HỒI ỨC CỦA NHÀ VĂN VASILY AKSYONOV (2)
- Thứ ba - 27/03/2007 13:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngoài những trí thức, văn nghệ sĩ sáng tạo, dĩ nhiên, có sự tham gia của đại diện giới “trí thức” không sáng tạo, tức những “trí thức” công nhân Nga thuần túy, như lãnh đạo đảng, đoàn thanh niên Comsomol, KGB, các bí thư phụ trách tư tưởng và tuyên truyền từ mọi nước cộng hòa và những khu vực đáng kể.
Chẳng cần phải nói, một đội ngũ cử tọa xuất chúng đã hiện diện trên những chiếc ghế bành bọc đệm, trong căn phòng Sverdlov nóc tròn màu xanh da trời, được bao quanh bởi những chiếc cột trắng muốt.
Rồi trên bục diễn giả, một phụ nữ xuất hiện: chẳng phải ai khác ngoài Wanda Wasilewska, nữ văn sĩ cộng sản Ba Lan-Liên Xô rất mực uy tín. Bà ta là vợ của Korneychuk, nhà soạn kịch người Ukraine; vào thời ấy, người ta đã kể không ít những trò khôi hài về ông này. Bản thân Wasilewska, như tôi nhớ rõ, vốn được bao phủ bởi ánh hào quang bi thảm tỏa chiếu từ những mối quan hệ với Quốc tế Cộng sản và với các đồng chí nước ngoài; tóm lại, từ những điều khiến bà ta có được một giá trị gấp bội phần.
Ngoài cái thứ giá trị được tăng tiến gấp bội ấy, tiếc là trong tôi không đọng lại chút ấn tượng gì, vẻ bề ngoài của Wasilewska hoàn toàn mờ nhạt trong trí óc tôi. Những lời dạo đầu của bà ta tuyệt đối không được ai để ý tới, người ta chỉ nghe bằng nửa tai và cho rằng chắc hẳn Wasiliewska chỉ đăng đàn trên cương vị một “nữ” diễn giả không thể thiếu được [trong những dịp như thế]. Nhưng rồi, bỗng nhiên, chúng tôi nghe:
- Thưa các đồng chí, tôi vừa trở về từ Ba Lan ít lâu nay, ở đó tình thế bây giờ vô cùng phức tạp…
Không thể đừng được, tôi phải có một nhận xét: kể từ khi tôi biết suy nghĩ, ở cái nước Ba Lan khốn khổ ấy, tình thế bao giờ cũng vô cùng phức tạp!
- … và, thưa các đồng chí, ở đó, các đồng chí Ba Lan, thưa các đồng chí - bà ta tiếp tục, dường như khó khăn khi đánh vần, nghĩa là dường như hồi hộp - các đồng chí Ba Lan của chúng tôi, thưa các đồng chí, họ phàn nàn với tôi rằng những nhà văn trẻ Liên Xô đã ngăn cản họ trong cuộc đấu tranh cho thắng lợi của chủ nghĩa xã hội…
Đến đây, nữ đồng chí Wasiliewska dừng lại, tạo điều kiện cho cả hội trường ngấm trong nỗi sửng sốt. Quả pháo bùng nổ, vở kịch kiểu Ilychev tiến đến đỉnh cao bi thảm.
- … Thật đáng tiếc, thưa các đồng chí, các đồng chí Ba Lan đưa ra những bằng chứng thuyết phục về nhiều lời tuyên bố đầy tác hại của hai văn sĩ Xô-viết, một nhà văn và một nhà thơ - con mụ Passionaria người Kiev nói tiếp bằng giọng tang thương và nghẹn ngào. - Họ cho tôi xem một tờ “Politika” (Chính trị), trong đó có bài phỏng vấn một nhà thơ và một nhà văn Xô-viết.
