Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Đọc “KHÔNG SỐ PHẬN”: “VÀ CHỈ NẾU CHÍNH TÔI CŨNG KHÔNG QUÊN ĐIỀU ĐÓ”

(NCTG) “Tất cả, được miêu tả chi tiết, chính xác, chậm rãi, từ tốn, tỉnh táo, và có thể có cảm giác là khách quan nữa.... Chính là như thế, không dẫn dắt, và hoàn toàn trung thực, trọng danh dự. Chính đó, chính đó là cách tôn trọng nhất lịch sử như nó đã diễn ra. Tôn trọng nó, và nhất quyết không quên lãng nó”.

Nagy Marcell trong vai cậu bé 14 tuổi - phim “Không số phận” của đạo diễn Koltai Lajos, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Kertész Imre

Tôi dành trọn hôm nay để đọc “Không số phận” của Kertész Imre (bản dịch của Giáp Văn Chung). Cảm xúc thật kỳ lạ. Đúng hơn tôi chưa kịp hiểu mình đang có cảm xúc gì.

Cuốn sách viết về một năm trong trại tập trung của một thiếu niên 14 tuổi - một năm trải qua những trại tập trung khét tiếng nhất như Auschwitz, Buchanwald, hay Zeitz. Tôi sẽ không viết về tất cả những gì cậu đã trải qua, điều đó tất nhiên đầy đau đớn, và đã có lúc cận kề cái chết, hay đúng hơn, luôn cận kề cái chết.

Tôi chỉ muốn biết cảm xúc mà cuốn sách đã mang lại.

Từ khi phải đi xuống khỏi chuyến xe buýt trên đường đi làm, bị giam trong trạm thu thuế mà các cậu tưởng là một sự nhầm lẫn buồn cười, nơi các cậu chơi trò chơi, rủ nhau hát, và cười; rồi nhốt trong chuồng ngựa; rồi lên chuyến tàu định mệnh đi sang trại tập trung bên Đức, và những trại tập trung kế tiếp; đến lúc tự do.

Từ khi nhìn những người tù khác mà cậu gọi là phạm nhân, đến lúc ngạc nhiên chính mình cũng mặc áo tù cũng bị cạo trọc tóc và lông, từ khi toàn thân mưng mủ, và chiến đấu với rệp và đầu hàng, đến lúc bị quăng đi gần như một xác chết.

Tất cả, dần dần, cậu đã đi, từng bước một.

Tất cả, được miêu tả chi tiết, chính xác, chậm rãi, từ tốn, tỉnh táo, và có thể có cảm giác là khách quan nữa.

Điều gì đang diễn ra thế này? Có phải tôi đang đọc về những trang bi thương nhất trong lịch sử nhân loại?

Nhưng vì sao lại với giọng văn như vậy? Tôi muốn tìm một tính từ cho giọng văn mà không ra. Không có câu cảm thán nào. Nghĩa là không hề bi lụy, tất nhiên. Nhưng cũng không thể nói là lạnh lùng. Dù nó chính xác, từ tốn, nhưng nó không hề cố tỏ ra lạnh lùng. Nó không có gì cả. Nó là sự khách quan. Như là một người đứng ngoài quan sát và cố diễn tả lại chính xác, đến chi tiết nhỏ nhất, những gì đang diễn ra, những sự việc đang diễn ra. Người đó, tuyệt nhiên không cho phép xen lẫn cảm xúc của mình vào, không cho phép mình dẫn dắt ai.

Trời, tôi hiểu ra rồi, vì sao như vậy! Tôi hiểu ra rồi.

Chính là như thế, không dẫn dắt, và hoàn toàn trung thực, trọng danh dự.

Chính đó, chính đó là cách tôn trọng nhất lịch sự như nó đã diễn ra. Tôn trọng nó, và nhất quyết không quên lãng nó.

Đúng vậy, bây giờ thì tôi có thể hiểu điều gì đã diễn ra khi tôi đọc sách.

Tôi đã đọc, và tôi đã kinh ngạc khi câu chuyện được kể lại gần như không cảm thán như vậy. Tôi mường tượng ra bộ não của người ta, cứ cho là hình cầu đi, và khi kể chuyện, cậu thiếu niên đã chỉ cho phép mình dùng một phần chóp ngoài nhất của bộ não, chỉ để quan sát và miêu tả: quan sát những cảnh vật xung quanh, không thiếu gì: từ đôi giày đế cứng đã bong dính chặt vào bùn và rồi đã dính chặt vào chân không thể bóc ra, trở thành một phần nhớp nháp của cơ thể; từ cái mùi ngòn ngọt, dính dấp muốn làm trào ngược thức ăn từ các lò thiêu; đến các vết lở loét mục rữa trên cơ thể của người khác và rồi của chính mình.

