Dịch giả Vũ Ngọc Cân: DỊCH SÁCH ĐỂ TRI ÂN ĐẤT NƯỚC HUNGARY THÂN YÊU
- Thứ ba - 10/08/2010 10:36
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bản Việt ngữ tác phẩm “Những cậu con trai phố Pál”
“Những cậu con trai phố Pál” (A Pál utcai fiúk) là tác phẩm của nhà văn Molnár Ferenc (1878-1952), ấn hành lần đầu năm 1907. Tại Hungary, đây là cuốn tiểu thuyết thiếu niên được đọc nhiều nhất và được ưa chuộng nhất - sách đã được đưa vào chương trình giảng dạy của học sinh bậc Tiểu học (lớp 5).
Ở nước ngoài, đây cũng là tác phẩm được biết đến nhiều nhất của Hungary: được dịch ra rất nhiều thứ tiếng (trong số đó, có cả Quốc tế ngữ và tiếng Hebrew), “Những cậu con trai phố Pál” còn được đưa vào danh mục sách đọc bắt buộc hoặc tham khảo trong nhà trường (như ở Ý, Ba Lan và Nhật Bản).
Bản dịch Việt ngữ của Vũ Thanh Xuân (bút danh của dịch giả Vũ Ngọc Cân) của cuốn sách được ấn hành lần đầu năm 1984. Năm 2010, trong khuôn khổ những hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hungary, “Những cậu con trai phố Pál” đã được NXB Thanh Niên tái bản.
Mới đây, trong lễ ra mắt CLB Đọc sách cùng con do TS. Giáo dục học, nhà văn, nhà thơ, dịch giả Thụy Anh thành lập, “Những cậu con trai phố Pál” cũng được giới thiệu như một tác phẩm tiêu biểu viết cho giới trẻ và không chỉ giới trẻ, “một ký ức tuổi thơ thật sâu đậm, với những tinh nghịch quá vô tư, với những tư duy trong sáng và mạnh mẽ, với những giọt nước mắt đọng lại thật ấm áp và yêu thương” (chia sẻ của nhà thơ trẻ Nguyễn Hoàng Vân Anh).
Nhân dịp này, NCTG đã có một cuộc trao đổi với TS. Vũ Ngọc Cân, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, giảng viên tiếng Hung, đồng thời là dịch giả của nhiều tác phẩm dịch Hungary như “Cái chết của ông bác sĩ” (Fekete Gyula), “Tình yêu trong xanh” (dịch chung), “Thơ Hungary” (Petőfi Sándor, Vörösmarty Mihály...)...
Dịch giả Vũ Ngọc Cân phát biểu trong phần giới thiệu cuốn sách “Những cậu con trai phố Pál” (Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, Hà Nội, ngày 6-6-2010)
- Được biết “Những cậu con trai phố Pál” là tác phẩm dịch đầu tiên của ông, sau khi ông đã có thời gian giảng dạy ngôn ngữ Hungary. Ông cũng tốt nghiệp Tổng hợp Văn Budapest. Vậy việc dịch sách có đến với ông một cách tự nhiên không?
Việc dịch thuật đến với tôi một cách có ý thức rõ ràng bởi vì tôi học ngành Ngữ văn Hungary. Tôi đến đất nước xinh đẹp này vào mùa thu năm 1967. Sau khi tốt nghiệp Học viện Dự bị Quốc tế Budapest (NEI) với chứng chỉ xuất sắc, là một trong 5 người giỏi tiếng Hung nhất khóa đó nên chúng tôi được Nhà nước thông qua Đại sứ quán ta lựa chọn vào học ngành Ngữ văn Hungary.
Do nhiều lý do khác nhau, cuối cùng chỉ còn hai chúng tôi tốt nghiệp ELTE (Đại học Tổng hợp Budapest). Bạn tôi làm ngoại giao, tôi giảng dạy, nghiên cứu tiếng Hung tại Trường Đại học Ngoại ngữ, nay là Đại học Hà Nội. Tại đây tôi đã tự học thêm về Việt ngữ học, Văn hóa văn minh Việt và Ngôn ngữ học đại cương, và khi không giảng dạy tiếng Hung nữa thì tôi chuyển sang làm việc về những chuyên ngành này.
Sau đó tôi cũng được đào tạo thêm tại Hungary về Ngôn ngữ học ở trình độ sau đại học và bảo vệ xuất sắc luận án PTS (hiện là Tiến sĩ) tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary vào năm 1989. Vậy là tôi càng có lý do để lấy dịch thuật làm lời đáp cho câu hỏi tôi phải làm gì cho đất nước Hungary thân yêu của tôi...
