Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HÀ NỘI ĐÊM

(NCTG) “Đêm Hà Nội đã ôm trọn lấy mình trong những nỗi buồn, trong những con đường về một mình, để không thể bội bạc mà quên những đêm, mình an ủi bản thân rằng mình không cô độc, ít nhất, ngước mắt lên, một vầng trăng mờ tỏ vẫn dõi theo” - ký ức Hà Nội đêm của tác giả Bùi Uyên.
HÀ NỘI ĐÊM
Viết về vẻ đẹp của những thành phố Pháp về đêm, lại chạnh lòng nhớ đến Hà Nội. Sẽ thật có lỗi nếu mình - cả tuổi trẻ lê la bao ngóc ngách Hà Nội vào giờ con nhà lành đã yên giấc - lại không viết về những đêm xưa Hà Nội!

Đêm tuổi thơ

Từ những ngày bé thơ, mình yêu thích nhất là những đêm hè mất điện, chòm xóm vác ghế, thậm chí cả ghế ngả, chiếu cói rải ra vỉa hè, rồi túm tụm người lớn nói chuyện, trẻ con chạy chơi dưới đèn đường. Sợ nhất là đang chơi lại buồn đi… vệ sinh! Lọ mọ thắp đèn, thắp nến rồi đòi ai đó dắt vào đi xuyên cái ngõ sâu hút tối đen để đến cái nhà vệ sinh cuối vườn! Người lớn ồ lên mừng khi có điện, còn trẻ con thì ỉu xìu vì đứa nào lại bị gọi về nhà đứa đó để… đi ngủ! 

Hoặc có những đêm, cả nhà kéo nhau lên sân thượng chơi, thường vào dịp rằm tháng 8 phá cỗ Trung Thu, ăn uống chán rồi nằm ngắm sao, vẫn nhớ bà cô kiên nhẫn chỉ cho mình những sao Hôm, sao Mai, còn đến những chòm sao Thần Nông, Đại Hùng, hình gầu sòng, hình gấu, thì mình chịu không hình dung ra nổi.

Những năm cấp 2, ký ức về đêm vẫn chỉ loanh quanh mấy khu phố gần nhà, nhờ vào việc... gánh nước! Hồi đó nhà chưa có đường nước Phần Lan, nên phải đi xin nước máy hay giếng khoan ở những nhà xóm phố bên. Thế là cả nhà mình và nhà cậu mợ thay phiên nhau, mỗi tuần phải đi xin nước các nhà có giếng, và chỉ được lấy những giờ trống người ta không bơm, và phải xếp hàng hứng vòi hay thòng dây thừng múc từng xô từ giếng khoan lên. “Giờ trống” đó thường phải 10-11h đêm, hoặc sáng sớm 4-5h sáng, tùy giờ bể họ đầy hay vòi có nước hoặc họ cho phép.

Mình nhớ là xin xỏ không đơn giản, có lúc gánh thùng đến múc thì chủ khoá bể lại, lại phải tìm sang nhà khác, hoặc được một gánh thì gánh sau chủ nhà ra dùng, nên lại thôi. Nhưng đa phần cũng loay hoay kiếm được chỗ nào đó có nhà tử tế chia sẻ. Những xóm láng quen xin nước cũng hay gặp nhau giữa giờ đêm, mách nhau bể nhà này đầy sang lấy, chỗ kia hôm nay nước về yếu chờ lâu lắm, hay bị khoá lại rồi.
 
hn2

Người lớn gánh thùng to, trẻ con như hai chị em gánh thùng tôn nhỏ, hoặc thùng nhựa. Gánh xa rất tránh dừng lại nghỉ hay chao chát nhiều, vì về đến nhà mà thùng vơi thì mất công. Nên nhiều khi vai đòn gánh đau, nhưng ai cũng cố nốt, đi nhanh mà phải khéo để không đổ, vấp ngã mà đổ hết thùng thì tiếc lắm.

Những năm vất vả vì thiếu nước đó có lẽ không dài, mình không còn nhớ chính xác, chỉ khi nước Phần Lan đến thì nhà mình không còn cảnh gánh nước đêm. Nhưng học trái tuyến với lũ bạn ở quận giàu có trung tâm, có kể là mình biết gánh nước bằng đòn gánh, cũng chẳng đứa nào tin. Sau này nhìn những người phụ nữ gánh gồng trên phố, mình nghĩ có phần nào cảm thông được thế nào là cái đau, cái nặng của quang gánh trĩu vai, hiểu được chút ít cái bấp bênh của những người đi bán hàng rong, như gia đình mình xưa loay hoay đòn gánh đi xin nước hàng xóm giữa đêm.

