HAI GIỜ VỚI “SỐNG TRONG SỢ HÃI” TẠI BUDAPEST
- Thứ sáu - 20/04/2007 11:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau bộ phim, khán giả đã có dịp giao lưu và trao đổi với đạo diễn và chủ nhiệm bộ phim.
“Sống trong sợ hãi” là một trong số những bộ phim thành công nhất của điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây. Năm 2005, bộ phim đã giành 5 giải Cánh Diều Vàng trong cuộc bình chọn do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức.
Cuối tháng 6-2006, phim được giải Phim hay nhất (“Best film”) trong cuộc thi “Giải thưởng tài năng mới châu Á” (The Asian new talent prize) tại LHP Quốc tế Thượng Hải lần thứ 9: vượt 83 bộ phim tham gia, “Sống trong sợ hãi” đã được Ban giám khảo đánh giá rất cao:
“Bộ phim khắc họa một cách sinh động những vết thương để lại sau cuộc chiến Việt Nam đi vào cuộc sống thường nhật của người dân, một cuộc sống đầy những áp lực nặng nề và băn khoăn lo lắng. Chủ đề độc đáo này có được một sức lay động tối đa, thông qua ngôn ngữ điện ảnh đầy sức mạnh của đạo diễn”.
Cuối tháng Ba, đầu tháng Tư năm nay, phim cũng đã được trình chiếu tại các trường đại học danh tiếng của Mỹ như Harvard, Columbia, Yale, Corneille, Brown, Pennsilvania, Berkeley, Ivrine..., và sẽ tiếp tục có mặt tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế (VIFF), một liên hoan gần với cộng đồng Hollywood tại Mỹ và thu hút đại diện một số hãng phim lớn của “vương quốc điện ảnh” này.
Tại LHP Quốc tế Titanic lần này, bộ phim được người điều hợp chương trình, ông Vízer Balázs, trong một trao đổi riêng, đánh giá là một trong vài bộ phim mà ông thích nhất của Liên hoan.
“Sống trong sợ hãi” cũng được điện ảnh Hungary đánh giá "là một tác phẩm có thể liệt vào hàng những bộ phim kinh điển về chiến tranh của Việt Nam", "đồng thời, là rất mới trong hoàn cảnh của Việt Nam khi phim đề cập tới câu chuyện của người đàn ông hai vợ, từng đúng về phe "xấu" trong chiên tranh và sau đó, liên tục phải giữ thăng bằng giữa cuộc sống và cái chết".
*
Là bộ phim nhựa đầu tiên được thu tiếng trực tiếp của Hãng phim truyện I và được sự hậu thuẫn của hãng NHK (Nhật Bản), “Sống trong sợ hãi” thuật lại câu chuyện động lòng của Tải, một cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa. Sau ngày đất nước thống nhất, Tải phải đi cải tạo, rồi về quê vất vưởng tìm kế sinh nhai cho hai gia đình nheo nhóc của người vợ cả và lẽ.
Đặt trong bối cảnh rất khó khăn sau biến cố 1975 tại tỉnh Ninh Thuận (miền Trung Việt Nam), khi nhiều người lính của chế độ cũ lâm vào cảnh bần cùng vì nghèo đói và cái nhìn ít thiện cảm của chế độ mới, “Sống trong sợ hãi” mô tả rất thật và rất cảm động nỗ lực để sống, để sinh tồn của nhân vật Tải.
Trên mảnh đất đầy rẫy bom mìn do chiến tranh để lại, không biết làm gì khác, Tải theo học một cựu du kích cách tháo gỡ bom mìn, cắt dây thép gai bán phế liệu như rất nhiều người dân trong vùng.
Công việc ấy của anh, diễn ra trong nỗi lo âu, sợ hãi thường trực của cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kèm theo, sự sợ hãi trước chính quyền mới, vốn coi anh là phần tử bất hảo và việc dỡ bom mìn để buôn bán cũng bị cấm.
Những mặc cảm, những nỗi âu lo căng thẳng ấy - cùng với khao khát được sống - của nhân vật chính, đã được anh giải tỏa bằng quan hệ tính dục với hai người vợ, được đạo diễn đặc tả như một sinh hoạt đời thường, một nhu cầu quan trọng và không thể thiếu được của cuộc sống.
Bộ phim kết “có hậu”. Sau bao nhọc nhằn và nỗ lực, những cố gắng của Tải đã được bù đắp bởi sự thừa nhận ít nhiều của chính quyền mới, bởi những thửa rau xanh ngát ngay trên mảnh đất cách đó ít lâu tử thần còn ngự trị...
