Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HOÀNG THANH TRANG

(NCTG) Đại kiện tướng (ĐKT) Quốc tế Hoàng Thanh Trang, một trong 10 nữ kỳ thủ hàng đầu làng cờ vua thế giới hiện nay, là một gương mặt quen thuộc của cộng đồng Việt Nam tại Hung.

Hoàng Thanh Trang cùng Đại kiện tướng Quốc tế nam Nguyễn Ngọc Trường Sơn trong một buổi luyện cờ tại CLB ChessCom (Budapest, Hungary) - Ảnh: NCTG

Từ nhiều năm nay, Hoàng Thanh Trang sinh sống từ Hungary và vào năm ngoái, sự kiện chị đầu quân cho tuyển nữ Hungary, chơi tại bàn 1 tại Olympic Cờ vua tại Torino (Ý) đã mở ra một bước ngoặt mới trong sự nghiệp cờ vua của chị: thực sự hội nhập những sự kiện lớn của Cờ vua thế giới.

Cuối năm 2007, trước dịp lễ Giáng sinh, NXB Adwise Média vừa cho ra mắt cuốn sách „32 figura” (tạm dịch là: „32 quân cờ”), cũng là cách nói ẩn dụ giới thiệu 32 nhân vật kiệt xuất, các ĐKT trong làng cờ vua Hungary và quốc tế, của nhà báo thể thao nổi tiếng Farkasházy Tivadar - một cuốn sách mà tác giả tự đặt là „tiểu thuyết cờ vua”.

Dưới đây, NCTG xin giới thiệu cuộc trò chuyện của tác giả với Hoàng Thanh Trang.

Cuốn sách "32 quân cờ"

- Chúng ta đang ngồi trò chuyện trong một khách sạn nhỏ rất dễ thương ở Kispest, có cái tên rất lạ.

- Khách sạn Chesscom (Hotel Chesscom).

- Bàn ăn đã được dọn, với những đôi đũa, qua đó có thể đoán ra đám thực khách. Tôi đã chơi cờ trên bãi tắm Szárszó [cạnh hồ Balaton – ND] hàng chục năm, rồi khi người ta bỏ những quân cờ bằng gỗ cỡ lớn, mẹ tôi đã mua chúng và muốn dành cho tôi một bất ngờ, nhưng ông thợ nề người địa phương không biết chơi cờ và ông ấy đã đặt ngược các ô gạch men, bắt đầu bằng ô trắng, và như thế muốn chơi phải xoay đi chín muơi độ, Polgár Jutka [tức Polgár Judit, nữ kỳ thủ hàng đầu thế giới - ND] cũng phải lách sát tường mới di chuyển nổi các quân cờ trong một lần những người tham gia cuộc gặp gỡ Szárszó đã cùng thách đấu với cô. Tôi kể chuyện này vì mặt bàn ăn ở đây cũng gồm sáu lần sáu ô vuông.

- Vâng, đúng thế.

- Vì sao vậy?

- Vì tám lần tám thì bàn lớn quá.

- Nom chị trẻ quá, chị có thể bật mí chị bao nhiêu tuổi không?

- Tôi sinh năm 1980.

- Ở đâu?

- Ở Hà Nội.

- Hóa ra chữ ” i” phải đọc là ” j”, còn Trang thì phát âm là Csang [theo tiếng Hung – ND]. Thế chị sang đây từ khi nào?

- Năm tôi 10 tuổi.

- Nghĩa là chị không phải là kiểu lính đánh thuê, như cô Dembo Jelena, sinh ở Ukraina, đến đây từ Israel, bây giờ lại sang Hy Lạp.

- Hình như chị ấy lấy chồng bên đó.

- Thế sao gia đình chị lại sang đây?

- Bố mẹ tôi tốt nghiệp đại học ở đây, bố tôi sang Hung năm 1968, mẹ tôi sang sau một vài năm, họ quen nhau ở đây, bố tôi học khoa Toán Đại học Eötvös Loránd, mẹ tôi tốt nghiệp ngành Sinh học.

- Tại một trường đại học danh tiếng ở Szeged. Thế thì sao chị lại ở Hà Nội mãi tới năm mười tuổi?

