Gọng ca Giang Trang: “MUỐN CHIA SẺ NHỮNG KHOẢNH KHẮC GIẢN DỊ ĐẾN TẬN CÙNG”
- Thứ ba - 11/12/2012 13:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Phần hòa âm phối khí gợi đến hình ảnh mặt trăng đã đi qua thời điểm tròn trịa nhất của mình, đang nhỏ dần đi, thưa mất dần đi cái ngời sáng của trăng tròn, mỗi lúc một huyền hoặc hơn rồi biến mất, để lại hy vọng bắt đầu một thời kỳ “trăng mới”. Giống như đi trong một khoảng tối, đầy tự sự, chiêm nghiệm và luôn muốn hướng về những vùng sáng của cuộc đời” – tâm sự nghệ thuật của Giang Trang.
Poster của đêm diễn
Đêm nhạc “Hạ huyền” của Giang Trang và những người bạn (Nguyễn Văn Tuấn: phối khí, guitar; Sương Mai: sáo; Lê Thanh Long: cello; Trần Xuân Hòa: bộ gõ), được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace) tối 12-12 tới, đã lập tức “cháy vé” chỉ đôi ba ngày sau khi được thông báo và trung tuần tháng trước.
Còn nhớ, cũng tại “L’Espace”, cuối tháng 2 năm nay, Giang Trang cũng đã có hai đêm nhạc mang tên “Lênh đênh nhớ phố” rất thành công, đánh dấu một chặng đường mới trong sinh hoạt nghệ thuật của giọng ca “tài tử” này, sau hàng chục năm miệt mài và lặng lẽ làm mới nhạc Trịnh theo cách riêng của mình.
Được coi là “một người muốn khám phá và chinh phục bản thân hơn là cố gắng chinh phục khán giả” (1) như lời của Dino Trung, một người bạn, Giang Trang có lẽ là một kẻ liều lĩnh và dám chấp nhận mọi thử thách trong nghệ thuật vì cô luôn muốn làm khác - khác người và khác chính mình - trong những thử nghiệm của mình.
Nhưng, dầu vậy, như Dino Trung nhận xét, “xét cho cùng, với các nghệ sĩ thực thụ thì những yêu-ghét, thành công hay thất bại chẳng phải là điều mà họ bận tâm” (2) bởi lẽ “được sống với đam mê của mình và chia sẻ được với một số người mới là điều người ta cảm thấy hoan hỉ” (3).
Báo chí đã viết nhiều về Giang Trang cùng đêm nhạc sắp tới của cô và những người bạn. Nhân dịp này, mời quý độc giả NCTG theo dõi những chia sẻ nghệ thuật của chính cô, trong cuộc trao đổi gần như vào giờ chót, bên thềm đêm “Hạ huyền” 12-12-2012.
Cùng ban nhạc trong buổi tập cuối cùng trước đêm diễn
- Hai ngày nữa là đến đêm “Hạ huyền”, cảm giác của em bây giờ thế nào?
- (Cười mỉm) Em thấy hơi hồi hộp một chút... hi hi.
- Chị rất ấn tượng bởi cách hát mộc trong “Lênh đênh nhớ phố”. Ở “Hạ huyền” lần này có gì khác, em có thể chia sẻ với độc giả NCTG không?
- Sau một vài tìm tòi ở “Lênh đênh nhớ phố”, để thể hiện rõ nét hơn “tính nhạc” trong ca khúc Trịnh Công Sơn (TCS), với mong muốn hướng tới cảm giác mới và lạ cho người nghe, thì lần này hướng đi của “Hạ huyền” đã rõ nét hơn với tiêu chí này.
Giọng hát thu lại hơn, nín chịu hơn, không diệu vợi, mà vào vai như một nhạc cụ hòa cùng những nhạc cụ còn lại để trò chuyện, nhằm tạo ra một không gian âm nhạc giãi bày nhiều tầng ý nghĩa, và cảm giác ngoài lời, ngoài ca từ. Có đôi khi giọng hát của em chỉ như là đang thảnh thơi trong một vùng âm nhạc, tận hưởng, và bình về âm nhạc.
Vì yêu ca từ và trân trọng phần âm nhạc giản dị trong những ca khúc này, mà em đưa “Hạ huyền” theo một hướng đi có phần lạ so với những gì công chúng yêu mến nhạc Trịnh thường thấy. Ở đây, không phô bày phần giọng hát để nhấn mạnh giá trị của ca từ, mà “Hạ huyền” chỉ chuyển biến, diễn giải những cảm xúc, những khuôn hình của ca từ sang ngôn ngữ của âm thanh, của nhạc cụ.
