Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Giải Nobel Văn chương 2015: “PUTIN ĐANG NGỰ TRONG MỖI NGƯỜI NGA HÔM NAY”

(NCTG) “Trên Internet tôi thấy một đoạn video tài liệu: người ta vận chuyển trên đất Ukraine các thùng đông lạnh khổng lồ đựng xác những người lính và sĩ quan Ukraine. Biết bao hòm lạnh di động đó đi về các làng dọc đất nước Ukraine, người dân quỳ xuống bên đường khi xe đi qua. Khi tôi nhìn thấy những cảnh này, tôi hiểu rằng dân tộc này không thể bị bẻ gục”.
Svetlana Alexievich, Nobel Văn chương 2015
Lời giới thiệu: Nữ văn sĩ người Belarus Svetlana Alexievich sinh năm 1948 tại Invano-Frankovsk, miền Tây Ukraine trong một gia đình giáo viên, mẹ người Ukraine, cha người Belarus. Bà trưởng thành tại Belarus, học báo chí tại Đại học Tổng hợp Minsk và khởi nghiệp viết văn khi gần ba mươi tuổi. Những số phận con người và dân tộc Belarus đau thương chìm toàn phần trong lửa đạn Thế chiến thứ Hai đã lay động tâm hồn bà.

Svetlana Alexievich là một phụ nữ dung dị như bao người phụ nữ thời Xô-viết mà chúng ta có thể gặp ở các nước Cộng hòa Liên Xô (cũ). Bà lặng lẽ thu nhặt những mảnh vỡ tâm hồn Nga - Xô-viết sau những cuộc chiến tranh. Gọi các tác phẩm của bà là “bộ bách khoa về thời kỳ Xô-viết” cũng không hề quá: “Từ lâu tôi đã tìm kiếm một thể loại đáp ứng được cách tôi nhìn thế giới. Cách mà mắt tôi, tai tôi được cấu tạo… Tôi đã thử sức mình… Và tôi đã lựa chọn thể loại của những giọng nói con người… Các cuốn sách của mình tôi nhìn thấy và nghe thấy trên đường phố”.

Năm tác phẩm lớn của Svetlana Alexievich - “Chiến tranh không mang khuôn mặt đàn bà” (У войны не женское лицо), “Những nhân chứng sau cùng: 100 câu chuyện không trẻ thơ” (Последние свидетели. 100 недетских колыбельных), “Những cậu bé quan tài kẽm” (Цинковые мальчики), “Lời nguyện cầu Chernobyl” (Чернобыльская молитва) và “Một thời quá khứ” (Время секонд хэнд) - là những tiểu thuyết được viết bằng nghệ thuật tiếng nói nhân vật, con đường kết nối cái nội tâm với sự thật. Sự thật của những số phận không được các nhà viết sử chính thống để tâm đến.

“Năm cuốn sách kể về việc người ta đã giết người và bị người giết ra sao, đã xây dựng và tin tưởng vào sự Không Tưởng Vĩ Đại thế nào, về việc cuộc sống con người của chúng ta luôn bị cào bằng với một cái gì đó - tư tưởng, nhà nước, tương lai. Chúng ta sống trong các chiến hào, trên các chiến lũy, tại các công trường xây dựng chủ nghĩa xã hội” - nhà văn thổ lộ.

Giải thích về việc sao là phụ nữ mà lại toàn viết về chiến tranh, bà nói: “Bởi vì chúng ta không có một lịch sử khác, toàn bộ lịch sử của chúng ta là lịch sử chiến tranh. Chúng ta hoặc là đánh nhau hoặc là chuẩn bị chiến tranh. Chưa bao giờ chúng ta sống khác thế cả”.

Có thể gọi Svetlana Alexievich là người phụ nữ nhỏ bé với ngòi bút chống lại cường quyền trong một đất nước “hỗn hợp mafia và Xô-viết”. Đặt trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine hiện tại, những điều bà viết về chiến tranh liên quan chính đến nước Nga ngày hôm qua, hôm nay. Là người Belarus, bà thoát gọng kìm kiểm duyệt của chính quyền Nga. Là người viết tiếng Nga, các tác phẩm của bà dễ dàng vọng đến độc giả thuộc các nước cộng hòa Liên Xô (cũ) và nói tiếng Nga trên thế giới, thức tỉnh con người Xô-viết cũ sự thật về mình để đi tới tương lai.

