Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Dịch giả Giáp Văn Chung: CẦU NỐI VĂN HỌC HUNGARY - VIỆT NAM

TS. Giáp Văn Chung, một người Việt hiện đang sinh sống tại Budapest, Hungary, mới đây đã được nhận giải thưởng “Pro Cultura Hungarica” (Vì nền văn hóa Hungary) cho những hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa Hungary tại nước ngoài.


Năm nay 58 tuổi, ông Giáp Văn Chung là dịch giả của hơn 10 đầu sách văn học Hungary, trong đó, có những tác phẩm lớn nhất về tệ diệt chủng Do Thái (holocaust) của văn hào Kertész Imre, người Hungary duy nhất được Giải Nobel Văn chương (năm 2002) cho tới nay.

“Pro Cultura Hungarica” là một giải thưởng nhà nước được trao cho các công dân ngoại quốc có những cống hiến lớn trong hoạt động giới thiệu và quảng bá các giá trị của nền văn hóa Hungary, cũng như trong việc củng cố những mối quan hệ văn hóa giữa Hungary và các dân tộc khác trên thế giới.

Từ 20 năm nay, giải được Bộ Văn hóa Hungary (Bộ này, mới đây, được sáp nhập cùng các Bộ Giáo dục, Y tế, Lao động và Xã hội vào một “siêu bộ” mang tên Nguồn lực Quốc gia) trao thường niên cho những văn nghệ sĩ, những nhà hoạt động văn hóa, xã hội mang quốc tịch nước ngoài.

Trong số đó, thuộc giới cầm bút, có một số các nhà văn, nhà báo gốc Hungary nổi tiếng sinh sống ở nước ngoài như Méray Tibor, Határ Győző, Kati Marton... và đặc biệt, văn hào Chinghiz Aitmatov (viết bằng tiếng Nga và tiếng Kyrgyz) rất quen biết với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam.

Giải thưởng cao quý nói trên đã được ông Szőcs Géza, Quốc vụ khanh phụ trách Văn hóa của Bộ Nguồn lực Quốc gia trao tặng dịch giả Giáp Văn Chung trong một buổi lễ được tổ chức trọng thể tại lâu đài Reviczky vào ngày 18-8-2011, nhân dịp Quốc khánh 20-8 của Cộng hòa Hungary.

Ðến với chữ nghĩa từ... “Lịch sử ÐCS Liên Xô”

Giáp Văn Chung chào đời năm 1953 tại Hà Bắc, một miền quê Bắc Bộ. Tuổi thơ của ông, thời bắt đầu đi học, là vào đầu thập niên 60 thế kỷ trước - như lời ông thuật lại, về tinh thần, sách vở thì “thiệt thòi so với các bạn ở thành phố nhiều lắm”, “ở nông thôn nói chung là đói sách để đọc”.

Chẳng có sách để đọc, những thứ đọc đầu tiên là sách giáo khoa cấp I, rồi mấy truyện tranh được thưởng năm lớp 1, lớp 2” - ông hồi tưởng. “Sau này thì vớ được gì đọc nấy, từ... “Lịch sử ĐCS Liên Xô” (năm 8-9 tuổi gì đó), “Thép đã tôi thế đấy” đến Tự lực Văn đoàn, tuy không hiểu được bao nhiêu, nhưng cứ đọc như thể bị thôi miên vây, vớ được quyển nào là chong đèn dầu đọc kỳ hết thì thôi”.

Năm 1970, một biến cố lớn đã đến với Giáp Văn Chung: chàng trai 17 tuổi được cử đi học tại Hungary, thời đó là một quốc gia trong khối XHCN có quan hệ hữu nghị thân thiết với miền Bắc Việt Nam. Sang Hungary, ông theo học ngành Ðầu máy Toa xe, Khoa Giao thông, Ðại học Kỹ thuật Budapest và tốt nghiệp năm 1976.

Trong những năm tháng học tập và sinh sống tại Hungary, Giáp Văn Chung đã nhanh chóng có được thiện cảm và tình yêu với đất nước, con người của xứ sở này. Ðặc biệt, do có năng khiếu về ngôn ngữ nên ông bắt đầu đọc một số tác phẩm văn học Hungary ngay sau khi “học võ vẽ tiếng Hung”.

