Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


GẶP GỠ VÀ GIAO LƯU VỚI NHÀ THƠ NGUYỄN DUY TẠI BUDAPEST

(NCTG) Nhân chuyến thăm Budapest sau chương trình giao lưu trong khuôn khổ Tuần Văn hóa Châu Á tổ chức tại Đức, tối thứ Bảy 10-8 nhà thơ Nguyễn Duy sẽ có buổi gặp mặt và giao lưu văn nghệ với cộng đồng Việt Nam ở Hungary do báo NCTG và Công ty Chesscom tổ chức, bắt đầu vào 19 giờ tại trụ sở của Công ty (1191 Budapest, Bartók Béla u.5).

Nhà thơ Nguyễn Duy

Dù có sao

vẫn Tổ Quốc trong lòng
mạch tâm linh trong sạch vô ngần
còn thơ còn dân
ta là dân – vậy thì ta tồn tại..
 
Những vần thơ đáng nhớ ấy là của Nguyễn Duy, trong thi phẩm chấn động “Nhìn từ xa...Tổ quốc”, ghi lại những trăn trở đau đớn về thực tại đất nước, xã hội thời bao cấp mà ông có dịp chứng kiến, tai nghe mắt thấy. Bài thơ được Nguyễn Duy khởi đầu trong những năm tháng xa nhà tại Liên Xô, và hoàn thành vào năm 1988.

“Nhìn từ xa... Tổ quốc” cùng “Đánh thức tiềm lực” và “Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ” tạo thành một bộ “tam bình” mạnh mẽ và ngang tàng, đầy chua chát, xót xa và âu lo về tiềm lực, hiện tại và tương lai đất nước, con người Việt Nam, trước những “bất cập” và tệ hại., di chứng của một thời kỳ tưởng đã xa, nhưng vẫn còn để lại dấu ấn, thậm chí hiển hiện trong đời thường cho đến nay.

Thế sự và xã hội là một mảng rất mạnh trong thi nghiệp của Nguyễn Duy, với nhiều bài thơ mang tính chính luận như “bộ tam bình” kể trên, hoặc những bài thơ trước đó như “Ánh trăng”, “Bán vàng”, “Đá ơi”, “Thơ tặng người ăn mày”, v.v... đau đáu niềm đau của một cây bút giàu trải nghiệm, từ những năm tháng chiến tranh đến thời kỳ hậu chiến.

Sinh năm 1947 (khai sinh 1948) tại Thanh Hóa, từ khi rất trẻ (17 tuổi) Nguyễn Duy đã có mặt tại những địa điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến Việt Nam, như tại các chiến trường cầu Hàm Rồng, Đường 9 - Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, Nam Lào, chiến trường miền Nam, biên giới phía Bắc (năm 1979).

Làm thơ khi còn ngồi ghế phổ thông trung học, ông thuộc thế hệ các văn nghệ sĩ trưởng thành trong chiến tranh và đạt thành công đầu tiên khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ 1972-1973 do tuần báo “Văn Nghệ” (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức với chùm thơ nổi tiếng “Hơi ấm ổ rơm”, “Bầu trời vuông”, “Tre Việt Nam” trong tập thơ đầu tay “Cát trắng”.

Sau khi giải ngũ, Nguyễn Duy sống hẳn với những sáng tác trên cương vị Trưởng Đại diện Tuần báo “Văn Nghệ” tại phía Nam. Ông có viết văn xuôi (tiểu thuyết, bút ký) nhưng thế mạnh của ông vẫn là thơ, đặc biệt là thơ lục bát, thể loại thơ mà ông hết sức sở trường với những cách tân táo bạo và hiệu quả khiến không ít bài thơ 6/8 của ông đã trở thành kinh điển.

“Bất chợt”, “Được yêu như thế ca dao”, “Mưa trong nắng - nắng trong mưa”, “Vô tư”, “Đám mây dừng lại trên trời”, “Cơm bụi ca”... là một vài trong số rất nhiều bài lục bát đề tài tình yêu mà Nguyễn Duy, bên cạnh vẻ trữ tình và đằm thắm - đã thổi được sự khoáng đạt và tếu táo, nét hiện đại và gai góc vào thể thơ truyền thống của Việt Nam:

Bao giờ cho tới ngày xưa
Yêu như các cụ cho vừa lòng ta
Cái thời chưa nhiễm SIDA
Yêu lăn yêu lóc la đà đã chưa
Được yêu như các cụ xưa
Cũng trăng cũng gió cũng mây mưa ào ào
Được yêu như thể ca dao
Đủ phờ phạc đất đủ lao đao trời
Tây Tàu cũng thế thì thôi
Y chang cay đắng ngọt bùi khổ đau
Không trầu mà cũng chẳng cau
Làm sao cho thắm môi nhau thì làm.

(“Được yêu như thế ca dao”)

Bên cạnh đó, mảng thơ tự do rất dày dặn của Nguyễn Duy thấm đẫm chất dân gian, bụi bặm và gân guốc, chất “đường phố và ruộng đồng” (*) luôn ẩn chứa trong thơ ông khiến nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn đã gọi nhà thơ là “thi sĩ thảo dân”: “Thảo dân ngay cả trong quan niệm nhân sinh và nghệ thuật”.

Gần dân,  trọng dân, biết xót dân và song hành được với dân trong mọi giai đoạn của sự nghiệp sáng tác, là điểm sáng của Nguyễn Duy mà không phải nhà thơ lớn nào cùng thế hệ của ông cũng làm được. Từ những vần thơ khi còn là một chàng tân binh rất trẻ cuối thập niên 60 thế kỷ trước, tỏ lòng biết ơn nhân dân:

Một đời không thể nào quên
lòng dân - chiếc mộc vững bền che ta.

(“Hầm chữ A.)

đến sự xót xa thâm trầm trước thảm cảnh mà người dân phải gánh chịu trong mọi cuộc chiến, mọi cảnh binh đao:

Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…

(“Đá ơi”)

Nguyễn Duy đã tỏ ra nhất quán trước sau như một với quan niệm - đồng thời cũng là sợi chỉ xuyên suốt mọi sáng tác của ông - “còn thơ còn dân/ ta là dân – vậy thì ta tồn tại...”, một tư tưởng tưởng chừng đơn giản, chân lý, đã có tự ngàn đời (“dĩ dân vi bản”), nhưng không phải lúc nào cũng được giới cầm bút và đặc biệt, giới lãnh đạo thấu triệt.

Nguyễn Duy là một nhà thơ đặc biệt và “đa năng”. Sau ba chục năm cầm bút, vào năm 1997, ông đột ngột tuyên bố ngừng sáng tác với tập thơ “Bụi” - kỳ thực đó là khoảng thời gian ông dành để tự chiêm nghiệm lại bản thân. Sau đó, ông chuyển sang làm “lịch thơ”, in thơ lên các chất liệu dân gian như tranh, tre, nứa, lá, thậm chí bao tải.

Từ năm 2001, Nguyễn Duy còn in thơ trên giấy dó và cho ra mắt tập thơ thiền thời Lý, Trần do ông chọn lọc và cũng in trên giấy dó, với ảnh nền và ảnh minh họa của ông. Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Duy đã được vinh danh bởi Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007, nhưng có lẽ sự tưởng thưởng lớn lao nhất dành cho ông sẽ đến từ nhân dân và người yêu thơ!

Kính mời bà con trong cộng đồng có sự quan tâm tới tham dự và chia sẻ với một trong những gương mặt lớn của nền thi ca Việt Nam hiện đại!

Tác giả bài viết: NCTG