Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Đêm nhạc thoại “Văn Cao trong tôi” của nhạc sĩ Phạm Duy (3): BA TUYỆT PHẨM CỦA VĂN CAO

Tôi muốn dành phần cuối của chương trình này để nói về ba tuyệt phẩm của Văn Cao: Thiên Thai, Trương Chi và Trường Ca Sông Lô.

Văn Cao, một tượng đài của Âm nhạc Việt Nam

Hãy nói về nhạc tính (caractere musicale) của ba tác phẩm này.

Tuy viết ra một bản hát vừa có tính chất trường ca, vừa có tính chất nhạc cảnh – nghĩa là đã vượt qua hình thức đoản khúc… Thiên Thai có tới 94 khuông nhạc (measures) chan chứa những giai điệu thần tiên và những lời ca thần diệu… nhưng Văn Cao không tả thực trong bài Thiên Thai này! Thiên Thai là một trường ca ấn tượng, impressionist, tạo cảm xúc cho người nghe nhiều hơn là mô tả một câu truyện. Tất cả những hình ảnh chính của câu truyện cổ như hai chàng Lưu Nguyễn, bầy thiên tiên hoặc những cảnh vật như suối hoa đào, chiếc thuyền lan, nước ngọc tuyền, đều được mô tả một cách rất mơ hồ… giống như trong một giấc mộng vậy. Ta biết là có con thuyền chở Lưu Nguyễn tới cõi Thiên Thai, ta biết là có bầy thiên tiên múa hát dâng trái đào thơm… nhưng ta không thấy được họ.

Khi cùng người yêu xây được ngôi nhà bằng cỏ bên suối mơ hay trước bến xuân với hai tình khúc trước thì Văn Cao có thể mời đón chúng bước vào căn nhà bên chiếc cầu soi nước để ngồi nhìn đàn nai đùa trên đống lá vàng tươi hay đứng trước bến sông để nhớ tiếc những ngày tha hương

Nhưng trong Thiên Thai, cõi mơ của Văn Cao, chúng ta không thể nào bước vào cái vườn cấm này được. Ðây là cõi riêng của Người Sông Ngự, cõi riêng của nhạc sĩ Văn Cao.

Thái Hằng và Duy Cường thay mặt Phạm Duy tới thăm Văn Cao

Trương Chi cũng không hiện thực trong tính cách, không mô tả (descriptive), chỉ gây ấn tượng cho chúng ta về tiếng hát hay của anh lái đò, về hạnh phúc của Mỵ Nương mỗi lần nghe tiếng hát…

Ông chỉ dùng Trương Chi để tỏ thái độ của chàng Trương sau khi thất tình, trước khi chết cũng như sau khi chết: Ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta...

Tâm hồn tôi đẹp - vì tôi hát hay - nhưng tôi nghèo và hình hài tôi xấu cho nên người ta không yêu tôi à? Thì tôi vẫn có thể đưa ra một tuyên ngôn, rằng: Người đời có thể khinh ta, quên ta, nhưng ta vẫn còn riêng ta với trái đất này… Ðó là ý nghĩa của bài Trương Chi

Nhưng tới khi soạn Trường Ca Sông Lô thì Văn Cao đã không còn dùng phong cách gây ấn tượng trong tác phẩm nữa. Cuộc sống hiện thực và anh dũng của toàn thể dân tộc đã khiến cho anh ra khỏi chất mơ mộng trong việc mô tảcon người, cảnh vật, sự việc trong một giai đoạn lich sử kháng chiến oai hùng của chúng ta.

Trường Ca Sông Lô mở đầu với đoạn 1 mô tả Sông Lô, là con sông ngàn Việt Bắcbãi dài ngô lau nơi núi rừng âm u, có những ngôi nhà mờ biếc chìm một màu khói Thu... Đó là nơi mà lửa kháng chiến đã làm cháy bờ lau thưa, cháy cả thôn trang. Ai ơi, hãy lặng nhìn màu nước sông Lô xưa mà nhớ tới cảnh cũ người xưa

Sang đoạn 2 ông chuyển cung, chuyển nhịp để kể cho ta nghe chuyện một đoàn người reo mừng trên sóng nước biếc, trở về và thấy trên sông bao nhiêu là đám xác thù. Đó là người dân hân hoan trở về con sông hiền hòa, bát ngát. Dân hân hoan chiến sĩ pháo binh Việt Nam với tiếng trái phá làm quân thù ngập chìm dòng Lô…

Qua đoạn 3, một lần nữa Văn Cao lại chuyển cung, chuyển điệu: Đây dòng Lô, đây dòng Lô… Với đoàn chiến sĩ sông Lô, thân rừng áo sương, đã vút cao lòng căm hờn và làm cho thây giặc nát tan.

Đoạn 4 của trường ca là đoạn mineure chậm rãi, là lời thề trong đêm gió rét, trong đêm chìm chờ đợi ánh chiêu dương.

Đoạn 5 của trường ca là đoạn majeure nhanh nhẹn nói lên niềm vui hát ca của dân buông lưới, của bóng người sầm uất bến Then…

Đoạn cuối là đoạn 6 xưng tụng dòng sông Lô trôi, dòng sông Lô vẫn trôi, mùa xuân tới nước băng qua ngàn, nước in ven bờ xanh ươm bóng tre… dòng sông Lô lướt trôi, lướt trôi, lướt trôi.

Phạm Duy - Văn Cao - hai người bạn tri kỷ trong âm nhạc

Nếu Thiên Thai chỉ nằm trong một giọng Re (mineuremajeure) và Trương Chi chỉ chuyển nhịp, chuyển điệu trong hai giọng Re và Sol… thì Trường Ca Sông Lô có tới SÁU LẦN chuyển âm (modulations) cũng như chuyển tiết tấu (changing rythmes).

Trường Ca Sông Lô là bản hát dài đầu tiên của chúng ta, là một tuyệt phẩm mà những người đi sau Văn Cao (như tôi) đã học hỏi được rất nhiều ở ông để tiếp tục làm giàu cho âm nhạc Việt Nam.

Tôi muốn được công khai tỏ lòng biết ơn thiên tài Văn Cao trong buổi nói chuyện này.

Phòng Trà TÌNH CA, TP HCM, ngày 5 tháng 10, 2007

Tác giả bài viết: Phạm Duy