Tôi bắt đầu đọc thơ Petőfi Sándor, József Attila, Szabó Lőrinc, Váci Mihály... có dịch một số truyện ngắn và thơ rồi bỏ đó thôi”, Giáp Văn Chung nhớ lại sau gần 40 năm. “Hồi nhỏ tôi có thử làm thơ, cũng làm khá nhiều thơ học trò, nhảm nhí, nhưng sau biết là “trời không cho cái lộc thơ” nên thôi”.

Trở về Việt Nam năm 1976, Giáp Văn Chung được phân công giảng dạy tại Ðại học Giao thông Hà Nội. Tuy học và dạy “cái môn khô khan nhất trên đời” (lời ông), nhưng Giáp Văn Chung vẫn say mê văn học: ông đọc rất nhiều, và “cũng dịch một số thơ và truyện ngắn nhưng chẳng biết đưa đi đăng ở đâu”.

Chính những gì đọc được trong khoảng thời gian đầy gian khó đó đã khiến Giáp Văn Chung, tới nay, trở thành một người am hiểu nền văn học Việt Nam cùng các tác gia của nó, và tạo cho ông vốn từ, vốn kiến thức tổng hợp rất phong phú, phục vụ công việc dịch thuật trong những năm tháng sau này.

Thử sức với ngôn ngữ khó bậc nhất thế giới

Năm 1988, Giáp Văn Chung được trở lại Hungary để bảo vệ luận án Tiến sĩ. Cùng gia đình trải qua những biến cố trọng đại của Hungary khi nước này thay đổi thể chế vào năm 1989, ông quyết định chọn mảnh đất này làm quê hương thứ hai và như rất nhiều đồng nghiệp khác, ông buộc phải bỏ công tác khoa học, lấy kinh doanh làm con đường mưu sinh.

Tuy nhiên, trong cảnh bươn trải để kiếm sống, ông vẫn không từ bỏ say mê viết và dịch thuật. Tích cực tham gia sinh hoạt cộng đồng, từng có thời gian giữ cương vị Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hungary, về căn bản, Giáp Văn Chung vẫn là con người của những hoạt động xã hội và văn hóa, văn nghệ.

Thế nên, dù là “dân kỹ thuật”, lại làm công việc kinh doanh, nhưng trong một thời gian dài, Giáp Văn Chung vẫn viết bài, làm thơ và dịch thuật đều đặn, trở thành một trong những cây bút chủ lực của “Quê Hương” và “Nhịp cầu Thế giới”, hai tờ báo văn hóa của cộng đồng Việt Nam tại Hungary.

Bên cạnh đó, tâm niệm rằng cần phải làm một việc gì đó để tri ân - hay nói theo lời ông, trả món nợ tinh thần đối với hai miền đất đã sinh ra và dung nạp mình - Giáp Văn Chung đã chọn con đường dịch thuật văn hóa và văn học từ tiếng Hungary, một ngôn ngữ được coi là đơn lẻ và khó bậc nhất thế giới.

Mở đầu với một cuốn sách đề tài lịch sử và đăng dài kỳ trên báo, sau đó, Giáp Văn Chung thực sự trở thành dịch giả văn học với bản dịch Việt ngữ tác phẩm kinh điển “Những ngọn nến cháy tàn” của văn hào Hungary nổi tiếng Márai Sándor. Ðược ấn hành tại Budapest năm 2007, dịch phẩm này đã được dịch với “một thứ ngôn ngữ trong sáng, thanh thoát và có độ truyền cảm cao”, như nhận xét của nhà văn, dịch giả Thụy Anh.

Vốn tự nhận mình chỉ là “dân ngoại đạo với văn chương”, nhưng được khích lệ bởi bản dịch văn học đầu tay, Giáp Văn Chung đã kiên trì và cần cù, liên tục và thường xuyên cho ra đời những tác phẩm dịch rất quan trọng, rất vang bóng, nhưng cũng vô cùng hóc búa của nền văn học Hungary.

Phải kể đến ở đây các tác phẩm chính của Kertész Imre, nhà văn Hungary được Nobel Văn chương năm 2002, người đã sống sót sau thảm họa “Lò thiêu” Auschwitz và quyết tâm không để tệ diệt chủng phát-xít holocaust vào quên lãng với hai tiểu thuyết chấn động và đầy ám ảnh “Không số phận”“Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời”.