- Xin ông chia sẻ thêm cho độc giả NCTG được biết về những bước đường đầu tiên dẫn ông tới công việc dịch thuật.
Nói là giỏi tiếng Hungary, nhưng thực ra sau một năm học ở NEI trình độ chúng tôi còn kém lắm. Phát âm chưa chuẩn, nói viết có nhiều lỗi ngữ pháp, vốn từ rất nghèo nàn nên khi nghe giảng năm thứ nhất đại học như vịt nghe sấm. Dần dần, thông qua rất nhiều môn học, cùng với sự cố gắng chăm chỉ, sáng tạo ra nhiều phương pháp học, trình độ tiếng Hung lẫn kiến thức mọi mặt - nhất là về văn học nghệ thuật - mới ngày càng được nâng cao.
Có thể nói đến năm thứ ba đại học tôi đã nắm chắc tiếng Hung và bắt đầu hoạt động văn học và ngôn ngữ học. Trước tiên, tôi tập sáng tác thơ bằng tiếng Hung. Chả là tôi có chút ít năng khiếu, lại thấy tiếng Hungary vô cùng thú vị. Một số bài của tôi được giới thiệu trên tờ “Báo đại học” (Egyetemi Lapok) của trường ELTE và cuối năm thứ ba, với bút danh Vũ Thanh Xuân, tôi cùng Trần Tuấn Dũng (bạn học trên tôi một khóa) bắt đầu biên soạn cuốn “Hội thoại Hung - Việt”, năm 1974 được Nhà xuất bản Sách giáo khoa Budapest (Tankönyv Kiadó) ấn hành.
Sau đó tôi cảm thấy người Hungary hầu như chưa hiểu biết mấy về văn học Việt Nam, nhất là về văn học hiện đại, nên với sự giúp đỡ của một số bạn bè Hungary viết văn thơ ở cùng ký túc xá Eötvös gần Quảng trường Tròn (Móricz Zsigmond körtér), tôi bắt đầu dịch một số bài thơ thiếu nhi như của Trần Đăng Khoa, Hoàng Hiếu Nhân…, hoặc thơ người lớn như của Lê Anh Xuân, Nguyễn Duy, Bùi Minh Quốc… cùng các truyện ngắn của Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi…, được đăng trên các báo và tạp chí nổi tiếng như “Cuộc sống và Văn học” (Élet és Irodalom), “Tác phẩm mới” (Újírás), “Đại thế giới” (Nagyvilág)…
Sau này, khi sang lại Hungary bảo vệ luận án phó tiến sĩ, tôi còn cùng với nhà văn, dịch giả quá cố Ördögh Szilveszter (*) - người rất yêu mến đất nước Việt Nam - dịch “Sống mòn” của Nam Cao sang tiếng Hung, nhưng tôi không biết số phận của dịch phẩm này cho đến nay như thế nào?
TS. Vũ Ngọc Cân tại bàn làm việc - Ảnh: Bích Ngọc (NCTG)
- Xin ông cho biết thêm chi tiết về quá trình dịch tác phẩm “Những cậu con trai phố Pál”.
Việc dịch cuốn sách ấy được manh nha cũng từ cuối năm thứ ba đại học. Tôi biết về tác phẩm nổi tiếng thế giới này vào một buổi tối mùa hè năm 1971 khi xem trên tivi bản chuyển thể thành phim truyện. Tôi rất xúc động, thấy nội dung sách thật hay, rất phù hợp với Việt Nam, nên cố tìm mua sách ngay và bắt đầu dịch những trang đầu tiên. Đến cuối năm thứ tư và nửa đầu năm thứ năm thì tôi đã cơ bản dịch xong.
Sau khi về nước vào cuối năm 1973, tôi chưa tìm nhà xuất bản ngay mà còn tìm hiểu chờ đợi. Dạo đó đất nước còn quá khó khăn, việc in ấn tác phẩm văn học, nhất là văn học dịch lại càng khó. Hơn nữa, được phân công về giảng dạy tiếng Hung tại khoa Lưu học sinh Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội từ con số không, tôi lao vào biên soạn chương trình, giáo trình cũng như viết các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ học.