Tính đến năm 2015, Svetlana Alexievich đã nhận được nhiều giải văn học danh giá, sách của bà được phát hành tại 19 quốc gia trên thế giới. Năm 2013, sau Giải Hòa bình của ngành kinh doanh sách Đức, bà được giải Médicis về tiểu luận ở Pháp cho tác phẩm “Thời second-hand. Kết thúc con người đỏ”, được tập san “Lire” bầu là “cuốn sách hay nhất trong năm”.

Ngày 8-10 vừa qua, sau nhiều lần được coi là ứng viên sáng giá, Svetlana Alexievich được trao tặng giải Nobel Văn chương cho những tác phẩm “mang đầy âm sắc, một tượng đài của nỗi đau và lòng dũng cảm trong thời đại của chúng ta”. Bà là nhà văn Belarus đầu tiên, cũng như, là nhà báo điều tra đầu tiên trong lịch sử giải thưởng văn học cao quý này.

Sau đây là nội dung cuộc trả lời phỏng vấn charter97.org ngày 13-5-2015 tại Warszawa (Ba Lan) nhân dịp nhà văn giới thiệu tác phẩm “Một thời quá khứ”, thay cho lời giới thiệu cuốn sách. Bản dịch Việt ngữ do Hoàng Thị Vinh thực hiện từ nguyên bản tiếng Nga.
 
Svetlana Alexievich tới cuộc họp báo tại thủ đô Minsk (Belarus) sau khi tin bà được trao giải Nobel Văn chương 2015 được công bố - Ảnh: EPA
Svetlana Alexievich tới cuộc họp báo tại thủ đô Minsk (Belarus) sau khi tin bà được trao giải Nobel Văn chương 2015 được công bố - Ảnh: EPA

Về cuộc chiến Nga chống Ukraine

- Làm sao có thể tưới đẫm máu một đất nước, có thể cướp Crimea và nói chung, có thể phá tàn thế giới sau chiến tranh còn mỏng manh này? Không thể nào biện minh cho được.

Tôi vừa đến Kiev và tôi đã rất ấn tượng với những con người tôi thấy ở đó. Người dân muốn một cuộc sống mới, và họ đang hướng đến cuộc sống mới đó. Và họ sẽ chiến đấu để có cuộc sống đó.

Hàng trăm xe tăng của Nga tiến vào Donbass - không phải câu chuyện nói suông, mà đó là việc gây hiềm khích các dân tộc anh em, đó cái chết cho một chính trị gia.

Không thắng nổi dân tộc Ukraine!

- Những người hôm nay bênh vực lực lượng ly khai ở Donbass cần phải nghe thấu những người lính Ukraine bị những kẻ đang được gọi là lực lượng nổi dậy, và chính xác là những người lính hợp đồng Nga, bắt giữ làm tù binh đã kể những gì. Họ đã bị chế giễu thế nào!

Những người Nga thiệt mạng được chở về quê thế nào? Người ta bí mật, kín đáo chôn họ như chôn bọn tội phạm. Cũng thời gian đó, trên Internet, tôi thấy một đoạn video tài liệu: người ta vận chuyển trên đất Ukraine các thùng đông lạnh khổng lồ đựng xác những người lính và sĩ quan Ukraine.

Biết bao hòm lạnh di động đó đi về các làng dọc đất nước Ukraine, người dân quỳ xuống bên đường khi xe đi qua. Khi tôi nhìn thấy những cảnh này, tôi hiểu rằng dân tộc này không thể bị bẻ gục.

Putin là một tay KGB

- Putin không phải là một chính trị gia. Putin là một tay KGB. Và những gì ông ta làm là những cái việc khiêu khích xúi giục mà KGB vẫn làm. Không khó khăn để tìm ra các yếu tố đó trong mỗi một đất nước.