Bên cạnh đó, hàng loạt đầu sách của bậc thày văn xuôi và tản văn Hungary thế kỷ 20 Márai Sándor – các tập “Bốn mùa”, “Trời và đất”, “Casanova ở Bolzano” và “Lời bộc bạch của một công dân” - cũng được Giáp Văn Chung hoàn tất trong thời gian rất ngắn, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây!

Sức làm việc của Giáp Văn Chung thật đáng nể khi bên cạnh các bản dịch văn học, ông còn có dịp chuyển ngữ “Những người Hungary đoạt giải Nobel” (sách giới thiệu một số danh nhân Hungary của tác giả Bödők Zsigmond), cũng như “Thế giới là một cuốn sách mở”, tuyển tập phỏng vấn những nhà văn nổi tiếng thế giới của Lévai Balázs.

Cẩn trọng và có lương tâm

Tác giả Bödők Zsigmond, trong cuốn sách về những người Hungary nổi tiếng đã nhắc tới ở trên, đã đưa ra một lý do mà theo ông, đã ngăn cản Hungary trở thành một cường quốc trong văn học, cũng như nước này đã là một cường quốc trong khoa học thế giới.

Ðó là vì “ngôn ngữ Hungary xa lạ với mọi ngôn ngữ khác, và nó tồn tại trong cảnh đơn lẻ không họ hàng đã một thiên niên kỷ nay bên lề những đại gia đình ngôn ngữ Châu Âu”, do đó, nền văn học nước này cũng “bị kìm hãm trong vòng “tù ngục” của chính ngôn ngữ Hungary”.

Có lẽ đây cũng là nguyên nhân khiến văn học Hungary, dù có nhiều tác gia và tác phẩm rất giá trị, vẫn chưa được biết tới ở mức xứng đáng trên thế giới. Tại Việt Nam, con số các tác phẩm văn học dịch từ tiếng Hungary cũng chưa được nhiều, văn học Hungary ít được biết đến trong nước mặc dù tên tuổi các nhà thơ lớn như Petőfi Sándor, József Attila… không phải quá xa lạ với độc giả Việt.

Ý thức được rằng “tiếng Hung rất khó, hiểu đã khó, dịch càng khó, dịch văn học càng khó hơn”, cho đến nay, Giáp Văn Chung vẫn khiêm tốn, không nhận mình là người giỏi tiếng, thạo tiếng. Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn đối với một dịch giả sống xa quê hương, dịch giả cho hay:

Mình ở Hung thời gian dài, sống trong môi trường ngôn ngữ của họ, hiểu biết đất nước, lịch sử phong tục tập quán văn hóa của họ nên tiếp thu tác phẩm nhanh và dễ hơn. Khó khăn cũng từ đây mà ra: mình sống xa nhà quá lâu, sinh ngữ tiếng Việt không được cập nhật, có thể giọng mình cũ, không mới, không hiện đại như các bạn trẻ”.

Tuy nhiên, đọc các bản dịch của Giáp Văn Chung, có thể thấy ông đã rất dụng công trong lao động nghệ thuật. Không những dịch rất kỹ, rất đầy đủ (chứ không như một số dịch giả có xu hướng bỏ bớt những đoạn, những câu “khó nhằn”), Giáp Văn Chung còn rất cẩn trọng trong từng câu, chữ, như lời ông thổ lộ:

Tôi thường đọc kỹ bản gốc để nắm được tinh thần, thần thái của cả tác phẩm, sau đó khi dịch thì cố gắng chuyển tải các câu, đoạn vừa bám sát nguyên tác, vừa giữ được hơi văn thống nhất của tác giả và tinh thần của cả tác phẩm. Tôi khá thận trọng, câu, từ nào chưa rõ đều hỏi (không giấu dốt) và tra cứu kỹ chứ không làm ẩu.

Tôi cũng cố gắng làm cho bản dịch nhuần nhuyễn, cố gắng tìm một tỷ lệ cân bằng thích hợp giữa văn phong “Tây” của bản gốc và mức độ Việt hóa, dù không phải bao giờ cũng thành công. Dịch là một việc đòi hỏi sự cẩn trọng và kiên nhẫn, tôi luôn tự bảo dịch cũng là học, mình lao tâm khổ tứ, nhưng bù lại mình cũng học được rất nhiều điều bổ ích...”.

