GIẢI MÃ BÍ ẨN TỔ TÔM (1)
- Thứ năm - 23/12/2010 01:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Tổ Tôm là trò chơi bài dân gian – một sinh hoạt văn hóa đỉnh cao của người Việt đã ăn sâu trong mọi ngóc ngách đời sống và tâm thức dân gian.
Ở Việt Nam xưa, khi khâm liệm người chết thì người ta rải bộ bài vào trong quan tài với quan niệm người chết sẽ có 120 quan quân bảo vệ và có bộ bài tiêu khiển ở thế giới bên kia, có nơi bỏ ra hàng Yêu (yêu nghiệt, yêu quái) và quân Bát Sách (Bát gàn) với ý nghĩa là người chết sẽ được đầu thai ứng với những quân bài như Cửu Vạn thì làm người khuân vác, Tam Sách thì làm nghề sông nước, Tứ Sách thì làm bưng bê, phục vụ…
Ngoài ra còn nhiều luật tục như hội Tổ Tôm trong đám cưới, các cuộc liên hoan, hội họp rất vui khi khai hội ù “Thập điều” vì cho là điềm may mắn cho đôi trẻ hay báo hiệu niềm vui và kiêng ù Bạch Định với quan niệm Bạch Định là trắng tay, đổ vỡ, phá sản hoặc như trong đám tang kiêng ù “Kính tứ cố” và “Kính cụ”.
Khi làm lễ cất nóc nhà thì chủ nhà mời nhưng người đức cao, quyền trọng đến chơi bài và khi nào có người ù được ván “Thập hồng” (hoặc bài “Tám đỏ” nếu chơi Chắn) thì lấy toàn bộ quân bài của người đó đóng lên cột, kèo, đầu hồi của mái nhà để lấy phước lấy may với quan niệm nghiệp làm ăn gặp vận đỏ, phát tài phát lộc và hội chơi sẽ kết thúc chỉ khi có ai ù được “Thập hồng”, “Tám đỏ” thì dừng cuộc chơi và ngả cỗ ăn mừng…
Trò chơi được các tổ chức xã hội, chính quyền xưa nâng tầm trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng – Tổ Tôm Điếm, một sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và giáo dục không thể thiếu trong các lễ hội dân gian.
Người xưa nói:
“Làm trai biết đánh Tổ Tôm
Uống chè mạn hảo, xem nôm Thúy Kiều”
Uống chè mạn hảo, xem nôm Thúy Kiều”
Bởi thế mới có ca dao cổ súy cho văn hóa chơi bài trong dân gian:
“Người ta khuyến học khuyến tài
Riêng tôi dở người đi khuyến Tổ Tôm”
Riêng tôi dở người đi khuyến Tổ Tôm”
hay:
“Làm trai mà không biết đánh Tổ Tôm
Uống nước lá ổi xem… L… trẻ con”
Uống nước lá ổi xem… L… trẻ con”
Nhưng, điều đặc biệt của bộ bài Tổ Tôm là nó lại mang các hình minh họa dân gian Nhật Bản. Do đó, một câu hỏi lớn mà vẫn còn bí ẩn đến ngày nay là Tổ Tôm xuất xứ từ đâu? Nội dung của nó ra sao? Lưu lạc thế nào vào Việt Nam? Trong khi ở Trung Quốc và Nhật Bản không lưu hành và không biết đến bộ bài này.
- Ông Nguyễn Văn Vĩnh đã đề cập tới vấn đề này trong nhật báo” L'Annam Nouveau”, 1932, vol. 125-vol143, bài “Le To Tom”.
- Giáo sư Kim Vĩnh Kiện lần đầu tiên đề cập tới Tổ Tôm ở Nhật trong cuốn “Quan Hệ Ấn Ðộ Chi Na - Nhật Bản” (Quan Hệ Nhật Bản và Ðông Nam Á, Nhà xuất bản Fuzanbo, Ðông Kinh, năm 1943). Giáo sư khẳng định chắc chắn đó là những hình phong tục Nhật.
- Giáo sư Yumio Sakurai đã giới thiệu Tổ Tôm trong cuốn “Nihon No Kinsei 1, Nhật Bản Cận Thế, tập 1” do Nhà xuất bản Chuo Koron Sha ấn hành năm 1992. Theo giáo sư, loại chữ ghi trên đó lạ, không hẳn là chữ Hán bình thường, một số chữ có thể là chữ Nôm.
- Trên trang Web Trung Quốc: poker168.com cũng giới thiệu bộ bài Tổ Tôm nhưng chỉ với chú thích là bộ bài xuất xứ từ Việt Nam và được lưu hành ở Việt Nam và một số vùng biên giới Việt – Trung.
Giáo sư Đỗ Thông Minh nghiên cứu văn hóa Việt – Nhật nhận xét về bộ bài Tổ Tôm:
“Những chữ viết trên lá bài là một loại chữ Hán (Kanji) kiểu cách, hơi giống Lệ Thư (Reisho) với nét cứng mạnh, gồm có bốn loại chữ là “văn, vạn, sách, thang, không biết có liên hệ gì với mạt chược, tiếng Nhật gọi là “majan” (ma tước) không? Còn các hình vẽ đều là hình vẽ của Nhật, có lẽ gốc là một lối tranh mộc bản (mokuhan, học từ Trung Hoa nhưng trở thành đỉnh cao mỹ thuật độc đáo của Nhật) đơn giản và nay thường do người Hoa in ra bán.
Ðặc trưng Nhật Bản rõ rệt nhất là tất cả các nhân vật đều mặc “Kimono” thời Edo, trong số này có 18 hình đàn ông (có 8 người bó chân), 4 hình phụ nữ và 4 hình trẻ em. Các hình cá chép (koi), trái đào (momo), thành (shiro),thuyền (fune) cũng là những hình ảnh Nhật.”
Để trả lời những câu hỏi này chúng ta phải điểm qua văn minh bài lá Trung Hoa.