Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Ghi chép của Thymianka Thảo Nguyên: HẢO HẢO Ở BERLIN

(NCTG) “Berlin, thủ đô yên tĩnh của một đất nước đa sắc tộc, ghi nhận một cuôc gặp gỡ như thế. Ngồi lại để yêu thương hơn đất nước mình. Ngồi lại để xót xa hơn những thân phận. Và để nâng tặng nhau những ly rượu vui, những hy vọng, những khỏa lấp và cả những ngậm ngùi...”.

Tác giả (giữa) cùng nhà văn Võ Thị Hảo và nhà thơ Trần Mạnh Hảo tại Berlin - Ảnh do nhân vật cung cấp


Trần Mạnh Hảo – “Ly thân” (1)

Không bao giờ tôi nghĩ có thể gặp được anh ở ngay Berlin, Trần Mạnh Hảo “Ly thân”, Trần Mạnh Hảo khuấy đảo không khí văn nghệ, chính trị và đặc biệt là giáo dục trong nước bằng một loạt các bài tiểu luận đầy “tai tiếng” trong suốt hơn hai thập niên qua.

Trước hết, người ta biết đến anh như một nhà thơ. Riêng tôi, tôi “phải lòng” anh ở ca khúc mà Phú Quang đã phổ nhạc “Tôi muốn mang Hồ Gươm đi” . Và sau đó, vì mê mà phải lòng luôn cả những đoản thơ tuy ngắn mà tràn trề niềm ham sống. Một nhà thơ luôn thở bằng không khí thời đại, lãng mạn, nồng cháy và cũng ngạo mạn trong cái dí dỏm rất riêng.

Nhưng gặp anh, tôi mới thấy, cái nồng cháy trong thơ, cái ngang tàng thách thức trong câu chữ của gã “Khóc Nguyên Hồng” (2), đều thua xa chính con người thật của anh. Anh quá trẻ so với tuổi, tràn trề sinh lực, hài hước, rất biết chơi chữ, kiêu bạc và đặc biệt am tường về rất nhiều lĩnh vực.

Anh ngồi ở thủ đô Berlin để nói với chúng tôi, những người sống ở Berlin nghe về lịch sử của dân tộc này. Rồi, anh đọc thơ, sang sảng, như một nhà truyền đạo. Thơ làm anh thăng hoa và người nghe như bị anh mê hoặc. Những câu thơ rút ra từ máu thịt, hệ lụy và thân phận như chính người sinh ra nó.

Cho đến khi anh mệt lả và chị Giáng Tiên vợ anh phải nhắc, chúng tôi mới dứt ra được khỏi không gian rưng rưng của đêm thơ ngẫu hứng mà anh đem đến cho những người bạn, đồng thời là người yêu quý anh, Trần Mạnh Hảo.

Võ Thị Hảo – “Giàn thiêu” & “Ngồi hong váy ướt” (3)

Người phụ nữ này làm tôi hết sức bất ngờ. Vốn biết về những “dấn thân” đầy dũng cảm của một nhà văn gai góc, quyết liệt, tôi ngỡ ngàng khi thấy chị là người hết sức nhỏ nhắn, nhẹ nhàng, xinh đẹp và ôn nhu. Chị nói về văn chương dung dị như chị em gái ngồi tỷ tê tâm tình. Nói về những cam go mà chị đang dấn thân cũng vẫn vậy, rât đỗi dịu dàng, nhỏ nhẹ với nụ cười quyến rũ trên gương mặt vô cùng trẻ trung.

Lần gặp đầu, chị hát ca trù cho chúng tôi nghe. Giọng hát chị cũng ma mị như giọng nói, ngọt ngào, nhỏ nhẹ mà tự nhiên bắt người ta phải lắng nghe. Một sự quyến rũ rất riêng biệt mà không phải người đàn bà nào cũng may mắn được sở hữu.

Càng tiếp xúc với chị, tôi càng nhận ra dòng chảy ngầm trong chị. Một người phụ nữ trí thức viết văn, làm văn hóa, khiêm nhường nhưng vẫn kiêu sa mà không hề cách biệt. Người đàn bà này, biết yêu nhưng cũng quyết liệt khước từ, tự mình mang vác những điều mà ngay cả người mạnh mẽ cũng chưa chắc cáng đáng nổi.

Sức mạnh nào cho chị có được sự kiên cường và dũng cảm đến như vậy? Nhìn đôi vai mảnh khảnh, và sắc đẹp mong manh đầy trắc ẩn của chị, tôi cứ thầm nghĩ, lẽ ra, chị phải sinh ra để mà được nâng niu và thưởng thức những cái đẹp... Là chị đã chọn lựa, hay sứ mệnh đã chọn chị?

Hảo Hảo ở Berlin, cuộc hội ngộ thú vị và bất ngờ

Vâng, cả hai nhà văn đều có tên là Hảo, đều mỗi người một cách, gây sóng gió không ít trong nước, đã hội ngộ ở Berlin cùng một thời điểm. Họ đều là những người thành đạt, sung túc về kinh tế, vạm vỡ về văn chương, đều dấn thân theo những cách của riêng mình nhưng không ngoài mục đích nói thẳng hết sức can đảm và ngạo nghễ những điều bị cho là nhạy cảm. Nói không phải để nổi tiếng, họ chỉ có một mưu cầu duy nhất là sống cho cái mà mình tin là đúng và nên làm.

Berlin, thủ đô yên tĩnh của một đất nước đa sắc tộc, ghi nhận một cuôc gặp gỡ như thế. Ngồi lại để yêu thương hơn đất nước mình. Ngồi lại để xót xa hơn những thân phận. Và để nâng tặng nhau những ly rượu vui, những hy vọng, những khỏa lấp và cả những ngậm ngùi...

Nhà thơ đọc thơ. Nhà văn cũng là thính giả. Người hâm mộ còn thuộc thơ hơn cả chính tác giả. Chị Giáng Tiên ngồi cạnh chồng chốc chốc lại âu yếm nhắc, câu này nhớ, câu này quên, anh đọc bài này vui cho các em nó nghe đi, bài ấy buồn, anh à...

Berlin gần mà rồi sẽ thành xa mất. Người đi ngậm ngùi và người ở lại cũng rưng rưng...

Chuyến du lịch vòng quanh các nước của vợ chồng nhà thơ Trần Mạnh Hảo vẫn còn chưa khép lại. Nhưng chắc chắn, kỷ niệm về Hảo Hảo ở Berlin sẽ là một dấu ấn không thể nào quên trong lòng rất nhiều người.

Và Võ Thị Hảo, như chị đã thổ lộ, sẽ còn viết nhiều về đất nước của một dân tộc luôn biết sám hối. Nơi chị đang ghé thăm với tư cách một vị khách đầy thiện chí.

Ghi chú (của NCTG):

(1) Tiểu thuyết của Trần Mạnh Hảo, ấn hành năm 1989. Vì cuốn sách này, nhà văn đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản.

(2) Một thi phẩm nổi tiếng của Trần Mạnh Hảo.

(3) Tựa đề hai tác phẩm của Võ Thị Hảo: “Ngồi hong váy ướt” (tập truyện ngắn, Tủ sách “Thi Văn Hồng Lĩnh” xuất bản tại Paris tháng 7-2012) và “Giàn thiêu” (tiểu thuyết, in năm 2003).

Tác giả bài viết: Thymianka Thảo Nguyên, từ Berlin - Ngày 29-6-2014