Và để theo cuốn sách, tôi đã đọc, mỗi dòng, mỗi chữ cùng với một nhịp chậm rãi, từ tốn như vậy, nhưng cũng không quá chậm, nghĩa là tôi cũng cố chỉ dùng cái phần chóp của bộ não để đọc và cảm nhận mà thôi. Tôi đã không dừng lại để nhìn xem mình đang có cảm xúc gì, rằng thực ra mình đang muốn co rúm lại vì thương xót hay kinh hãi.

Rồi một lúc tôi tự hỏi, vì sao tôi phải đày đọa mình thế này, rằng cái việc đọc sách chỉ bằng phần chóp của não thôi sao có thể làm ta căng đến thế này, rời rã đến thế này. Rằng tôi muốn dừng lại, dừng lại để cảm nhận là tôi thấy tất cả khủng khiếp làm sao, đau đớn làm sao. Và khi ấy tôi cảm nhận rằng, cậu thiếu niên ấy, để có thể sống như vậy với phần chóp não của mình thì còn căng và rời rã đến mức nào. Không một dòng nào, từ cái phần còn lại của não được viết ra. Không cảm giác nhớ nhà, không cảm giác phẫn uất, không cảm giác thương đau. Và không một chữ nào về kỷ niệm đẹp và êm ái của nụ hôn đầu tiên trong đời. Và hơn hết, ngay cả cảm giác sung sướng của tự do. Ngày trở về cũng được miêu tả với giọng văn như vậy, như là một bước tiếp theo của các bước đã bước.

Tất cả là một sự thích ứng, chấp nhận, như một lẽ tất nhiên, từng bước, từng bước một.

Những trang cuối: khi cậu trở về. Cậu đã khước từ một phóng viên muốn cùng cậu viết lại phần đời đó của cậu. Cậu đã tranh luận gay gắt với hai ông bác già và ngao ngán vì họ không đáng để mình tranh luận. Cậu đã quá ngỡ ngàng khi người ta nói “cháu hãy quên đi hết những điều khủng khiếp” để bắt đầu một cuộc sống mới.

Không, cậu kiên quyết khước từ tất cả những lời đó.

Bởi vì cậu không thể quên. Không thể quên không phải như cái cách người ta hay nói là muốn quên mà không quên được. Mà đơn giản là vì cậu không quên, không muốn quên. Đó là một phần của đời cậu. Hơn nữa, đó không phải là một cái gì rơi bụp từ trên trời xuống, mà đó là một phần của lịch sử mà cậu đã can dự vào, cậu đã bước đi trong nó, từng bước, từng bước một. Nó là một phần gắn bó không tách rời với đời cậu, đúng hơn, nó là một bộ phận trên cơ - thể - cuộc - đời cậu.

Và cậu tôn trọng quãng thời gian đã sống ấy. Chính vì lẽ đó, cậu đã kể lại nó, chính xác nhất, chân thực nhất, không xen lẫn cảm xúc riêng tư, không dẫn dắt, định hướng một điều gì. Hãy để nó, trần trụi, hiển hiện, dưới ánh sáng ban ngày.

Và hãy đọc đây những dòng cuối cùng, những dòng về Đau khổ và Hạnh phúc, nó chỉ có thể được biết đến nếu nó không bị lãng quên, nhất quyết không được phép quên.

Vì ngay cả ở bên đó, bên cạnh những ống khói lò thiêu, giữa những đau đớn vẫn có một thứ gì đó giống như hạnh phúc. Ai cũng chỉ hỏi về những khổ ải, về “những nỗi kinh hoàng”: trong khi ấn tượng này có lẽ lưu lại đáng nhớ nhất. Đúng, phải nói về điều này, gần nhất tôi sẽ nói cho họ nghe về hạnh phúc của các trại tập trung, nếu sau này họ hỏi.

Nếu như họ hỏi. Và chỉ nếu chính tôi cũng không quên điều đó
”.

Tác giả bài viết: Phan Hà Dương, từ Hà Nội