Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Giới thiệu sách: "BÓNG - TỰ TRUYỆN CỦA MỘT NGƯỜI ĐỒNG TÍNH"

Lời giới thiệu: Cách đánh giá, nhìn nhận về "thế giới thứ ba" - thế giới của những người đồng tính (ĐT) - ở Việt Nam và thế giới đã có một chuyển biến dài trong thế kỷ qua.

Tranh: Landscape with Butterflies (Salvador Dalí)

Từ một nhóm người bị kỳ thị, bị coi là có nếp sống đồi bại, vô đạo đức, đáng lên án (thậm chí ở nhiều nước họ còn bị tù đày, cải tạo, bị phát-xít Đức đưa vào Lò thiêu người), từ đầu thập niên 70 thế kỷ trước, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA) - hội tâm thần học lâu đời, lớn và uy tín bậc nhất thế giới - đã loại đồng tính luyến ái (ĐTLÁ) ra khỏi Danh sách các Triệu chứng và Bệnh rối loạn Tâm thần.

Gần 20 năm sau, vào năm 1973, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nêu ra quan điểm tương tự khi loại "bệnh" ĐTLÁ khỏi Danh sách Phân loại các Chứng bệnh trên Thế giới. Nhất là, sau những nghiên cứu sau đó, cho thấy ngoài yếu tố văn hóa và trải nghiệm tính dục thì di truyền (gene) - với tư cách một quy định sinh học nơi người ĐT - là một tác nhân rất đáng kể, thì có thể thống nhất rằng ĐTLÁ hoàn toàn không phải là một căn bệnh về tâm, sinh lý, mà cũng không phải là sự "bệnh hoạn" trên khía cạnh đạo đức xã hội.

Tại đa số các quốc gia Phương Tây, trên thực tế, nhóm người ĐT ngày càng được tôn trọng và đối xử bình đẳng hơn trên các phương diện chính trị, xã hội và pháp lý. Trên thế giới, những ngày hội thường niên của người ĐT, được tổ chức rầm rộ với sự tham gia và hưởng ứng của đông đảo các giai tầng trong xã hội, cho thấy tương lai sẽ được đặt trên sự cảm thông với một nhóm, một khuynh hướng "thiểu số", nhưng có quyền được tồn tại bình đẳng như khuynh hướng "truyền thống" mà chúng ta đã quen thuộc. Cạnh đó, việc càng ngày càng có nhiều nhân vật quan trọng (VIP) công khai thừa nhận mình là người đồng tính cũng có tác động thúc đẩy sự bình thường hóa khái niệm ĐTLÁ và sự hiện diện của người ĐT trong xã hội.

Bìa cuốn sách

Tuy nhiên, để đạt được sự đồng cảm như mong muốn, xã hội còn phải có thời gian, phải để tâm và có sự hiểu biết nhiều hơn nữa về thế giới của những người ĐT, với những tình cảm, hoài bão, những sự cống hiến không kém, và không khác gì, các nhóm người khác trong xã hội. Trên phương diện ấy, sự ra đời của "Bóng - Tự truyện của một người đồng tính" - do NXB Văn học cùng Công ty cổ phần sách Giao Điểm - DOMINO phối hợp phát hành vào đầu tháng 8-2008 - là một nỗ lực có ích và đáng hoan nghênh.

Được chấp bút bởi hai nhà báo Hoàng Nguyên và Đoan Trang, cuốn tự truyện này là kết quả những tháng ngày gần gũi, tiếp xúc với giới ĐT của các tác giả, để nhìn nhận một cách xác thực về thế giới những con người phải trải qua bao thử thách, bao trăn trở, bao định kiến, với mơ ước được sống với con người thật của mình. Ngoài ra, như nhận xét của báo "Tiền Phong", qua sách, "người đọc có thể thấu hiểu những góc khuất trong cuộc sống và nội tâm của giới đồng tính - hòa trong nhịp sống của Hà Thành với những chi tiết sinh hoạt phong phú".

Được sự cho phép của các tác giả, NCTG xin đăng tải đoạn mở đầu và trân trọng giới thiệu cuốn sách, với mong muốn đưa đến cho độc giả cái nhìn xác tín và thể tất hơn, khoan dung và chấp nhận hơn, về một nhóm người cùng sống trong xã hội chúng ta. (Độc giả tại Hungary có thể đặt mua sách qua NCTG).

LỜI TÁC GIẢ

Tôi gặp Dũng lần đầu tiên vào một ngày mưa xuân của năm 2007.