*
“Sống trong sợ hãi” là một bộ phim hay và đặc biệt ở nhiều điểm.
Thứ nhất, mặc dù trưởng thành trong thời hậu chiến, nhưng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã có một tác phẩm khá đáng tin cậy về các tình tiết. Cốt truyện cũng như nhân vật chính trong phim, theo lời đạo diễn, là có thực và đã được Bùi Thạc Chuyên đề cập trong bộ phim tài liệu “Tay đào đất” trước đó ít năm.
Chính thời gian có mặt tại “thực địa” và tiếp xúc với những “người thực, việc thực” như thế, đã khiến Bùi Thạc Chuyên có được cái nhìn sâu sắc và xác tín về những sự kiện, những con người mà anh đề cập trong phim. “Sống trong sợ hãi”, như thế, xuất sắc về kịch bản, lời thoại và cách dàn dựng.
Thứ nhì, có lẽ đây là bộ phim hiếm có của điện ảnh Việt Nam, khi nhân vật chính là một người lính của “phía bên kia”, được mô tả tương đối “trung tính”, không bị những ảnh hưởng của ý thức hệ.
Người lính ấy, đã được khắc họa trong hoàn cảnh, trong cái nền khắc nghiệt của thời cuộc, của một đất nước hiếm khi được bình yên, được thống nhất trong vòng mấy trăm năm trước biến cố 1975.
“Sống trong sợ hãi” mô tả Tải, nhân vật chính, với đầy đủ mọi tình cảm yêu ghét, những ưu và nhược điểm, với sự can trường và bản năng sợ hãi, với những tấn bi kịch riêng tư... như bất cứ một người bình thường nào, và hình ảnh đó chúng ta ít được thấy trong các tác phẩm điện ảnh trước đây, có đề cập tới người lính Cộng hòa xưa.
Phim cũng xuất sắc với dàn diễn viên miền Nam, diễn xuất chân thực, tự nhiên, không “lên gân” như điều thường thấy ở phim Việt Nam. Những cảnh “nóng” trong phim được dàn dựng hợp lý, đẹp và “đúng chỗ”, làm toát lên được khát vọng sống, duy trì nòi giống của con người trong hoàn cảnh hiểm nghèo.
Bộ phim nhựa đầu tay của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, như thế, cho chúng ta có quyền kỳ vọng về tài năng của tác giả, cũng như về những điểm son tiếp tới trong sự nghiệp điện ảnh của anh.
Sau gần 2 tiếng, khán giả tại rạp Uránia có thể có những cảm tưởng khác nhau về phim, song không ai có thể phủ nhận rằng đó là một tác phẩm lớn của điện ảnh Việt Nam, đến nay vẫn chưa được biết đến nhiều trên trường quốc tế.
Cũng như, thông điệp của bộ phim, làm sao để con người khỏi phải sống trong nỗi lo âu thường trực về cái chết và sự sinh tồn, để đừng bao giờ có sự chia cắt đất nước và chia rẽ dân tộc, để Việt Nam có sự hòa giải thực sự... - đó là những điều mà bất cứ ai cũng có thể chấp nhận và tâm đắc, sau khi xem “Sống trong sợ hãi”.
(*) Phim sẽ còn được trình chiếu tại rạp Vörösmarty (21 giờ, ngày 21-4), cũng như tại Trung Tâm Thăng Long (cho cộng đồng Việt Nam, vào hồi 19 giờ ngày 21-4-2007).
Nguồn ảnh: Ban tổ chức LHP Titanic
"Sống trong sợ hãi” (Living in fear)
- Đạo diễn: Bùi Thạc Chuyên
- Diễn viên: Trần Hữu Phúc, Hạnh Thúy, Mai Ngọc Phượng, Mai Văn Thịnh, Mỹ Uyên, Nam Yên
- Kịch bản: Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Thị Minh Ngọc
- Hãng sản xuất: Hãng phim Truyện 1
- Độ dài: 110 phút
- Tiếng: Việt, phụ đề Anh ngữ
Giải thưởng:
* Cánh Diều Vàng 2005 - Phim truyện nhựa xuất sắc nhất (của báo chí phê bình điện ảnh); Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Trần Hữu Phúc); Đạo diễn phim truyện nhựa xuất sắc nhất (Bùi Thạc Chuyên); Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất (Mai Văn Thịnh); Biên kịch phim truyện nhựa xuất sắc nhất (Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Thị Minh Ngọc).
* “Giải thưởng tài năng mới châu Á” (“The Asian new talent prize”) tại LHP Quốc tế Thượng Hải lần thứ 9 (2006).