- Sau khi tốt nghiệp đại học, bố mẹ tôi đều về Việt Nam làm việc, họ lấy nhau ở đó, và tôi ra đời năm 1980.

- Với chúng tôi đó là một thế giới xa lạ, chúng tôi chỉ có những hiểu biết rất hạn chế về Việt Nam chủ yếu qua những phim Mỹ, như „Người săn nai”, „Ngày tận thế”, „Trung đội” hay loạt phim „Rambo”, nay đang quay phần bốn, nhưng anh bạn Stallone của chúng ta phải bỏ chạy từ Miến Điện sang Thái Lan vì cảnh sát Miến Điện đã nã vào đoàn làm phim một băng đạn. Có phim khá, có phim tồi, nhưng cái chung của những phim đó là mô tả những người dân địa phương - dù là miền Nam hay miền Bắc- như những nhân vật hậu trường mờ nhạt- đa số đều độc ác - bên cạnh các diễn viên Robert de Niro, Marlon Brando hay Silvester Stallone. Rồi chúng tôi còn biết tới Cao Sao Vàng, dép lê Việt Nam và rượu rắn, hay cụ Hồ - người có chòm râu nom rất ngộ. Chính tôi đã từng dạy học ở một trường cao đẳng mang tên cụ [Trường Cao đẳng Sư phạm Eger, thời kỳ chiến tranh chống Mỹ mang tên Hồ Chí Minh – ND], dù tôi không biết có cơ sở nào ở Hà Nội mang tên Bornemissza hay Dobó hay không [tên những nhân vật lịch sử Hungary, cũng là tên các nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng „Những ngôi sao thành Eger” của nhà văn Gárdonyi Géza, đã được dịch sang tiếng Việt – ND]. Về những người đồng bào của chị hiện nay thì chúng tôi chỉ biết họ sống bằng buôn lậu thuốc lá. Chị cười khi nghe điều này, trong khi bố chị là một nhà toán học, mẹ là một nhà sinh học. Chị có bao giờ buồn vì những định kiến như thế không, hay là tôi quá lời?

- Không, bao giờ tôi cũng chỉ quan tâm tới việc của mình, người khác nghĩ về tôi ra sao, tôi không cho đó là chuyện quan trọng động trời.

- Sự nhìn nhận xuẩn ngốc như thế có thay đổi không?

- Có, theo tôi ngày càng có nhiều người quan tâm đến các nền văn hoá Phương Đông hơn.

- Đất nước (chị) đã thống nhất [nguyên văn: đã là một – ND] chưa?

- Theo tôi thì tới nay đã thống nhất.

- Có bao nhiêu người Việt Nam sống ở đây?

- Hu, tôi không biết chính xác, khi tôi sang đây có lẽ có khoảng ba nghìn người, bây giờ có thể lên tới bảy, tám nghìn.

- Ngày nay người Trung Quốc chơi bóng bàn cho các đội tuyển và các câu lạc bộ khắp Châu Âu, có thể thuê họ dù chỉ cho một trận đấu duy nhất, trường hợp của chị thì khác, chị đã sống 17 năm trên đất nước chúng tôi, nhiều hơn thời gian sống ở quê hương chị. Có thể chị không biết, nhưng có một chàng trai 18 tuổi tên là Koman Vladimir, chơi bóng đá ở Samdoria (Ý), cha mẹ cậu là người Ukraina, nhưng họ sống trên đất Hung, cậu ta đang đứng trước một sự lựa chọn, chưa biết sẽ chơi cho đội tuyển nào. Huấn luyện viên trưởng đội Ukraina, ông Oleg Blokhin [vừa từ chức HLV trưởng sau khi Ukraina không lọt vào VCK Euro 2008 - ND] thậm chí còn chưa biết cậu có mặt trên thế gian này, vì bên đó sự cạnh tranh lớn hơn nhiều, họ lại đăng cai Giải Euro-2012, mà với tư cách cầu thủ Hung thì cậu không mảy may có cơ hội tham dự, Várhidi Pál [HLV trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Hungary – ND] thì đang cân nhắc việc mời cậu vào đột tuyển. Không phải là một trận đấu, vì sau đó thì cậu không thể thay đổi được nữa, nghĩa là bây giờ cậu ta phải lựa chọn sẽ chơi cho đội tuyển quốc gia nào. Còn chị thì đã nhiều năm chơi trong đội tuyển Việt Nam rất xuất sắc, cách đây không lâu chị đã nhận quốc tịch Hung.

- Cách đây một năm rưỡi.

- Quyết định đó của chị là điều vui mừng đối với chúng tôi, chị có trăn trở nhiều không?

- Thực ra thì không. Khi cò là một cô bé tôi đã thi đấu rất nhiều ở Hà Nội. Khi sang đây sinh sống, việc tôi thi đấu vì màu cờ sắc áo của Việt Nam là lẽ tự nhiên, và nhiều năm đã diễn ra như thế. Không biết ông có bao giời biết tới cảm giác khi người ta chợt suy nghĩ và thay đổi một điều gì đó?

- Chị hỏi rất đúng lúc, nhưng bây giờ là câu chuyện về chị.

- Việc đã xảy ra như thế.

- Nghĩa là tự chị quyết định?

- Tôi có trao đổi với gia đình, nhưng đúng là tôi nghĩ đến chuyện đó, và tự hỏi tại sao lại không nhỉ?

- Đã đến lúc kể về những thành tích của chị, ta hãy bắt đầu từ các giải vô địch thế giới theo lứa tuổi.

- Tôi thi đấu từ khi còn nhỏ tuổi.

- Đã có giải vô địch thế giới U 12.

- Đã có cho lứa tuổi dưới 10, và hiện tại người ta muốn đưa vào cho lứa tuổi lên 8.

- Lex Polgár.

- Ở các lứa tuổi dưới 12, 14, 16, 18 bao giờ tôi cũng có huy chương, nhưng huy chương vàng thì cuối cùng tới lứa tuổi dưới 20 tôi mới giành được.

- Nữ vô địch Châu Á, đó cũng là hệ thi đấu Thụy Sỹ ư?

- Đúng, chúng tôi có khoảng ba, bốn chục đấu thủ.

- Tham dự Giải Vô địch Châu Âu năm nay có 150 người và chị đứng thứ tư.

- Sau đấu thủ vô địch là ba người bằng điểm nhau.

- Buchholz đã quyết định sao?

- Người thứ tư chơi với người thứ ba, người thắng chơi với người thứ hai, và như vậy người đó không thể đứng dưới vị trí thứ ba, nhưng người thứ tư thì vẫn có thể đứng thứ hai.

- Tôi có theo dõi các trận đấu của chị khi chị còn thi đấu cho Việt Nam ở Bled, chị là người đạt thành tích cao nhất trong bảng, đó là một kết quả rất khá.

- Đúng vậy.

- Việt Nam chưa bao giờ thua đội nhiều lần vô địch Gruzia (Georgia), năm 1998 đã thắng họ với tỷ số 3:0, mặc dù đội hình của Gruzia khi đó bắt đầu bằng tên tuổi của Chiburdanidze, và tiếp tục với Joszeliani.

- Khi đó Chiburdanidze không chơi, nhưng người thay thế chị ấy cũng cực mạnh.

- Năm 2000, chị đã thắng nhà vô địch thế giới (ván thứ 16), năm sau đó với 2465 điểm chị xếp thứ 15, năm ngoái chị đứng thứ 9 với 2487 điểm, khi nào thì chị sẽ đạt 2500 điểm, đủ điều kiện giành danh hiệu ĐKT Quốc tế nam?

- Tôi đã đạt số điểm đó rồi.

- Khi nào vậy?

- Chỉ cần một khoảnh khắc, giữa hai ván đấu, nhưng tôi đã có nó sau một cuộc thi đấu.

- Nghĩa là không cần giữ đến cuối quý.

- Tôi vừa vặn đạt được nó.

- Thế là sau Polgár Zsuzsa và Judit chúng ta đã có (nữ) ĐKT Quốc tế nam thứ ba. FIDE hàng năm có công bố ba cái nhất, chị có thấy tên mình trong số họ không?

