HỆ THỐNG KHOA BẢNG (HỌC VỊ, HỌC HÀM, TƯỚC VỊ) Ở HUNGARY
- Thứ ba - 24/01/2012 22:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Hệ thống bằng cấp, học vị và học hàm khoa bảng cũng như tên gọi của chúng không phải là điều dễ hiểu và dễ nắm bắt đối với đại chúng. Bài viết sau đây của PGS. TSKH. Ðỗ Văn Tiến, hiện đang nghiên cứu và giảng dạy tại Ðại học Kỹ thuật và Kinh tế Budapest, cho chúng ta biết thêm chi tiết về vấn đề nói trên.
Minh họa: Internet
Học vị là những chứng chỉ do các trường đại học và cao đẳng cấp. Hungary là một nước tiên phong trong việc thực hiện đầu tiên Hiệp ước giáo dục Bologna (hiệp ước do 29 nước châu Âu ký năm 1999 với mục đích chính là thống nhất các học vị ở châu Âu để cho sự công nhận khoa bảng và bằng cấp của nhau thuận lợi hơn). Kết quả của sự thực hiện hiệp ước là hiện nay Hungary có những học vị sau: cử nhân (BSc), thạc sĩ (MSc), tiến sĩ (PhD). Ngoài ra, còn có hai học vị xuất hiện ở nước này vào thế kỷ trước: dr. univ và C.Sc.
BSc là bằng cử nhân có thể nhận được đầu tiên trong quá trình theo học bậc đại học. Sau khi thi hết các môn học bắt buộc và tự chọn học kỳ cuối thì phải làm luận án tốt nghiệp, bảo vệ xong thì nhận được bằng cử nhân. Tùy từng trường và ngành học mà thời gian ít nhất để có thể học hết tất cả các môn và bảo vệ luận án tốt nghiệp cử nhân là ba năm, ba năm rưỡi hoặc bốn năm.
MSc là bằng thạc sĩ, có thể đạt được sau khi có bằng BSc, phụ thuộc vào trường và ngành thời gian ít nhất có thể đạt được là từ hai đến năm học kỳ. Tất nhiên những học kỳ cuối cũng phải viết và bảo vệ luận án thành công thì mới nhận được bằng thạc sĩ.
Trước khi cải cách giáo dục Bologna, ở các trường đại học Hungary chỉ có hệ học “osztatlan képzés” (tương tự hệ giáo dục đại học ở Đức): phải học ít nhất là năm năm (có một số trường hợp ngoại lệ như hệ B ở trường Đại học Kỹ thuật Budapest, sau này là Trường Kỹ thuật và Kinh tế Budapest, học gọn trong bốn năm - hệ B này được thử nghiệm trong mấy năm, sau đó không tiếp tục nữa). Sau khi thi và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp thì được bằng thạc sĩ.
Hiện nay, ở Hungary có một số ngành như bác sĩ, dược sĩ, luật, đạo diễn và ngành liên quan đến mỹ thuật thì vẫn duy trì hệ thống đào tạo như cũ (osztatlan képzés), thời gian cần ít nhất là năm hoặc sáu năm. Khi tốt nghiệp được nhận bằng thạc sĩ (MSc). Bằng cấp theo hệ này (như thông tin cuối cùng tôi được biết) không được Bộ Giáo dục & Ðào tạo Việt Nam công nhận là bằng thạc sĩ.
dr. univ do các trường đại học Hungary cấp đến năm 1996. Để đạt được phải thi tối thiểu và bảo vệ luận án. Trong Luật Giáo dục năm 1985 (1985. évi I. törvény az oktatásról) của Hungary, dr. univ gọi là bằng khoa học. Từ năm 1993 trở đi, tất cả Luật Ðại học (1993. évi LXXX. törvény a felsőoktatásról, 2005. évi CXXXIX. törvény - a felsőoktatásról, 2011. évi CCIV. évi törvény a nemzeti felsőoktatásról) của Hungary đều nói bằng này không là chứng chỉ khoa học (tudományos fokozat) và bằng này không được coi là tương đương với bằng tiến sĩ – TS.