Về căn bản đó là một thế giới yên ắng, có phần mộng mị, huyền hoặc.
- Điều gì đặc biệt ở “Hạ huyền”?
- (Cười) Đặc biệt ư? Ở “Hạ huyền” em muốn nói đến một cảm giác tưởng như là “không có gì” mà lại chạm tới nhiều điều trong đời sống, qua âm nhạc Trịnh Công Sơn. Trong 11 ca khúc của CD “Hạ huyền” lần này, có một số ca khúc về phần nhạc rất tiết chế, tối giản, và không có đất để khoe giọng.
Ví dụ “Xa dấu mặt trời” hay “Như chim ưu phiền” là một cảm giác thoạt nhiên như “không có gì” nhưng chạm sâu vào ca từ thì có rất nhiều trạng thái cảm xúc sâu kín của đời sống, và nhìn ra cái hay, cái tài của phần giai điệu tưởng như “không có gì”. Em rất trân trọng, và muốn chia sẻ những khoảnh khắc “giản dị đến tận cùng” trong một số ca khúc TCS.
- Những ca khúc nào của Trịnh được chọn trong đêm “Hạ huyền”?
- Em chọn một số ca khúc có giai điệu rất giản dị, nhưng cá nhân em thấy rằng những ca khúc này chất chứa, dồn nén gần hết những tự sự của TCS về đời sống con người trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Đó là những “Xa dấu mặt trời”, “Như chim ưu phiền”, “Một lần thoáng có”…
Với một số ca khúc rất quen của TCS như “Nhìn những mùa thu đi”, “Rừng xưa đã khép”, “Chiếc lá thu phai”, “Cuối cùng cho một tình yêu”, “Tiếng hát dạ lan” (Dấu chân địa đàng) và đặc biệt là “Lời buồn thánh”, em tin người nghe sẽ thấy lạ và thấy phần âm nhạc “Hạ huyền” rất đẹp. Âm nhạc của “Hạ huyền” đẹp, chính vì sự rung động bởi những khuôn hình đẹp trong ca từ TCS.
- Một điểm rất hay là Giang Trang hay khai thác những ca khúc ít được nghe của TCS, nếu không muốn nói là một số bài còn hoàn toàn mới lạ. Em có thể cho biết thêm là em có chủ ý khi làm điều đó, hay đơn thuần chỉ là sự ngẫu nhiên?
- Ở “Hạ huyền”, em không chọn bài hát một cách vô tình, mà chọn rất kỹ để muốn liên kết cảm giác trong ca từ của các bài hát lại với nhau thành một chuyện kể. Chuyện có một chút tinh thần hiện sinh.
Trong nhiều sáng tác của TCS, có một số bài lạ ít được hát vì hát lên thoạt nhiên cứ tưởng như là không có gì, giai điệu không có gì hấp dẫn, nhưng em thấy rằng em rất khâm phục tài năng chọn ca từ đã mang sẵn tính nhạc của TCS. Dường như từng từ một khi được tác giả lựa chọn để đưa vào ca khúc, để diễn tả một khuôn hình trong ca từ, thì ca từ đó đã chứa đựng sẵn một nốt nhạc.
Sự tối giản gần như đến tận cùng ở phần giai điệu có một sức quyến rũ lớn. Nét giai điệu của Trịnh Công Sơn đơn giản nhưng sang và không hề phù phiếm, cảnh vẻ. Vì vậy ngay từ đầu khi lên kịch bản cho CD, em và anh Nguyễn Văn Tuấn (người phối khí) đã thống nhất chọn guitar cổ điển, cello, flute là 3 phương tiện để biểu đạt một tinh thần cổ điển cho nét giai điệu TCS.
Cái mới lạ ở phần nhạc là kết quả của tư duy hòa âm cổ điển mà không gò bó chặt chẽ theo lối hòa âm cổ điển, và cũng không phải là lối hòa âm của phương tây, mà vẫn cần biểu đạt được một tinh thần mang âm hưởng châu Á, lẫn đôi chút màu sắc dân gian.
Miệt mài với nghệ thuật
- Có sự liên kết nào trong những bài hát này?
