauss “con”. “Danube xanh” luôn là bản áp chót của chương trình, và là một trong hai bản “thêm” do khán giả vỗ tay yêu cầu - bản kia là “Hành khúc Radetzky”, tác phẩm nổi tiếng nhất của Johann Strauss “cha”.
 
Dòng sông xanh
Dòng sông xanh

Hai bản “bis” này cũng gắn liền với những truyền thống thú vị của buổi hòa nhạc mừng năm mới Vienna. Nếu như các nhạc trưởng thường tận dụng dịp trước khi chơi “Danube xanh” để thay mặt dàn nhạc chúc tết quốc dân và khán giả, thì ở bản cuối cùng, “Hành khúc Radetzky”, họ lại quay về phía khán giả để lĩnh xướng trong những tràng vỗ tay tưởng chừng không muốn ngớt theo nhịp bản hành khúc.

Không phải đã được đưa vào chương trình từ lần đầu tiên, nhưng kể từ năm 1958 tới nay, chưa bao giờ buổi hòa nhạc kết thúc mà không có hai tác phẩm này, ngoại trừ năm 2005, khi vị nhạc trưởng quyết định không cho dàn nhạc chơi những làn điệu rộn ràng của “Hành khúc Radetzky” để tưởng nhớ những nạn nhân động đất và sóng thần Ấn Độ Dương 2004 đã cướp đi tính mạng của 150-200 ngàn người.

Với những người, và đặc biệt những cặp tình nhân muốn tay trong tay lướt trên sàn nhảy, hiếm có bản nhạc nào dặt dìu được bản valse thành Vienna tiêu biểu - “Danube xanh”. Cho dù, du khách tới Vienna, hay ngay cả Budapest, nơi được coi là đoạn đẹp nhất của con sông dài 2.850km này, rất hiếm khi thấy được màu xanh của Danube - có chăng, phải lên phần thượng nguồn của nó, ở nước Đức.

Một số ý kiến cho rằng, cái tên “Danube xanh” xuất phát từ huyền thoại của Áo, theo đó trong mắt những cặp yêu nhau, những làn sóng xám của Danube cũng trở nên tươi xanh. Rất có thể Johann Strauss “con” đã dựa trên một câu thơ của nhà thơ Hungary Karl Isidor Beck “bên dòng Danube tươi xanh”, tuy nhiên địa điểm ấy không phải Vienna, mà ám chỉ thành phố Baja của Hungary, nơi thi sĩ chào đời.

Dầu sao mặc lòng, có hạnh phúc nào hơn được thưởng thức làn điệu bất hủ và dễ “cảm” ngay cả với người không nhất thiết rành về nhạc cổ điển, ngay giữa thành Vienna, cái nôi của các điệu luân vũ, trong khoảnh khắc đầu năm với những ước vọng tốt đẹp? Và có người Việt nào, khi nghe bản nhạc áp chót, lại không nhớ tới lời Việt của chàng nhạc sĩ trẻ Phạm Duy hồi mới vào nghề ca hát.

Ôi, mắt em hoe như mây chiều rơi, rơi vàng lòng đời - Ôi, mắt em xanh như đêm dài, để người quên kiếp mai - Sông về, sông cười ròn tiếng - Yêu mối tình bên bờ thành Viên - Đôi giang hồ quay về bờ bến - Ngỡ mình vui trong ánh sáng muôn sao thiên đàng” là mộng ước viễn mơ, cũng như lời chúc đầu năm an lành, bớt âu lo, nhiều may mắn và nhiều những nụ cười cho tất cả mọi người...

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest