Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Giới thiệu sách: LỠ TAY CHẠM NGỰC CON GÁI

(NCTG) “Mối tình đầu làm ta trưởng thành, kể cả trưởng thành từ ngay trong nỗi đau. Điều tuyệt vời nhất là bạn cứ nghĩ đôi tình nhân sẽ ngay lập tức làm tình, chỉ ngay sau trang này thôi, và chờ mãi…”.

Bìa sách “Lỡ tay chạm ngực con gái”


Đó là một đoạn trong lời giới thiệu cuốn sách dịch “Lỡ tay chạm ngực con gái” (Công ty sách Đinh Tị và NXB Văn Học ấn hành, ra mắt ngày 4-11-2009), đăng trên blog của nhà văn, dịch giả Trang Hạ.

Tựa đề sách có lẽ không lạ đối với độc giả thanh niên, nhất là giới “công dân mạng”, blogger, đã biết đến và theo dõi các tác phẩm dịch của Trang Hạ từ nhiều năm nay.

Bởi lẽ, trước đi được in thành sách, “Lỡ tay chạm ngực con gái” đã được đăng tải từ 3 năm nay trên blog của Trang Hạ với 25 triệu lượt đọc, và là đề tài của nhiều cuộc tranh luận với rất nhiều ý kiến khen, chê khác nhau.

Vốn là một câu chuyện mang hơi hướng chia sẻ kinh nghiệm tính dục được tác giả Oni - một sinh viên đang trước ngưỡng năm thứ tư đại học, ở vào thời điểm mùa hè 2006 - post trên mạng nội bộ PTT của Đại học Đạm Giang (Đài Loan), nhưng sau khi ra mắt, bài viết đã nhận được rất nhiều phản hồi của người đọc, muốn biết những gì đã xảy ra sao lần “lỡ tay” định mệnh ấy.

Cuối cùng, chiều ý bạn đọc, tác giả đã phát triển kỷ niệm của mình thành một câu chuyện không chỉ hấp dẫn bởi những nét đời thường và ám ảnh tính dục trong mọi hình thức biểu đạt, mà còn mang đậm giá trị nhân văn khiến người đọc phải suy ngẫm về những khái niệm tưởng chừng đã hiểu rõ, nằm lòng, như sex, mà thực ra, vẫn chất chứa những sắc màu bất ngờ khác.

Là một trường hợp điển hình của văn học mạng, khi được viết online và mức độ tương tác giữa tác phẩm và độc giả rất mạnh mẽ, khiến tác phẩm có thể coi là một sản phẩm chung giữa người viết và bạn đọc, “Lỡ tay chạm ngực con gái” với bản dịch của Trang Hạ, đẹp, thanh thoát và nhuần nhị, cũng đã tạo nên một cơn sốt trên các diễn đàn mạng tại Việt Nam.

Nhưng có lẽ, như lời giới thiệu tác phẩm, sở dĩ câu chuyện đọng lại được trong lòng người đọc không chỉ bởi bản dịch hay, đề tài hấp dẫn vì có dính tới yếu tố tính dục, mà chính là vì thông điệp của mối tình đầu với những giá trị đích thực và trong trắng: “Cũng như mối tình đầu, thời gian không bao giờ quay trở lại trả ta những gì ta yêu. Thế nhưng thời gian cho ta sự trải nghiệm về tình yêu thương, thù hận, về rung cảm cả thể xác lẫn tâm hồn”.

Và một trong những giá trị trong trẻo và thiêng liêng của mối tình đầu ấy, có thể bất ngờ đối với không ít người, lại là việc phải nói lời cám ơn với sex, để sex không đơn thuần là sự đụng chạm thể xác: “Cho đến lúc, cậu thật sự không dám chạm vào người con gái đang nằm trên giường, trước mặt cậu, thì đó chính là giây phút cậu đã thực sự nhận ra tình yêu của một người đàn ông trưởng thành thực thụ là gì”.

Và chỉ đến lúc ấy, khi đã học và thấu hiểu cách yêu thương, con người mới có thể nói rằng, “yêu nghĩa là không bao giờ phải nói hối tiếc” (Love means never having to say you're sorry).

*

Từ một bản dịch rất thu hút sự quan tâm trên các blog và diễn đàn Liên mạng đến cuốn sách độc giả có thể cầm trên tay, “Lỡ tay chạm ngực con gái” và Trang Hạ đã phải qua một chặng đường dài và không ít gian nan.


Nhà văn, dịch giả Trang Hạ và con trai 1 tuổi


Như chính lời chị kể, khi xin giấy phép xuất bản, BTV NXB Văn Học đã “lắc đầu quầy quậy”, “đuổi khéo” (có lẽ vì “dị ứng” trước cái tựa đề khiêu khích?): “Chúng tôi không xuất bản những sách bậy bạ!” Nhưng đọc xong bản thảo, họ đã đồng ý cấp phép ngay để bản dịch được ra mắt.

Là một cây bút có tâm và có những nỗ lực cho sự trong sạch hóa của xã hội Việt Nam, cái tên Trang Hạ - một trong những thần tượng của giới trẻ - kể từ biến cố tháng 12-2007, cũng dường như trở nên cấm kỵ với nhiều tờ báo ở Việt Nam. “Lỡ tay chạm ngực con gái”, khi đã “ra lò”, cũng tuyệt nhiên không được báo chí nhắc đến.

Cho dù, biết đâu, đọc một cuốn sách tưởng chừng thuần túy về tình yêu như “Lỡ tay chạm ngực con gái”, độc giả cũng có thể rút ra cho mình một cách ứng xử trưởng thành giữa người với người, kể cả khi xử lý những dị biệt với sự cảm thông và tinh thần thương yêu?

Tác giả bài viết: NCTG