PhD hay TS là chứng chỉ khoa học được các trường đại học ở Hungary cấp từ những năm 1994 theo quy định của Luật Giáo dục, đây là bằng cấp khoa học chính thức hiện nay, được cấp theo Luật Giáo dục Ðại học của Hungary, sau khi quyền tự chủ được trao trả lại cho các trường đại học vào năm 1993. Trước đó, quyền cấp bằng khoa học của Hungary do Viện Hàn lâm Khoa học (MTA) quản lý, bằng này gọi là bằng kandidátus (C.Sc). Không cần bằng dr. univ cũng có thể nộp luận án ở MTA sau khi tốt nghiệp đại học. Luật năm 1993 của Hungary đã bỏ quyền cấp bằng C.Sc của MTA.
Trong thế kỷ trước, bằng dr. univ do trường cấp với những điều kiện dễ hơn so với bằng C.Sc của Viện Hàn lâm Khoa học. Vì vậy, từ trước đến nay ở Hungary những người chỉ có bằng dr. univ. không đủ điều kiện để được phong phó giáo sư (PGS, docens) - nhiều nhất, họ chỉ có thể được phong PGS danh dự (címzetes docens), tại các trường “yếu” thì có thể phong GS danh dự.
Trong khi đó, phụ thuộc vào trường, người có bằng PhD hoặc C.Sc có thể được phong giáo sư sau một thời gian công tác và nghiên cứu. Cũng phụ thuộc vào trường và ngành, người có bằng C.Sc có thể đề nghị chuyển C.Sc thành bằng PhD, nhưng chỉ được chuyển đổi một lần ở một Trường TS (doktori iskola) nào đó có liên quan đến ngành của mình khi làm C.Sc.
Để có thể cấp bằng tiến sĩ (PhD), mỗi trường đại học phải lập Trường TS, trong một trường đại học có thể có nhiều Trường TS. Để lập Trường TS, phải có đủ nhân sự có bằng cấp khoa học và tước vị (TSKH) tương xứng do MAB (Magyar Akkreditációs Bizottság) kiểm tra và cho phép hoạt động. Ở Hungary, quyền tự chủ của các trường đại học và Trường TS rất lớn, chỉ có Trường TS mới có quyền cấp và có quyền tước bằng TS.
Hiện nay, trong số các trường cao đẳng tại Hungary, có một trường duy nhất - Trường Cao đẳng Eszterházy ở TP Eger (một thời là Cao đẳng Sư phạm Hồ Chí Minh) - là có đủ điều kiện và được cấp giấy phép lập Trường TS về khoa học lịch sử.
Tùy vào trường và ngành, tiêu chuẩn đạt được bằng tiến sĩ cũng khác nhau (số lượng bài báo khoa học, kết quả khoa học mới, bài báo đăng ở tạp chí quốc tế). So sánh với bằng C.Sc thời trước, bằng PhD bây giờ thường khó hơn: thông thường cần có bài đăng báo quốc tế, tất nhiên phụ thuộc vào cơ quan và ngành nghiên cứu (trước đây, có nhiều trường hợp không có bài đăng tạp chí quốc tế cũng được bảo vệ và nhận bằng C.Sc).
Theo quan điểm của giới khoa học phương Tây thì PhD chỉ là bước đầu trên con đường khoa học (tức là sau khi có thì cũng nên có bài báo khoa học) và giảng dạy ở đại học (để có cơ hội được phong PGS, GS, nếu chỉ có PhD thì không đủ để thăng tiến trong sự nghiệp ở trường đại học). Nói nôm na thì PhD cũng có thể coi là “tấm bằng lái xe ôtô” ở trường đại học, sau đó phải luyện nhiều thì mới thành tài xế giỏi được.
Trong lịch sử khoa học thế giới, có nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng không có bằng tiến sĩ, ngược lại, một số nhân vật trong các thể chế độc tài (như bà Elena Ceaușescu, Phu nhân Tổng bí thư Ðảng Cộng sản Romania Nicolae Ceaușescu) mặc dù không hề có thành tích nghiên cứu vẫn được “tấn phong” tiến sĩ, giáo sư hoặc thậm chí viện sĩ!