Biên tập viên, dịch giả Kiều Vân, người biên tập nhiều bản dịch của Giáp Văn Chung, đã có ý kiến đồng cảm với cách làm việc đây lương tâm ấy và cho hay, “làm việc cùng những người như vậy không chỉ là một niềm vui, mà còn thật vô cùng ích lợi cho sự học hỏi”:

Dịch giả Giáp Văn Chung vốn là một tiến sĩ ngành Giao thông, vì cuộc sống mà rẽ ngang đi làm kinh doanh, rồi vì đam mê mà rẽ sang dịch sách - đặc biệt là dịch sách văn học; ông có sự chăm chỉ, nghiêm túc, chính xác, cẩn trọng, logic sáng rõ và chặt chẽ của người làm khoa học kỹ thuật

Ông thường dậy từ 3, 4 giờ sáng để ngồi dịch, trong quãng thời gian tĩnh lặng nhất, cặm cụi cần mẫn và cẩn thận, say mê đều đặn trong nhiều năm.

Kết quả là những bản dịch có thần thái, từ tốn, trau chuốt, đúng mực, được viết bằng thứ tiếng Việt tự nhiên, chuẩn mực, đúng sắc thái đến tinh tế, khiến người đọc không cảm thấy bóng dáng của người dịch khi đọc sách, mà tin rằng mình đang gặp gỡ chính tác giả trên những trang sách”.

Cầu nối văn hóa Hungary - Việt Nam

Tâm niệm “văn hóa là con đường thích hợp nhất và ngắn nhất để các dân tộc xa cách nhau về địa lý, khác biệt về văn hóa có thể hiểu biết và đồng cảm với nhau hơn”, dịch giả Giáp Văn Chung cũng nhiệt tình tham gia các hoạt động trao đổi văn hóa, văn nghệ giữa Việt Nam và Hungary.

Tháng 8-2008, tạp chí văn học “Nhật ký Hungary” (Magyar Napló) của Hội Nhà văn Hungary ra số đặc biệt về văn học Việt Nam, Giáp Văn Chung đóng góp bản dịch các truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Minh Châu. Số đặc biệt về văn học Hungary của tạp chí “Văn học Nước ngoài” (Hội Nhà văn Việt Nam, tháng 8-2010) cũng đăng tải bài viết về đất nước, con người Hungary và bản dịch một thi phẩm Petőfi Sándor của ông.

Hiện nay, phối hợp cùng Hội Nhà văn Hungary, Giáp Văn Chung đang nỗ lực tuyển chọn và tổ chức dịch thuật để cho ra đời một tuyển tập truyện ngắn đương đại Việt Nam, ấn bản hợp tác giữa Hội Nhà văn hai nước. Ngoài ra, trong tương lai gần, ông dự định giới thiệu thêm một hai tác giả cận, hiện đại và mảng văn học thiếu nhi Hungary, cũng như hoàn tất bản dịch “Nỗi buồn chiến tranh” nếu điều kiện cho phép.

Bận rộn và đạt được những thành công với “nghề tay trái” là dịch thuật, nhưng khi được hỏi về những dự định trong tương lai, Giáp Văn Chung vẫn suy nghĩ một cách dung dị: “Tôi tin ở công việc, cứ làm theo khả năng và lương tâm mình thôi. Đối với văn chương mình là dân ngoại đạo, làm được đến đâu quý đến đó chứ không chịu sức ép nào”.

Có lẽ chính vì quan niệm “vô tư” ấy mà khi thông báo cho bạn bè tin vui về giải thưởng của Nhà nước Hungary, Giáp Văn Chung vẫn giữ được vẻ điềm đạm hàng ngày, ông nhẹ nhàng cho biết chính ông cũng bất ngờ trước vinh dự này, nhưng “dù sao đấy cũng là sự khích lệ lớn đối với mình”.

Một điều chắc chắn, bằng lao động nghệ thuật kiên trì, thầm lặng và không mệt mỏi qua năm tháng, với mong muốn góp phần trở thành nhịp cầu nối cho nền văn học hai nước Hungary và Việt Nam, dịch giả Giáp Văn Chung rất xứng đáng với phần thưởng cao quý này!

(*) Bài viết đã trích đăng trên BBC.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh, từ Budapest