Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Guitarist Lê Thu: NGƯỜI LẮNG NGHE VÀ CHẠM TỚI SỰ ÐỒNG CẢM CỦA KHÁN GIẢ

(NCTG) “Người nghệ sĩ trình diễn âm nhạc cổ điển phải là sứ giả đem âm nhạc cổ điển gần gũi hơn, len lỏi và chỗ đứng vững bền hơn trong đời sống tinh thần của công chúng” – guitarist nổi tiếng Lê Thu bày tỏ quan điểm.


Cùng một số tên tuổi khác như Tuấn Khang, Hùng Phong, Nguyễn Quang Vinh..., Lê Thu thuộc hàng những nghệ sĩ guitar cổ điển trẻ xuất sắc nhất Việt Nam hiện nay.

Là ái nữ cố nghệ sĩ guitar, họa sĩ Lê Hạnh, Lê Thu sinh năm 1978, tốt nghiệp xuất sắc Học viện Âm nhạc Việt Nam năm 2001 sau 15 năm theo học và trở thành giảng viên của trường. Năm 2009, chị cùng gia đình sang Ấn Ðộ và chuyển tới New Dehli đầu năm 2010. Bảy tháng sau, Lê Thu được Học viện Âm nhạc Bridge (Bridge Music Academy) - trường dạy nhạc phương Tây hàng đầu tại đây - mời giữ chức Trưởng khoa Guitar.

Không những đoạt nhiều giải thưởng trong nước, Lê Thu còn sở hữu 3 giải thưởng danh giá trong các cuộc tranh tài quốc tế dành cho các nghệ sĩ trình diễn guitar cổ điển. Năm 2010, chị đoạt giải Nghệ sĩ xuất sắc nhất khu vực châu Á tại Liên hoan Guitar Quốc tế tổ chức ở Kolkata, Ấn Độ. Lần gần đây nhất, tháng 7-2011, chị đứng thứ 3 trong Cuộc thi Guitar Quốc tế tổ chức tại Romania.

NCTG đã có dịp trò chuyện cùng nghệ sĩ Lê Thu ngay sau chuyến lưu diễn kéo dài 36 ngày của chị trên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.



NCTG: Chúc mừng chị vừa hoàn thành tour lưu diễn 36 ngày tại Thổ Nhĩ Kỳ và trở về Ấn Độ. Điều gì khiến chị nhớ nhất trong chuyến đi này?

Kỳ lưu diễn trên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ là một trải nghiệm sống khác tất cả những lần lưu diễn trước đó của tôi. Thông thường tôi chỉ vắng nhà từ 2 đến 3 tuần và di chuyển khoảng 5 thành phố. Lần này tôi đã đi miết 36 ngày, lưu diễn tại 17 thành phố, trung bình 2 ngày di chuyển đến một thành phố khác bằng ô tô. Có nhiều kỷ niệm và trải nghiệm trong hành trình này.

Có lần dự tính đi 5 tiếng để đến một thành phố thì đường xấu, tuyết rơi dày, vài trăm cây số không thấy một bóng người, cuối cùng sau 10 tiếng đồng hồ chúng tôi cùng bác tài xế đã đến nơi, và chỉ còn đúng 20 phút để chuẩn bị lên sân khấu biểu diễn, may không muộn.

Ngoài việc trung bình cứ 2 ngày di chuyển bằng ô tô đến một thành phố, tức là cứ 1 ngày di chuyển để đến với 1 ngày biểu diễn, thì thời gian rảnh trong ngày trước giờ biểu diễn 3 nghệ sĩ trong đoàn chúng tôi còn đi thăm các trường Đại học có khoa Âm nhạc tại địa phương, tham dự các buổi giới thiệu, giao lưu chia sẻ với học sinh.

Cảm động nhất là đi qua thành phố Van: 6 tháng sau trận động đất cuối tháng 10-2011, mọi thứ vẫn còn tan hoang. Hơn nửa thành phố đang sống trong các container. Chúng tôi vào một trường học và chơi nhạc từ thiện. Nhiều trẻ em mất gia đình, mất bố mẹ, không nhà cửa, may sao các em vẫn đến trường.

Các em rất hào hứng và xúc động vì chưa bao giờ được nghe các buổi biểu diễn trực tiếp như vậy. Tuy ngày hôm đó chúng tôi đã vất vả vì điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, nghèo nàn, và buổi tối phải xin vào nghỉ nhờ ở Đồn Cảnh sát, nhưng chúng tôi thực sự rất hạnh phúc. Qua âm nhạc chúng tôi đã chia sẻ được ít nhiều về mặt tinh thần với những khó khăn của người dân trong thành phố.