Gần như tôi nhận được cái tát ngay tại trận: thì ra con mụ này nói về tôi và Andrushka Voznesensky! Wasiliewska nhanh chóng kể ra những lời phát biểu tà giáo của “nhà thơ” và “nhà văn”, nhưng đến lúc ấy, mụ vẫn chưa thèm nêu tên hai người. “Cái đẹp vận hành thế giới” - nhà thơ tuyên bố. “Đáng đời mày, chủ nghĩa xã hội Ba Lan! Sùng bái cá nhân vẫn tồn tại cho đến bây giờ - nhà văn tiếp lời -, vẫn còn lắm tín đồ của Stalin ở mọi nơi, nhưng chúng tôi đủ sức đương đầu với họ”…
Đột nhiên, tôi cảm thấy một điều gì đặc biệt sẽ xảy ra. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, cả hội trường phát khùng trong cơn thịnh nộ. Tôi thấy những gương mặt biến dạng và những cặp môi run run, méo xệch của các vị thủ lĩnh tư tưởng và bè lũ được trọng thưởng. “Nhục nhã! - người ta gào lên từ mọi hướng. - Tên chúng nó! Vạch tên chúng nó ra!”
Đại diện của phái yếu giả bộ nhu mì.
- Có nghĩa lý gì đâu, các đồng chí? Nêu tên họ ra mà làm gì?…
- Tên chúng nó! Tên chúng nó! - cả cầu trường gào rống như chuẩn bị cho một vụ hành quyết tức thì.
Có thể tưởng rằng tất cả những điều này xảy ra một cách bột phát ở mức cao nhất, song mọi hậu quả sau đó chứng tỏ hoạt cảnh ấy đã được dành cảnh và “hòa âm” kỹ lưỡng. Bằng cớ đáng tin cậy nhất là Khrushchev đã chuẩn bị cho cuộc nói chuyện với “nhà thơ trẻ”, hoặc “nhà văn trẻ”, mà tên tuổi của họ chưa hề được nêu ra. Ít nhất, người ta cũng đã cung cấp cho ông ta những thông tin cần thiết.
- Kể tên chúng nó ra - với một vẻ thực tiễn sống động, Khrushchev quát vào chiếc mi-crô làm vang động căn phòng.
- Vâng, được thôi - Wasilewska thở dài, hầu như bằng cả cơ thể, bà ta muốn tỏ ra bà không muốn trả thù cá nhân ở đây, bà chỉ định lý luận trừu tượng đôi chút, nhưng nếu bản thân Đảng đã ra chỉ thị thì hẳn bà không thể chối từ. - Nhà thơ là Andrey Voznesensky, còn nhà văn là Vasily Aksyonov.
Cả hội trường gầm lên. Lên bục đi! Nhục nhã! Thật quá lắm rồi! Chúng bay tưởng muốn làm gì thì làm ư? Lên ngay bục diễn giả! Voznesensky trước, rồi đến Aksyonov!
Adrei ngồi ở góc cuối phía bên kia căn phòng nên tôi chỉ thấy anh khi anh đã lên tới diễn đàn. Anh vận một chiếc áo len màu nhạt, khuôn mặt ánh lên vẻ nhợt nhạt. Andrei bám cả hai tay vào cái bục xấu xí chạm hình quốc huy. Khrushchev ngự trị ngay bên trên anh, cả khuôn mặt ông rực lửa, dường như ông vừa nốc vài chén rượu giữa lúc đại lộn xộn diễn ra.
Nikita Khrushchev, lãnh tụ cộng sản Liên Xô, người đã vạch trần các tội ác của Stalin trong bản báo cáo mật nổi tiếng tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô. Tuy nhiên, ông là người ít am hiểu về văn nghệ và đã có nhiều hành vi độc đoán đối với các văn sĩ, chẳng hạn với Boris Pasternak, tác giả “Bác sĩ Zhivago”, Nobel Văn chương 1958
- Anh hùng biện gì ở đây, Voznesensky, về cái đẹp? - ông hỏi Andrey. - Thế anh không biết cái gì vận hành thế giới ư? Hay những động lực nào quyết định tiến trình lịch sử?!
Cái cung cách này thật đặc trưng cho họ: thoạt tiên, họ còn mở đầu một cách điềm tĩnh, rồi dần dà nổi đóa lên đến độ điên khùng. Chẳng hạn, Gribachev khá hay dùng phương pháp đầu đường xó chợ này trong các buổi lên lớp của mình.
- Thưa Nikita Sergeiyevich! Thưa các đồng chí! - Voznesensky bắt đầu. - Tôi không phải là người cộng sản, cũng như Vladimir Mayakovsky, bậc thầy vĩ đại của tôi…
- Và anh còn tự hào về điều đó?! - Khrushchev gào lên bằng giọng rợn người. - Tỷ dụ, tôi tự hào vì mình đã trở thành người cộng sản!
Chứng kiến cảnh tượng ma quái này, những kẻ có tư tưởng tự do ngồi trong phòng liền phản ứng cơn rú rít của vị lãnh tụ bằng một tràng pháo tay nho nhỏ, nửa mê nửa tỉnh. Họ bắt buộc phải làm điều đó. Ai không vỗ tay, kẻ đó lập tức trở nên đáng nghi hoặc. Nhiều vị tự do chủ nghĩa ngồi cạnh các nhà quay phim hiểu rằng bài học này cũng dành cho họ, và rằng người ta chuẩn bị màn kịch trên không chỉ nhằm vào “nhà thơ trẻ” và “nhà văn trẻ”, những kẻ gây ra bao nhiêu khó khăn cho đất nước Ba Lan anh em trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Không ai dám bênh vực họ, kể cả Tvardovsky lẫn Solzhenitsyn. Chẳng ai dám độp vào mặt Khrushchev một câu nói đơn giản: “Hãy chấm dứt trò om sòm ấy đi!” Vào giờ phút này, sau hai chục năm nhìn lại, tôi cảm thấy thời điểm hành quyết đã được lựa chọn rất khéo: mới mười năm trôi qua kể từ ngày Stalin chết, tâm trạng khiếp đảm, hãi hùng còn nằm trong tế bào mọi người. Tôi cho là nếu sự việc xảy ra chậm hơn vài ba năm, rất có thể ai đó sẽ buông ra câu nói ấy. Sau cái ngày nhục nhã này, bản thân tôi cũng tự hỏi: sao tôi không nghĩ đến chuyện ít nhất phải gào lại một câu gì đó. Nhưng đây cũng chỉ là thứ “suy ngẫm ngoại đề” mà thôi.
- Xin các đồng chí hãy cho phép tôi đọc một bài thơ - Voznesensky nhắc đi nhắc lại, anh gần như ngất xỉu. Cả cầu trường gầm gừ - lại còn thơ nữa, không có nó chúng ông cũng thừa hiểu, cút khỏi đây, thơ thẩn gì! “Hãy đọc một bài đi!” - Nikita đột ngột cất tiếng. Lũ “trăm đen” (1) ngơ ngác nhìn ngó. Voznesensky ngâm bài “Cây thông Lenin”, kể chuyện người dân California đã bí mật đặt tên vị thủ lĩnh cách mạng cho một cây thông khổng lồ như thế nào. (Khi tôi thuật lại câu chuyện này ở đây, cử tọa Mỹ luôn phá lên cười). Căn phòng Sverdlov lắng nghe bài thơ trong bầu không khí im lìm như ở dưới mồ. Khrushchev cũng im lặng: rõ là ông không ưa bài thơ, hẳn vì nó không làm ông nhớ mấy đến Makhina, nhà thơ vốn được ông ưa chuộng. Rồi ông thình lình đưa tay cho Andrey. Nếu anh theo chúng tôi, Voznesensky ạ, tài năng anh sẽ được phát triển, còn nếu anh cự lại, chúng tôi sẽ nghiền nát. Tốt nhất là hãy cộng tác với chúng tôi! Tiếng rì rầm thất vọng tràn khắp những đồ đệ của Stalin, còn phe tự do chủ nghĩa thở phào nhẹ nhõm và bắt đầu vỗ tay.
Voznesensky về chỗ của anh, còn cầu trường lại bắt đầu nổi giận và đòi thanh toán Aksyonov. Đúng lúc tôi vừa định đi lên thì một chuyện bất ngờ xảy ra.
- Tôi thấy anh ta rồi - Khrushchev nói. Ông thấy “anh ta”, nghĩa là tôi, nhưng ngón tay ông lại chỉ về góc bên kia của căn phòng. Rồi ông nói tiếp: - Tất cả mọi người đều vỗ tay, chỉ mình anh ta là không! Kia kìa, cái anh đeo kính, mặc áo len đỏ ấy! Đứng dậy và lên bục đi!
