Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


GIÁO HỘI NGA XUẤT BẢN MỘT TÁC PHẨM TỪNG BỊ CẤM CỦA PUSHKIN

(NCTG) Một tác phẩm của đại văn hào Alexander Pushkin (1799-1837) - từng bị cấm dưới thời Nga hoàng do nội dung phản tôn giáo - đã được một nhà thờ vùng Krasnodar của Nga xuất bản sau khi biên tập, chỉnh sửa lại.

Bìa sách “Câu chuyện cổ tích về Giáo trưởng và giáo sĩ Balda” trong một lần xuất bản

 
“Câu chuyện cổ tích về Giáo trưởng và giáo sĩ Balda” (Сказка о попе и о работнике его Балде) kể về một vị giáo trưởng đã bị biến thành trò cười dưới sự thông minh của giáo sĩ Balda. Sau khi Pushkin qua đời được 3 năm, nhà thơ Vasily Zhukovsky (1783-1852) - người thày tinh thần của ông - đã quyết định thay nhân vật giáo trưởng bằng một nhà buôn nhằm cứu tác phẩm này khỏi lệnh cấm ban hành thời Nga hoàng.

Câu chuyện cổ bằng thơ này của Pushkin được phát hành khoảng từ 3.000 đến 4.000 bản, được Giáo chủ vùng Krasnodar ban phước và được khuyên nên dạy trong các buổi học ngày Chủ nhật. Giải thích cho việc ấn hành bản được “biên tập” của Zhukovsky mặc dù nguyên tác bị cấm, giới chức Giáo hội Nga khẳng định rằng Pushkin đã viết tác phẩm “hết sức vô thần” này khi còn trẻ, nhưng về cuối đời, ông đã dần dần “làm lành” với Nhà thờ.

Cha Filip, người khiến 4.000 ẩn bản sách được phát hành, giải thích với Kênh truyền hình NTV rằng trái với nguyên tác của Pushkin, bản được “chỉnh lý” lại bởi Zhukovsky “không chống lại các tư tưởng của Nhà thờ”. Theo ông, thế hệ trẻ của Nga cần phải được biết cả hai bản này.
 
“Câu chuyện cổ tích về Giáo trưởng và giáo sĩ Balda” từng được giảng dạy trong các trường học dưới thời Xô-viết. Tuy nhiên, năm 2006, Nhà hát Opera và ba-lê Cộng hòa Nga ở Komi đã phải hủy buổi diễn đầu tiên vở opera cùng tên do không được Giáo hội ban phước.
 
Vladimir Bukovsky, một nhân vật đối lập nổi tiếng thời Xô-viết nói với LEXPRESS.fr: “Từ những năm 2000, Giáo hội một lần nữa lại trở thành công cụ quyền lực chủ yếu của bộ máy nhà nước Nga”. Nhưng theo ông, chẳng có gì phải lo lắng vì “ảnh hưởng của Nhà thờ đối với người dân Nga những năm gần đây đã giảm đi rất nhiều”.

Tác giả bài viết: Xuân Nhi, theo “L'Express”