Hành trình 36 ngày trên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ là một hành trình mà tôi thu lượm được rất nhiều kiến thức về văn hóa, về ẩm thực và nhất là về âm nhạc Thổ Nhĩ Kỳ. Những buổi giao lưu với các nghệ sĩ trình diễn âm nhạc dân tộc đã cho tôi cơ hội được biết về các nhạc cụ dân tộc của họ. Chúng tôi cũng học thuộc và trình diễn ca khúc “Gül pembe” của ca sĩ nổi tiếng đã quá cố Barış Manço khiến khán giả rất vui và hào hứng.



Trải nghiệm chơi nhạc Thổ Nhĩ Kỳ trên đất Thổ góp phần không nhỏ làm nên ý nghĩa của chuyến đi. Ý nghĩa không chỉ cho mình, không chỉ biểu diễn để kiếm tiền mà là được giao lưu văn hóa, âm nhạc, được trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị tinh thần của người Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỗi ngày chạy xe trên đường để đến với một thành phố, một điểm biểu diễn, tôi rất nhớ gia đình và 2 cô con gái, lo cho chuyện học hành của các con khi vắng mẹ, lo cho công việc dạy các em ở trường vì khi tôi đi vắng các giờ dạy học đều phải nhờ giáo viên khác thay mặt.

NCTG: Chị đã đến với cây đàn guitar cổ điển như thế nào?

Tự nhiên như cách tôi được sinh ra và có mặt trong cuộc đời này. Khi còn nằm trong bụng mẹ, bố tôi đã dùng tiếng đàn để bày tỏ niềm hạnh phúc, và trò chuyện với hai mẹ con. Tôi không nhớ nốt nhạc đầu tiên mình biết là nốt nào, chỉ nhớ rằng tôi đã nghe nhiều và ngấm dần tiếng guitar cổ điển như một thứ ngôn ngữ mẹ đẻ, đến lúc nhận thức được thì đã biết đánh đàn rồi.

NCTG: Lần biểu diễn trước công chúng của chị là khi lên mấy tuổi?

Khi lên 5 tuổi tôi biểu diễn lần đầu tiên tại rạp Công nhân. Hai tuổi “nghịch” đàn, 4 tuổi chính thức được bố dạy, và 5 tuổi được biểu diễn tại rạp hát lần đầu.

NCTG: Nhìn lại quá trình theo đuổi guitar cổ điển của mình, ngoài yếu tố “con nhà nòi”, chị cho rằng yếu tố nào đã giúp chị vươn lên và sở hữu được tiếng đàn đang có?

Tôi nghĩ rằng trong nghệ thuật năng khiếu là quan trọng, nhưng không quyết định được toàn bộ sự thành công của một nghệ sĩ. Năng khiếu chỉ quyết định được 50%, có khi ít hơn, phần còn lại phụ thuộc vào sự quyết tâm miệt mài luyện tập, tình yêu với cây đàn và lòng kiên nhẫn.

Tôi nhớ lại tôi đã luôn miệt mài tập đàn từ sáng đến tối suốt 15 năm. Chưa kể, tôi còn hoàn thành nhiệm vụ của một học sinh học văn hóa ở một trường bên ngoài Nhạc viện. Lên Đại học cũng học cả 2 trường, ngoài Nhạc viện tôi còn tốt nghiệp khoa Tiếng Nhật trường Đại học Ngoại ngữ (hệ đào tạo chính quy).

Vất vả với học hành như vậy, cũng vì bố mẹ thương con, muốn tôi có một cuộc sống vững chắc nên đã động viên và tạo điều kiện cho tôi theo học văn hóa bên ngoài trường Nhạc viện, động viên học một nghề khác để có thể kiếm sống và dễ dàng giữ được tình yêu trọn vẹn với cây đàn. Thương bố mẹ nên tôi học miết.

Học đàn vì thích và say mê nên không thấy mệt, hở ra là tập, nửa đêm cũng tập. Khó khăn còn lại là việc sắp xếp giờ học, học bù giờ học trùng giữa 2 trường đại học. Tuy là con một nhưng tôi không được chiều chuộng, mà thời đó bố mẹ cũng không có điều kiện để chiều chuộng mình về mặt kinh tế.
 


Theo học hai trường đại học, ngày nào mình cũng phải đạp xe mười mấy cây số để di chuyển địa điểm học. Sáng học một trường, chiều học một trường, tối đi làm thêm bằng việc chơi nhạc ở quán. Thời gian một ngày của tôi chỉ xoay việc học văn hóa, học đàn và chơi nhạc, không có thời gian ngừng nghỉ để chơi.