Và ngay hôm nay đấy, Putin thử gửi ngay 100 xe tăng cùng với lính hợp đồng sang Belarus, và các hợp đồng, chuyện gì sẽ đến với đất nước hòa bình, yên ả này đây? Sẽ là một số người muốn sang Nga, một số muốn sang Ba Lan, và lại sẽ đổ máu.

Tại sao những người mẹ Nga im lặng?

- Tôi nghĩ rằng có một quan niệm sai lầm rằng người Nga hoặc Belarus sợ nói ra. Anh ta có thể sợ nói theo một mức độ tuyên truyền nào đó. Mặc dù những ngày này, ví dụ, bản thân tôi, rất kinh ngạc việc các bà mẹ Nga có con trai đã thiệt mạng ở Ukraine sợ nói cho các nhà báo về việc đó.

Tôi hỏi một bà mẹ: “Tại sao bà không nói ra, con trai của bà đã chết cơ mà?”. Và bà ấy nói: “Thế thì người ta sẽ không trả tôi một triệu đồng, với số tiền một triệu này tôi muốn mua cho con gái một căn hộ!”.

Thời gian mà tôi viết cuốn sách về cuộc chiến Afghanistan mang tựa đề “Những cậu bé quan tài kẽm”, mọi người đã trung thực hơn, các bà mẹ đã biết kêu la, gào khóc.

Không thể coi đây là một nỗi sợ hãi thuần túy - có nhiều thứ pha trộn trong đó. Mọi người thất vọng trong hai mươi năm đã trôi qua kể từ khi Liên bang Xô-viết sụp đổ. Đó là chúng ta, tầng lớp ưu tú hơn trong xã hội, muốn “cải tổ”, còn người dân đã im lặng.

Và bây giờ, khi Putin lên tiếng bằng ngôn ngữ của họ, thì thay vì chọn tương lai, họ đã chọn quá khứ. Cái này chính là phát hiện khủng khiếp nhất trong những năm gần đây.

Tất nhiên, truyền hình Nga đang biến tướng. Những gì ngày hôm nay nhà báo truyền thông Nga nói ư - chúng ta chỉ có cách là lên án. Tất tật những gì họ nói về Châu Âu, về Donbass, về người Ukraine...

Nhưng vấn đề đặt ra không phải việc họ nói gì, mà là vấn đề ở chỗ dân muốn nghe những thứ họ nói. Hôm nay chúng ta có thể nói về một ông Putin tập thể, vì Putin đang ngự trong mỗi người Nga. Chúng ta đang phải đối mặt với thực tế là Đế chế Đỏ đã qua rồi, nhưng Con người Đỏ đang ở lại.
 
Chúng tôi sống chung với cả những nạn nhân và tội đồ

- Điều kinh sợ là thay vì nói chuyện với nhau thì con người lại bắn nhau. Nhưng tôi sẽ không nói rằng cái đó chỉ xảy ra với dân Nga. Trong quá khứ, thế kỷ 20, chúng ta đã thấy những điểu xảy ra ở Nam Tư, Transnistria, Afghanistan. Chất thú trong con người đã trỗi dậy nhanh quá.

Tôi từng có mặt tại cuộc chiến ở Afghanistan. Tôi không được ra đến chiến trận, nhưng tôi đã thấy ánh mắt của những người lính trở về sau trận đánh nó như thế nào. Những chàng trai trẻ này cần phải có một thời gian nhất định mới có thể trở lại bình thường. Tôi thậm chí có thể nói khuôn mặt của họ đã biến dạng, điên dại.

Thế kỷ 21 một lần nữa lại bắt đầu với máu, và văn học nên viết về việc cần phải “giết” các ý đồ, chúng ta phải tranh luận, chứ không được giết người. Cần phải bảo vệ thế giới mong manh này, một thế giới mới đứng dậy sau chiến tranh.