Mãi đên cuối năm 1980 tôi mới nhớ lại bản dịch và tìm đến gõ cửa NXB Kim Đồng. Họ nhận lời ngay, nhưng cũng phải 4 năm sau mới ấn hành với số lượng bản rất lớn là hơn 50.000 bản. Sau một thời gian ngắn, số lượng này hầu như đã tiêu thụ hết. Vào tháng 1 năm nay, NXB Thanh Niên in lại và cũng được độc giả nồng nhiệt đón nhận. Tôi rất hạnh phúc vì tác phẩm dịch đầu tiên của tôi sang tiếng Việt có phản hồi tích cực như thế.
- Những khó khăn ông đã gặp phải khi chuyển ngữ các tác phẩm Hungary, một ngôn ngữ được coi là “khó nhất thế giới”?
Việc dịch thuật nói chung rất khó khăn, nhất là dịch văn học và đặc biệt là dịch thơ. Việc này xảy ra giữa các cặp tiếng gần nhau đã khó, nhưng giữa các cặp tiếng khác nhau về nhiều phương diện như tiếng Hung tiếng Việt lại càng khó hơn.
Tôi đã công bố rộng rãi một bài viết với tư cách một công trình nghiên cứu khoa học nhan đề “Các khó khăn trong dịch và phương hướng khắc phục” trên tạp chí “Ngôn ngữ và Đời sống”. Nói chung có 3 loại khó khăn lớn. Thứ nhất, khó khăn về sự bất đồng ngôn ngữ. Thứ nhì, khó khăn do sự khác biệt về văn hóa và thứ ba, khó khăn về phương thức tư duy của từng dân tộc.
Ta lại có thể phân chia từng loại khó khăn lớn ra các khó khăn nhỏ, chi tiết. Chẳng hạn việc dịch đầu đề, dịch từ, đặc biệt những từ chìa khóa, rồi từng câu… Thí dụ, để có đầu đề cuối cùng “Những cậu con trai phố Pál” tôi đã đắn đo cân nhắc giữa nhiều biến thể: “Những chàng trai phố Pál”, “Các con trai phố Pál”, “Trai phố Pál”, v.v...
Vấn đề là ở hai từ “cậu” và “con trai”. Nếu là chàng trai thì phải ở tuổi thanh niên, tuổi trưởng thành, trong khi đó trai như là sự phân biệt về giới tính, mặc dù “Trai phố Pal” ngắn gọn và súc tích hơn. Từ “cậu” phản ánh được cách xưng hô này ở tuổi dậy thì. Đây cũng là cách xưng hô phổ biến trong tiếng Việt trước năm 1945. Từ “những” với ý nghĩa số nhiều hạn chế sẽ chính xác và hay hơn từ “các”.
Các khó khăn về ngôn ngữ giữa tiếng Hung và tiếng Việt thì nhiều lắm. Chẳng hạn trật tự từ giữa hai thứ tiếng rất khác nhau. Trật tự từ trong câu tiếng Hung rất tự do, động từ vị ngữ làm yếu tố trung tâm, thành phần câu nào đứng trước nó thì có ý nghĩa nhấn mạnh, các thành phần câu khác có thể nói là khá tùy tiện.
Rồi, sự khác biệt về ngôn ngữ cũng thể hiện sự khác biệt về phương thức tư duy. Người Hung có quan niệm tân ngữ xác định và không xác định liên quan đến việc sử dụng cách chia động từ xác định (tức là theo tân ngữ) và không xác định (tức là theo chủ ngữ) mà các thứ tiếng khác theo tôi được biết là không có…
Quần thể tượng “Những cậu con trai phố Pál” của điêu khắc gia Szanyi Péter (Budapest, 2007)
- Cá nhân tôi rất ấn tượng với một số câu... dài dằng dặc trong nguyên bản tiếng Hung. Câu văn đầu tiên của cuốn “Những cậu con trai phố Pál” cũng vậy, dài tới gần nửa trang…
Sở dĩ có hiện tượng câu cú của người Hung rất dài bởi vì phương thức tư duy của người Hung, nhất là của trẻ vị thành niên rất phức tạp, các ý (khái niệm, phán đoán) chồng chéo, đan xen vào nhau. Như trong “Những cậu con trai phố Pál” và nhất là trong “Dạ, thưa thầy” (Tanár úr, kérem!) ta sẽ thấy tỉ lệ các câu dài, các câu phức hợp rất cao.
Trong khi đó, phương thức tư duy của người Việt đơn giản hơn, mạch lạc rõ ràng hơn. Vì vậy khi dịch những câu như thế sang tiếng Việt thì ta phải chia cắt ra thành những câu đơn giản, ngắn hơn thì người Việt - nhất là tuổi vị thành niên - mới hiểu được. Trong các dịch phẩm của tôi, tôi đã xử lý như thế.