Nhưng cũng may những giờ đi làm thêm ở quán có bạn bè chơi nhạc cùng, thì việc đi làm không đơn thuần là để kiếm tiền mà chính là những giờ đi chơi. Tôi tìm thấy niềm vui trong những tối chơi nhạc đó. Rồi đêm về đến nhà lại mang đàn ra tập. Tôi thích tập đàn vào đêm, vì đêm là thời gian yên tĩnh và mình có thể tĩnh tâm để tập đàn hiệu quả hơn.

Nếu không thực sự yêu cây đàn thì ngần ấy thời gian dính đến nó trong một ngày quả thực sẽ thành gánh nặng. Có tình yêu và sự kiên trì là mình sẽ làm chủ được nó.

NCTG: Người ta có câu nói vui “Ghi-ta ai đánh nấy nghe - Làm thân con gái chớ nghe... ghi-tà!”. Vậy với nữ giới và điều kiện xã hội tại Việt Nam, chị thấy dấn thân trong con đường này sẽ cần vượt qua những khó khăn gì khác?

Tôi cho rằng chọn để trở thành một nghệ sĩ guitar cổ điển nói riêng - và nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển nói chung - đã là chọn một con đường khó.

Dấn thân vào con đường trở thành nghệ sĩ là phải chuẩn bị sẵn tinh thần đương đầu với một cuộc sống khó ổn định về kinh tế, vật chất, nhiều khi không kiếm được tiền. Như vậy là bắt cả những người xung quanh trong gia đình dấn thân theo cái bấp bênh của mình.

Những khó khăn của nữ nghệ sĩ trong xã hội Việt Nam nhiều hơn nam giới ở chỗ phải làm sao để được gia đình ủng hộ, chồng thông cảm, cho tập đàn vào đêm, cho đi lưu diễn xa, phải san sẻ bớt trách nhiệm chăm sóc con cái trong những lúc mình vắng mặt. Với phụ nữ, xa con cái thường là một khó khăn lớn vì rất nhớ con.

Khó khăn nữa trong việc chơi guitar đối với nữ giới đó là yếu tố sức khỏe. Với những học sinh nữ việc bấm dây đàn guitar sao cho chính xác, đúng vị trí không chỉ là việc của sự nhanh nhạy mà còn là việc của sức khỏe. Thời gian đầu khi mới tập đàn thường rất đau tay, nhiều bạn không kiên trì vượt qua. Hoặc vượt qua được để đi tiếp thì rất dễ rơi vào tình trạng tiếng đàn yếu, không đủ khỏe, không đủ sâu do lực bấm chưa đủ nặng.



Bản thân tôi phải luôn tập tạ hàng ngày đủ để duy trì sức khỏe của tay để đảm bảo cho yếu tố xử lý kỹ thuật trên cây đàn. Tôi đi diễn ở nước ngoài, nhiều khán giả cũng ngạc nhiên vì một phụ nữ Việt Nam nhỏ nhắn như mình mà chơi đàn lớn tiếng thế. Nói chung thể chất thật sự rất quan trọng. Thể chất đánh đàn tốt hay không còn thể hiện qua sự dẻo dai ở ngón tay, nhờ luyện tập.

Mới tập đàn thì tay cứng di chuyển khó, nhất là với guitar có những thế bấm hợp âm khó phải xoạc tay rộng. Ngón tay dài ngắn không quan trọng bằng việc luyện tập chăm chỉ để có sự dẻo dai, có kỹ thuật biết di chuyển ngón tay thế nào cho nhẹ nhàng, êm và dẻo. Phụ nữ theo nghề guitar cổ điển theo tôi rất cần tỉnh táo, lý trí và kiên trì luyện tập để có được những thành quả về mặt kỹ thuật chơi đàn.

NCTG: Ở Ấn Độ, với vai trò là Trưởng khoa Guitar tại Học viện Âm nhạc Bridge, chị nhận xét gì về môi trường học tập và thái độ của các bạn sinh viên theo học ngành này?

Tôi dạy cả 2 chương trình guitar cổ điển và nhạc nhẹ. Bên này số học sinh theo học guitar cổ điển có lẽ ít hơn ở Việt Nam, vì sinh viên thích chọn nhạc nhẹ để có thể đệm hát và đưa âm nhạc vào đời sống văn nghệ thường ngày một cách dễ dàng hơn. Với tôi, học cổ điển hay nhạc nhẹ tôi đều truyền đạt với tất cả tâm huyết của mình. Suy cho cùng, mình không chơi đàn thay học sinh được, vậy nên hãy để các em tự chọn lấy thứ gì các em thực sự yêu thích và phù hợp với cuộc sống của các em mà thêm quyết tâm đeo đuổi.