Rồi in đậm góc phố nhà mình lên đèn, nhìn ra từ sau cái tủ ô mai kiếm thêm của gia đình, thường mở muộn đến tận tầm 11h khuya. Hai chị em và mẹ thay phiên nhau ngồi trông hàng, từ tủ ô mai đến tủ bánh trung thu bán thêm mùa rằm tháng 8, hay nồi bánh bao tối mùa đông. Đến lúc dọn thì bố giúp tủ hàng vào. Sau này lớn hơn, nhiều khi đêm ra thềm nhà ngồi, ngắm cây bàng bên kia đường giăng giăng những sợi dây điện chằng chịt trên cái cột đèn sắt cũ. Rồi vài năm sau thay bằng cột đèn bê tông, hiện đại tốt hơn, nhưng cái cột điện sắt trước nhà, đủ to để mình hay chui vào trong rồi loay hoay mãi mới chui ra được thì vẫn đầy kỷ niệm.

Đến cấp 3, học thi thường thức khuya, thi thoảng mẹ “bồi dưỡng” cầm vài nghìn ra ăn bát phở cách nhà vài bước. Thi thoảng ăn muộn, khách quen, mình vừa ăn cô vừa dọn dần bàn ghế vào nhà trong ngõ. Có khi tiết kiệm, chạy ra mua một xuất phở, về nhà hai chị em chia nhau ăn bữa khuya. Chỉ là hàng phở, mỳ bán đêm, có lẽ chẳng ngon ghê gớm, nhưng giữa đêm đã khuya, mùi nước phở cuối nồi và ánh sáng ấm áp nổi bật những chùm hơi bốc lên khi cô mở vung nồi, đã đủ thấy ấm, thấy thèm, đến giờ vẫn nhớ.

Hà Nội đêm những năm 2000

Chỉ đến những năm học đại học tự do bay nhảy, thì đêm Hà Nội mới sâu đậm trong tôi với vẻ đẹp từng góc phố, từng vỉa hè, từng quán đêm, từng tán bàng non đầu xuân trong veo nhìn xuyên qua kẽ lá dưới ánh đèn đường, xanh non đêm xuân hay đỏ thắm những đêm thu. Hà Nội ngày ấy đêm đi xe tà tà mà sao thấy nhỏ, vòng vèo một chút là hết một vòng từ nhà lên hồ Gươm, qua phố cổ, ra cầu Long Biên, rồi lên hồ Tây, ra mạn công viên nước, thi thoảng tạt sang Mỹ Đình, vòng về khu phố Pháp, xuống khu phố cũ là về lại đến nhà mình cuối phố Huế.
 
hn1

Phố cổ

Nơi không thể bỏ qua là phố cổ, lượn qua lượn lại không biết bao ngày và đêm, mà vẫn thấy như mê cung, chỉ nhớ vài điểm mốc. Nhưng nghĩ lại có lẽ đi nhiều mà không nhớ, bởi lang thang đêm đâu cần tìm đường, đâu chờ lối ra, càng lạc, càng rẽ vào góc khác, càng ngắm được một góc nhìn mới, lại muốn lạc thêm.

Đêm trong phố cổ hoàn toàn mang một dáng dấp khác, cửa hàng cửa hiệu đóng hết, những hàng hoá treo phủ kín mặt đứng, những vỉa hè chật kín xe đỗ, giờ biến mất sạch trơn. Chỉ còn lại những “cây bàng mồ côi”, “góc phố liêu xiêu”, những tường loang vết rêu phong, những mái ngói cong cong như dựa vào nhau thiêm thiếp ngủ, mà cứ thấy nhọc nhằn ẩn hiện.

Đường chẳng có ai để phải bận tâm, nên chỉ ngước mắt nhìn những đường nét kiến trúc xưa còn sót lại, hay kiếm tìm vầng trăng khuyết trốn tìm sau những lớp mái. Để khi chợt tìm thấy, thì kịp dừng xe lại giữa lòng đường, đứng lặng ngắm khung cảnh bàng bạc ấy. Cảnh đêm nhuốm màu lam sẫm, xam xám, phủ ánh đèn đường đùng đục rưới lên những bức tường phố cổ loang lổ cũ kỹ, không bóng người.