Chúng tôi ngồi ở hai bàn kề gần nhau trong một quán café nhỏ nơi phố cổ Hà Nội. Bạn tôi lén chỉ Dũng cho tôi: “Thấy nhân vật kia không? Pêđê đấy”. Tôi nhìn theo hướng tay bạn để thấy một người đàn ông cao to, da ngăm ngăm, lưỡng quyền nhô cao, mặt xương xẩu. Anh ta mặc áo khoác đen, đi giày thể thao rất khỏe. Không có biểu hiện gì của một người mà chúng ta vẫn hay gọi là “gay” hay “pêđê”. “Sao ông biết đấy là pêđê?” – tôi hỏi. “Thì ở chợ Hàng Bè ai chẳng biết Dũng gái. Gay chính hiệu. Người cực kỳ nổi tiếng trong giới đấy”.

Đó cũng vừa là lúc Dũng nhận ra bạn tôi, hai người vẫy tay cười chào nhau, vài câu thăm hỏi rồi chúng tôi kéo ghế sang bàn anh nhập hội. Tôi cố tránh để không nhìn trộm Dũng khi anh nói chuyện. Tôi cố kìm giữ sự tò mò muốn biết gay là người như thế nào, cái tâm lý rất đỗi bình thường ở những người chưa một lần tiếp xúc với cả một giới khác - thế giới thứ ba. Tóc rễ tre, da đen, khuôn mặt góc cạnh, giọng nói trầm đục, anh hoàn toàn không giống với hình dung của tôi về gay. Điểm duy nhất có thể khác những người đàn ông khác về ngoại hình là chiếc nhẫn cực to màu vàng chóe gắn vào ngón áp út. Đàn ông chắc ít ai đeo nhẫn lớn như vậy. Về điệu bộ, anh có kiểu ngồi thẳng lưng, ngực ưỡn ra sau làn áo sơmi bó sát, hai bàn tay thỉnh thoảng lại đan vào nhau một cách điệu đà. Cũng ít đàn ông có những cử chỉ như thế.

Dũng là người hay chuyện. Dù hiếm khi gặp bạn tôi, còn tiếp xúc với tôi thì mới lần đầu, nhưng anh vẫn nói đủ thứ trên trời dưới bể với một vẻ nồng nhiệt và cởi mở chỉ có ở những người khá quảng giao và hiểu biết. Anh đặc biệt có khiếu sử dụng từ ngữ để thu hút sự chú ý và tạo cảm xúc ở người đối diện. Nổi lên trên tất cả là óc hài hước, trào lộng đến mức độ hơi ngoa ngoắt; anh làm chúng tôi cười đứt hơi cả buổi:

- Hôm trước vừa gặp mấy chú tiểu. Khiếp quá khiếp quá, các chú mê tốc độ, bốc quá cơ, phi xe máy trên Đường 5 bay cả mũ!

- Bóng đá à? Không, không xem đâu, ghét lắm, hiểu gì mà xem. Con gái ai xem bóng đá, nhỉ? - Vừa nói anh vừa đặt tay lên ngực, lắc lắc đầu cười ngượng nghịu. Dũng không bao giờ xem bóng đá thật.

Bạn tôi có vẻ đọc được sự tò mò của tôi, nên trong câu chuyện, bạn hay tìm cách hướng Dũng nói về chủ đề mà tôi đang sợ nhạy cảm: đồng tính luyến ái và thế giới của người đồng tính.

Dũng không tỏ ra ngại ngần hoặc khó chịu như tôi tưởng, anh rung đùi nói chuyện cả buổi, ngôn từ cực kỳ phong phú, hài hước: “Anh hả? Anh mới lộ diện được mấy năm nay chứ mấy. Đại đa số dân đồng tính là phải giấu giếm, trừ 10% bóng lộ. Bóng lộ thì tức là ván bài lật ngửa rồi còn gì nữa”. “Bóng lộ nghĩa là sao á? Em có để ý mấy người đàn ông vai rộng thân cao mà lại hay phấn son trang điểm, với độn ngực để có đồi thông hai mộ không? Đấy, bóng lộ đấy. Còn như anh là bóng kín”… Chúng tôi cười rũ rượi.

Thỉnh thoảng bạn tôi lại nháy mắt, gọi anh là dì Dũng. Anh cười khanh khách, chẳng hề phật ý. Tôi không còn thấy anh như thuộc về một nhóm người xa lạ, khác biệt với cộng đồng, dễ bị tổn thương và khó gần nữa. Anh là người bình thường ở một tầng lớp xã hội bình thường. Anh không tự ti về bản thân, nhưng cũng chẳng gồng mình lên tự tin, tự hào, hay mè nheo đòi quyền lợi cho dân đồng tính. Có lẽ cách đúng nhất, phải nói rằng anh sống thoải mái với bản chất của mình.

Dũng cuốn hút người đối diện như vậy đấy. Hay có thể gọi đó là một quá trình “thu phục nhân tâm” cũng được. Anh đưa tôi từ tâm lý ban đầu là sờ sợ, ghê ghê, đến sự tò mò, rồi thấy thú vị. Và rồi tôi nảy sinh ý định viết một cái gì đó về Dũng…

Copyright © 2007 by DOMINO