Ngay như bản thân tôi trước khi sang Ấn Độ vào năm 2009, khi ở Hà Nội có hơn mười năm tôi sống chủ yếu bằng việc chơi nhạc nhẹ, và đành tạm gác nhạc cổ điển sang một bên. Chơi nhạc Pop, Latin, Jazz hàng tuần dễ kiếm tiền hơn là chơi nhạc cổ điển. Chơi nhạc nhẹ dễ tìm thấy cảm giác vui vẻ, hào hứng sôi nổi và thư giãn, nhưng cũng chỉ thích ngay lúc đó thôi. Nó giống như một cạm bẫy của câu chuyện thương mại.



Suốt mười năm đó tôi luôn đợi dài cổ, luôn mong ngóng được tham gia các cuộc biểu diễn cổ điển vì trình diễn xong một đêm nhạc cổ điển tôi luôn có cảm giác đã hơn, thấy hạnh phúc lâu dài và âm ỉ. Chỉ nhạc cổ điển mới có khả năng bộc lộ được hết những gì tôi đã học, đã kiên trì, đã đam mê, đã yêu cây đàn guitar. Vậy nên khi sang Ấn Độ, trong lúc chưa chịu sức ép phải làm gì, nhân lúc có thời gian rảnh tôi đã quay trở lại với nhạc cổ điển, và bén duyên trong các cuộc thi guitar quốc tế.

NCTG: Nói như vậy, liệu ở Ấn Độ có đông công chúng nghe guitar cổ điển hơn là ở Việt Nam?

Thực ra là không nhiều hơn. Cũng giống như ở Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Châu Âu... là những nơi tôi đã có dịp đến và lưu diễn, tôi đều thấy một tình trạng chung là công chúng nghe nhạc cổ điển ngày càng ít đi. Về cơ bản thì, theo đuổi nhạc cổ điển là chấp nhận những thử thách rất khắc nghiệt, không dễ sống như các loại nhạc khác.

NCGT: Thông thường một buổi biểu diễn của chị đông nhất là cho bao nhiêu khán giả nghe?

Ðông nhất là có tới 400 khán giả đến nghe.

NCTG: Một con số khiêm tốn. Chị cảm thấy thế nào nếu so với số lượng khán giả đến với các đêm diễn của những ban nhạc hay các dòng nhạc khác?

Tôi cho rằng nhạc cổ điển hay guitar cổ điển có đất riêng mà ở đó bao nhiêu người đến nghe không quan trọng bằng việc họ yêu nhạc cổ điển như thế nào. Các cuộc lưu diễn của tôi hiện tại thường dành cho giới chuyên môn, hoặc sinh viên các trường nhạc, dành cho những người yêu và hiểu biết về nhạc cổ điển. Những người đến nghe thường là những người yêu thực sự.

Yêu thực sự nên họ mới đến với guitar cổ điển. Và điều này làm nên một tình yêu rất lớn khích lệ những nghệ sĩ như tôi tiếp tục theo đuổi con đường khắc nghiệt đã chọn.

NCTG: Chị có bao giờ nghĩ đến việc làm sao để thu hút bộ phận công chúng chưa thật sự yêu nhạc cổ điển, chưa có nhiều kiến thức về nhạc cổ điển, chưa hiểu nhạc cổ điển đến với các đêm diễn của mình?

Có chứ, và tôi đang làm việc đó. Cách làm nội dung chương trình của tôi thường là kết hợp giữa một phần gồm các bản nhạc đơn giản, dễ hiểu và gần gũi với công chúng, tạo ra sức hấp dẫn công chúng, và phần còn lại là các tác phẩm ở trình độ cao hơn để khán giả sành nghe có thể thưởng thức được nhiều hơn.



Tôi cho rằng người nghệ sĩ trình diễn âm nhạc cổ điển phải là sứ giả đem âm nhạc cổ điển gần gũi hơn, len lỏi và chỗ đứng vững bền hơn trong đời sống tinh thần của công chúng. Sự cân bằng trong cách chọn bài cho cuộc biểu diễn là rất quan trọng. Suy cho cùng chơi một bản nhạc phức tạp hay đơn giản không quan trọng bằng việc chơi như thế nào và chia sẻ được gì với công chúng.

