Đọc sách: “OLGA BERGGOLTZ CỦA TÔI”
- Chủ nhật - 28/11/2010 05:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Một lát cắt đáng kể của nền văn học Nga - Xô-viết đã trở lại với độc giả Việt Nam qua tập thơ dịch “Olga Berggoltz của tôi” (dịch giả Thụy Anh, NXB Trẻ ấn hành), được ra mắt nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nữ sĩ tài hoa bạc mệnh này.
Olga Berggoltz (1910-1975) không hề là một tên tuổi lạ lẫm với người yêu thi ca Việt Nam. Từ thập niên 60, 70 thế kỷ trước, một số thi phẩm trữ tình của bà - như “Bài thơ cuộc đời”, “Mùa hè rớt”, “Mùa lá rụng”, “Anh hãy trở về”... - đã đến Việt Nam bởi những bản dịch được coi là kinh điển của Bằng Việt và Ngân Xuyên (nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên),
Trong những năm tháng ấy, cùng những “Bông hồng vàng”, “Bình minh mưa” (Konstantin Paustovsky), “Cánh buồm đỏ thắm” (Alexander Grin), v.v..., thơ tình của Olga được chuyển ngữ thời kỳ đó - với tất cả sự trăn trở, hoài niệm của tình yêu, sự tàn phá của thời gian - từng là một điểm sáng và hiếm hoi trong dòng văn học Xô-viết được giới thiệu ở Việt Nam, đa phần thiên về những đề tài ý thức hệ hoặc thời sự nhất thời.
Tuy nhiên, qua những vần thơ đó, hiện lên trước độc giả Việt Nam mới chỉ là một Olga Berggoltz - nữ sĩ của tình yêu. Thậm chí, chân dung một nhà thơ đa cảm với những bi kịch trong tình yêu và đời sống cũng không mấy được biết đến, để có thể thấu hiểu rõ ràng hơn và chuẩn xác hơn thông điệp mà Olga muốn nhắn nhủ trong những vần thơ tình từng làm say mê nhiều thế hệ yêu thơ tại Việt Nam.
Xét trên góc độ ấy, “Olga Berggoltz của tôi” đã bù đắp được những thiếu hụt trong thông tin về đời tư của Olga Berggoltz, yếu tố không thể thiếu nếu muốn tìm hiểu thấu đáo sự nghiệp thi ca của bà. Có điều kiện tiếp cận với những tư liệu đầy đủ và mới nhất về Olga Berggoltz (những trang hồi ký, ghi chép, nhật ký, thư từ...), trong một chuyên luận dài (*) gần 60 trang ở đầu sách, dịch giả Thụy Anh đã khắc họa một chân dung khá đầy đủ và chân thực về nữ sĩ.
Khởi đầu với một “tuổi thơ ngắn ngủi và hạnh phúc” (**), “tập làm thơ” (**) từ rất sớm trong tâm trạng phấn khích với chế độ mới, “tiếp nhận lý tưởng mới, cuộc sống mới” (**), yêu và được yêu với “những mối tình say mê và thống khổ” (**), Olga Berggoltz đã qua những năm tháng nghiệt ngã và đớn đau của cuộc đời vào cuối thập niên 30, trùng với thời kỳ “đại thanh trừng”, “đại khủng bố” xảy ra trên toàn quốc Liên Xô.
Vừa qua cảnh tù đày, mất chồng mất con trong tấn thảm kịch của cả đất nước Xô-viết, nhà thơ lại trôi vào cuộc chiến tranh vệ quốc ác liệt - mà quân dân Liên Xô, do những sai lầm thảm khốc của Ban lãnh đạo thượng đỉnh, đã phải gánh chịu những thử thách và thiệt hại khủng khiếp trong 1-2 năm đầu.
Nhưng chính trong cảnh gian khó và lao khổ ấy, Olga Berggoltz đã đứng dậy và với mỗi vần thơ đọc hàng ngày trên làn sóng điện thành Len (Leningrad) trong vòng vây tứ bề, nhà thơ đã vượt lên trên những mất mát, uất hận cá nhân, chứng tỏ tình yêu tổ quốc nồng nàn và bản lĩnh nghệ thuật cứng cỏi, để trở thành Nàng Thơ, thành biểu tượng anh hùng và kiêu hãnh không khuất phục của thành phố trong 900 ngày đêm bị phong tỏa.
Cũng trong thời gian này, vai trò “nhà thơ công dân” với những bổn phận cho xã hội, cho đất nước của Olga Berggoltz được kết tinh ở mức cao nhất: như dịch giả Thụy Anh nhận xét, cảm hứng và những vần thơ công dân mới chính là mảng chính yếu, chiếm tới 90% gia tài thi ca của nữ sĩ. Đây là lần đầu, độc giả Việt Nam có dịp tiếp cận một cách hệ thống và khá chi tiết về khía cạnh đó trong thi nghiệp của bà.