- Nhận định của ông về các tác phẩm văn học dịch từ tiếng Hung nói chung, cũng như về giao lưu văn học giữa hai nước nói riêng. Đâu là những điểm yếu, có thể làm tốt hơn?
Về các tác phẩm văn học dịch từ tiếng Hung sang tiếng Việt có thể chia ra làm hai giai đoạn: giai đoạn dịch qua các ngoại ngữ khác và giai đoạn trực dịch từ tiếng Hung. Nhìn qua sự phân kỳ này đã thấy một sự tiến bộ nhảy vọt.
Ngay từ thập niên 50 thế kỷ trước khi hai nước bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao đã có những nhà văn, nhà thơ việt Nam tìm đến các nhà văn nhà thơ Hung để dịch sang tiếng Việt, chủ yếu là thơ, truyện ngắn, thông qua các thứ tiếng Pháp, Nga, Anh. Tất nhiên các tác phẩm được dịch ra thường mang tính ngẫu nhiên, ngẫu hứng và phiến diện.
Tuy nhiên, đến những năm 60, 70 chúng ta đã có một số tuyển tập thơ của Petőfi Sándor, József Attila. Mặc dù phải dịch qua chuyển ngữ (tiếng Pháp là chủ yếu) nhưng đã có những bài dịch rất thành công như của Xuân Diệu, Tố Hữu, Hoàng Trung Thông… Có điều, vì phải dịch nguyên bản qua nhiều ngoại ngữ nên thường mất mát về nội dung, còn hình thức thơ thì khó mà đảm bảo như nguyên tác. Nhiều câu thơ – và ngay cả văn xuôi - dịch sang tiếng Việt rất ngang, đọc không trôi làm mất đi giá trị tư tưởng và nghệ thuật của nguyên tác.
Sang giai đoạn hai - giai đoạn dịch thẳng từ tiếng Hung sang tiếng Việt - những lỗi này về cơ bản đã được khắc phục. Nhận xét chung về giai đoạn này là các dịch phẩm đa dạng phong phú hơn: có thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch nữa. Các tác phẩm dịch đã có hệ thống, có chủ ý, mang tính tiêu biểu đại diện cho văn học Hung từ cổ điển đến hiện đại như “Những ngôi sao Eger” (Egri csillagok), “Bản hùng ca Karpát” (A kárpáti rapszodia), “Nhiếp chính Bang” (Bánk Bán, kịch), “Nàng Ida” (Ida regénye), “Những cậu con trai phố Pál”, “Đứa trẻ mồ côi” (Árváscka), “Những ngọn nến cháy tàn” (A gyertyák csonkig égnek), “Tấm gương cong”, “Ba nhà thơ Hungary”…
Các đề tài cũng rất đa dạng. Đi đầu trong hàng ngũ dịch giả là Lê Xuân Giang, nhưng hiện nay đã hình thành một đội ngũ dịch giả khá hùng hậu như Vũ Ngọc Cân (Vũ Thanh Xuân), Trương Đăng Dung, Nguyễn Võ Lệ Hà, Nguyễn Hồng Nhung, Giáp Văn Chung… NXB Thanh Niên, Văn học cho in nhiều tác phẩm nhất, nhưng các nhà xuất bản khác như NXB Trẻ, Tri Thức… cũng tham gia tích cực vào hoạt động này.
Một vấn đề vô cùng quan trọng sắp tới là phải có được những dịch giả mới từ thế hệ trẻ tiếp theo. Ngoài yêu cầu dịch giả phải thông thạo về ngôn ngữ - thông thạo ngoại ngữ, tiếng mẹ đẻ - còn phải có một vốn kiến thức toàn diện sâu rộng, đòi hỏi người phiên dịch phải luôn luôn tự tu dưỡng, rèn luyện trau dồi.
Hiện nay con em của Việt kiều nói chung, Việt kiều ở Hungary nói riêng có điều kiện học ngoại ngữ tốt hơn chúng tôi trước kia rất nhiều, nhưng họ lại thua kém thế hệ chúng tôi về tiếng Việt, nếu họ muốn làm công việc dịch thuật.
- Vừa là một dịch giả, cũng vừa là nhà nghiên cứu ngôn ngữ Việt - Hung, ông có lời khuyên gì đối với các bạn trẻ muốn học giỏi tiếng Hung (vì lý do học tập, công việc...), cũng như với các bậc phụ huynh, các cháu nhỏ thế hệ thứ 2-3 ở bên này, muốn học tiếng Việt?