Và không muốn cũng thấy mình đang chui vào tranh phố Phái. Là màu bàng bạc, tông trầm lạnh, màu sắc như cũng lô xô mảng này nghiêng ngả vào mảng kia, nhấp nhô tĩnh mịch kiểu phố Phái. Không phải những tranh phố rực rỡ với những tán cây bừng đỏ, với những cô gái áo dài trắng muốt, những mặt đường vàng óng.

Cầu Long Biên

Đường từ phố cổ chỉ nhấn thêm vài bước là lên cầu Long Biên, Từ cây cầu già bom đạn sập hết bao nhịp, đứng dựa lan can ngắm nhìn thành phố yên ngủ, ngắm ánh sáng rọi lại từ cầu Chương Dương sáng choang vẫn còn xe hàng, xe liên tỉnh qua lại. Rồi cúi xuống nhìn xóm chài vài con thuyền nhỏ neo đậu im lìm, đường nét mờ mờ lấp bởi bóng thành phố phủ xuống dòng sông.
 
hn5

Ngắm chán chê, tựa đầu trên thành cầu, lại nhìn lại cây cầu hơn thế kỷ, trông vừa xộc xệch với đường lan can sắt cong queo như rắn bò, những tấm ván gỗ còn sót lại xen với những mảnh bê tông đúc sẵn làm lối đi bộ gập gềnh, lòng đường cũng cũ quá, chẳng phẳng nữa, những khe nối, mảnh vá, làm xe đi qua nảy tưng. Ánh đèn điện treo trên đỉnh những nhịp còn lại, rọi lại chút kiêu hãnh vẻ đẹp cũ xưa với những khung sắt vít bằng những đinh mũ tán to cứng cáp.

Vẫn nhớ cái đêm đã sang đông, mấy đứa rủ nhau xuống bãi, rồi ngồi túm tụm vòng tròn lại, thả suy tư mông lung. Bỗng nghe từ trên cái chòi nhỏ trên cầu vọng xuống, giọng hát Thanh Lam một bài hát Hà Nội quen thuộc, cứ như đến từ một nơi rất xa xôi, nhỏ thôi, mà bao trùm đầy không gian.

Mùi hương đêm

Những đêm mùa hè lang thang đi vô định chỉ để hít thở, ngắm nhìn, và lặng yên thư thả đi cùng những đứa bạn thân, lấy lý do đi tìm cảm hứng cho đồ án. Bỗng chợt ngửi thấy mùi hoàng lan trên đường Điện Biên Phủ, vòng xe lại lần nữa để được ngửi thêm mùi thơm quyến rũ ấy. Hay chờ đêm trăng lên thật cao, để ra tận đầm sen hồ Tây, ngắm sóng lá sen rập rờn lấp loá phủ ánh trăng, đón cơn gió hồ đêm đã bắt đầu lạnh. Đứng trầm ngâm ngắm nốt, đến khi trăng khuất sau một làn mây, hay bắt đầu thấy run vì lạnh, mới lại lên xe trở ra. Hồi đó đường vào đầm sen còn chưa mở, chỉ là đường đất ngập nghềnh, lẫn trong những vũng nước mưa, tiếng ếch kêu, tiếng i i của côn trùng… nên lại càng như lạc vào chốn khác.

Mùa thu sang đôi khi lại hắc quá cái “ngào ngạt mùi hoa sữa”, chẳng cứ trên đường Quang Trung, Nguyễn Du. Ban ngày có lẽ mùi hoa bị át bởi mùi khói bụi, nên đêm mới bỗng như ùa ra ướp hương từng góc phố.

Có những hôm không muốn về, đi đến tận hồ Tây rồi mà lại vòng nốt vòng hồ lớn, sang đến tận khu Mỹ đình hồi đó mới xây nhà thi đấu, đường xá mở rộng nhưng thưa thớt nhà cửa, đi thênh thang giữa những khu cao tầng hồi đó còn mới mẻ để làm quen với Hà Nội hiện đại. Nhưng rồi vẫn thấy khu trung tâm quen thuộc hơn, lượn vào khu quanh hồ Trúc Bạch, xưa khia chưa mở đường ven hồ thì khu này biệt lập như một khu làng xóm riêng. Từ ngày mở ra thì dần có nhiều hàng quán đêm, khu phố từ Quán Thánh rẽ vào Châu Long, lòng vòng trong Ngũ Xã vì thế có một không khí nửa làng nửa phố rất riêng, không ồn ào náo nhiệt như trên đường Thanh Niên ngay đó.
 
hn6

Khu phố Pháp, phố cũ

Rồi lại vòng về khu phố Pháp, qua mạn Phan Đình Phùng, Lý Nam Đế, Phùng Hưng, nếu không tạt qua khu Ngân Hàng, vườn hoa Con Cóc rồi nghỉ trên thềm Nhà hát Lớn, thì sẽ đi thẳng xuống dọc ngang từ đầu nọ sang đầu kia những đoạn Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo. Những khu vực này có nhiều cơ quan hành chính và toà nhà lớn, nên các công trình chiếu sáng suốt đêm, ngắm kiến trúc Pháp và dần dần đổi thay thành những quán ăn sang trọng. 