Tôi vẫn chơi những bản nhạc đơn giản và quen thuộc như “Romance“, “Prelude“  (V. Lobos) trong các cuộc biểu diễn như thường. Tôi cho rằng là người nghệ sĩ, mình rất cần lắng nghe khán giả, mình đến với công chúng không phải là để khoe mẽ kỹ thuật, khoe mẽ trình độ, mà mình phải tìm mọi cách và phương tiện để chạm tới sự đồng cảm của khán giả.

Chơi một bản nhạc đơn giản, gần gũi thực sự hay chính là cơ hội để giới thiệu nhạc cổ điển với những khán giả mới, lôi cuốn họ tìm hiểu về nhạc cổ điển, và mình cũng có thêm công chúng để chia sẻ.

NCTG: Nói về cây đàn guitar cổ điển so với các nhạc cụ cổ điển khác, chị cảm nhận thế nào?

Tôi yêu cây đàn guitar cổ điển. Đã yêu thì tôi hay bảo thủ, bênh, thương và đấu tranh cho nó. Nhiều khi sau các buổi biểu diễn ngồi trêu nhau, tôi hay đùa chẳng hạn như trêu một nghệ sĩ chơi kèn là: đàn guitar của tôi làm được trò này... trò này, kèn của cậu có vừa đàn vừa hát được không (cười).

Nhưng công bằng mà nói, tôi cho rằng cây đàn guitar như một dàn nhạc thu nhỏ. Có thể chơi solo cũng được, hòa tấu cũng được, đệm hát được, mang đi khắp nơi được... Nó năng động và làm được nhiều việc. Vì thế guitar trở nên gắn bó và gần gũi với công chúng. Nó là cây đàn phương Tây gần gũi nhất với người Việt Nam. Dễ tìm thấy một cây đàn guitar ở các gia đình có mức thu nhập bình dân, trong Ký túc xá sinh viên, trong đơn vị bộ đội hay các cơ quan đoàn thể...

Tôi yêu guitar vì sự gần gũi đó.

NCTG: Chị nhắc đến cây đàn guitar rất gần gũi với người Việt Nam. Vậy tương lai nếu quay lại Việt Nam sinh sống, chị sẽ có những dự định gì với cây đàn guitar?

Tương lai gần vợ chồng tôi sẽ quay về Việt Nam sinh sống. Dự định của chúng tôi là chồng mở nhà hàng ăn và vợ mở trường tư dạy guitar. Cũng như những gì tôi đang làm tại Ấn Độ, tôi muốn mở trường dạy guitar để nuôi dưỡng và đi tiếp đam mê của mình, cũng như để chia sẻ với học sinh những gì tôi đã trải nghiệm cùng cây đàn trong suốt thời gian qua.

NCTG: Trường của chị sẽ dạy guitar nhạc cổ điển hay nhạc nhẹ?

Tôi nghĩ là cả hai. Có lẽ không nhiều người dám theo đuổi guitar cổ điển như một nghề để sống, vì quả thực rất khó khăn để sống bằng guitar cổ điển. Chỉ cần các em đến với cây đàn guitar như một người bạn, như một niềm đam mê là quá tốt rồi. Việc của tôi là hướng dẫn và khuyến khích các em học guitar. Tôi cũng mong có nhiều học sinh dũng cảm và quyết tâm theo học guitar cổ điển.

NCTG: Vậy chị có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đang theo học guitar cổ điển tại Việt Nam?

Tôi mong các em đừng sớm nản lòng với con đường đã chọn. Rút kinh nghiệm từ bản thân tôi, tôi biết có thể sau khi tốt nghiệp ra trường để sống được có thể phải tạm gác guitar cổ điển sang một bên. Nhưng nếu có nghị lực, quyết tâm và tin vào khả năng của mình thì các em nên cố gắng tìm mọi cơ hội để đi tham dự các cuộc thi quốc tế, tham dự các khóa học ngắn hạn như Master Class ở nước ngoài, hoặc đi học tiếp ở nước ngoài là quá tốt.



Thậm chí chỉ cần một lần đến xem và chứng kiến các cuộc thi guitar quốc tế cũng đã học hỏi được rất nhiều. Những cơ hội đi và giao tiếp thế này sẽ giúp các em khơi dậy tình yêu với cây đàn guitar cổ điển một cách sâu sắc và quyết liệt hơn.

NCTG: Cám ơn chị! Chúc chị sức khỏe, thêm nhiều thành công và những dự định trong tương lai sớm thành hiện thực!

Tác giả bài viết: Hạnh Nguyên thực hiện - Ảnh do nhân vật cung cấp