Theo cái vẫy của ngón tay trỏ Khrushchev, Illarion Golitsin đứng bật dậy ở cuối căn phòng. Đó là một chàng trai cao lênh khênh, lực lưỡng, có mọi dáng vẻ và đặc điểm của phe “trừu tượng” đáng căm ghét, nhưng bản thân anh không thuộc nhóm ấy; sự phê phán, chính xác hơn, chiến dịch tàn sát hoàn toàn không dính gì đến anh. Chỉ vào ngực, Illarion cố phân trần rằng anh chẳng liên quan gì đến tất cả những chuyện này, rằng anh không phải Aksyonov, nhưng không thể hiểu được một câu nào của anh - cử tọa rú rít và vị chủ soái của hòa bình và phe xã hội chủ nghĩa lại nổi đóa rồi quát vào ống nghe làm át mọi người.
Golitsin phải lên diễn đàn. Tại đây, một lần nữa chúng ta thấy rõ: toàn bộ màn kịch ngu xuẩn và nhục nhã này đã được tổ chức trước từ lâu. Khrushchev nói với Golitsin một câu mà chắc hẳn người ta định dành cho tôi:
- Tôi biết, anh muốn trả thù chúng tôi vì cái chết của cha anh!
Chắc chắn là ông không biết Golitsin. Hẳn Khrushchev cũng không thể biết được những chi tiết thuộc lý lịch tôi, nếu chúng không được người khác chuẩn bị [sẵn cho ông]. Nhưng dù sao ông cũng biết phải khơi mào câu chuyện với tôi thế nào, điều này được chứng tỏ ngay sau đó vài phút, khi nhầm lẫn về Golitsin được làm sáng tỏ. Mặt khác, Khrushchev có thể bắt đầu cuộc đàm thoại như thế với ít nhất hai phần ba số văn nghệ sĩ trẻ trong phòng. Illarion cũng không thuộc ngoại lệ. Anh bối rối phân bua rằng cha anh đã được phục hồi, nhưng anh không phải Aksyonov và không bao giờ anh trả lời phỏng vấn cả. Lúc đó, IIychev ngả sang phía Khrushchev và thì thầm gì đó vào tai ông.
- Thôi, về chỗ đi - Khrushchev bảo Golitsin và ông lẩm bẩm gì đó về chiếc áo len và những kẻ không vỗ tay, những tên đến ăn mặc tử tế cũng không biết đường.
- Đến lượt đồng chí Aksyonov phát biểu - Ilychev nói vào ống nghe.
Tôi vận áo len trong ngày đầu của cuộc hội thảo, nhưng sáng hôm nay (2) vì cớ gì đó, tôi lại mặc áo vét và thắt cà-vạt, điều này giờ đây trở nên rất hữu ích.
- Tôi biết, Aksyonov ạ, anh muốn báo thù chúng tôi vì cái chết của cha anh - Khrushchev nói khi tôi vừa bám lên bục diễn giả. Sai lầm được cải chính.
Sau này, cách đây cũng không lâu, tôi được biết cái tích “báo thù cha” này từ những đỉnh cao đầy tuyết phủ của Ban Trung ương. Các ủy viên Trung ương cần một cớ gì đó nên họ đã giải thích những tác phẩm và hành động của tôi là do “anh ta muốn trả thù cho cha”. Khó tìm được sự ngu xuẩn ấu trĩ nào hơn thế! Tôi theo Thiên Chúa giáo và trong tôi, không bao giờ có sự thù địch. Ngay cả với những tên đao phủ thời Stalin, không bao giờ tôi cảm thấy gì khác, ngoài sự ghê tởm sâu sắc.
- Thưa Nikita Sergeyevich - tôi nói với Khrushchev -, cha tôi còn sống mà.
- Sống là thế nào? Làm gì có chuyện sống? - Khrushchev hỏi và ông lại bối rối. Dường như tài liệu thông tin cho vị tổng bí thư cũng do những kẻ vụng về chuẩn bị.
- Cha mẹ tôi bị bắt giam thời Stalin, nhưng họ được phục hồi sau Đại hội XX. Chúng tôi gắn liền sự kiện này với tên tuổi của đồng chí.
