Đêm nhạc thoại “Văn Cao trong tôi” của nhạc sĩ Phạm Duy (2): CA TỪ TRONG NHỮNG BÀI ĐẦU TIÊN CỦA VĂN CAO
- Thứ ba - 09/10/2007 18:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Cũng có thể họ bị ảnh hưởng của bài thơ này trong sách giáo khoa Lớp Một:
Cứ mỗi độ thu sang
Hoa cúc lại nở vàng
Ngoài vườn hương thơm ngát
Ong bướm bay rộn rang
Em cắp sách tới trường
Nắng tươi rải trên đường
Trời xanh thay áo mới
Đẹp sao lúc thu sang
Văn Cao đã dùng thơ 5 chữ trong một bài hát hướng đạo như Anh Em Khá Cầm Tay:
Anh em khá cầm tay
Mau đến cùng nhau hát
Nơi đây chúng mình ca
Trong gió chiều thật êm
Bao nhiêu gió về đây
Chim chóc về đây hót
A vui sướng làm sao
Ta ngó trời xanh êm
Và sau đó, trong kháng chiến, anh có bài Ngày Mùa:
Ngày mùa vui thôn trang
Lúa không lo giặc về
Khi mùa vàng thôn quê
Ngày mùa vui thôn xóm,
Đầy đồng giáo với gươm
Súng tì tay anh đứng,
Em ngừng liềm trông sang.
Quê Em của Nguyễn Đức Toàn cũng là thơ năm chữ:
Quê em miền trung du
Đồng suôi lúa xanh rờn.
Giặc tràn lên thôn xóm…
Sau này là những bài thơ hay bài hát khác:
Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa Đông Paris
Suốt đời làm chia ly
(Cung Trầm Tưởng (1))
Đưa em về dưới mưa
Nói năng chi cũng thừa
Như u tình đã qua
Thấm linh hồn ma soeur
(Nguyễn Tất Nhiên (2))
Chỉ chừng một năm thôi
Là quên lời trăn trối
Ai nuối thương tình đôi
Chỉ chừng một năm thôi
(Phạm Duy (3))
Thế hệ nhạc sĩ đầu tiên của Tân Nhạc là chúng tôi, nghĩa là Lê Thương, Đặng Thế Phong, Văn Cao, Phạm Duy, v.v… cũng như các thi nhân tiền chiến, vào lúc sắp thoát ra khỏi hay vừa thoát ra khỏi ách thực dân Pháp, nhờ có cuộc Cách Mạng mùa Thu 1945, thì trong sáng tác, chúng tôi đều muốn kêu gọi hay lắng nghe tiếng quê hương đất nước, mùa màng cây cỏ, nghe tiếng mẹ, gọi em, gọi đồng bào ruột thịt, nghe Trời, gọi Phật…
Sau khi Lưu Trọng Lư lắng nghe mùa Thu (Em không nghe mùa Thu, dưới trăng mờ thổn thức), Lê Thương gọi mùa Thu (Thu Trên Đảo Kinh Châu), Thẩm Oánh gọi thuyền (Thuyền ơi hãy ghé vào bờ), Văn Cao gọi suối (Suối ơi, bên rừng Thu vắng (4)), tôi gọi chiều (Chiều ơi, lúc chiều về rợp bóng nương khoai (5))… Mấy chục năm sau, Trịnh Công Sơn vẫn còn gọi nắng (Gọi nắng trên vai em gầy (6)), còn thi sĩ Phạm Thiên Thư thì vẫn nheo nhéo gọi người tình Ẩn Lan (Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu). Và dường như tất cả chúng tôi đều cất cao tiếng gọi Mẹ (Mẹ Việt Nam ơi, chúng con đã về giữ thơm quê Mẹ (7))…
Văn Cao, người "sang trọng như một ông hoàng" trong âm nhạc (lời Trịnh Công Sơn)
Lúc tiến qua những tình khúc dài hơn Thu Cô Liêu, Cung Đàn Xưa như Suối Mơ, Bến Xuân thì ca từ trong nhạc Văn Cao lại khác đi, có khi nặng về thơ 7 chữ, phần nhiều là thơ tự do nhưng đi theo với những câu nhạc. Trong hai bài này, nhạc tính Văn Cao có tính chất mô tả nhiều hơn.
Trong thực tế, cho tới lúc này, chưa có một nhạc sĩ nào có thể mô tả cái đẹp của con suối trong rừng Thu hay mô tả người đẹp trong cảnh bến sông vào lúc Xuân sang. Trong cả hai bài nhạc tình về mùa Thu và mùa Xuân này, bao giờ nét nhạc mineure mở đầu cũng rất là lâng lâng rồi cũng sẽ chuyển qua một nét nhạc majeure ngắn để diễn tả một niềm vui thoáng qua. Hình ảnh người tình trong cả hai bài hát này đều rất là lộng lẫy, cao sang. Tình cảm của cả hai bài nhạc tình đều không dìm con người vào cõi u tối, trái lại làm cho người nghe thấy một chút hạnh phúc. Con suối trong rừng Thu buồn muôn thuở là vì còn lưu luyến hương vị tình yêu của chúng ta:
Suối ơi ôi miền yêu mến
Còn ghi khi bóng ai tìm đến
Đàn ai nắn cung lưu luyến
Suối hát theo đôi chim uyên…
Ðứng trên bến Xuân để nhìn những cánh buồm xa xa và nghe tiếng chim ca như lưu luyến cuộc tình vừa qua của chúng mình:
Sương mênh mông che lấp kín non xanh
Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân
Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha
Lưu luyến tình vừa qua...
Ghi chú (của NCTG):
(1) Bài thơ Chưa Bao Giờ Buồn Thế.
(2) Bài thơ Em Hiền Như Ma Soeur.
(3) Ca khúc Chỉ Chừng Đó Thôi.
(4) Ca khúc Suối Mơ.
(5) Ca khúc Nương Chiều.
(6) Ca khúc Hạ Trắng.
(7) Trường ca Mẹ Việt Nam (Phạm Duy).