HẬU TRƯỜNG TI-VI
- Thứ sáu - 18/04/2014 00:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Đi tham dự chương trình truyền hình lúc nào cũng như hẹn hò lần đầu, mong manh và chả biết điều gì đang chờ mình phía trước, cái chớp mắt nào sẽ mang lại hiệu quả nhớ đời” - Tôn Vân Anh, một người gốc Việt hoạt động trong lĩnh vực xã hội và nhân quyền ở Ba Lan, chia sẻ một số trải nghiệm ngoài lề thú vị trong các dịp được mời trò chuyện trên truyền hình.
Chuẩn bị cho một lần tham gia truyền hình - Ảnh do nhân vật cung cấp
Ấy vậy mà “kịch bản hẹn hò” của ti-vi với khách mời bao giờ cũng như nhau, chả có chút gì là lãng mạn. Hai bên tự nguyện tìm đến nhau trên nguyên tắc công bằng, không ai phải trả giá, đút lót, hay vận động ai. Yếu tố duy nhất lôi cuốn nhau là đề tài mà đôi bên cùng quan tâm.
“Tìm đến nhau”
Sự khởi đầu luôn bất định và bất ngờ. Ban biên tập TV đột ngột gọi điện cho tôi thỏa thuận đề tài (chứ không thỏa thuận nội dung - tất nhiên), thỏa thuận giờ giấc - có khi họ nói “ngày mai, 7 giờ sáng, đi nhé”, “tak” tức là đồng ý, “nie” thì thôi.
Rồi sau đó, lại ai đó cũng từ đài truyền hình chủ động liên hệ hỏi phương tiện đi lại của tôi thế nào. Thấy tôi không có ôtô, người ta ắt hỏi sẽ xuất phát từ đâu để còn gửi xe tới đón. Thủ tục này vô cùng quan trọng, giúp hai bên yên tâm đảm bảo giờ giấc. Riêng tôi, có lẽ đã trị được bệnh “ngủ cố” sau lần thấy ông tài xế chở tôi trên xe với bộ mặt tái mét, cuống cuồng dẫn tôi vào trường quay cho kịp giờ lên sóng mà không một lời trách móc hay gạn hỏi lý do tôi ra xe muộn.
Hầu hết các cuộc nói chuyện truyền hình tôi được mời tham gia đều là những cuộc gặp gỡ trực tiếp trên sóng, vô cùng chóng vánh như mì ăn liền, nhưng hiệu quả thì vào loại thượng hạng. Chỉ có các doanh nghiệp lớn, dự án lớn mới dám quảng cáo từ vài giây đến nửa phút trên truyền hình, để hy vọng vào cái hiệu quả mầu nhiệm truyền hình đem lại.
Trong khi đó, khẩu phần của tôi thì chí ít cũng ba phút, nhiều thì từ bảy tới mười phút với những đề tài về Việt Nam. Chương trình dài nhất tôi từng tham gia diễn ra trong 40 phút. Phải gọi những chương trình dài như thế là: vừa ăn mì việt dã vừa ném bóng truyền với những người không quen. Không có môn thể thao nào lý thú hơn!
Hậu trường son phấn
Có đến trường quay muộn đến mấy đi nữa, tôi cũng được đẩy vào phòng trang điểm - một thế giới mà tôi luôn cảm thấy cần ca ngợi! Đó là nơi yên tĩnh cuối cùng trước khi lên “sân khấu”.
Nhớ có lần tôi mất hẳn vài giây quý giá trước giờ lên sóng vì thẫn thờ khi không nhận ra một khuôn mặt hàng ngày mà tôi vẫn nhìn thấy trên màn ảnh nhỏ ở nhà! Anh này, cũng như tôi, bị trát một lớp phấn có vẻ rất khó cạo, khiến khuôn mặt anh hình như ngắn hơn khuôn mặt tôi từng thấy trước nay. Lời chào của anh cũng làm tôi... suýt ngất, chả giống giọng cái loa ti-vi nhà tôi phát ra hàng ngày.
Phương pháp tránh thẫn thờ, tránh ngất của tôi sau vụ đó rất đơn giản: để ý cách trang điểm trong trường quay, hoặc nếu bất lực thì phó mặc việc này cho chuyên viên trang điểm. Bởi vì...
Mỗi trường quay có độ ánh sáng riêng. Tôi có thể học mót ở trường quay này độ đậm của phấn, nhưng không thể áp dụng hiểu biết của mình vào trường quay sẽ mời tôi lần sau. Tôi có thể đã quen khuôn mặt của mình khi chính tôi là đứa thích son son phấn phấn mỗi khi điệu đà, nhưng tất cả những gì tôi biết về thế giới trang điểm ngoài đời dường như không ăn nhằm gì lắm với cái thế giới truyền thông.
Ngồi phịch vào ghế trang điểm, tôi chỉ được biết tới người chăm lo cho bộ mặt của tôi qua một lời chào. Khi họ biết tôi ngồi bên họ với một sự trân trọng thật thà, dường như mọi việc OK hơn. Họ rất thoải mái nếu tôi mang bộ mặt mộc không son phấn tới trường quay để họ thoải mái “thiết kế” nó từ đầu.
Khó mô tả hết phong cách làm việc rất chuyên môn của các chuyên viên trang điểm. Tôi luôn thấy họ lịch thiệp, nhất quán, điêu luyện và tập trung - họ có chút gì đó như những tiếp viên hàng không, chút gì đó như nghệ sĩ dương cầm, chút gì đó như dịch vụ mát-xa cổ truyền của Thái, và chút gì đó rất cá tính của mỗi người...
Bất kể thời gian họ có trước giờ lên sóng của tôi là 2 hay 20 phút thì họ luôn luôn như vậy! Nếu chỉ có 2 phút, tôi sẽ vừa được trang điểm, vừa được chải tóc bởi hai người mà không cần mở mắt cũng cảm nhận được sự ân cần từ họ. Rất dễ dàng và nhanh chóng cảm thấy quen thuộc với phong cách chăm sóc đặc biệt đó.
Cũng có lúc tôi không kịp xem lại gương mặt mình sau khi trang điểm vì mải nói chuyện gì đó với biên tập viên, hoặc với một người lạ mặt đang hối hả đòi... cởi cúc áo của tôi để gài mic. Khi người phụ trách “biên soạn” bộ mặt của tôi mỉm cười dịu dàng nói “cảm ơn cô” là lúc tôi coi như đã sẵn sàng cho cuộc đấm đá với một người lạ khác sẽ xuất hiện trong trường quay chỉ sau đó khoảng vài chục giây...