Olga Berggoltz cũng giữ trọn bầu nhiệt huyết này cho đến những năm tháng thời hậu chiến. Hòa bình được tái lập, nhưng nỗi buồn và cảm giác hoang mang chưa hết: Olga vẫn sẵn sàng cho ra những vần thơ day dứt, trăn trở và cả phẫn nộ trước tệ bạo hành Stalinist, bất chấp khả năng sẽ không được đăng tải. Không ít bài trong số này phải chờ đến gần 4 thập niên sau để được ra mắt người đọc dưới thời “cải tổ” (perestroika) ở Liên Xô.
Không chỉ trong thi ca mà ý thức công dân và con người xã hội của Olga Berggoltz còn thể hiện qua hành động. Chính bà, trong một hội thảo vào mùa hạ năm 1956 - ngay trước các đại diện của nền văn học Xô-viết và các nước XHCN - đã lên tiếng đòi chính quyền phải phục hồi và rút lại một nghị quyết nhục nhã nhằm vào Mikhail Zoshchenko và Anna Akhmatova, hai tên tuổi lớn của văn học Nga, cũng là đồng hương của bà tại thành phố Leningrad thân yêu.
Những tính cách ấy - yêu và đam mê đến tận cùng, nhưng cũng mạnh mẽ vượt qua khổ đau, bất hạnh và thời cuộc để cống hiến cho thơ, cho đời - đã tạo nên một Olga Berggoltz “độc đáo, không lẫn vào ai”: “nhờ có nỗi đau cá nhân, bà có cảm nhận sâu sắc hơn về những nỗi đau và niềm hân hoan của dân tộc”. Cũng vì thế, sự nghiệp thi ca của Olga Berggoltz có chỗ đứng đáng nhớ hơn trên thi đàn Nga - Xô-viết, như nhận xét của Thụy Anh.
*
Là một dịch giả, nhưng đồng thời cũng là một nhà thơ, nhà văn, Thụy Anh có khả năng nắm bắt và cảm nhận một cách tinh tế các sắc thái khác nhau - và rất phong phú - trong từng mối tình của Olga Berggoltz để có được những bản dịch khá thành công trong tập sách. Đồng thời, “theo chân” nhà thơ yêu mến trong mọi giai đoạn của cuộc đời bà và cẩn trọng trong từng chi tiết nhỏ, người dịch cũng đã đính chính được một số sai sót - rất đáng yêu - của các bản dịch trước đây, cũng như những “nghi án văn chương” liên quan tới Olga Berggoltz, mà xuất phát điểm vẫn bởi tình cảm rất đặc biệt mà độc giả Việt Nam dành cho nữ sĩ.
“Olga Berggoltz của tôi” được Thụy Anh coi như một trải nghiệm của chị trong quá trình tìm hiểu, khám phá cuộc đời và thi nghiệp của Olga, chứ không đơn thuần chỉ là một tập thơ dịch. Hơn thế nữa, như tâm sự với báo giới, bước vào ngôi đền thi ca của Olga cũng chính là cách để chị thêm hiểu, thêm yêu một cách sâu sắc hơn miền đất lạ nơi chị từng sinh sống và học tập trong nhiều năm tháng.
Cuốn sách được in đẹp, trang nhã với nhiều ảnh, tư liệu, có thể coi là món quà quý báu cho những ai yêu nước Nga, tiếng Nga và nền văn học Nga - Xô-viết. Đặc biệt, đã từ rất lâu, mới có lại một cuốn sách mà bên cạnh tác phẩm dịch, độc giả có dịp tìm hiểu con người, cuộc đời và sự nghiệp của tác giả thông qua phần chuyên luận dày đặn và công phu, gợi nhớ lối làm sách “kinh điển” thời xa xưa... (***)
(*) Khi còn ở dưới dạng bản thảo, Phần 1 và Phần 2 của chuyên luận này đã được đăng trên NCTG.
(**) Các tiểu tựa của dịch giả trong chuyên luận.
(***) Nhân dịp sách ra mắt độc giả và kỷ niệm 100 năm sinh của nữ sĩ, buổi giao lưu trò chuyện về Olga Berggoltz sẽ được tổ chức tại Không gian sáng tạo Trung Nguyên (36 Điện Biên Phủ, Hà Nội) vào hồi 15h00, Chủ nhật, ngày 28-11-2010. Khách mời của chương trình: nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và dịch giả Thụy Anh. Dẫn chương trình: nhà thơ Hữu Việt.