Chúng ta đang đối phó với anh người Nga trong suốt chiều dài hai trăm năm qua thì 150 năm lo đánh đấm. Và chưa bao giờ có cuộc sống đàng hoàng. Cuộc sống con người không nghĩa lý gì với anh ta, và khái niệm sự vĩ đại của anh ta không nằm trong việc con người được sống tốt, mà nằm ở chỗ quốc gia cần to lớn và phủ phê thật nhiều tên lửa.

Trong không gian hậu Liên Xô rộng lớn này, đặc biệt là tại Nga và Belarus, nơi mà người dân đã bị lừa dối trước hết là bảy mươi năm, sau đó bị cướp bóc hai chục năm, đã hình thành những kẻ hung hăng và nguy hiểm cho mọi người trên thế giới.

Bất cứ ai đã từng sống ở đất nước Liên Xô, có thể xác nhận rằng chúng tôi đã sống chung các nạn nhân và đao phủ. Ví dụ, tại ngôi làng tôi sống, mọi người đều biết anh này từng là một cảnh sát (cho quân Đức - ND) trong chiến tranh, anh kia thời Gulag đã bán đứng người khác.

Chúng tôi luôn luôn phải sống giữa những người như vậy. Mà con người ở giữa lằn ranh như vậy có thể trở thành vừa là nạn nhân vừa là kẻ tội đồ.

Không có cái ác tuyệt đối

- Trong cuốn sách của tôi có một câu chuyện rúng động, đó là khi có một người nói “Không có cái ác tuyệt đối”. Khi còn trẻ, ông ta đã đem lòng yêu người dì tên là Olya - người đàn bà có giọng nói ngây thơ, có mái tóc dài... Rồi bỗng xảy ra “cải tổ”, người ta bắt đầu nói ra những cái họ đã im lặng.

Và ông này biết được dì Olya năm 1937 đã bán đứng người anh trai ruột của bà, người sau đó đã chết trong tù. Khi dì Olya bị ốm do ung thư, sắp chết, ôngg hỏi dì một câu hỏi đã không nguôi dày vò anh ta: “Tại sao cô phản bội anh trai cô?”.

Dì Olya nói: “Cố thử tìm ra một người trung thực thời Stalin xem. Không có một người nào trung thực hết”. Trước khi ra khỏi phòng, ông hỏi bà dì: “Cô nhớ được gì về năm 1937?”. Và bà dì ấy nói: “Đó là năm tốt nhất trong cuộc đời tôi, tôi đã được yêu, tôi yêu, tôi đã hạnh phúc”.

Các bạn thấy đấy, cái ác gieo bám, phân tán vào cuộc sống của chúng tôi chứ không phải từ dưới đất chui lên. Tại Auschwitz đã có hàng trăm lính bảo vệ, và bao nhiêu người Đức ủng hộ cái đó, đã có biết bao kẻ đem đến những cái ác nhỏ mọn tầm thường? Đó chính là vấn đề mấu chốt.

Và ngày hôm nay điều tương tự như thế đang lặp lại.

Chúng ta rất cần hiểu chúng ta đến từ đâu. Điều này sẽ giải thích rất nhiều về những gì đang xảy ra với chúng ta ngày hôm nay. Chung quy, đó không phải ảnh hưởng của Gulag hay chiến tranh. Chưa ai nói về chủ đề này một cách cởi mở.

Và hôm nay - việc đã lên đến mức trách nhiệm hình sự. Những gì Stalin nói chính là một phiên bản nay được tiếp tục đưa ra thành phiên bản chính.

Ví dụ, tại bảo tàng duy nhất về nạn nhân Gulag ở Perm (Nga) người ta sa thải hết toàn bộ nhân viên ở đó, và cho dựng lên một bảo tàng những người từng phục vụ ở Gulag. Có nghĩa là bây giờ không phải là bảo tàng tưởng nhớ nạn nhân nữa, mà là bảo tàng cho những kẻ tội đồ.

Tư tưởng chính đó của nhà nước nó như một dịch bệnh, lây lan ra khắp mọi người - tỉ dụ tràn lan tư tưởng là nước Nga vĩ đại, nước mà đã bị mất đi vào những năm 1990, và bây giờ cần phải khôi phục lại.