- Không.

- Chị là người chơi số ván nhiều nhất, trong khi nhiều người chỉ giữ số điểm của mình.

- Vậy ư?

- Có điều chắc chắn, Trang không hay đong đếm.

- Nhưng tôi cũng không hay tham dự các giải trình độ quá thấp đâu, nếu là giải mạnh và có lý do chính đáng, thì tôi ngồi vào bàn thôi.

- Lẽ ra chị phải là một nhà ngoại giao. Mặc dù bây giờ vấn đề chính là không có đủ các cuộc thi đấu cho phái nữ.

- Nhưng ngày càng có nhiều hơn, dù tôi thường tham gia các giải nam.

- Tôi mới nói chuyện với Korchnoi và chúc mừng ông ấy vì đã thắng cô bé thần đồng 13 tuổi người Trung Quốc, đang đứng thứ tư bảng xếp hạng các kỳ thủ nữ.

- Một tài năng xuất chúng đấy.

- Tôi sợ không phát âm đúng tên cô bé.

- Tôi cũng chẳng biết chắc, Ho Yifan.

- Viết ra thì được. Korchnoi nhún vai, và nói không đánh giá phái nữ cao lắm. Nhưng cô bé này đã hạ một tài năng bậc nhất Hungary, anh Balogh Csaba, một cách nhẹ nhàng, mới nước đi thứ 15 đã coi như thua, từ đó trở đi với anh ta chỉ là sự đày ải.

- Có lẽ anh ấy đã đánh giá sai tình thế.

- Giống như Nixon đầu những năm bảy mươi, nhưng có lẽ ta thôi không nói chuyện này. Thế giới cờ vua cũng đang chuyển dịch sang Phương Đông, các nữ đấu thủ Trung Quốc thay phiên nhau giữ chức vô địch thế giới. Một đấu thủ Ấn Độ thắng lần thứ hai ở Paks, lại còn Annand nữa, thậm chí có một đồng đội nữ 2600 điểm. Ilumjinov [chủ tịch FIDE – Liên đoàn Cờ vua Thế giới – ND] mang cúp thế giới và giải vô địch thế giới về Elista, mang Thế vận hội về đất tổ Hungary. Thế mà chị lại hướng về Phương Tây. Chị về Việt Nam lần cuối khi nào?

- Năm 2003.

- Ở đó bây giờ là chế độ gì.

- Khác với Hungary.

- Tôi rất muốn hỏi chị về vấn đề này, nhưng tôi thấy chị có vẻ không hứng thú lắm.

- Tôi ít am hiểu về chính trị.

- Tôi có đọc được rằng tấm gương của chị là Polgár Judit.

- Tất nhiên, chị ấy là một người đặc biệt.

- Vì sao vậy?

- Chị ấy là phụ nữ duy nhất đứng trong nhóm dẫn đầu (Top) bảng xếp hạng nam giới. Ngay cả hiện nay khi đã có hai con.

- Chị đã suy nghĩ nhiều ngày khi nhận lời làm cuộc phỏng vấn này, phải chăng chị có ấn tượng xấu với giới báo chí?

- Không, tính cách tôi là thế, hơi khép kín, tôi không thích xuất hiện.

- Và chị đã bỏ qua giai đoạn muốn thành một”của lạ” trên đất nước Hungary.

- Tất nhiên.

- Ai là huấn luyện viên của chị?

- Bố tôi, từ khi tôi còn nhỏ.

- Ông ấy chơi cờ thế nào?

- Thường thôi, theo tôi biết là ở hạng một Hungary.

- Nghe cũng khá, nhưng còn nhiều người đứng trên. Ông Polgár László [cha của ba thần đồng cờ vua nữ Zsuzsa, Zsófia và Judit - ND] cũng không phải một kỳ thủ, nhưng vẫn là một HLV giỏi.

- Làm HLV và vận động viên khác hẳn nhau. Nhiều người lầm lẫn hai thứ với nhau.