- Những ca khúc được chọn có sự liên kết trong một mạch kể giàu chất tự sự, đối diện với đời sống nội tâm trong một kiếp người. Cũng như “Lênh đênh nhớ phố”, em vẫn luôn viện tới âm nhạc và ca từ của Trịnh Công Sơn để kể một câu chuyện về đời sống bây giờ, và nói ra những trăn trở của thế hệ này.
Để tìm ra được bài hát không khó, trong gia tài hàng trăm bài hát của Trịnh Công Sơn, chỉ có cái khó nhất là làm sao biểu đạt được đúng một không khí âm nhạc mình mong muốn, và tìm được sự đồng cảm ở khán giả.
Nghệ thuật là phải thật, là không phải ánh trăng lừa lối. Nghệ thuật là phương tiện để chia sẻ một góc nhìn về đời sống. Những bài hát trong “Hạ huyền” đã gợi ra một cảm giác “thật đến tận cùng” về một đời sống nội tâm con người.
“Hạ huyền” gồm các ca khúc nói về một câu chuyện suy tư, bắt đầu từ dấu hiệu của hoài niệm, hoang vắng (“Người về bỗng nhớ”), của cái lạnh giá co quắp, lạc lõng (“Phúc âm buồn”, “Lời buồn thánh”, “Xa dấu mặt trời”) giữa những suy tư giằng xé về thân phận của một con người trong thời tao loạn.
Ngoài những nỗi buồn của bối cảnh đời sống thì nỗi buồn rất con người chính là nỗi buồn của sự mất mát trong tình yêu. “Hạ huyền” gợi ra một sự hoài nhớ về tình yêu với quan điểm hạnh phúc là những lần thoáng có, những khoảnh khắc trong đời. Có khi đi qua mất rồi, chỉ còn lại là một điều giấu kín mà không biết phải gọi tên là gì (“Một lần thoáng có”), hay là phai tàn ngay cả lúc vội vàng yêu (“Chiếc lá thu phai”).
Nhưng sau cùng, vẫn là con mắt nhìn hướng tới niềm hy vọng. Giữa một khoảng lặng tưởng chừng đã quá hoang vắng của ca từ, các âm thanh nhạc cụ đôi lúc lại len lỏi nổi lên thúc giục một tinh thần yêu thương nhau rộng lòng để vui sống, vì cuộc đời vốn ngắn ngủi (“Cuối cùng cho một tình yêu”, “Tiếng hát dạ lan”).
Nếu không gian “Hạ huyền” gợi mở được một nỗi hoài nhớ về câu chuyện thân phận con người trong bối cảnh cũ, trong một chặng đường day dứt của lịch sử thì đó là điều may mắn. Trên thực tế, dù là cảm giác gì, câu chuyện gì thì “Hạ huyền” hướng tới một ý định thử diễn giải những khuôn hình, những mẩu chuyện bâng quơ đầy gợi cảm luôn sẵn có trong ca từ Trịnh Công Sơn sang phần hòa âm phối khí.
- Chị rất ấn tượng với bài “Vết lăn trầm”, em có thể cho biết thêm về ca khúc này không?
- (Suy tư) “Vết lăn trầm” là một bài hát em rất thích trong “Hạ huyền”. Đây cũng là bài đầu tiên được anh Nguyễn Văn Tuấn phối khí khi bắt đầu dự án. Hai anh em đã gọi đùa đây là bài “lăn”. Làm sao để diễn tả cái trạng thái “lăn” mà lại phải là “lăn trầm” qua âm nhạc?
Diễn tả trạng thái đấy là tìm đến với một cảm xúc hơi có phần mất phương hướng. Lúc buồn vì lăn, lúc lăn mà gặp vật cản không được trôi đi trong cái sự lăn (buông xuôi) ấy thì cũng có tí chút bực tức, ức chế, thậm chí hơi cục cằn. Căn bản vẫn là một cảm giác buồn, hoang vu và không xác định được phương hướng. Như sự lặp lại lời kể của ca từ: “Đá lăn vết lăn buồn”, “Đá lăn vết lăn trầm”.
- Được biết quá trình tập luyện không đơn giản chút nào, em có thể chia sẻ một vài trải nghiệm và kỷ niệm của em với độc giả?
- Âm nhạc của “Hạ huyền” tương đối khó hòa mình vào cùng. Vì tiếng hát có những lúc bị đứng trơ trọi, và phải làm nhiệm vụ như một thứ âm thanh độc lập, không có sự nâng đỡ bao bọc từ các nhạc cụ. Ở một số đoạn, cao độ của giọng hát và cao độ của nhạc cụ hòa vào nhau tạo thành một hòa âm hoàn chỉnh.