... Nhưng cuốn sách của tôi không phải là cuốn sách của sự vô vọng. Ở đây có sức mạnh con người.

Điều duy nhất tôi không thể tìm thấy câu trả lời cho một câu hỏi: tại sao những đau khổ của chúng tôi, đau khổ của ông, của cụ chúng tôi không được chuyển đổi thành tự do? Đây tất nhiên là một câu hỏi lớn.

Và cũng cùng thời đó, hơn 50 tù nhân trên quảng trường Bolotnaya tại Moscow bị giam cầm và giữ vững tinh thần kiên trinh. Hay nơi người ta giết hại Boris Nemtsov - đêm đến chính quyền đi gom thu hết hoa viếng, ngày hôm sau mọi người lại tiếp tục liên tục mang hoa đến.

Belarus là hỗn hợp của mafia và nhà nước Xô-viết

- Trong thời kỳ Xô-viết tôi từng phải đối mặt với sự kiểm duyệt. Sau đó, sau “cải tổ” mọi người trở nên táo bạo hơn. Có người đã bắt đầu viết thư cho tôi, gọi tôi, tôi đã quay trở về quê hương và in thêm sách.

Hiện nay bộ máy kiểm duyệt tại Belarus làm việc chậm chạp, luôn trong trạng thái lầy lội. Belarus là một nhà nước toàn trị từ đã lâu, ở Nga cái đó lại bắt đầu, may sao việc kiểm duyệt cũng đỡ hơn tình trạng kiểm duyệt toàn phần đang có ở Belarus.

Nhờ đó mà gần đây sách của tôi được xuất bản ở Nga, chứ không ở Belarus. Và cũng mới đây các bạn “đối lập” xuất bản cuốn sách này của tôi bằng tiếng Belarus, và rồi cũng chỉ có thể in ở Litva.

Ở Belarus chúng tôi bị kiểm duyệt chặt chẽ. Ngay trong hội trường hôm nay có một cựu ứng cử viên tổng thống Belarus là Andrei Sannikov, người vì tham gia tranh cử mà bị ngồi tù. Anh đã thử cố tìm mọi cách hiểu cơ chế độc tài toàn trị của Belarus ngày hôm nay là gì.

Đó là hỗn hợp của mafia và nhà nước Xô-viết. Loại cocktail này ngay cả khoa học lịch sử cũng không biết đặt tên và xác định nó thế nào.

Tôi là nhà văn Belarus

Bốn chục năm qua tôi đã nghiên cứu văn minh Xô-viết. Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa phát-xít là hai luồng tư tưởng của thế kỷ 20. Nó quá quỷ quái và xảo hoạt. Tôi đã luôn luôn tự hỏi tại sao có cái thời kỳ đui mù này trong xã hội, chẳng hạn như ở Nga hiện nay.

Tống đuổi tất cả những người cộng sản, tháo bỏ chân dung họ - là một chuyện, còn để loại bỏ nó ra khỏi tâm hồn con người - khó khăn hơn nhiều.

Mới đây, khi cha tôi qua đời, ông di chúc bày tỏ nguyện vọng cho chôn thẻ đảng cùng ông. Ông tin tưởng mạnh mẽ vào chủ nghĩa cộng sản. Tôi cố gắng hiểu, suy ngẫm: điều đó đã qua như nó đã xảy ra trên cả một không gian rộng lớn là 15 nước Cộng hòa Xô-viết cũ.

Tôi coi mình là nhà văn Belarus, nhưng với một ý thức cộng đồng chung Liên Xô. Là nhà văn Belarus, vì tôi sinh ra từ trạng huống này, vị trí địa lý này, lịch sử này, và đó là tất cả trong tôi.

Vâng, tôi viết bằng tiếng Nga. Ở một số nước, người sinh ở đất nước này viết tiếng nước kia - ví dụ, viết bằng tiếng Đức. Hoặc ở Ireland viết tiếng Anh. Tôi nghĩ rằng không cần phân định rạch ròi, nhất là trong xu thế thế giới ngày nay, ví dụ như việc chúng tôi ở Belarus coi mình là người Belarus hay người Nga.