- Nếu tôi không lầm thì bố chị còn cưu mang bồi dưỡng nhiều tài năng Việt Nam khác.

- Ông chỉ bồi dưỡng những vận động viên cao cấp. Có người đã ở đây 5 năm, nhưng có người chỉ 2 tuần.

- Nghĩa là khách sạn này cũng là một kiểu trại tập huấn.

- Từ đây cũng đã trở về nhiều ĐKT Quốc tế. Những người đứng trong „Top 5” ở Việt Nam hiện nay, đều đã qua đây.

- Đó là những đấu thủ nam giới?

- Vâng, nhưng có cả những vận động viên nữ cũng đã qua đây.

- Khi tìm hiểu về chị, tôi đã gặp một trang web lý thú, của những người lính Việt Nam, Budapest, Kiev, Moscow, Ulánbátor, Hà Nội...

- Tôi chưa xem trang web ấy, những vận động viên Việt Nam mà bố tôi huấn luyện, khi sang đây đều chơi trong CLB Honvéd (Quân đội).

- Tôi nghĩ họ là những người lính khác. Chủ yếu là miền Bắc, vì trên tít đầu trang tôi không thấy Sài Gòn. Với chị làm nòng cốt, gần đây nhất đội Hungary đã đứng thứ năm tại Olympic Cờ vua.

- Tôi đã giành 9,5 trên 13 điểm.

- Như giới cờ thường nói chị đã đạt „hat plusz”.

- Và trên thực tế tôi phải chơi liên tục, mặc dù HLV trưởng đã thoả thuận có thể cho tôi nghỉ một ván.

- Hơn nữa bảng đầu tiên bao giờ cũng gồm những đấu thủ khó nhằn nhất, ngay cả một quốc gia yếu hơn cũng có thể có một đấu thủ mạnh. Thế mọi người không nghĩ đến chuyện tăng cường sức mạnh cho đột tuyển (Hungary) từ Việt Nam ư?

- Một người là đủ rồi, tôi chẳng hạn.

- Các khách sạn thường có tên thông dụng như Hóvirág, Napfény, Kikelet ..., Chesscom thì ít thấy lắm.

- Trong doanh nghiệp này gia đình tôi cũng có cổ phần, từ đó mà có tên gọi như vậy, hơn nữa nếu khách là vận động viên cờ, thì họ được hưởng giá ưu đãi.

- Tôi thích sự khiêm tốn và kín đáo của chị, nhưng đây là một thế giới không dễ dàng , ngày nay nhà nước đã gần như bỏ mặc thể thao,hầu như tất cả các vận động viên cờ phải tự lo liệu, không có truyền thông thì khó tồn tại lắm. Sống cách bến cuối của Metro Kispest có một đoạn, là một trong mười kỳ thủ cờ vua xuất sắc nhất thế giới, thế mà chúng tôi biết quá ít về chị.

- Tôi sống cuộc sống của mình, làm việc bằng phương pháp riêng, và cảm thấy thoải mái.

- Đã tám năm nay chị đứng trong nhóm dẫn đầu thế giới, còn bạn đọc thì muốn biết tin về Trang, họ thắc mắc sao không có tin về cô ấy?

- Tôi làm những gì tôi biết, chừng nào tôi còn đủ sức làm, nhiều hơn tôi không làm nổi, nhưng ít hơn thì tôi cũng không muốn. Các kết quả rồi cũng sẽ đến.

- Lekó Péter [ĐKT Quốc tế nam, thần đồng Cờ vua Hungary - ND], khi 11 tuổi, đã tuyên bố sẽ trở thành nhà vô địch thế giới – tôi có được chứng kiến. Polgár Lázsló cũng đã đặt mục tiêu như thế cho các con gái mình, và bị người ta cười chế giễu. Ngoài những lời tuyên bố chung chung khó nắm bắt ra, trong những năm tới chị đặt mục tiêu gì?

- Điều tôi chưa đạt được, đó là danh hiệu nữ vô địch thế giới, và muốn đoạt một huy chương cùng với đội tuyển Olympic Hungary. Một khi nào đó.

Tác giả bài viết: Giáp Văn Chung chuyển ngữ