Tiếng Hung rất khó - như chúng ta hay nói là khó vào loại nhất thế giới. Nhưng khó không có nghĩa là không học được. Theo tôi vấn đề quan trọng nhất trong việc học ngoại ngữ kể cả tiếng Hung là sự kiên trì và sáng tạo. Dù gì thì học ở môi trường bản ngữ vẫn tốt hơn. Tuy nhiên cần phải có sự hướng dẫn ban đầu như ở NEI và khoa Lưu học sinh Trường Đại học Ngoại ngữ trước kia đã làm.
Việc học tiếng Việt của trẻ em Việt kiều ở Hung hình như không được chú ý lắm. Tôi đã từng là chuyên gia tiếng Việt tại Trung Quốc, dạy các môn chuyên ngành đại học như Tiếng Việt hiện đại, Lịch sử văn học Việt Nam, Văn hóa Việt Nam… Tôi cũng đã dạy tiếng Việt thực hành cho nhiều người nước ngoài, trong đó có cả người Hung và Việt kiều ở Hungary. Có nhiều cháu nửa Việt nửa Hung không biết tiếng Việt đã đành, đằng này cả bố mẹ đều là người Việt mà lại không nói chuyện được với người thân trong nước bằng tiếng Việt thì thật là không thể chấp nhận được!
Trường hợp như thế các cụ nhà ta ngày xưa gọi là “mất gốc” đấy! Vì vậy, các tổ chức và các gia đình Việt kiều ở Hung phải có trách nhiệm gìn giữ, trau dồi ngôn ngữ văn hóa của tiếng mẹ đẻ. Nói cụ thể hơn là phải tổ chức ra trường lớp giảng dạy bằng tiếng Việt hoặc ít nhất cùng phải cho con cháu mình học nắm tiếng Việt ở trình độ giao tiếp được.
Bên giường bệnh của Nemecsek - minh họa trong ấn bản đầu tiên năm 1907 của “Những cậu con trai phố Pál”
Tôi được biết Viện Đông Á thuộc Trường Đại học Tổng hợp ELTE (nơi tôi đã từng học tập) đang có kế hoạch đào tạo tiếng Việt ở trình độ đại học như họ đã và đang làm với tiếng Trung. Hiện tại đã có vài chục người Hung theo học tiếng Việt với tư cách là ngoại ngữ thứ hai. Dự kiến họ sẽ mời tôi sang cộng tác. Tôi đề nghị họ mở rộng việc dạy tiếng Việt tới đối tượng con cháu Việt kiều, nhưng chưa biết việc này có làm được không?
- Xin ông chia sẻ một số dự định dịch của ông trong tương lai gần.
Dự định dịch của tôi thì nhiều lắm nhưng quỹ thời gian thì có hạn. Trước mắt tôi đã dịch và đang chờ in hai cuốn là “Ba nhà thơ vĩ đại của Hungary”, “Dạ, thưa thày” của Karinthy Frrigyes. Một số bản dịch thơ Hungary của tôi sẽ được đăng tải trong tạp chí “Văn học Nước ngoài”, số đặc biệt về văn học Hungary, ấn hành nhân dịp Quốc khánh Hungary 20-8 và kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Tôi cũng đã bắt đầu dịch “Kẻ hèn nhát” (A gyáva) của Sarkadi Imre, cùng “Những bí mật của ngôi chùa Patamcsu” (A Patamcsui kolostor titka), một tiểu thuyết đặc biệt của một cây bút Viêt Nam (anh Trịnh Quang Thắng) viết bằng tiếng Hung. Trong những năm sắp tới tôi sẽ dịch riêng từng tuyển tập thơ của Petőfi Sándor, Ady Endre, József Attila, đặc biệt là tiểu thuyết bằng thơ “Tấn thảm kịch con người” (Az ember tragédiája) của Madách Imre. Ngoài ra tôi cũng dự định dịch một số tác phẩm khác nữa.
Nói trước thế này thật nguy hiểm bởi có thể có nhiều lý do khiến mình không làm được, nhưng đây là mục đích hướng tới của tôi. Tôi luôn tâm niệm sống trên đời phải có mục đích: không có mục đích để phấn đấu, hành động thì cuộc đời còn có ý nghĩa gì?
Ghi chú:
(*) Ördögh Szilveszter (1948-2007) đã dịch một số tác phẩm văn học Việt Nam như “Tắt đèn” (Ngô Tất Tố) và “Chí Phèo” (Nam Cao).