Từ những chuyến đi: MOSCOW
- Thứ tư - 04/03/2015 03:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Dân Nga không tin vào một Stalin phản diện. Họ không muốn tin rằng Stalin lại có thể hành hạ, tra tấn bất cứ ai. Dân Nga sống trong huyền thoại về một Stalin chính diện, đối với họ, Stalin vĩnh viễn là người cứu vãn nước Nga, là người cha của một dân tộc vĩ đại...”.
Ở đúng chỗ này, trên chiếc cầu, cách đây hơn năm rưỡi mình có dịp đứng hồi lâu để ngóng hai anh chị đi cùng mà lạc tiêu đâu mất. Chân cẳng thì mỏi nhừ sau cú xếp hàng rồi đi dạo dài dài ngoài Hồng Trường và điện Cẩm Linh cùng mọi người, nên cũng tranh thủ nấn ná đứng đấy để hóng mát và vãn cảnh xung quanh.
Chợt thoáng thấy ở dưới, xa xa, cách mình chừng đôi ba trăm mét có một cặp trai gái ôm hôn nhau rất say sưa và bất cần đời, thế là mình loay hoay chụp lại và cứ hí hửng mãi, là tấm ảnh chụp bằng cái máy loại vứt đi không ai thèm lấy lại mang dáng dấp “Nụ hôn trên quảng trường Thời Đại” của Alfred Eisenstaedt.
Chợt thoáng thấy ở dưới, xa xa, cách mình chừng đôi ba trăm mét có một cặp trai gái ôm hôn nhau rất say sưa và bất cần đời, thế là mình loay hoay chụp lại và cứ hí hửng mãi, là tấm ảnh chụp bằng cái máy loại vứt đi không ai thèm lấy lại mang dáng dấp “Nụ hôn trên quảng trường Thời Đại” của Alfred Eisenstaedt.
Trong dịp đó, Moscow của nước Nga mà mình đã đến nhiều lần không để lại ấn tượng gì đặc biệt trong mình. Khu trung tâm, vẫn nhà thờ chóp “củ hành”, vẫn những ông già cải trang Lenin, Stalin hay Nga hoàng cuối cùng ngáp dài đi lại chờ khách, vẫn cửa hàng GUM đắt đỏ nơi mình đã từng đến vào cái thời nó trống rỗng...
Moscow nhà cửa to tát, cư dân đông đúc, khách du lịch cũng nhiều, nhịp sống một số nơi có vẻ cũng hối hả và giá cả nhiều khi “trên trời”, nhưng vẫn có dáng dấp tỉnh lẻ quê mùa thế nào đó - kém xa St. Petersburg - cho dù nó giữ cương vị thủ đô chính trị và hành chính của Đế chế Nga - Xô đã gần một trăm năm nay.
Dầu vậy, mình cũng vẫn luôn có chút cảm xúc khi đi ngang qua (mà chưa bao giờ vào) khu lăng Lenin, và biết rằng tro cốt của Stalin cũng được lưu giữ ở đâu đó trong tường thành Kremlin. Và trong đầu lại lởn vởn những dòng của Victor Erofeev (*): “Chỉ khi trưởng thành, tôi mới hiểu ra rằng đối với Phương Tây và giới trí thức Nga, Stalin có một ý nghĩa hoàn toàn khác so với hàng triệu người dân Nga.
Dân Nga không tin vào một Stalin phản diện. Họ không muốn tin rằng Stalin lại có thể hành hạ, tra tấn bất cứ ai. Dân Nga sống trong huyền thoại về một Stalin chính diện, đối với họ, Stalin vĩnh viễn là người cứu vãn nước Nga, là người cha của một dân tộc vĩ đại. Và cha tôi song hành với những người dân Nga ấy. Ông không cho phép được nói xấu về Stalin” (**).
Tự nhiên, mình cứ lẩn quẩn với câu hỏi, tại sao một dân tộc vốn được coi là thông tuệ, có tâm hồn đặc biệt (?), mà trong lịch sử vẫn cứ phải bấu víu cậy nhờ những lãnh tụ độc đoán? Không lẽ phần đông dân Nga lại luôn gần Châu Á đến thế khi không thể quen được với dân chủ, và chỉ có thể yên lòng với những thủ lĩnh, những “người chỉ đường” có bàn tay sắt?
Đêm hôm trước, khi nghe tin Boris Nemtsov bị ám hại tại cây cầu Большой Москворецкий мост, tất cả những ký ức và suy nghĩ nói trên lại trở lại trong mình, chầm chậm và rõ nét như những thước phim. Và rồi hình ảnh về nụ hôn đẹp đẽ, nóng bỏng trên Quảng trường Đỏ tan dần đi, để lại dư vị ngậm ngùi và cay đắng khôn xiết...
Ghi chú:
(*) Nhà văn Nga Victor Erofeev (1947-) được coi là đại diện xuất sắc nhất của dòng văn học “alternative” Nga đương đại; nhiều nhà phê bình còn đánh giá ông là tên tuổi nổi bật nhất và được tranh cãi nhiều nhất trong nền văn xuôi Nga kể từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước.
(**) Đoạn cuối của tiểu luận “Stalin chính diện” (Хороший Сталин) Erofeev viết năm 1997. Bài viết này có thể coi là “sườn” của tác phẩm lớn cùng tựa đề được ấn hành sau đó bảy năm.