Liên quan đến Việt Nam, ngày xưa khi đi thi đỗ tiến sĩ là được tạc ghi vào bia đá, được coi là tuyệt đỉnh vinh quang và kinh tế cho cả gia đình (do được bổ nhiệm làm quan, một công việc rất cần những người biết chữ, lý giải luật lệ và lãnh đạo dân). Cũng vì sự ưu đãi đặc biệt này (theo ngôn ngữ Việt Nam là được “trọng dụng”), sau khi đạt học vị tiến sĩ, rất ít người vượt qua được thành tích tiến sĩ của mình để tiếp tục đóng góp trong sự nghiệp khoa học, văn chương, triết học, v.v...
Tất nhiên, để tiếp tục đóng góp còn phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh lịch sử, xã hội, kinh tế, và yếu tố con người. Một trong những trường hợp ngoại lệ là nhà bác học Lê Quý Đôn, ông đã vượt thời đại bấy giờ xét theo cả tiêu chuẩn của phương Tây hiện đại. Với những công trình đồ sộ, ông có thể thừa tiêu chuẩn phong GS ở nhiều trường đại học phương Tây bây giờ.
Ngoài ra, liên quan đến học hàm trong trường, để được phong giáo sư hoặc phó giáo sư, Luật Giáo dục Ðại học Hungary còn quy định chứng chỉ dr. habil do trường cấp sau khi có bằng tiến sĩ. Dựa vào thành tích nghiên cứu khoa học sau khi có bằng tiến sĩ (thường thành tích sau khi có PhD phải hơn thành tích trước PhD, ở Khoa Ðiện tử và Tin học thuộc Ðại học Kỹ thuật và Kinh tế Budapest ít nhất phải được bằng 5 lần số điểm tối thiểu để được bằng tiến sĩ), thành tích dạy học và tổ chức khoa học (có hướng dẫn thành công nghiên cứu sinh, đã thực hiện đề tài nghiên cứu, công tác xã hội, v.v...).
Những bậc thang hay chức vụ khoa bảng (trợ giảng, giảng viên, phó giáo sư, giáo sư) mà người nghiên cứu giảng dạy ở các trường đại học có thể đạt được gọi là học hàm. Thường học hàm phụ thuộc phần lớn vào học vị. Có bằng thạc sĩ thì có thể được nhận làm trợ giảng. Sau khi có bằng tiến sĩ thì có thể được nhận làm giảng viên. Phụ thuộc vào từng trường và ngành (nếu như tiêu chuẩn tiến sĩ của trường nào đó ít), để đạt được phó giáo sư thì phải có dr. habil. Cách gọi trong tiếng Việt không chính xác bởi vì muốn được học hàm phó giáo sư là phải độc lập nghiên cứu và dạy học, chứ họ không phải là phó của bất cứ giáo sư nào cả. Thường muốn được phong giáo sư thì phải có ít nhất là dr. habil.
Trong Luật Giáo dục Ðại học của Hungary còn định nghĩa tước vị (“title” trong tiếng Anh và “cím” trong tiếng Hungary, thì tước vị viết trước tên, học vị viết sau tên). dr. univ là tước vị được dùng nếu có bằng dr. univ. Nếu có bằng PhD hoạc CSc thì được dùng tước vị Dr. Theo Luật Ðại học, bác sĩ, bác sĩ nha khoa, dược sĩ, bác sĩ thú y, luật sư cũng được dùng tước vị sau khi có bằng M.Sc: dr. med. (bác sĩ), dr. med. dent. (bác sĩ nha hoa), dr. pharm. (thạc sĩ dược), dr. vet. (bác sĩ thú y), dr. jur (luật sư). Luật liên quan đến chứng minh thư chỉ nói đến tước vị doktor (Luật Giáo dục và Luật liên quan đến chứng minh thư không khớp nhau!), vì vậy thực tế tất cả đều dùng Dr. nên có sự lẫn lộn.
Ngoài ra, còn có tước vị TSKH (tiếng Hung MTA doktora, tiếng Anh DSc) do Viện Hàn lâm Khoa học Hungary cấp cho những nhà khoa học đầu ngành có bằng PhD, quốc tịch Hung hoặc quốc tịch nước ngoài nếu kết quả có liên quan đến nước Hungary (ví dụ như làm việc ở Hungary). Tước vị này được ghi trong Luật về Viện Hàn lâm Khoa học Hungary. Điều kiện để đạt được TSKH bây giờ nói chung khó hơn thế kỷ trước.