Tư duy phối khí của anh Tuấn rất “khù khoằm” và lạ. Nó không đi theo những lối hòa âm dễ dãi thông thường, mà nó đòi hỏi giọng hát với nhạc cụ cần làm tốt vai trò của riêng mình một cách độc lập. Ví dụ có bài dạo nhạc ở một giọng, nhưng hát lại bắt vào một giọng khác, có đoạn hát gặp nhạc cụ, có đoạn hát như đi song hành cùng nhạc cụ, có đoạn như là không liên quan gì mấy đến nhau. Vì bản chất là nói chuyện cùng nhau, nên diễn biến của câu chuyện phối khí tương đối “phức tạp”. Điều đó khiến cho người hát cần một sự tập trung cao hơn và một thái độ cầu thị hơn trong việc lắng nghe âm thanh của các nhạc cụ.
Trong đời thường
Phần âm nhạc cũng tạo ra nhiều nút thắt mở, có kịch tính, và có nhiều điều “lạ” so với tư duy phối khí ca khúc thông thường. Tất cả những cái khó đó đòi hỏi một sự cố gắng nhiều hơn của từng thành viên trong nhóm nhạc, mà vai trò của người hát hay người chơi nhạc cụ đều quan trọng như nhau.
Phải nói phần âm nhạc “Hạ huyền” rất quyến rũ em, nên lúc đầu khi vỡ bài, em thường xuyên quên mất mình phải vào hát ở đoạn nào. Có lúc cứ ngồi ngây ra nghe… nhạc và đắm chìm trong đó. Em có cảm giác bị ám ảnh về phần âm nhạc của “Hạ huyền” đến mức chỉ khi đã nhớ và thuộc từng câu nhạc của từng nhạc cụ thì mới thấy tự tin hơn khi cất giọng nói chuyện cùng.
Nói chung, hát vừa phải tiết chế, kìm nén, không được tự do buông lơi cảm xúc, hát để trò chuyện cùng nhạc cụ, để cùng thống nhất đưa ra những điểm nhấn trong từng bài tạo ra không khí chung (mà có thể những điểm nhấn đó không thuộc về vị trí của giọng hát) là một việc vất vả, cần nhiều sự lắng nghe lẫn nhau.
- Sao lại là “Hạ huyền” mà không là một cái tên khác?
- Phần âm nhạc anh Nguyễn Anh Tuấn soạn ra lần này gợi cho em một cảm giác về hình ảnh Mặt trăng lúc bóng ngả. Có nét gì đó rất Á Đông trong phần hòa âm phối khí. Và cảm giác chung là giống như đi trong một không gian “dạ lan” trước lúc “bóng ngả trăng tàn” với nhiều chiều suy tư. Có một chút bức bối, u ám, nhưng vẫn nhen nhóm lên nhiều niềm hy vọng.
Nó gợi đến hình ảnh mặt trăng đã đi qua thời điểm tròn trịa nhất của mình, đang nhỏ dần đi, thưa mất dần đi cái ngời sáng của trăng tròn, mỗi lúc một huyền hoặc hơn rồi biến mất, để lại hy vọng bắt đầu một thời kỳ “trăng mới”. Giống như đi trong một khoảng tối, đầy tự sự, chiêm nghiệm và luôn muốn hướng về những vùng sáng của cuộc đời.
- Và thật kỳ lạ như có sự sắp đặt, đêm nhạc “Hạ huyền” lại chính là đêm 30, thật hợp với cái tên của nó.
- (Cười) Thú thực nói ra có lẽ chẳng ai tin, vì khi đổi tên chương trình lại là “Hạ huyền” – em không biết 12-12-2012 mà “L’Espace” ấn định tình cờ cũng đúng là đêm “Hạ huyền”. Điều này làm em cảm thấy thú vị. Về cơ bản em không tin vào những điều kỳ diệu của cuộc sống, nếu có thì những thứ tình cờ nho nhỏ này đã là những điều “kỳ diệu” đầy đáng yêu rồi!
- Rất cảm ơn em đã dành chút ít thời gian cho độc giả NCTG, giờ xin trả lại em với phần tập luyện và những tất bật chuẩn bị cho đêm diễn. Chúc em và ban nhạc có một đêm diễn thành công trên mong đợi!
(1), (2), (3): Bài viết của Dino Trung về album “Hạ huyền”, đăng trên trang Facebook cá nhân của tác giả.