Hồi đó có lẽ thành phố còn ít đầu tư ánh sáng vô tội vạ, nên lại thành vừa đủ. Mấy năm trở lại đây, đi chơi đêm Hà Nội mà ngột ngạt trong những đèn hiệu mọi cửa hàng, mọi tòa nhà viền ánh sáng vòng trong vòng ngoài, bật suốt đêm thành ra lỗ chỗ ánh sáng rối mắt. Ngay đường Thanh Niên cũng mất đi vẻ đẹp thơ mộng khi cứ vài chục mét lại có màn hình quảng cáo sáng chói nhấp nháy, ngoi lên cao hơn tán cây, làm mất đi cái đường viền giữa hàng cây in trên nền trời, cũng nhiễu loạn thêm vào ánh sáng của những ngọn đèn cao áp, đèn cây lối đi bộ. 

Rồi vòng xuống Hồ Thiền Quang, rồi rẽ sang khu phố cũ Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương. Những khu phố cũ này càng đi, càng thấy có một vẻ duyên dáng riêng. Không hào nhoáng, phô trương rõ như khu phố Pháp, ở đây nhà phố nhỏ hơn. Vì khu phố không quá trung tâm nên sự biến dạng bởi kinh doanh hàng quán đến muộn hơn. Xen giữa những nhà mái ngói thấp có nhiều nhà 1-2 tầng có mặt tiền cổ còn giữ được lâu. Tỷ lệ mặt đường và vỉa hè và hàng cây nhỏ vừa tương ứng, nên đi trong những khu phố này thấy vừa tỷ lệ con người gần gũi hơn. Toàn nhà dân nên ánh sáng chỉ có đèn đường, đêm im lìm tĩnh lặng đi ngang khu này luôn cảm giác phải đi nhẹ nhàng hơn, không xô bồ ồn ã như trục Bà Triệu- Hàng Bài ngay cách một lớp phố. Đêm xuôi về, để hưởng chút yên tĩnh, thì tạt qua những trục phố này thư thái và đẹp hơn nhiều. 

Từng đó khu phố, từng đó lộ trình tuần nào cũng đi vài lần, mà mỗi lần vẫn có thể ồ lên phát hiện ra một mặt đứng đẹp, một căn nhà cổ vẫn chưa bị biến mất, một góc bàng đổ nghiêng ra phố, vừa nhú mầm mới. Nhưng cũng như những tên phố, kiếm tìm một góc đẹp không phải là mục đích. Cũng có thể đó là tư duy của những người trẻ thế hệ chưa có điện thoại thông minh để chưa kịp ngắm đã dương máy chụp ? Nên giờ đây, khi ghi lại những dòng này, mình không có một tấm hình minh họa. Nhưng bù lại, từng hình ảnh thì hiển hiện rõ ràng trong tâm trí. Và trên hết, đơn độc giữa phố đêm, như một cuộc đối thoại và sẻ chia không lời giữa người vả cảnh. Để rồi, những cảm giác và không khí đặc trưng riêng của từng khu phố về đêm, vẫn lưu giữ gần như vẹn nguyên, của Hà Nội đầu những năm 2000.
 
hn9

Quán xá đêm

Nhưng đêm không chỉ đi để ngắm nhìn nhà cửa, hàng cây. Nổi bật giữa những khu phố đã im lìm, không thiếu le lói những ánh đèn của những quán cóc, quán ăn nhỏ. Những quán trà, quán cháo, leo lét nép dưới gầm cầu, dựa chân đê, đón vài khách đến bến xe hay chợ đầu mối đêm. Nhiều khi là cả một gia đình nhỏ với người mẹ còn cố bán nốt vài điếu thuốc, người chồng đã lui cui dọn dẹp, nép bên chân mẹ, đứa trẻ đã say ngủ từ lâu.