Khi viết cuốn sách về Chernobyl, chính cuốn sách đã thay đổi thế giới quan trong tôi. Tôi hiểu ra rằng khi con người bắt đầu sợ nước, sợ đất, là khi tôi cảm thấy một sự gắn bó mật thiết với tất cả những gì có đời sống - với một con bướm, một con nhím... Chernobyl, chúng ta vẫn chưa nhận ra một điều, rằng chính nó đã ném tất cả chúng vào một quá trình sống hoàn toàn khác.

Tôi đã trở về vì tôi rất nhớ quê hương

- 11 năm qua, tôi đã sống ở một số nước ở Châu Âu (thời gian 2000-2011, nhà văn rời Belarus và sống tại nhiều thành phố ở Châu Âu như Paris, Stockholm và Berlin - ND). Tôi nhận được sự hỗ trợ và hợp tác rất to lớn từ phía các nhà văn trên thế giới.

Tôi trở về, vì như là một nhà, văn tôi thích được hít thở không khí nơi này, được nói chuyện, gặp gỡ với những con người nơi này.

Chính quyền tỏ ra như không hề có sự có mặt của tôi. Sách tôi không được in trong các nhà in nhà nước, không được đả động trên đài phát thanh hoặc truyền hình. Sách tôi chỉ được xuất bản trong giới truyền thông đối lập.

Dĩ nhiên, vì sự nổi tiếng phần nào của tôi trên thế giới, chính quyền không dễ gây khó với tôi, mặc dù, theo như kinh nghiệm của anh Andrei Sannikov, họ có thể làm mọi thứ. Đối với họ uy tín không là cái gì cả.

Tôi đã trở về bởi vì tôi rất nhớ. Tôi muốn thấy cháu gái Janka của tôi hàng ngày lớn lên thế nào, muốn nhìn thấy con người nước tôi, cảnh quan quê hương tôi. Mặc dù sống trong không gian bí bức tất nhiên là không dễ dàng.

Đừng tuyệt vọng

(Andrei Sannikov, khi đặt câu hỏi cho Svetlana Alexievich, đã nhắc lại chiến công của hàng chục nghìn người Belarus xuống đường tại Minsk vào ngày 19-12-2010 phản đối cuộc bầu cử tổng thống gian lận.

Chính trị gia hỏi tác giả cuốn “Một thời quá khứ” - còn có tựa đề phụ là “Cái kết của người đỏ” (Канец чырвонага чалавека), theo quan điểm của bà, người nào đã đến thay thế nếu người đỏ đã đi khỏi?
)

- Một người vừa trải qua trọng bệnh, và tôi không biết liệu có thể bắt tội anh ta trong việc này không - anh ta đang trải qua một giai đoạn thô tục: muốn thử các kiểu đồ ăn, đi nghỉ ở Ai Cập, có nghĩa là, anh ta vẫn đang giai đoạn sống bằng thế giới vật chất.

Tôi luôn ngạc nhiên rằng khi bạn đi qua Litva, dừng chân nói chuyện với những người ở đó, họ ngay lập tức nói về chính trị - về tự do, về những sản phẩm trí tuệ. Còn khi bạn đi qua các làng mạc của chúng tôi, những người đàn ông sẽ nói: tự do cái gì, người nói về xúc xích, người nói về vodka.

Và khi bạn cố gắng để kéo người ta vào một cuộc trò chuyện nào đó khác mấy chủ đề trên, họ nhìn bạn như nhìn người ngoài hành tinh vậy.

Nhưng tôi nói với bản thân mình, bạn bè của mình rằng không được tuyệt vọng. Chúng ta phải làm việc khai sáng, và phải làm việc thật nhiều. Đây là nhân dân ta, không còn cách nào khác.

Tác giả bài viết: Hoàng Thị Vinh giới thiệu và chuyển ngữ, từ Hoa Kỳ