Ðọc sách: ÐỂ KHÔNG CÒN GHÉT LOÀI CÁO…
- Thứ tư - 09/11/2011 12:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Từ bé, qua các câu chuyện cổ, qua các vở kịch, các bộ phim, lời kể của người lớn, loài Cáo luôn là gian ác, khôn ngoan và xảo trá với thiếu nhi. Là con vật xấu xa, là một tên ăn cắp… tất cả các đứa trẻ đều ghét Cáo.
Tôi cũng vậy, cảm giác từ thuở nhỏ ăn sâu vào tiềm thức cho đến bây giờ, khi được cầm trong tay cuốn “Vúc - chú Cáo dũng cảm” (*), bìa có hình nửa trên con Cáo với bộ lông vàng mềm mại, khoảng lông trắng ở ngực và đôi mắt sáng ngước lên. Tôi lưỡng lự, chú Cáo thật đáng yêu… tôi bắt đầu mở trang sách, đặt chân vào khu rừng để thấy một bức tranh sống động của thiên nhiên.
Ðể thấy “khoảng rừng cây bóng dài lê thê và thân cây như bơi trong ánh sáng màu hồng rực”, thấy “đàn ong mật vo ve bay về tổ, cả ngàn tiếng chim hót âm vang khu rừng”. Ðể thấy những con cò, con diệc, con giang, con sếu, đàn vịt trời và cả lũ côn trùng rì rì trong bóng tối… rồi nhân vật của tôi xuất hiện, “…và từ một bụi cây, Coóc (Kag) - nỗi kinh hoàng của cả vùng - lẫm lũi bước ra”.
Dũng cảm, mưu trí, thông minh, gan dạ, là một người chồng, người cha có trách nhiệm với vợ con, Coóc - Cáo bố đã sống thật đẹp suốt ba mươi trang sách đầu. Luôn thương yêu, lo lắng cho vợ con bất chấp mọi hiểm nguy về mình để lo đủ miếng ăn và sự an toàn cho vợ, con trong lúc bị Người da trơn cùng những con chó săn và cái gậy khạc ra lửa săn lùng ráo riết.
Từ chỗ ghét loài Cáo, tôi chuyển sang hồi hộp lo lắng cho mỗi chuyến đi săn của Coóc lúc nào không hay. Tôi cũng cầu mong chó săn và Người da trơn đừng phát hiện ra Coóc, vui mừng hả hê khi Coóc chiến thắng lừa được con Sói để Người da trơn bắt chết, rồi lo lắng vô cùng khi Coóc không thể kiếm được mồi mang về cho Ín (Iny) - Cáo vợ, và tám Cáo con đang chờ trong hang.
Và, mặc dù cũng biết trước, gia đình Coóc sẽ đến lúc bị giết chết hết để từ đây nhân vật chính của cuốn sách, Vúc - chú cáo dũng cảm - xuất hiện, nhưng tôi cũng đã lặng đi khi phường thợ săn giết hết gia đình Coóc và vùi lấp hang Cáo.
Vúc - nhân vật chính của cuốn sách, đã được mẹ Ín tha ra khỏi hang theo lệnh của bố Coóc khi hang bị con người phát hiện rồi tiếp cận cùng chó săn và những chiếc gậy khạc ra lửa. Vúc bé nhỏ đã nằm ở chỗ mẹ Ín đặt như vậy, chờ mẹ, chờ mẹ mà không biết cả gia đình mình đã bị giết chết hết, chỉ còn một Cáo con sống sót nhưng bị phường thợ săn bắt về.
Lúc này, bản năng của Vúc, dòng máu của ông nội Vúc, dòng máu của giống Cáo lừng danh đã trỗi dậy và từ đấy, Vúc thực sự bước vào cuộc sống hoang dã một mình. Vúc sẽ ra sao đây giữa bao hiểm nguy rình rập? Nhưng may mắn cho Vúc, Karak - con Cáo sống độc thân xuất hiện, cưu mang Vúc những ngày bé thơ để rồi dần dần Vúc trưởng thành, thành một con Cáo dũng cảm, mưu trí, thông minh không thua kém gì bố Coóc.
Qua bao nhiêu hiểm nguy, sống chết, tưởng có lúc diệt vong trước sự săn lùng của loài người nhưng kết thúc truyện đã mở ra có hậu khi cho Ín gặp Bark và Vúc gặp Chele (Csele) để thấy rằng nòi giống Cáo lại tiếp tục được duy trì...
Bằng sự hiểu biết sâu sắc về rừng, về các loài vật và đặc biệt là loài Cáo cùng tình yêu thiên nhiên tha thiết , Fekete István đã đưa người đọc đến với thiên nhiên, đến cuộc sống của loài Cáo một cách rõ nét nhất. Những trang viết của ông khiến người đọc được sống cùng với Coóc, hồi hộp dõi theo từng bước trưởng thành của Vúc, lo lắng cho từng hiểm nguy của loài Cáo trước sự truy sát của con người.
Cuốn sách cũng cho chúng ta thấy bức tranh thiên nhiên sống động, cho ta thêm yêu thiên nhiên, yêu các loài động thực vật sống trong rừng và thấy mình cần phải có ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường.
“Vúc - chú Cáo dũng cảm” là dịch phẩm thiếu nhi đầu tay của dịch giả Giáp Văn Chung, sau khi đã chuyển ngữ thành công nhiều tác phẩm lớn của các văn hào hàng đầu Hungary thế kỷ XX (Márai Sándor, Kertész Imre). Ðể có được văn phong nhuần nhị, trong sáng, gần gũi với thiếu nhi, chắc chắn Giáp Văn Chung cũng đã phải dụng công không ít với nguyên bản của tác phẩm.
Tuy nhiên, điều lớn nhất mà tôi có được sau khi đọc bản dịch của ông, vẫn là: chín mươi lăm trang sách gấp lại, tôi đã không còn ghét loài Cáo nữa...
(*) Truyện thiếu nhi của nhà văn Hungary Fekete István, Giáp Văn Chung dịch, NXB Kim Ðồng, Hà Nội 2011.