Có lúc chơ vơ đầu đường, ánh sáng đèn đường chỉ đủ soi thấy dáng người gà gật co ro, bên một chiếc bơm, một can xăng bán lẻ, buộc lủng lẳng hay chặn mấy viên gạch cho khỏi lăn mất. Chẳng biết cả đêm có gặp được khách nào trót hết xăng, xịt lốp giữa đường? Nhớ nhất một lần bắt gặp ngay trên khu phố Lương Văn Can vốn sầm uất ngày thường, một ngõ nhỏ tù mù dưới một căn nhà cũng cũ kỹ, một người phụ nữ ngủ gật cạnh một chiếc tủ kính con bán bánh bao, trên đầu treo xoay xoay vài cái đèn lồng xếp. 

Dạo ấy cũng gần Trung thu, liếc sâu vào ngõ, treo thưa thớt vài cái đèn xếp giấy màu đơn giản cái ngắn dài, to nhỏ, nhưng không biết có phải vì ánh sáng thiếu, mà màu giấy cứ bợt bạt như đồ cũ. Không biết đèn đó còn có ai mua, hay chỉ là treo trang trí cho cái ngõ đỡ tẻ ? Cái ngõ cũ và những cái đèn xếp, thật cọc cạch và như sắp bị nuốt chửng, đè bẹp, giữa những cửa hàng đồ Trung thu sáng choang, chi chít mặt hàng, đỏ rực nhấp nháy những đèn điện, đèn màu, phát nhạc ồn ào của Trung Quốc. Hoặc ngược lại, nó như là một khung cảnh bị thời gian bỏ quên, nên cứ giữ nguyên hình hài mấy chục năm, dai dẳng đứng đó, một góc phố cổ trong lòng khu phố cổ đã rùng rùng thay hết dáng hình.

Nếu khéo nghe ngóng, đi chơi đêm Hà Nội giờ nào cũng tìm được vài địa chỉ quán ngon, không biết mở chui hay xin phép. Hồi đó, cô bạn thân mách đúng góc phố đó gần hồ Trúc bạch, có gánh bún ốc tuyệt ngon chỉ dọn ra sau 10h đêm. Hay chui vào phố khuất nẻo ngay gần chợ Long Biên, một hàng bún cá ngon tuyệt đông nghịt dân buôn chuyến quen tiếng đến ăn tầm 2-3h sáng. Nhớ lần vào đó ăn, chỉ nhóm mấy đứa là ngơ ngác thanh niên đi chơi, xung quanh toàn các anh chị ăn nhanh hớt hải đợi đánh hàng hay mệt phờ sau khi đổ hàng, ra ăn bát bún cho ấm bụng. Chỗ nọ chỗ kia quán xôi, quán bún, café mở cửa sau giờ, phải có người mách, lượn qua có người sẽ dắt vào cửa sau.
 
hn3

Và những buồn vui đọng lại

Đêm Hà Nội đã ôm trọn lấy mình trong những nỗi buồn, trong những con đường về một mình, để không thể bội bạc mà quên những đêm, mình an ủi bản thân rằng mình không cô độc, ít nhất, ngước mắt lên, một vầng trăng mờ tỏ vẫn dõi theo. Ngay cả những đêm tĩnh mịch không trăng, trở về nhà, dừng lại hồi lâu trước ngõ, nhìn bóng mình hắt từ ngọn đèn vàng trên phố, in trên tường dưới bóng xà cừ đung đưa. Một giọng hát xa xôi vọng lên từ một góc khuất nào đó trong tim, “người về soi bóng mình, giữa tường trắng lặng câm...”. Rồi cười, may mà có Trịnh chia sẻ phút đơn độc này!

Nhưng đêm Hà Nội cũng chia sớt những tâm sự với những người bạn chí cốt. Những đêm tháng Chạp ngồi thức cùng gói bánh chưng đem biếu gia đình, thầy cô, những đêm Rằm Trung Thu tụ họp sân thượng làm bánh, làm đèn lồng phá cỗ. Và bao đêm trắng những ngày làm đồ án, hay “chống lụt” ăn ngủ vạ vật ở nhà nhau. Để những đứa bạn ngày ấy đã chia chung kỷ niệm đậm sâu những đêm Hà Nội, thì cũng trở thành những “chiến hữu” gian khó có nhau, không gì có thể thay đổi vị trí, dù hôm nay đã xa xôi nhiều. Cũng như những hình ảnh, những tình cảm đã lưu giữ về Hà Nội trong những không gian đêm như thế, cũng đã trở thành một phần bất biến trong tâm trí,  dù Hà Nội hai thập niên sau và sau đó, thay đổi đến thế nào đi nữa.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Bùi Uyên, từ Paris