Không biết vai diễn nhục nhã của tôi tại điện Kremlin kéo dài bao lâu, năm hay mười lăm phút. Khrushchev ngắt mọi câu tôi nói, ông nổi khùng và gắt gỏng. Tôi phải quay lại để nhìn thấy ông vì Đoàn chủ tịch ngự sau lưng tôi, phía trên bục diễn giả. Tôi còn nhớ cái đầu tròn như con ky, phụt ra lửa của vị chủ soái mới trái ngược làm sao với khuôn mặt các bạn chiến đấu khác của ông: trên gương mặt Kozhlov, Suslov, Brezhnev và những kẻ còn lại, không có chút cảm xúc nào. Đôi lúc, Nikita ngừng quát tháo và giận dữ bảo tôi: “Nói đi!” Tôi nói câu gì đó nhưng trong phòng người ta không nghe thấy, vì tôi đứng quay lưng vào cả cử tọa lẫn mi-crô. “Nói vào mi-crô ấy!” - Nikita hạ lệnh. Khi tôi vừa đến cạnh ống nghe, lập tức ông lại ngắt lời tôi. Thử hỏi làm sao con người ta khỏi nghĩ đến sân khấu trừu tượng! (3)
(1) Chỉ những kẻ ưa khủng bố. (Trong lịch sử Nga, đầu thế kỷ XX, “trăm đen” là những nhóm có vũ trang, thường xuyên khủng bố dân Do Thái và đè bẹp những cuộc nổi dậy của công nhân, nông dân Nga, dưới sự ủng hộ và trợ giúp của cảnh sát Nga hoàng và và các tổ chức bảo hoàng).
(2) Ngày 8-3-1963.
(3) Để lịch sử được công bằng và khách quan, tưởng cũng nên trích lời phát biểu mang tính “tự phê” của Voznesensky và Aksyonov, hai nhân vật chính trong tấn tuồng bi hài trên (những lời lẽ “tự sỉ vả” này được tuôn ra sau cuộc gặp gỡ với Khrushchev tại điện Kremlin).
A. Voznesensky: … Không bao giờ tôi quên những lời lẽ nghiêm khắc và cứng rắn của đồng chí Nikita Sergeyevich. Nhưng không chỉ những lời khuyên bảo nghiêm khắc ấy của đồng chí là đáng nhớ đối với tôi. Đồng chí bảo: “Hãy lao động đi!” Lời khuyên ấy, đối với tôi, là cả một chương trình. Tôi sẽ lao động, giờ đây tôi cũng lao động, lao động cật lực, tôi sáng ra rất nhiều từ những điều vang lên tại điện Kremlin và trong phiên họp toàn thể. Tôi đã hiểu rằng chúng tôi có trọng trách nặng nề với nhân dân, với thời đại, với đảng Cộng sản. Đối với tôi, đây là bài học lớn nhất, quý báu nhất. Trong giờ phút này, tôi không tự biện hộ cho mình. Đơn thuần, tôi chỉ muốn nói: “Lao động, lao động nữa, lao động mãi!” Hiện giờ, đối với tôi, điều này là quan trọng nhất. Công việc sẽ chứng tỏ tình cảm của tôi với tổ quốc và với chủ nghĩa cộng sản. Công việc sẽ chứng thực “cái tôi” thực sự của tôi…
V. Aksyonov: … Chúng tôi, những người tham dự cuộc gặp mặt này, tất cả đều được mở rộng tầm mắt rất nhiều và thấu hiểu những nhiệm vụ của mình trong cuộc đấu tranh giữa ý thức hệ cộng sản và tư sản, trong cuộc đấu tranh chống những xu hướng hình thức, suy đồi, cuộc đấu tranh nhằm phát triển nguyên tắc đại chúng và dân tộc của nền nghệ thuật Xô-viết. Trong phiên họp, đã có những lời phê bình nghiêm khắc đối với thái độ sai trái, sự nhẹ dạ của Yevtushenko, Voznesensky và tôi. Tôi nghĩ rằng sự phê bình ấy là thích đáng. Nhưng, còn nhẹ dạ nữa nếu chúng tôi cho rằng chỉ cần thừa nhận những lỗi lầm của mình là đủ. Điều này không xứng đáng với một người cộng sản, một nhà văn. Không bao giờ tôi quên được những lời khuyên bảo nghiêm khắc, nhưng nhân từ, của đồng chí Nikita Sergeyevich trong cuộc gặp gỡ tại điện Kremlin: “Hãy lao động đi! - đồng chí dạy dỗ. - Hãy chứng tỏ bằng công việc rằng anh đáng giá đến mức nào…”
(trích “Xung kích tư tưởng trong đời sống văn học Xô-viết”, đăng trên nguyệt san văn học “Nagyvilág” (Đại thế giới) của Hungary, số 6 năm 1963).
Xem Phần 1 của hồi tưởng.