Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


GIÃ TỪ NGƯỜI NHẠC SĨ THỔI HỒN VÀO NHẠC VIỆT

(NCTG) Vẫn biết sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường, nhưng khi nghe tin nhạc sĩ Thuận Yến qua đời tôi vẫn không khỏi xót xa và tiếc nuối. Một tâm hồn nghệ sĩ, một số phận và một nghệ sĩ tài hoa thổi hồn vào các ca khúc nhạc Việt đã ra đi!

Nhạc sĩ Thuận Yến (1932-2014)


Ngày trước, khi còn cùng ở khu tập thể Nam Đồng, tôi không hề biết ông là một nhạc sĩ nổi tiếng với những tác phẩm đã đi vào lòng người theo năm tháng. Bởi Thuận Yến cũng như bao người khác cùng khoác áo lính ở khu tập thể này, vốn dành cho những quân nhân.

Cùng khu tôi ở có họa sĩ Quang Thọ, Anh hùng Quân đội Lê Mã Lương, La Văn Cầu, phát thanh viên Nghiêm Nhan... cùng các nhà báo, giáo sư, đạo diễn, ca sĩ và các vị tướng giỏi nên tên tuổi của nhạc sĩ Thuận Yến cũng bình dị như những chiến sĩ, đồng đội của ông ở khu tập thể nhỏ bé này.

Tôi biết đến ông vào một buổi trưa nắng chang chang, trên đường đi học về thấy ngã ba có một cái biển ghi LỐI VÀO NHÀ THUẬN YẾN. Đi thêm khoảng 100m lại đến một ngã ba lại có tấm biển như vậy. Tôi bắt đầu tò mò hỏi mọi người và được biết hôm nay là ngày chị Thanh Lam, con gái của ông làm lễ thành hôn.

Mọi người trong khu lúc đó mới xôn xao và bàn tán rằng Thanh Lam là cô gái tóc đầu xù, lúc nào cũng vừa đi vừa lẩm bẩm hát một bài gì đó và mẹ cô lúc nào cũng có thể thấy với chiếc đi xe đạp và cái đàn bên cạnh. Đó là tất cả những gì tôi biết lúc đó về gia đình Thuận Yến, một gia đình nghệ sĩ nổi tiếng.


Nghệsĩ với cây đàn


Sau này, gia đình ông chuyển khỏi khu tập thể Nam Đồng về Giảng Võ sinh sống. Một lần nữa, tôi lại vô tình có duyên gặp lại gia đình ông. Khi đó, tôi có mở một cửa hàng cắt tóc gội đầu ở ngay đầu ngõ nhà ông, vừa để thêm thu nhập cho cuộc sống và học tập vừa để giúp đỡ các bạn học có việc làm thêm.

Lúc đó ông xuất hiện và hỏi tôi “chú nhìn thấy cháu quen quen... cháu con nhà ai?”. Tôi mừng vui vì nhận ra ông, và liến thoắng kể về khu tập thể nơi tôi ở, về cô Hương vợ ông, về chị Thanh Lam, khiến người nhạc sĩ rất vui. Hôm sau, cô Hương vợ ông ra chỗ tôi và bảo, “cô thấy chú nói mà cô không biết là ai nên ra đây với cháu, tiện thăm cửa hàng luôn”.

Trong lòng tôi phấn khởi, tôi ngạc nhiên đến lạ kỳ vì tại sao ông - một nhạc sĩ nổi tiếng - lại nhớ tôi, lại thấy quen? Tôi mạo muội hỏi luôn thì được ông đáp lại bằng một nụ cười hiền hậu và giọng nói trìu mến: “Con nhà lính mà nhìn là nhận ra ngay thôi con à”.

Sau đó, tôi vào làm cho một cơ quan nhà nước và một lần, cơ quan tôi mời ông đến nói chuyện về âm nhạc, về các sáng tác của ông. Một lần nữa tôi lại có cơ hội gặp ông và chuyện trò. Nhưng thật tiếc hôm đó quá đông hội viên và ông phải ngồi ký sách tặng nên nhìn lên đồng hồ đã quá trưa...

Những kỷ niệm, gặp gỡ ngắn ngủi đó với người nhạc sĩ, chiến sĩ đã mang nặng ân tình gửi vào lời ca, nốt nhạc với tôi mãi là niềm vui, niềm hạnh phúc. Luôn mãi ấn tượng trong tôi hình ảnh tình cảm của cặp vợ chồng người nghệ sĩ đi chợ cùng nhau vào mỗi buổi sáng. Hình ảnh những buổi chiều hai ông bà đi đón cô cháu Thanh Vân từ nhà trẻ về.


Hai vợ chồng người nhạc sĩ


Những lúc ông yên tâm ngồi đằng sau xe máy của vợ, những buổi sáng ông đàn cho cô con gái Thanh Lam luyện thanh. Những tiếng đàn khi ông vỡ bài hát mới, những âm thanh thư thái mỗi chiều ông đàn. Những ngón tay đập đập làm nhịp khi nghe con gái hát, những buổi đứng chùn chân để theo con đi diễn.

Tất cả có ở trong ông, một nghệ sĩ tài hoa, một con người tình cảm chan hòa và ấm áp. Thấm thoát thời gian qua nhanh, giờ ông trở về với miền đất mẹ. Cuộc hành trình mới của ông có lẽ chỉ như một lời tạm biệt hẹn hò “anh phải về thôi xa em thôi”, ở một nơi chốn “chỉ còn tiếng ve sôi ồn ào” (*).

Thuận Yến đến trong cuộc đời khi Việt Nam còn là một nước thuộc địa và những cuộc chiến giải phóng dân tộc đang diễn ra, ông ra đi khi đất nước bị đe dọa bởi kẻ thù Phương Bắc. Với tình yêu nghệ thuật, ông đã cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam những tác phẩm đọng lại với thời gian, gắn liền với kỷ niệm và tên tuổi một nghệ sĩ chân chính.

(*) Trích lời hai ca khúc “Chia tay hoàng hôn” (lời thơ Hoài Vũ, nhạc Thuận Yến) và “Thời hoa đỏ” (lời thơ Thanh Tùng, nhạc Nguyễn Đình Bảng).

Tác giả bài viết: Thái Thu Huyền, từ München (CHLB Đức)